Truyền Giáo - Bác Ái Xã Hội

1. Hoạt động mục vụ: Hoạt động mục vụ tại Giáo phận có định hướng chung là xây dựng Hội Thánh địa phương thành một cộng đoàn đức tin, một cộng đoàn phụng tự, một cộng đoàn bác ái, nhằm trở nên một cộng đoàn loan báo Tin Mừng. Giáo phận cũng bám sát các định hướng của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong các thư mục vụ hằng năm.

2. Truyền giáo: Giáo phận Đà Lạt đặt nặng vấn đề truyền giáo cho anh chị em người dân tộc bản địa với một định hướng chung nhằm: củng cố đời sống đức tin qua việc củng cố việc dậy giáo lý; duy trì các kinh đọc đa dạng theo sắc tộc, nhưng hiệp nhất trong ngôn ngữ cử hành phụng vụ Thánh Thể; xây dựng tình bác ái liên kết giữa các giáo xứ Kinh và các giáo xứ, giáo họ Dân Tộc; thúc đẩy việc truyền giáo với việc phát huy bản sắc văn hóa và nâng cao đời sống.

3. Về bác ái xã hội:
– Nhà Dưỡng Lão Lộc Phát:
Địa chỉ: 4, Lê Lợi, Thanh Hương II, Lộc Thanh, Bảo Lộc, Lâm Đồng. Trước 1975 do Linh Mục Phạm Ngọc Lan sáng lập, sau năm 1975 trực thuộc chính quyền địa phương. Phải tới ngày 28.02.2004, chính quyền mới trao lại cho các nữ tu thuộc Tu Hội Nhập Thể Tận Hiến Truyền Giáo tổ chức điều hành. Nhà Dưỡng Lão đón nhận các cụ bà nghèo khổ neo đơn không nơi nương tựa, không phân biệt tôn giáo, trong và ngoài tỉnh. Các cụ được đón nhận và săn sóc hoàn toàn nhờ sự giúp đỡ tinh thần và vật chất của các ân nhân. Các cụ đến và ở lại đây như là gia đình thứ hai của mình, đói no vui buồn cùng nhau chia sẻ. Nơi đây các cụ được yên ủi và an tâm sống những ngày cuối đời. Bên cạnh Nhà Dưỡng lão còn có phòng chữa bệnh miễn phí bằng phương pháp Vật Lý Trị Liệu, vừa phục vụ các cụ, vừa phục vụ bà con trong vùng. Hiện nay Nhà Dưỡng Lão đang chăm sóc 14 cụ bà đã ngoài 70 tuổi, trong đó có 2 cụ bị liệt.

– Cơ sở bảo trợ người tâm thần Trọng Đức:
Xuất phát từ lòng nhiệt thành và tình thương đặc biệt dành cho những người bị tâm thần, hai gia đình giáo dân Giáo xứ Thanh Bình, Đức Trọng, đã bắt đầu công việc nuôi những người tâm thần từ năm 2005. Sau nhiều cố gắng bước đầu, tháng 10 năm 2006, cơ sở của hai gia đình đã được chính quyền chính thức công nhận và trở thành cơ sở bảo trợ xã hội bệnh tâm thần Trọng Đức. Ban đầu vài ba người Dân tộc tâm thần được đưa về nuôi dưỡng, rồi sau một thời gian họ bớt bệnh và được đưa trở lại buôn làng. Tiếng đồn về cơ sở ngày càng đi xa, hàng chục người bệnh khác từ nhiều nơi được gia đình đưa đến cơ sở nhờ chăm sóc. Hai gia đình giáo dân này đã hy sinh san ủi rẫy cà phê của gia đình để xây dựng thêm nhà, mở rộng cơ sở để có thể đón nhận người bệnh khắp nơi. Cách chữa trị và chăm sóc nơi đây chủ yếu bằng tình thương, sự phục vụ và cầu nguyện. Những bệnh nhân được sinh hoạt tự do, chơi thể thao, đánh cầu, chơi cờ tướng… Giờ cầu nguyện hàng ngày cũng là một nét độc đáo : mỗi ngày có 4 lần cầu nguyện. Dường như sau những giờ kinh, những người tâm thần trở nên hiền lành hơn, tinh khôn hơn. Chương trình lao động hàng ngày như lấy củi, làm cỏ vườn cà phê… cũng giúp cho những người ở đây sống gần gũi hơn với thiên nhiên, giúp họ quen dần với cuộc sống thường nhật. Hiện tại cơ sở được tách ra thành 2 khu nam nữ riêng biệt và đang nuôi dưỡng gần 250 bệnh nhân tâm thần. Sau một thời gian điều trị, nhiều bệnh nhân đã phục hồi và trở về với gia đình. Nhiều người khỏi bệnh đã tự nguyện ở lại phục vụ những người bị bệnh nặng hơn.

