I.LỊCH SỬ
Thuật ngữ Thánh Kinh dùng để gọi các thiên thần đều có nghĩa là “sứ giả”. Theo thư Do Thái 1,14, các thiên thần là những thần linh phục vụ cho Thiên Chúa, và Thiên Chúa sai họ đến với những người cần được cứu giúp.
Cựu Ước cũng gọi họ là “Các Thánh” hay là “những người con của Thiên Chúa”. Nổi bật nhất giữa các thiên thần là các đấng Michael, Kêrubim và Sêraphim.
Michael, có nghĩa: “Ai ví bằng Thiên Chúa”
Gabriel, có nghĩa: “Sức Mạnh của Thiên Chúa” hay là “Anh hùng của Thiên Chúa”
Rafael, có nghĩa: “Thiên Chúa cứu giúp”
Thánh lễ hôm nay bắt nguồn từ lễ thánh hiến Đền thờ Michael trên đường Via Salaria ở Rôma. Ngày hôm nay cùng với Tổng lãnh thiên thần Michael, Hội Thánh cũng mừng chung hai tổng lãnh thiên thần Gabriel và Rafael. Theo lịch xưa, các ngài được mừng vào những ngày 24.3 và 24.10. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)
II.Ý NGHĨA
Thánh Kinh cách chung và Tân Ước cách riêng tương đối nói ít về các thiên thần. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay chỉ có một câu “Các thiên thần của Thiên Chúa lên xuống trên Con Người”. Đây là sự tích lấy lại hình ảnh chiếc thang Giacóp, như một nhịp cầu nối trời và đất, Thiên Chúa và loài người. Chúa Giêsu áp dụng hình ảnh này vào bản thân Ngài: Ngài cũng là trung gian giữa Thiên Chúa với loài người. Các thiên thần góp phần tích cực vào sứ mạng trung gian ấy.
1.Micae là tổng lãnh tất cả các thiên thần. Ngài đã lãnh đạo các thiên thần khác chiến đấu với Luxiphe. Nhắc tới Ngài là người ta nhớ lại câu Ngài nói “Ai bằng Thiên Chúa ?”.
Theo sách Khải huyền của thánh Gioan thì khi ấy trên trời có một trận chiến to tát. Một bên do Đức Micae lãnh đạo, bên kia là do Luciphe. Micae là thiên thần dũng mãnh đã anh dũng tống cổ Luciphe và bè lũ theo hắn ra khỏi thiên đàng dưới khẩu :”AI BẰNG THIÊN CHÚA”. Khẩu hiệu này sau đã trở thành tên của ngài.
Chúng ta hãy bắt chước Ngài: luôn trung thành với Chúa. Mỗi khi chúng ta bị thế gian xác thịt cám dỗ muốn xa lìa Chúa, chúng ta hãy lập lại lời của Ngài: Ai bằng Thiên Chúa? Vâng! Chẳng ai bằng Thiên Chúa cả. Tiền bạc, vui sướng xác thịt, chức quyền không có gì sánh được với Thiên Chúa cả.
2.Gabriel là thiên thần truyền tin (Lc 1,19: Truyền tin cho ông Dacaria ; Lc 1,26: truyền tin cho Đức Mẹ). Ngài tuân lệnh Thiên Chúa mang sứ điệp Thiên Chúa đến cho loài người.
Tên Gabriel có nghĩa là “Sức mạnh của Thiên Chúa”.
Chính đức Gabriel đã hiện ra với tiên tri Đaniel để cho Daniel biết Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra.
Chính đức Gabriel đã hiện ra với Giacaria báo tin cho ông biết ông sẽ sinh được một người con trai và đặt tên là Gioan.
Luca ghi lại quang cảnh cảm động này như sau: “Khi ấy ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong đền thờ của Đức Chúa. Sứ thần của Chúa hiện ra với ông …thấy vậy ông bối rối. Sự sợ hãi ập xuống trên ông. Những sứ thần bảo ông: “Này ông Giacaria, đừng sợ vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin. Bà Elizabeth vợ của ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai và ông phải đặt tên cho con là Gioan”
Ông thưa lại: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già và bà nhà tôi cũng đã lớn tuổi.?
Sứ thần đáp lại: “Tôi là Gabriel, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa. Tôi được sai đến với ông và loan báo Tin vui đó cho ông. Và này đây ông sẽ bị câm không nói được cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không chịu tin lời tôi là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi. (Lc 1,1-20) vv. Và sau đó mọi việc xảy ra như thế nào thì chúng ta đều đã được biết.
Rồi cũng theo Tin Mừng của Luca, sau sáu tháng, sứ thần Gabriel còn được Thiên Chúa gửi đến trần gian với một sứ mạng còn cao trọng hơn nhiều: Đó là sứ mạng truyền tin cho Đức Maria. Nếu Giacaria đã ngỡ ngàng thì Đức Mẹ còn ngỡ ngàng hơn. Việc của Giacaria với bà Elizabeth chỉ là việc giữa con người với con người. Còn việc của Đức Maria là việc của Thiên Chúa: “Thánh thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế người con do bà sinh ra sẽ là thánh và được gọi là con Thiên Chúa”
Sau tiếng Xin vâng của Đức Mẹ cả vũ trụ đều phải nhảy mừng. Thi sĩ Hàn mặc Tử chỉ nghĩ đến biến cố này thôi cững đã phải run rẩy mà thốt lên như thế này:
“Hỡi sứ thần Thiên Chúa Gabriel.
Khi người xuống truyền tin cho thánh nữ
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú
Người có nghe náo động cả muôn loài?”
Chúng ta hãy cám ơn Chúa vì Chúa đã thực hiện những việc lạ lùng trước mắt chúng ta.
