Vatican News
Trong một cuộc phỏng vấn, Đức cha cho biết bang Benue là tâm chấn của những vụ bạo lực. Ngoài ra tình trạng mất an ninh cũng đang diễn ra ở Giáo phận Otukpo và Katsina-Ala. Ngài cũng đề cập đến các vụ bắt cóc và vai trò của chính phủ trong việc bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
Thực tế, gần đây đã xảy ra hai vụ bắc cóc linh mục. Vụ đầu tiên là cha Thomas Oyode, Giám đốc Tiểu chủng viện Đức Mẹ Vô nhiễm, thuộc Giáo phận Auchi, bang Edo, bị bắt cóc ngày 27/10, trong buổi đọc Kinh Chiều, mười ngày sau, cha đã được trả tự do. Vụ thứ hai là cha cha Emmanuel Azubuike, hoạt động tại giáo xứ thánh Têrêxa ở Obollo, Isiala thuộc bang Imo ở miền nam nước này, bị bắt cóc vào ngày 05/11, tới nay vẫn chưa có tin gì.
Không chỉ ảnh hưởng đến các Kitô hữu, bạo lực ở đất nước Phi châu này còn ảnh hưởng đến môi trường giáo dục. Đức cha Anagbe nói: “Các trường học ở các khu vực này đã phải đóng cửa hơn 10 năm qua. Những gì người ta đang dung dưỡng hiện nay là cướp và khủng bố tương lai trong các ngôi làng, vì trẻ em không được giáo dục. Chính phủ phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn xu hướng xấu này”.
Giám mục của Makurdi cũng khẳng định, chính phủ phải chịu trách nhiệm về tình trạng mất an ninh lương thực ở đất nước. Theo ngài, chính phủ đã không tạo môi trường an toàn để nông dân quay trở lại trang trại làm việc, sản xuất lương thực.
Ngài lên án những nhà lãnh đạo cố tình làm ngơ trước các thành phần đang gây kinh hoàng trong khu vực. Ngài nói: “Một số lãnh đạo cố tình không muốn nhắc đến những tên tội phạm. Nạn cướp bóc đã trở thành ngành công nghiệp lớn nhất ở đây”.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức cha kêu gọi người Công giáo và toàn thể người dân Nigeria tiếp tục hy vọng, tin tưởng vào công lý của Chúa. Ngài nói: “Chúng ta tiếp tục cầu nguyện để Chúa gửi cho chúng ta một người lãnh đạo có thể giải thoát chúng ta. Và mọi người sẽ dành được tự do và sống hạnh phúc trong các cộng đoàn, không có nạn cướp phá”.
Từ lâu Nigeria phải chiến đấu với nạn bạo lực do các băng đảng vũ trang chuyên bắt cóc người gây ra để đòi tiền chuộc mạng và trong một số trường hợp, chúng sát hại các nạn nhân. Từ năm 2009, nhóm khủng bố Hồi giáo Boko Haram là thách đố lớn nhất đối với Nigeria, quốc gia đông dân nhất ở Phi châu, với mục đích biến nước này thành một quốc gia Hồi giáo.
Nguồn: Vaticannews – 11/11/2024