– Trường Khiếm Thính Lộc Phát – Bảo Lộc :
Trực thuộc Toà Giám Mục Đà Lạt. Được thành lập từ năm 2000 với số lượng học sinh ban đầu khoảng 15 em, đến nay trường hiện có 48 em. Ngôi trường này sau khi mở ra đã tạo điều kiện không chỉ cho các em khiếm thính ở địa bàn Thị xã Bảo Lộc, mà các nơi xa như Huyện Bảo Lâm và Huyện Di Linh cũng có thể gởi con đến học.
Trường do các nữ tu Hội dòng MTG Đà Lạt phụ trách với 5 lớp, gồm lớp dự bị 1, dự bị 2, lớp 1, lớp 2 và lớp 3. Lớp dự bị được hiểu như giai đoạn mẫu giáo lớn, các em phải tập làm quen với chữ viết, với ký hiệu ngôn ngữ, nghĩa là các em phải biết nói, biết viết trước khi chính thức bước vào lớp 1. Chương trình học của các em theo đúng chương trình tiểu học phổ thông, chỉ khác là một năm học của trẻ học bình thường thì đối với các em phải kéo dài đến 2 năm. Sau 12 năm học, các em khi tốt nghiệp ra trường (hết cấp I) đã 16,17 tuổi. Do đó, việc đào tạo nghề cho các em cũng đã được trường tính đến. Trước khi tốt nghiệp 2 năm, các em được các nữ tu định hướng nghề tùy theo sở thích và khả năng của từng em. Phần lớn các em nữ chọn nghề may, còn các em nam chọn nghề điện công nghiệp. Năm 2007 trường đã làm lễ tốt nghiệp khóa lớp 5 đầu tiên với 8 em ra trường, trong số này có 5 em theo nghề may và có việc làm ổn định. Để đào tạo các em từ không nghe, không biết, không nói cho đến giai đoạn trưởng thành, giao tiếp được, làm việc được, là một chặng đường rất gian khó.

– Mái Ấm khiếm thị Đà Lạt và Bảo Lộc :
Cả 2 cơ sở do các nữ tu Hội dòng MTG Thủ Đức tổ chức và điều hành. Một tại 39/3 Hồ Tùng Mậu, P.3, Tp. Đà Lạt, và một tại xã Đại Lào, Tx. Bảo Lộc, với mục đích qui tụ các trẻ em khiếm thị trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, không phân biệt tôn giáo hay dân tộc, nhằm giúp đỡ các em có được điều kiện học phù hợp với hoàn cảnh. Các em được giúp hoàn toàn miễn phí. Các em có khả năng học thì sẽ được giúp cho tới khi tốt nghiệp, giúp học nghề và có việc làm, còn những em không đủ khả năng, sẽ được giúp cho tới 16 tuổi, sau đó sẽ gửi về gia đình. Hiện mái ấm Đà Lạt có 8 em, trong đó 2 em có khả năng đang theo học tại trường phổ thông, 1 em học lớp tình thương Don Bosco, và 5 em học tại mái ấm. trong 8 em này, có 4 em Công giáo, 3 em Phật giáo và 1 em Tin Lành.

ĐIỀU KIỆN TIẾP NHẬN :
  + Trẻ khiếm thị, mù hoặc nhìn kém (thị lực dưới 4/10 có hoặc không có đeo kính).
  + Tuổi từ sơ sinh đến 5 tuổi: chương trình can thiệp sớm giúp trẻ tại gia đình.
  + Tuổi từ 6 đến 16 tuổi: học văn hoá, các kỹ năng chuyên biệt cho người khiếm thị như chữ Braille, Định hướng di chuyển, Sinh hoạt hàng ngày, Môi trường chung quanh, âm nhạc, vi tính, v.v…
  + Trẻ mồ côi hay trẻ có gia đình thuộc tỉnh Lâm Đồng hoặc vùng phụ cận, ưu tiên trước hết cho anh chị em thuộc dân tộc ít người.

