Thánh Cyrillô Thành Giêrusalem,
Giám Mục, Tiến Sĩ Hội Thánh
(315-386)
1. VÀI DÒNG TIỂU SỬ
Thánh Cyrillô thành Giêrusalem là một trong số 35 vị thánh đã được Giáo Hội phong lên hàm Tiến sĩ vì sự đóng góp quan trọng của ngài trong việc bảo vệ đức tin của Hội thánh.
Tìm hiểu về thánh Cyrillô thành Giêrusalem chúng ta thấy cuộc đời của ngài đan xen giữa hai chiều kích:
- nhiệt thành chu toàn công tác mục vụ;
- tận tụy đến quên mình trong những cuộc tranh luận, chống lại những gì đã gây phiền nhiễu cho đời sống đức tin vào thời đó ở Giáo hội Đông phương.
Cyrillô sinh tại (hoặc gần) Giêrusalem vào năm 315, được hưởng thụ một nền giáo dục văn chương trổi vượt. Nền giáo dục ấy đã xây dựng nền tảng văn hóa Kitô giáo nơi ngài, mà trọng tâm là nghiên cứu Kinh Thánh. Ngài được đức giám mục Maximus truyền chức linh mục.
Khi đức giám mục Maximus qua đời (hoặc bị cách chức) vào năm 348, Cyrillô đã được tấn phong giám mục bởi đức tổng giám mục Acacius, lúc đó, là người đang có ảnh hưởng lớn trên miền Caesarea, ở Palestine. Đức tổng giám mục này là một người theo phái Ariô, vốn có cảm tưởng rằng Cyrillô là một trợ tá đứng về phe mình. Vì thế, người ta đã từng hoài nghi về việc Cyrillô được bổ nhiệm làm giám mục, bởi nhượng bộ và thỏa hiệp với phái Ariô.
Trên thực tế, ngay từ đầu Cyrillô đã tỏ ra đối lập với đức tổng Acacius, không chỉ về phạm vi đạo lý mà còn cả thẩm quyền nữa, bởi ngài đã tuyên bố tòa giám mục của minh độc lập với tòa giám mục Caesarea của Acacius.
Cyrillô bị lưu đày ba lần trong khoảng hai mươi năm: cuộc lưu đày đầu tiên diễn ra vào năm 357, sau khi bị Công nghị Giêrusalem bãi nhiệm; cuộc lưu đày thứ hai diễn ra vào năm 360, bởi âm mưu của Acacius; cuộc lưu đày cuối cùng vào năm 367 là dài nhất, khoảng mười một năm, bởi hoàng đế Valens thuộc phe Ariô.
Đúng vào năm 378, sau khi hoàng đế băng hà, Cyrillô giành lại quyền sở hữu tòa giám mục của ngài, rồi xây dựng hiệp nhất và hòa bình cho các Kitô hữu.
Có một số nguồn tài liệu thời đó hoài nghi về tính chính thống của Cyrillô, nhưng cũng có một số nguồn tài liệu cổ khác bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ thiện ý của thánh nhân. Trong số những nguồn tài liệu ủng hộ đó, uy tín nhất là “Thư gửi Công nghị” năm 382 (tức là một năm sau Công đồng Constantinople) mà trong đó Cyrillô đã đóng góp một phần quan trọng.
Trong lá thư được gửi đến giám mục Rôma, các đức giám mục Đông phương công nhận tính chính thống tuyệt đối, tính hợp pháp của việc truyền chức giám mục cho Cyrillô, đồng thời khẳng định thánh nhân có tài xuất sắc trong những công việc mục vụ và tận tụy cho đến khi qua đời vào năm 387.
2. BÀI HỌC
Thánh Cyrillô đã để lại cho Giáo Hội nhiều tác phẩm rất quan trọng nhất là vào lúc đó. Tất cả các tác phẩm này đều đặt nền tảng trên Lời Chúa.
* Trước hết đó là hai mươi bốn bài giáo lý nổi tiếng vẫn còn được lưu giữ lại. Đây là những bài giáo lý thánh nhân giảng dạy với vai trò là giám mục vào khoảng năm 350.
Những bài giáo lý này đặt nền tảng cho tiến trình dẫn các tín hữu bước vào đời sống cầu nguyện, từ đó góp phần thúc đẩy tiến trình khai tâm Kitô giáo, tức là ba bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, và Thánh Thể.
* Tiếp đến là những bài giáo huấn chống lại dân ngoại, chống lại những Kitô hữu gốc Do Thái và những người theo phái Manikê. Những bài giáo lý này đánh dấu một giai đoạn quan trọng, xét trong một bối cảnh rộng lớn hơn là toàn bộ đời sống đức tin của cộng đoàn Giáo hội – đặc biệt, khía cạnh Phụng vụ, vì từ cung lòng Mẹ Hội Thánh, các Kitô hữu tương lai đã được cưu mang, cùng đồng hành có lời cầu nguyện và chứng tá của vô số anh chị em tín hữu.
