Bảy Anh Em Lập Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ
I.ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
Bảy Thánh Lập Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ Là Những Ai?
Tên các ngài là:
1.Bonfilius Menaldi
2.Benedictô Antella.
3.Giêradô Sestegui.
4.Barthôlômêô Amidei.
5.Gioan Manetti
6.Ricôver Lippi
7.Alexis Falconieri.
Bảy thánh này là những thương gia tên tuổi miền Florence. Là những người có thế giá và giàu có nhưng các ngài không muốn, các ngài còn muốn hướng tới một đời sống thánh thiện. Chính vì thế mà các ngài đã họp lại thành một nhóm huynh đệ đặc biệt tôn sùng Đức Trinh Nữ.
Cách thức các ngài trở thành những người lập dòng Tôi Tớ cũng thật đặc biệt. Vào ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, khi bảy anh em đang chìm đắm trong cầu nguyện thì Đức Mẹ đã hiện ra với các ngài. Đức Mẹ gợi hứng cho các ngài từ bỏ thế gian và sống cho riêng mình Thiên Chúa. Sau nhiều năm sống như các ẩn sĩ, các ngài đến gặp đức giám mục và xin đức giám mục ban cho một luật sống để tuân giữ. Vị giám mục khuyến khích các ngài hãy cầu nguyện và xin Đức Mẹ soi sáng hướng dẫn. Rồi một ngày kia Đức Mẹ lại hiện đến với các ngài, mình vận một áo dòng màu đen, bên cạnh là một thiên thần mang theo một cuộn giấy với hàng chữ: “Những Tôi Tớ Đức Mẹ.” Trong thị kiến này, Đức Mẹ nói rằng Đức Mẹ đã chọn các ngài làm tôi tớ của Người. Đức Mẹ xin các ngài mang tu phục màu đen. Và đây chính là bộ tu phục các ngài đã vận từ năm 1240. Các ngài cũng bắt đầu sống cuộc đời tu trì theo luật dòng Thánh Augustinô.
Các ngài đã giúp nhau yêu mến và phục vụ Thiên Chúa. Sáu người trong nhóm được thụ phong linh mục. Tên của sáu vị là: Bôphiliô, Amađêô, Hiuzơ, Sôstơns, Manêtô và Buônagiunta. Vị sáng lập thứ bảy, Alêxis, ở lại làm tu sĩ vĩnh viễn. Với lòng khiêm nhượng, ngài đã không chọn làm linh mục.
Có nhiều anh em đã đến xin gia nhập hiệp hội của các ngài. Các ngài được biết đến dưới danh hiệu “Những Đầy Tớ của Đức Mẹ” hay “Những Người Tôi Tớ.”
Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ được Tòa Thánh Vatican chấp nhận năm 1259. Bảy vị sáng lập thánh thiện này đã được Đức Thánh cha Lêô XIII tôn phong hiển thánh năm 1888.
II.BÀI HỌC
Các thánh của dòng “Những người tôi tớ” đã chọn 4 qui tắc sau đây để sống cuộc đời của mình:
1.Về đời sống:
Cả bảy anh em đều nhất quyết giữ mình độc thân hoặc đời sống khiết tịnh trọn đời, mặc dầu có người chưa lập gia đình, người thì đã thành hôn, người khác lại đã thoát khỏi vướng bận phu thê vì lẽ bạn mình đã chết.
2.Về mặt xã hội:
Trong bảy anh em, người làm thương mại, kẻ trao đổi hàng hoá, người lại làm nghề buôn. Nhưng khi đã tìm được ngọc quý tức là dòng tu, thì không những anh em phân phát tất cả tài sản cho kẻ nghèo, mà còn vui vẻ dâng mình phục vụ Thiên Chúa và Đức Mẹ cách trung thành.
3.Đặc điểm nổi bật là lòng kính mến Đức Mẹ.
Ở Florence bấy giờ có một hội kính Đức Mẹ, thành lập đã từ xưa. Vì hội đã có từ lâu đời nên các thành viên trong hội đã có một đời sống tốt đẹp thánh thiện vượt xa các hội khác và được coi là hội lớn của Đức Mẹ. Bảy anh em trước khi đến sống chung với nhau, đã ở trong hội này, họ tỏ ra yêu mến Đức Mẹ cách đặc biệt.
4.Về đời sống đời sống thiêng liêng
Các ngài hết lòng yêu mến Thiên Chúa với một tình yêu tuyệt đối, tôn vinh và sống theo đúng luật của Chúa trong tư tưởng lời nói và việc làm.