– Nhà Khuyết Tật Lộc Phát:
Là cơ sở II của Trung Tâm Bảo Trợ Trẻ Mồ Côi Tàn Tật Thị Nghè – Tp. Hồ Chí Minh. Đây là một Trung Tâm trực thuộc Sở Thương Binh Xã Hội Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ sở II Bảo Lộc được thành lập năm 1994, do các Nữ tu Dòng Thánh Phaolô điều hành.
Khi nhận thấy các em ngày càng khôn lớn. Nữ tu Elisabeth Lê Thị Thành (Dòng Thánh Phaolô, tỉnh dòng Sài Gòn) nghĩ đến tương lai cho các em. Các nữ tu đã tìm đến vùng đất Bảo Lộc và đã được hợp tác xã Hiệp Phát sang nhượng cho một thửa đất trà 6000 mét vuông, là nơi tọa lạc ngôi nhà chính của nhà Khuyết Tật hiện nay.
Các em thuộc thành phần mồ côi, chậm phát triển. Nơi đây, các em được các Nữ tu hướng dẫn từng bước trong công việc lao động tay chân : chăm sóc cây trà, cây cà phê và chăn nuôi thỏ, gà, vịt… vào buổi sáng. Buổi chiều, các em được vào học các lớp văn hóa, vi-tính do Trung Tâm hướng dẫn.
Khi các em đến tuổi trưởng thành, Trung Tâm thành lập gia đình cho các em, các em có ngôi nhà riêng và sinh hoạt theo nhu cầu riêng của gia đình. Các em có thể tiếp tục vào làm việc trong Trung Tâm và hưởng lương theo tiêu chuẩn công việc làm.

– Nhà nuôi trẻ mồ côi Tà Nung :
Được thành lập năm 1994, do cố Linh mục Anrê Nguyễn Văn Thành, cựu Quản xứ Giáo xứ Vạn Thành – Tà Nung, với mục đích nuôi các em mồ côi người Dân tộc, giúp các em có một tương lai tốt đẹp hơn. Đồng bào Dân tộc theo mẫu hệ, nên khi người mẹ qua đời, thì người bố phải trả về nhà cha mẹ mình, và con cái thường sống với thân nhân bên mẹ, do đó, con cái được coi là mồ côi khi mẹ qua đời. Nhà nuôi trẻ mồ côi Tà Nung nhận nuôi các em này cho đến khi các em 18 tuổi.
Các chị Hiệp Hội Nữ Tỳ Chúa Thánh Thần phụ trách cơ sở và trực tiếp chăm sóc các em. Các em đi học tại trường cấp I, II và III trong xã, và luôn có liên hệ thường xuyên với các thân nhân của mình. Hằng năm, các em có các kỳ nghỉ lễ, tết và hè để các em về sống với gia đình họ tộc.

– Nhà nuôi trẻ suy dinh dưỡng Tà Nung :
Được thành lập năm 1995, do Cố Linh mục Anrê Nguyễn Văn Thành, cựu Quản xứ Giáo xứ Vạn Thành – Tà Nung, với mục đích chăm sóc cho các trẻ em suy dinh dưỡng người Dân tộc tại xã Tà Nung, từ 2 đến 4 tuổi. Đây là một nhà trẻ tư thục nhân đạo do Linh mục Quản xứ Tà Nung chịu trách nhiệm hoạt động và các chị em Hiệp Hội Nữ Tỳ Chúa Thánh Thần trực tiếp chăm sóc. Nhà trẻ tiếp nhận 25 em/năm. Hoạt động bán trú và hoàn toàn miễn phí. Các em được chăm sóc theo chế độ dinh dưỡng, cân và kiểm tra sức khoẻ theo định kỳ. Khi các em đã đạt được tiêu chuẩn tốt, thì trả về gia đình để có thể nhận các em mới.

– Nhà nội trú Phú Sơn và Đinh Văn – Lâm Hà:
Do các nữ tu dòng Thánh Phaolô xây dựng, nhằm giúp các em Dân tộc nghèo ở vùng sâu vùng xa, không có khả năng và phương tiện đến trường để học hành.
Với mục đích và đối tượng như vậy, nên các em nội trú ở đây được giúp đỡ hoàn toàn, gia đình không phải trả đồng nào. Nhà nội trú Phú Sơn có 70 em, tuổi từ 3 đến 16. Các em lứa tuổi mẫu giáo học lớp mẫu giáo do cộng đoàn nữ tu Phaolô Phú Sơn phụ trách. Các em lứa tuổi lớn hơn học tại trường cấp I và II xã Phú Sơn. Sau khi học xong cấp II, các em được chuyển ra nhà nội trú Đinh Văn để học cấp III tại Thị trấn Đinh Văn, Lâm Hà. Hiện nhà nội trú Đinh Văn có 20 em đang học từ lớp 10 đến lớp 12. Ngoài việc học văn hóa tại trường, khi về nhà nội trú các em còn được giáo dục về nhân bản, được dậy giáo lý, được chăm sóc để trở thành những người hữu ích cho xã hội và Giáo Hội, và cụ thể là cho buôn làng.