3.Raphael là vị thiên thần đã đưa đường dẫn lối cho Tôbia con, nhờ đó Tôbia bình an trong cuộc hành trình nhiều nguy hiểm, cưới được vợ hiền và chữa được bệnh cho cha già. Trước khi từ biệt gia đình Tôbia, Ngài cho biết thêm là Ngài luôn ở trước mặt Chúa để dâng những công nghiệp của loài người lên cho Thiên Chúa.
Cựu Ước nói về Raphael như thế này:
“Ông Tobia người Do thái thuộc chi họ Neptali bị bắt làm tôi mọi bên nước Assyria vì dân Do thái bị bại trận. Thời gian ở đất khách quê người Tobia luôn giữ lòng trung thành làm tôi Chúa. Ông bị tai nạn làm cho đôi mắt bị mù hoàn toàn. Gia đình ông túng đói quá không có cách nào xoay trở. Lúc đó ông nhớ đến món tiền trước kia ông đã cho nhà Gabelo mượn. Ông sai người con của ông cũng có tên là Tobia – Để khỏi lầm lẫn sau này người ta gọi là Tobia-con- đến nhà Gabelo để xin lại món tiền đã cho vay. Tobia-con sẵn sàng vâng lời những Tobia-con không biết đường đi. Tổng lãnh Gabriel đã hiện ra dưới hình dạng một người thanh niên để dẫn đường. Dọc đàng Raphael cứu Tobia-con khỏi bị cá nuốt. Tới nơi Gabriel còn giúp cho Tobia-con cưới được vợ là Sara và đồng thời còn đòi nợ giùm cho Tobia.
Công việc xong,Tobia-con cùng với vợ trở về nhà. Raphael bảo cho Tobia-con lấy mật cá mà xức vào mắt cho Tobia cha. Tobia cha được khỏi mù, mắt được sáng trở lại, cha con Tobia hết sức vui mừng. Đứng trước những ơn mà cả nhà vừa mới được: đòi được nợ, cưới được vợ, lại khỏi bị mù cha con ông Tobia muốn lấy phân nửa số tiền đòi được để gọi là đền ơn đáp nghĩa đối với người thanh niên đã tận tình giúp đỡ gia đình mình. Khi ấy “người thanh niên” tốt lành đó mới tỏ ra cho cha con Tobia biết mình là thiên thần của Thiên Chúa đã được sai đến để giúp đỡ gia đình ông. Nói xong điều đó thiên thần liền biến đi.
Câu chuyện của cha con Tobia cho chúng ta thấy Thiên Chúa hằng yêu thương chăm sóc những kẻ kính sợ Người. Raphael có nghĩa là “THẦY THUỐC CỦA THIÊN CHÚA”
Xin được kết thúc bằng câu chuyện thật đẹp này:
Một tu sĩ sống cuộc đời hạnh phúc và an vui trong bốn bức tường của Tu viện. Đời sống tu trì đã biến đổi cuộc đời và tâm hồn của ông trở nên tốt lành, đến nỗi mọi người đều gọi ngài là ông thánh nhỏ.
Ngày nọ, đang lúc ngài đang bắt tay vào rửa chén dĩa, thì một Thiên thần hiện ra và nói:
– Thiên Chúa sai ta đến là để báo cho ngươi là giờ ngươi lìa đời đã đến.
Tu sĩ vẫn điềm nhiên và vui vẻ trả lời:
– Tạ ơn Chúa đã thương nghĩ đến tôi, nhưng như ngài thấy đó, tôi còn phải rửa hàng chồng chén dĩa, tôi không muốn tỏ ra vô ơn với Thiên Chúa, nhưng liệu giờ tôi được hưởng nhan thánh của Người có thể hoãn lại sau khi làm xong bổn phận rửa chén dĩa này không ? .
Nói xong, Thiên thần biến đi. Tu sĩ trở lại công việc bổn phận một cách hăng say như quên hẳn việc gặp gỡ Thiên thần.
Bẵng đi một thời gian, trong lúc vị tu sĩ đang làm cỏ ngoài vườn, Thiên thần hiện ra. Như đoán trước ý nghĩ của Thiên thần, vị tu sĩ giơ tay chỉ mảnh đất trong vườn và nói:
– Đây ngài xem, cỏ dại mọc đẩy vườn, liệu giờ tôi vào cõi đời đời có thể hoãn lại cho đến khi tôi làm xong cỏ không ?.
Cũng như lần trước, Thiên thần chỉ mỉm cười rồi biến mất.
Một ngày nọ, trong lúc vị tu sĩ đang chăm sóc các bệnh nhân, thì Thiên thần hiện ra. Lần này vị tu sĩ không nói một lời, nhưng chỉ giơ tay chỉ vào các bệnh nhân nằm trên giường. Thiên thần biến đi không nói một lời nào. Chiều đến, vị tu sĩ trở lại căn phòng nhỏ bé đơn sơ của mình, bỗng chốc, ông cảm thấy mình đã già nua, mệt mỏi; ông thốt lên lời cầu nguyện:
– Lạy Chúa, xin sai Thiên thần Chúa đến, con sẽ sẵn sàng theo Ngài
Lời cầu nguyện vừa dứt, Thiên thần Chúa hiện đến; vị tu sĩ mừng rỡ:
– Lần này, nếu Thiên thần mang tôi đi, tôi sẵn sàng theo ngài về thiên quốc.
Thiên thần nhìn tu sĩ với tất cả âu yếm và nói:
– Này ông thánh nhỏ ơi, sao còn mơ ước về thiên quốc, những ngày tháng vừa qua, ông nghĩ là mình đã ở đâu ?