I. LỊCH SỬ KHAI SINH GIÁO PHẬN

       Đà Lạt nằm trên miền cao nguyên Nam Trung Bộ, “Đại Nam Nhất Thống Chí” in năm 1834 trong bản đồ do Phan Huy Chú vẽ có sông Dã Dương “không sâu mà rộng, có nhiều cá sấu” mà thượng nguồn khởi phát từ Lang-Biang đổ về sông Đồng Nai, đây là vùng đất của người bộ tộc Lạch, từ đó vùng đất mang tên “Đà Lạt”, có nghĩa “ở hồ nước mà giòng suối nhỏ của bộ tộc Lạch chảy qua”.

       Đà Lạt được biết đến và bắt đầu phát triển thành nơi nghỉ mát và dưỡng sức do điều kiện khí hậu mát mẻ ở độ cao 1500m kể từ khi đoàn thám hiểm của Bác Sỹ Alexandre Yersin đặt chân lên vùng đất này vào ngày 21.06.1893. Trong đoàn thám hiểm có cha Robert, linh mục hội thừa sai Paris. “Người con gái sơn cước trở thành nữ điều dưỡng viên xinh đẹp Đông Dương” (Trương Phúc Ân “Đà Lạt 100 năm” trang 41)

       Cho đến cuối thế kỷ 19, dân cư trong vùng chỉ là một số buôn người thiểu số gồm nhiều bộ lạc nhưng dùng chung hai ngôn ngữ chính là Churu và Kơho. Và chỉ từ năm 1899 khi thành phố được toàn quyền Paul Doumer cho xây dựng, mới bắt đầu có người Pháp và ít người Việt giúp việc họ đến định cư.

       Năm 1907, do nhu cầu mục vụ, cả vùng đất Bình Thuận và Lâm Đồng, Đà Lạt còn thuộc chung Giáo Hạt Phan Thiết, được sáp nhập vào miền Nam Kỳ Lục Tỉnh, thuộc Giáo Phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn 1924).

       Năm 1918, cha Nicolas Couvreur, kế nhiệm cha Robert, đã thiết lập cơ sở “Dưỡng viện giáo đồ, Sanatorium Presbytère” nay là một phần Nhà Xứ Chánh Tòa Đà Lạt. Vào thời gian này, Đức Cha Lucien Mossard (Đức Thầy Mão, Giám Quản Tông Tòa tại Sài-gòn (1898-1920), đã đặt chân lên Đà Lạt, chính Ngài là người đã khai sáng con đường truyền giáo ở phần đất này.

       Nhưng Đức Cha Quinton, Giám Quản Tông Tòa kế nhiệm Đức Cha Mossard mới là người thiết lập giáo xứ Đà Lạt.

       Ngày 24.01.1927, Đức Cha Isidore Dumortier, Giám Quản Tông Tòa Sai Gòn thiết lập giáo xứ thứ 2 cho vùng cao nguyên : giáo xứ Djiring và đặt cha Jean Cassaigne là cha xứ tiên khởi với nhiệm vụ đặc biệt truyền giáo cho người bản địa.

       Cùng thời điểm này, một đợt người công giáo từ các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi được mộ vào làm sở trà Cầu Đất và hình thành họ đạo năm 1936. Và một nhóm giáo dân nghèo từ miền trung châu Bắc Việt được cha Vacquier vận động di; vào lập nghiệp ở Bắc Hội và Đơn Dương. Một sệ từ Phan Thiết lên lập nghiệp ở B’lao (1930) Phú Sơn (1934) Hà Đông và An Bình (1937- 1938) Domaine de Marie (1940) – Lạc Vang – Vinh Sơn (thập niên 1950).

       Với Hiệp Định Genève, một làn sóng di dân từ Bắc vào Nam đã hình thành nhiều giáo xứ của người di dân dọc theo Quốc Lộ 20, 27…

       Song song với việc hình thành các xứ đạo người Kinh, việc truyền giáo cho người thiểu số cũng được các vị chủ chăn quan tâm và thiết lập nhiều trung tâm và địa điểm truyền giáo Thượng.

       Ngày 24.11.1960 theo sắc chỉ Venerabilium Nostrorum của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan 23, Tòa Thánh thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, gồm 3 Tòa Tổng Giám Mục và 17 tòa Giám Mục. Cũng cùng trong sắc chĩ ấy, Giáo Phận Sài Gòn được chia thành 3 giáo phận : Sài Gòn, Đà Lạt và Mỹ Tho (Sắc chi VENERABILIUM  NOSTRORUM ngày 24.11.1960 được công bố tại Việt Nam ngày 08.12.1960 và đăng trong Acta Apostolicae Sedis năm 1961, số 7 ra ngày 01.07.1961 trang 346-350).