– Nhà nội trú Hoa Rừng :
Được thành lập từ năm 1997 tại tu viện MTG An Hòa, Đức Trọng (thuộc Hội Dòng MTTG Gò vấp), nhằm tạo điều kiện thuận lợi đê các em nữ sinh Dân tộc được học hành, được giáo dục và phát triển, trở nên những con người tốt trong xã hội và Giáo Hội. Nhà nội trú Hoa Rừng đón nhận và nuôi ăn học hoàn toàn miễn phí khoảng 50 nữ sinh Dân tộc, từ lớp 6 đến lớp 12, đến từ các buôn làng trong Giáo phận Đà Lạt. Ngoài việc hỗ trợ các em theo học chương trình văn hóa tại các trường Phổ thông cấp 2 và cấp 3 ở huyện Đức Trọng, các em còn được chăm sóc hướng dẫn về mặt đạo đức, trau dồi các khả năng về đàn, trống, múa ca, về thủ công mỹ nghệ như dệt, may, thêu, kết xâu chuỗi… Cho tới nay, nhà nội trú Hoa Rừng đã có được 22 em tốt nghiệp Phổ Thông, trong số đó có 4 em tiếp tục học lên Đại học, 3 em học Cao đẳng, 2 em học Trung học chuyên nghiệp, 11 em xin nhập tu Hội Dòng MTG. Gò vấp (6 thanh tuyển và 5 tập sinh).

– Trung tâm dậy nghề Tư thục Tân Tiến:
Là một trong hai trường dạy nghề tư thục đầu tiên ở Lâm Đồng. Trung tâm đóng trên địa bàn Khu phố I, phường Lộc Tiến, thị xã Bảo Lộc ; trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Lâm Đồng, do dòng Don Bosco Việt Nam trực tiếp quản lý, điều hành.
Hiện nay trung tâm đang đào tạo 5 ngành nghề gắn bó thiết thực với thanh niên nông thôn như : sửa chữa máy nông nghiệp, ôtô, xe gắn máy; kỹ nghệ sắt gồm: nguội sửa chữa, hàn hơi, hàn điện, tiện, phay, bào; các lớp điện công nghiệp, điện lạnh; các lớp may thời trang, may công nghiệp; tin học văn phòng, Anh văn…Trung tâm dạy nghề tư thục Tân Tiến là trung tâm dạy nghề được trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Đây không phải là trung tâm dạy nghề để kinh doanh như các cở sở khác, nhờ đó đã góp phần đào tạo nghề cho nhiều thanh niên nông thôn đang cần việc làm ổn định.

– Lớp học tình thương :
Do Học viện Don Bosco Đà Lạt và Cộng đoàn Nữ Tử Bác Ái Mai Anh tổ chức, dành cho các trẻ em nghèo trong phạm vi Thành phố Đà Lạt, học vào các buổi sáng từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, trong khuôn viên của mỗi Hội dòng. Mỗi lớp hiện có khoảng 40 – 50 em.

– Chương trình khuyến học :
Trên lãnh vực bao la này, Giáo Phận chọn phần căn bản nhất để bắt đầu xây dựng, đó là giúp các em dân tộc thiểu số được đi học ngay từ thời mẫu giáo.
Chương trình này có thể mở rộng tùy theo hoàn cảnh, khả năng, nhằm tạo điều kiện cho các em nghèo nhưng hiếu học được đi học, ít nhất từ Mẩu Giáo đến hết cấp I (tổng cộng là 7 năm). Để có thể mời gọi nhiều người hợp tác và học bổng có thể trải rộng đến nhiều em, nên ấn định mức học bổng 25 USD/ một em/một năm, và đảm bảo em sẽ được cấp học bổng 7 năm. Một số tiền rất khiêm tốn, nhưng cũng tạm đủ. Chương trình này kêu gọi sự hợp tác của các linh mục (triều và dòng), các cộng đoàn tu sĩ, các gia đình và tất cả những ai ưu tư đến việc phục vụ người nghèo.