Nhìn chung, các bài giảng của thánh Cyrillô đã góp phần xây dựng một hệ thống giáo lý về hồng ân tái sinh nhờ bí tích Rửa Tội.
Thánh nhân chia sẻ với các tân tòng: “Anh chị em đã được mắc vào những chiếc lưới của Giáo hội (x. Mt 13,47). Vì vậy, hãy giữ lấy sự sống, đừng bao giờ đánh mất, vì chính Đức Giêsu, Đấng đã câu được anh chị em, không phải để giết hại, nhưng là để Phục Sinh tất cả sau khi chết. Thật vậy, anh chị em phải chết đi và trỗi dậy một lần nữa… (x. Rm 6,11.14). Chết đi cho tội lỗi của mình và quyết tâm sống công chính kể từ ngày hôm nay”.
* Sau cùng, là những bài giáo lý “Dẫn Vào Mầu Nhiệm” đánh dấu đỉnh cao những hướng dẫn của thánh Cyrillô, không chỉ nhắm tới các dự tòng chuẩn bị lãnh nhận bí tích, nhưng còn chú ý đến các tân tòng vừa mới thụ lãnh Phép Rửa, trong suốt tuần lễ Phục Sinh. Ngài hướng dẫn họ khám phá các mầu nhiệm cao quý được ẩn giấu trong những nghi thức cử hành trong đêm Canh thức Vượt qua. Nhờ hiệu lực của bí tích vừa thụ lãnh, anh chị em tân tòng được ánh sáng đức tin soi dẫn, có thể hiểu rõ hơn các mầu nhiệm của đạo thánh khi cử hành các nghi thức.
Đặc biệt đối với các tân tòng gốc Hy Lạp, thánh Cyrillô vận dụng phương thức trực quan, vốn quen thuộc trong nếp nghĩ và văn hóa của họ. Chính đoạn văn dẫn người ta đi từ nghi thức bước vào mầu nhiệm khiến cho người tân tòng hết sức kinh ngạc đồng thời cảm nghiệm được ý nghĩa của đêm Phục Sinh.
Vâng cuộc đời của ngài là như thế: hết lòng trong công tác mục vụ và can đảm trong công việc bảo vệ Đức tin.
Xin Chúa cho chúng ta cũng biết noi gương thánh Cyrillô hết lòng yêu mến Hội Thánh và đặc biệt biết vận dụng Lời Chúa vào cuộc sống để làm cho mọi người cũng biết yêu mến Chúa như mình.
Trong lịch sử thuật lại các cuộc chấp nhận niềm tin Kitô giáo, có ghi lại câu chuyện sau đây:
Tại một tỉnh thuộc miền Trung Ấn Độ, một tín hữu Kitô có tên là Sacdu-Sundasi tự nguyện tham gia công tác truyền giáo bằng cách phổ biến sách Phúc âm. Ngày kia, trên một chuyến xe lửa, anh can đảm lấy ra một số sách Phúc âm của thánh Gioan đựng trong cặp và trao cho hành khách không phải là Kitô hữu. Thay vì chỉ từ chối không nhận, một hành khách lại giận dữ chộp lấy một quyển Phúc Âm xé nát và quăng những mảnh giấy vụn qua cửa sổ. Thiện chí truyền giáo của Sacdu tưởng chừng như tan biến theo gió. Nhưng cũng vào lúc ấy, có một người tình cờ đi dọc theo đường ray, anh ta tò mò cúi nhặt mảnh giấy bị gió cuốn trước mặt, và anh đọc được hàng chữ “Bánh Hằng Sống” được in bằng tiếng địa phương. Tuy không hiểu rõ ràng chữ trên có ý nghĩa gì nhưng anh cứ giữ lấy mảnh giấy để dò hỏi các bạn quen biết. Một trong bọn họ bảo: Đây là mảnh giấy trong sách đạo Kitô, anh không nên đọc nó nếu không muốn bị ô uế.
Suy nghĩ trong khoảnh khắc, người đã nhặt được mảnh giấy, nói:
– Tôi không sợ bị ô uế, ngược lại tôi muốn đọc trọn quyển sách mang dòng chữ tuyệt vời này.
Sau đó, anh tìm mua một quyển Tân ước và được chỉ chỗ của câu trong mảnh giấy lời Đức Giêsu tuyên bố: “Ta là Bánh Hằng Sống”. Anh say mê đọc và thấy con tim được chiếu sáng. Rồi sau khi lãnh nhận phép thanh tẩy, chính anh đã trở nên một giáo lý viên.
Người đã ghi lại câu chuyện trên ghi chú: qua Chúa Thánh Thần, mảnh giấy nhỏ đã thực sự trở nên Bánh Hằng Sống cho anh.