       Ngày 27.11.1960 theo sắc chỉ Quod Venerabiles Fratres Chân Phước Giáo Hoàng Gioan 23, Tòa Thánh thiết lập hai địa phận mới Mỹ Tho và Đà Lạt và ấn định ranh giới địa phận Sài Gòn và Kon Turn (Sắc chỉ QUOD VENERABILES FRATRES ngày 27.11.1960 được đăng trong Acta Apostolicae Sedis năm 1961, số 9 ra ngày 12.08.1961 trang 474-476).

       Giáo Phận Đà Lạt gồm Thị xã Đà Lạt, và 3 tỉnh : Tuyên Đức, Lâm Đồng, Phước Long tách ra từ Giáo Phận Sài Gòn và tỉnh Quảng Đức tách ra từ giáo phận Kon Tum. Giáo phận mới được trao cho Đức Cha Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền, nguyên Giám Quản Tông Tòa Sài Gòn (1955-1960), với 81 linh mục Triều và Dòng coi sóc 77.324 giáo dân trên tổng số dân là 254.669 người, trong đó có 1.547 giáo dân trên tổng số gần 100.000 người dân tộc thiểu số trong toàn giáo phận. Đà Lạt được chọn là trung ương giáo phận, và nhà thờ thành phố làm nhà thờ Chánh Tòa tước hiệu Nicolas Bari.

II. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

       Nhận định về giáo phận mới được trao phó cho mình, Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền đã viết trong thư chung từ giã Giáo Phận Sài Gòn : “Địa phận Đà Lạt là một phần tử Địa phận cũ Sàigòn, gồm các tỉnh sơn cước : Đà Lạt, Tuyên Đức, Lâm Đồng, Phước Long, và thêm tỉnh Quảng Đức tách khỏi tỉnh Banmêthuột thuộc Địa phận Kontum. Dân cư phần đông là đồng bào di cư Trung, Bắc và người Thượng, thuộc nhiều bộ lạc. Giáo dân độ 45 ngàn với một số linh mục rất ít. Việc truyền giáo rất gay go, nhất là nơi đồng bào Thượng : đường giao thông hiếm hoi, bề tài chính rất eo hẹp. Đặt tin tưởng vào lòng hiền phụ Thiên Chúa, công nghiệp vô cùng của bửu huyết Chúa Giêsu, lòng từ mẫu Mẹ Maria, với sự ủng hộ trợ giúp của anh em thân hữu ân nhân, tôi hy vọng miền sơn cước này sẽ trở nên một vườn hoa xinh đẹp, cống hiến Thiên Triều và Giáo Hội những bó hoa tươi tốt, chẳng kém những bồn hoa sum se đã được trồng trọt vun quén thâm niên.”

       Đức Cha đã chọn ngày 06.04.1961 là ngày cử hành lễ nhận địa phận. Tòa Giám Mục tạm thời được đặt tại số 3 đường Phạm Phú Thứ, và phải sau hơn 1 năm mới mua được địa điểm hiện nay (số 9 Nguyễn Thái Học) làm Tòa Giám Mục chính thức.

       Ngày 22.6.1967, hai tỉnh Phước Long và Quảng Đức được tách khỏi Giáo phận Đà Lạt để sát nhập vào Giáo phận mới Ban Mê Thuột.

       Ngày 05.09.1973, Đức Cha qua đời và được an nghỉ tại Nhà Thờ Chánh Tòa ngày 10.09.1973.

       13 năm coi sóc địa phận, Ngài rất quan tâm đến việc đào tạo linh mục tương lai cho Giáo Phận : xây Tiểu Chủng Viện Simon Hòa và Cư xá Đại Chủng Viện Minh Hòa. Ngài gởi các chủng sinh đi du học, và cho các Đại chủng sinh theo học tại Viện Đại Học Đà Lạt… Ngài cũng đặc biệt quan tâm đến việc truyền giáo nơi các sắc tộc bản địa cho nên vào đầu năm 1970 đã có tới 52 địa điểm truyền giáo Thượng, trong đó có 12 trung tâm lớn, có linh mục trực tiếp điều hành, với sự tham gia của 8 linh mục thừa sai Paris, 7 cha Dòng Chúa Chứu Thế, 2 cha Lazaristes, 6 cha giáo phận, các thầy giảng, và các nữ trợ tá kinh lẫn dân tộc và nhiều nữ tu thuộc nhiều hội dòng.