– Tủ thuốc gia đình :
Giáo Phận đã khuyến khích các nhà xứ và cộng đoàn tu sĩ ở những vùng kinh tế mới và Dân tộc thiểu số nên có một “Tủ Thuốc Gia Đình” với những loại thuốc thông thường có thể trị bệnh: cảm sốt, đau nhức, ghẻ lở, giun sán, ho, sốt rét, tiêu chảy, thuốc bổ… Mỗi quý, Giáo Phận yểm trợ 500.000 VND cho một tủ thuốc: một số tiền quá ít ỏi không đủ đáp ứng nhu cầu, nhưng dù sao cũng nói lên thao thức của Giáo Phận muôn góp phần phục vụ người nghèo; phần lớn chi phí còn lại do nhà xứ và cộng đoàn bù đắp. Khởi đầu hoạt động, từ năm 1994, với 15 tủ thuốc gia đình. Hiện nay, trong cả Giáo Phận đang có 34 “Tủ Thuốc Gia Đình” hoạt động.

– Chương trình sửa nhà cho người nghèo:
Trong chương trình thăm viếng người nghèo, ngoài việc an ủi, giúp đỡ, cầu nguyện… thì việc “sửa chữa nhà ở” là công việc giúp ích hữu hiệu vì đem đến cho cả gia đình họ niềm vui và hạnh phúc, cho họ thoát cảnh sống tồi tàn, mất phẩm giá con người và cũng động viên tinh thần phục vụ người nghèo nhiều nhất nơi một số người được sống trong hoàn cảnh may mắn và sung túc, khi được chứng kiến tận mắt cảnh sống bi đát của những người con Chúa và anh em của mình.

– Chương trình chén cơm người già neo đơn:
Từ đầu năm 2005, được sự hỗ trợ của cấc Ân Nhân thuộc Hội Bác Ái Thánh Têrêxa, do thầy phó tế Vũ Thành An đứng đầu, Giáo Phận đã góp phần vào chương trình “chén cơm người già neo đơn” nhằm giúp các cụ neo đơn trên 60 tuổi mỗi tháng 10 ký gạo. Chương trình bác ái này đã đem lại nhiều an ủi và niềm vui cho các cụ cũng như những ai góp phần phục vụ.

– Quỹ vi tín dụng gỉúp đỡ người nghèo:
Nhằm mục đích giúp người nghèo (chủ yếu người Dân tộc) nhận ra rằng : người nghèo có thể hỗ trợ nhau thoát khỏi cảnh nghèo. Trong đó, những người cùng hoàn cảnh trong cuộc sống ở một vùng tham gia lập thành nhóm tiết kiệm. Các nhóm này thường xuyên gặp gỡ để đóng tiết kiệm, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, số tiền tiết kiệm của nhóm sẽ dành cho các thành viên vay lại trong lúc túng thiếu, ốm đau hay để đầu tư vào sản xuất… Chương trình cũng đầu tư cho người nghèo một số vốn nhỏ để sản xuất, tránh tình trạng vay non, nhờ đó kinh tế cũng dần dần cải thiện. Ngoài tác động về kinh tế, chương trình có tác động rất lớn trong vấn đề xã hội. Người phụ nữ cảm thấy có giá trị trong xã hội, tiếng nói của họ được lắng nghe, và họ ý thức trách nhiệm, quan tâm hơn đến người khác trong xã hội.

– Nồi cháo tình thương :
Nhằm phục vụ bữa ăn cho các bệnh nhân nghèo tại 2 Bệnh viện Đa Khoa I và Đa Khoa II Lâm Đồng. Tại Bệnh viện Đa Khoa I do nhóm Các Bà Bác Ái tổ chức và phục vụ. Tại Bệnh viện Đa Khoa II do nhóm Khuyết Tật Tin Yêu tổ chức và phục vụ.

– Nhóm Cải Sanh :
Trong tinh thần yêu thương người nghèo xấu số của Đức Cha Jean Cassaigne, một số giáo dân tự hình thành nhóm mang tên Ngài, với sự chung góp vào quỹ hằng tháng, để tận tay nhóm trao cho những nơi có nhu cầu giúp đỡ trong và ngoài giáo phận. Hằng năm nhóm cũng góp được hằng trăm triệu để giúp đỡ những nơi nghèo khổ.

– Nhóm Camilô Lộc Phát:
Là nhóm tự phát, tình nguyện đi thăm viếng chăm sóc bệnh nhân trong vùng, giúp người hấp hối và phục vụ việc tẩm liệm mai táng.