Bảy vị Tôi Tớ của Mẹ, suốt đời đã phụng sự Mẹ và tôn thờ Chúa vì thế các ngài đã được Chúa ban ơn cho các ngài được kết thúc cuộc đời của mình một cách cũng hết sức tốt đẹp: Một vị được chết ngay tại chân bàn thờ khi đang cầu nguyện. Vị Bề trên Cả đầu tiên, thánh Bonfilius Monaldi, khi đang ở nhà nguyện, được chết đang khi nghe thấy tiếng dịu ngọt của Mẹ: “Hỡi con yêu quí, vì con đã trung thành nghe và tuân giữ lời Con của Mẹ. Bây giờ, con hãy lãnh nhận sự sống đời đời và lãnh nhận gấp trăm lần những gì con đã từ bỏ”. Vị Tôi Tớ khác khi chết, mọi người thấy có một khối lửa bốc cao từ giường lên trời. Hai vị khác, sau cuộc hành trình được trao phó, khi trở về, vì tuổi già sức yếu, đã chết cùng một lúc khi gắng gượng trèo lên dốc Núi Sanario lần chót. Vị tu sĩ khiêm hạ sau chót, cũng là tu sĩ duy nhất trong 7 Tôi Tớ, thánh Alexis. Khi thầy Alexis trên 100 tuổi, biết mình gần chết, thầy muốn đọc 100 lần kinh Kính Mừng dâng kính Đức Mẹ. Khi vừa đọc xong kinh thứ 100, thầy liền thấy Chúa Giêsu Hài Đồng hiện ra tay cầm triều thiên hoa hồng đội trên đầu thầy. Thầy liền kêu to cho mọi người biết: “Anh em, hãy quì xuống! Anh em không thấy Chúa sao? Chúa cũng sẽ đội triều thiên hoa cho những ai thành thực sùng kính Đức Nữ Trinh, noi gương trinh trong và khiêm nhượng của Đức Mẹ…” và thầy lên trời hưởng phúc muôn đời.
Mỗi người chúng hãy biết noi gương các thánh tôi tớ của Đức Mẹ và hết òng noi gương các ngài luôn chạy đến với Đức Mẹ để tỏ lòng tôn kính và mến yêu Người chắc chắn Người sẽ cứu giúp chúng ta.
Ngày kia, thánh Gioan Bosco rao giảng về vinh quang của Đức Mẹ Maria tại nhà thờ chính tòa Tôrinô.
Đang giảng, ngài bỗng dừng lại thinh lặng một hồi lâu rồi đặt câu hỏi với bổn đạo: “Ai trong anh chị em có thể nói cho tôi biết Đức Mẹ là ai?”
Có người thưa ngay: “Thưa Cha, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa”.
Thánh Gioan Bosco gật đầu, nói tiếp: “Đúng thế, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng nói thế vẫn chưa đủ. Tôi muốn anh chị em kể hết những tước hiệu của Đức Mẹ Maria.”
Liền sau đó, bổn đạo thi nhau kể ra tất cả những tất cả những tước hiệu của Đức Mẹ: Đức Mẹ là cửa Thiên Đàng, Đức Mẹ là Đấng an ủi những kẻ có tội, Đức Mẹ là Đấng phù trợ các tín hữu, Đức Mẹ là Đấng cứu chữa kẻ bệnh tật, v.v…
Sau khi nghe kể hết những tước hiệu mà người ta dâng kính lên Đức Mẹ Maria, thánh Gioan Bosco mỉm cười nói tiếp: “Đức Mẹ Maria có tất cả những tước hiệu mà anh chị em vừa kể ra, nhưng vẫn chưa hết. Tôi muốn nói thêm về Đức Maria.”
Chờ mãi vẫn không thấy có câu trả lời nào, thánh nhân liền nói: “Tôi xin được nói với anh chị em về Đức Mẹ Maria là ai: Ngài là Mẹ chúng ta. Phải, Ngài là Mẹ chúng ta. Đó là điều đáng nói nhất về Mẹ Maria. Trên trần gian này, không ai có thể gần gũi thiết thân với chúng ta cho bằng mẹ chúng ta, không ai yêu thương chúng ta hơn mẹ chúng ta. Cũng thế, trên Thiên Đàng, không có vị thánh nào yêu thương chúng ta và sẵn sàng lắng nghe chúng ta cho bằng Đức Mẹ Maria là Mẹ chúng ta.”