       Ngài cũng là một Vị Giám Mục viết nhiều thư chung cho Giáo Phận, năng thăm viếng và giáo huấn các chủng viện, các dòng tu. Một trong những đề tài giáo huấn của Ngài là giải thích kinh NGHĨA ĐỨC TIN.

       Do điều kiện khí hậu tốt lành, và là một trung tâm văn hóa lớn, Đức Cha cũng tiếp nhận trong Giáo Phận sự hiện diện của các chủng viện Kon Tum, Nha Trang, 14 dòng tu nam và 16 dòng tu nữ.

       Trong thời gian cai quản Giáo Phận, Đức Cha Simon Hòa cũng là một trong các Nghị Phụ của Công Đồng chung Vaticanô 2, và Ngài chính là người đã đóng góp theo cách nhìn của một Nghị Phụ Á Đông nhìn Giáo Hội như là Gia Đình của Thiên Chúa, và đóng góp ấy đã được đưa vào Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh.

       Sau tang lễ Đức Cha Simon Hòa, Tòa Thánh bổ nhiệm Cha bề Trên Địa Phận Phaolô Nguyễn Văn Đậu làm Nhiếp Chính Giáo Phận (Giám Quản theo ngôn từ ngày nay).

       Vị Giám Mục thứ hai của Giáo Phận Đà Lạt là Đức Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, được Tòa Thánh bổ nhiệm ngày 30.01.1975 khi đang là Giám Đốc Đại Chủng Viện Xuân Bích Huế. Ngài thụ phong Giám Mục ngày 17.03.1975 tại Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn. Ngày 19.03.1975 lễ nhận Giáo Phận được tổ chức tại khuôn viên nhà thờ Chánh Tòa.

       Nhận Giáo Phận trong dối cảnh đặc biệt của đất nước, những năm đầu tiên trong chức vụ Giám Mục, Ngài quan tâm để củng cố nếp sống phụng vụ và phục vụ của hàng linh mục trong tinh thần yêu thương và hiệp nhất. Ngài tha thiết với công việc giáo dục dân Chúa bằng và qua các cử hành Phụng Vụ, cách riêng phụng vụ Thánh Thể. Vì thế hầu hết đề tài giảng tĩnh tâm hằng năm cho hàng linh mục đều xoay quanh việc đào sâu ý nghĩa và cách thức thi hành sứ vụ Tiên Tri và Tư Tế của người linh mục. Từ đó dẫn tới đổi mới bản thân, cộng đoàn và trở thành men xây dựng xã hội trong ánh sáng Tin Mừng.

       Và khi đất nước đổi mới, Đức Cha Bartôlômêô cũng quan tâm để Giáo Phận có những điều kiện phục vụ tốt hơn: Ngài đã cho mở rộng Tòa Giám Mục để đáp ứng những sinh hoạt tĩnh tâm và học hỏi cho linh mục, tu sĩ và giáo dân trong và ngoài giáo phận. Cho và giúp đỡ sửa chữa hay nâng cấp một số nhà thờ trong Giáo Phận. Nhưng Ngài quan tâm nhiều hơn đến các trung tâm truyền giáo và mở thêm nhiều điểm truyền giáo mới.

       Ngày 19.10.1991 Tòa Thánh bổ nhiệm Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Đại Diện Giáo Phận, làm Giám Mục Phó Giáo Phận Đà Lạt với quyền kế vị. Lễ Tấn Phong Giám Mục được cử hành ngày 03.12.1991 hết sức long trọng.

       Như một tổng kết 19 năm coi sóc Giáo Phận Đà Lạt, năm 1994 Đức Cha đã gởi về Tòa Thánh báo cáo như sau :

– 151.146 giáo dân trong tổng số dân 650.000.

– 80 linh mục triều

– 41 linh mục dòng

– 503 Tu Sĩ nam nữ

– 443 giáo lý viên

– 64 giáo xứ

– 90 nhà thờ.

       Ngày 23.03.1994 Ngài nhận quyết định của Tòa Thánh thuyên chuyển Ngài ra làm Giám Mục Chánh Tòa Thanh Hóa. Ngài đã từ giã Đà Lạt và ngày 24.06.1994 Ngài nhận Giáo Phận Thanh Hóa.

       Nhận định về thời gian Đức Cha Bartôlômêô coi sóc Giáo Phận Đà Lạt, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã nói trong bài giảng Lễ Tang cho Người: “Chúng tôi cảm nghiệm được cái tâm tình của một người Cha, một tâm tình gắn bó với Hội Thánh, yêu thương Hội Thánh…”. Đó cũng là nếp sông phản ảnh khẩu hiệu Giám Mục của Ngài “Veritas in Caritate ”.

       Và mặc dù cùng ngày 23.03.1994 Đức Cha Phêrô Nguyên Văn Nhơn nhận quyết định của Tòa Thánh làm Giám Mục Chánh Tòa Đà Lạt, nhưng ngày 24.06.1994 Ngài mới chính thức tiếp nhận Giáo Phận.

       Trong ngày thụ phong Giám Mục, Ngài đã nói lên 3 thao thức : “Tôi cũng có một lưu tâm đặc biệt – đó là trở nên một Giám Mục phục vụ cho đồng bào Dân Tộc là một thành phần rất lớn trong Giáo Phận Đà Lạt. Thứ đến là đông bào các vùng kinh tế mới và cuôi cùng là giới trẻ là giới tôi đã có dịp tiêp xúc và phục vụ.”

       Có thể lấy số liệu 2008 của Giáo Phận để có một cái nhìn về 15 năm qua coi sóc Giáo Phận của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn. Hiện nay, Giáo Phận Đà Lạt có 5 giáo hạt, gồm 76 giáo xứ, 18 giáo sở, 20 giáo điểm với 327.769 giáo dân (Kinh 221.538, Dân tộc 106.231), trên tổng số dân trong tỉnh là 1.223.105 người (số liệu 2005) trong đó người Dân tộc khoảng 250.000. Có 107 linh mục triều (trong đó có 2 linh mục Koho) và 80 linh mục dòng (1 linh mục Kơho và 1 linh mục Churu) – 896 tu sĩ nam nữ.

       Cách riêng trong thời gian qua, với sự chấp thuận của Tòa Thánh Ngài đã ký công bố Hiến Pháp Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, và tu hội Tận Hiến, ban văn thư thiết lập 2 Hiệp Hội Tông Đồ giáo dân : Gia đình chứng nhân và Nữ Tỳ Chúa Thánh Thần.

       Một trong những ưu tư của vị chủ chăn đương nhiệm là anh chị em dân tộc. Chính vì thế, Ngài đã quyết định cho xây dựng và cung hiến nhiều nhà thờ nơi đồng bào dân tộc thiểu sô’ trong Giáo Phận: Nhà thờ B’Đơ, Nhà thờ B’sumrac, Nhà thờ Madagoui, Nhà thờ K’Long, Nhà thờ LangBiang mới; thiết lập nhà truyền thống khang trang trưng bày các vật thể người dân tộc thiểu số trong Tòa Giám Mục; bảo trợ cho các công trình dịch thuật và nghiên cứu kinh lễ, văn hóa của người dân tộc thiểu số và chỉ định 1/3 số linh mục giáo phận làm việc trong khối mục vụ cho người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Ngài cũng đã thành lập 5 quỹ từ các nguồn trong và ngoài giáo phận để giúp đỡ người nghèo không phân biệt tôn giáo trong giáo phận.

       Nhưng phải nói điều Ngài quan tâm hơn cả chính là xây dựng hàng ngũ linh mục Giáo Phận, qua nỗ lực khởi sự và duy trì suốt 15 năm các khóa thường huấn cho anh em linh mục mà Ngài vẫn coi đó không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ. Đồng thời Ngài cũng tăng cường gởi các linh mục đi du học. Đức Cha khuyến khích anh em linh mục làm việc tập thể trong các nhóm. Ngài đã cho xây dựng NHÀ NGHỈ DƯỠNG LINH MỤC GIÁO PHẬN, xây lại và thêm tầng Tòa Giám Mục để đáp ứng nhu cầu tăng số của linh mục trong Giáo Phận. Chính những công việc cụ thể ấy khiến HĐGMVN chỉ định Ngài làm Chủ Tịch UBTG của HĐGM nhiều khóa. Và hiện nay làm Chủ Tịch HĐGMVN.

       Lúc Giáo phận được thành lập (27.11.1960), có 81 linh mục triều và dòng, 77.324 giáo dân, và dân số toàn Giáo phận (gồm 4 tỉnh Tuyên Đức, Lâm Đồng, Phước Long và Quảng Đức) là 254.669 người.

       Khi hai tỉnh Phước Long và Quảng Đức được tách khỏi Giáo phận Đà Lạt (22.6.1967) để sát nhập vào Giáo Phận mới Ban Mê Thuột, thì Giáo Phận Đà Lạt chỉ còn 59.710 giáo dân và 55 linh mục trong 33 giáo xứ.

       Năm 1991, số linh mục triều và dòng là 104, số tu sĩ nam nữ trên 700, số giáo dân khoảng 150.000, với 64 giáo xứ giáo sở.

       Hiện nay (2023), Giáo Phận Đà Lạt có 7 giáo hạt với 129 giáo xứ, 69 giáo họ, 24 giáo điểm với có 416.194 giáo dân (252.055 Kinh – 164.139 Thượng), trên tổng số dân trong tỉnh là 1.543.000 người (số liệu 2023), có 192 linh mục triều và 218 linh mục dòng- 1.800 tu sĩ nam nữ khấn trọn và khấn tạm. Hiện diện trong Giáo phận hiện có 75 dòng tu, tu hội, hiệp hội (21 nam và 54 nữ) với 216 cộng đoàn trong đó có 3 dòng tu, tu hội thuộc giáo phận Đà Lạt là: Dòng MTG Đà Lạt, Tận Hiến ICM Nam, Tận hiến ICM nữ và 3 hiệp hội nữ là: Chứng Nhân Đức Tin; Chứng Nhân Chúa Kitô, Nữ Tỳ Chúa Thánh Thần.

Các Ðức Cha đã và đang cai quản Giáo phận

Ðức Cha cố Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền 
Giám mục tiên khởi

Sinh năm 1906 tại Quảng Trị
Thụ phong Giám mục năm 1955
Ðại diện Tông Tòa cai quản Giáo phận Sài Gòn năm 1955
Giám mục Chính Tòa Ðà Lạt năm 1960
Qua đời năm 1973
(Xem Thêm)

Ðức Cha cố Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm


Sinh năm 1929 tại Thanh Hoá
Thụ phong Giám mục năm 1975
Giám mục Chính Toà Đà Lạt ngày 19.03.1975
Bổ nhiệm Giám mục Giáo phận Thanh Hoá 23.03.1994
Nhận Giáo Phận Thanh Hóa ngày 24.06.1994
(Xem Thêm)

Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

Sinh ngày 01.04.1938 tại Ðà Lạt
Thụ phong linh mục tại Ðà Lạt ngày 21.12.1967
Ðược bổ nhiệm Giám mục phó ngày 19.10.1991
Thụ phong Giám mục tại Ðà Lạt ngày 03.12.1991
Giám mục chính tòa Ðà Lạt từ ngày 23.03.1994
(Xem Thêm)

Ðức Cha Antôn Vũ Huy Chương


Sinh ngày 04.09.1944 tại Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội)
Thụ phong linh mục tại Cần Thơ ngày 18.12.1971
Thụ phong Giám Mục giáo phận Hưng Hoá ngày 05.08.2003
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa Ðà Lạt từ ngày 01.03.2011
(Xem Thêm)

Ðức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh
Giám Mục Giáo Phận

Sinh ngày 12.08.1955 tại Cần Thơ
Thụ phong linh mục tại Đà Lạt ngày 29.05.1994
Ðược bổ nhiệm Giám mục phó ngày 08.04.2017
Thụ phong Giám mục tại Đà Lạt ngày 31.05.2017
Giám mục chính tòa Ðà Lạt từ ngày 14.09.2019
(Xem Thêm)

Ranh Giới Giáo Phận

Giáo phận Ðà Lạt nằm gọn trong tỉnh Lâm Ðồng, bao gồm Thành phố Ðà Lạt, Thành phố Bảo Lộc, và 10 huyện : Lạc Dương, Ðơn Dương, Ðức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Ðạ Huoai, Ðạ Tẻh, Cát Tiên, Đam Rông.

Dân chúng đa số làm nông nghiệp : trồng rau, trồng trà, cà phê, dâu tằm … Gần thành phố Ðà Lạt có núi LangBiang, là ngọn núi cao nhất vùng. (2.163m) Trong Giáo phận, ngoài dân tộc Kinh, còn có hai sắc tộc chính là K’Ho và Churu.