“Ai thực hiện ý Chúa Cha, sẽ được vào nước trời”.
Bài Ðọc I: Is 26, 1-6
“Dân công chính biết giữ sự trung tín, hãy tiến vào”.
Trích sách Tiên tri I-sai-a.
Ngày ấy, trong đất Giu-đa, người ta hát khúc ca này: Si-on là thành trì kiên cố của chúng ta, có tường thành và hào luỹ che chở, hãy mở cửa, và dân công chính biết giữ sự trung tín, hãy tiến vào. Sự sai lầm cũ đã qua đi, Chúa sẽ bảo tồn sự hòa bình. Sự hòa bình, vì chúng ta trông cậy nơi Chúa.
Hãy trông cậy Chúa đến muôn đời, trông cậy Chúa, Ðấng quyền năng mãi mãi. Vì Người triệt hạ dân ở nơi cao, và hạ thấp những thành trì danh tiếng, Người hạ nó sát đất, chà đạp nó thấu bụi tro. Bàn chân người nghèo khó bước đi, và kẻ bần cùng sẽ đạp trên nó.
Ðáp Ca: Tv 117, 1 và 8-9. 19-21. 25-27a
Ðáp: Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến!
Hoặc đọc: Alleluia!
Xướng: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Tìm đến nương tựa Chúa thì tốt hơn nương tựa ở loài người; tìm đến nương tựa Chúa thì tốt hơn nương tựa những bậc quân vương .
Xướng: Xin mở cho tôi các cửa công minh, để tôi vào và cảm tạ ơn Chúa. Ðây là ngọ môn của Chúa, những người hiền đức qua đó tiến vào. Tôi cảm tạ Chúa vì Chúa đã nghe tôi,và đã trở nên Ðấng cứu độ tôi.
Xướng: Thân lạy Chúa, xin gia ơn cứu độ; thân lạy Chúa, xin ban cho đời sống phồn vinh. Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến, từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa và đã soi sáng chúng tôi.
Tin Mừng: Mt 7, 21. 24-27
Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: “Không phải tất cả những ai nói với Ta, “Lạy Chúa, lạy Chúa!”, là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời.
“Vậy ai nghe những lời Ta nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá. Và hễ ai nghe những lời Ta nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn”.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
B/ Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm
PHẢI THỰC HÀNH LỜI CHÚA
1. Đức Giê-su đưa ra nguyên tắc để đo lường sự hoàn thiện của người môn đệ để xứng đáng vào Nước Trời, đó là “Thi hành ý muốn của Thiên Chúa”. Điều này chứng tỏ Đức Giê-su đòi hỏi phải sống, phải làm, phải thực hiện trong đời sống, chứ không chỉ biết, chỉ hiểu và nói suông ngoài môi miệng: lời nói phải đi đôi với việc làm.
2. Muốn thực thi Lời Chúa, trước hết phải yêu mến Lời Chúa, lắng nghe, học hỏi và suy niệm: nghe Lời Chúa với tấm lòng ngưỡng mộ và đơn sơ như đám dân lành đơn sơ, chất phác theo Chúa khắp nẻo đường Palestina. Học hỏi Lời Chúa như Ma-ri-a ở Bê-ta-ni-a, ngồi bên chân Chúa, lắng nghe để múc lấy nguồn an vui và ơn soi sáng. Suy niệm Lời Chúa như Đức Mẹ đã kính cẩn ghi nhớ và suy nghĩ trong lòng để biết thánh ý của Thiên Chúa.
3. Thứ đến phải hiểu Lời Chúa, càng ăn sâu vào lòng, Lời Chúa càng phát triển và càng thêm sức mạnh cho tâm hồn. Rồi phải tin Lời Chúa, vì Lời Chúa là kho tàng sự thật, trong đó có nhiều mầu nhiệm vượt trên và ngoài lý trí cũng như sự hiểu biết của con người. Cho nên, cần phải có lòng tin mới chấp nhận được những mầu nhiệm ấy.
4. Sau hết, không những phải lắng nghe, phải hiểu, phải tin mà còn phải thực hành Lời Chúa. Bởi vì Lời Chúa, dù có tốt đẹp và quí giá đến đâu mà không thực hành thì cũng vô dụng. Đức Giê-su cho chúng ta thấy điều đó qua hình ảnh của hai người xây nhà mà Chúa gọi là người khôn và người dại.
5. Nhằm diễn tả giá trị của việc thực thi Lời Chúa để được vào Nước Trời, và để được gọi là hoàn thiện, Đức Giê-su đã ví với việc xây nhà. Xây dựng nhà cửa là một công việc hết sức quan trọng và được tượng trưng cho việc xây dựng cuộc đời. Điều này đã được thánh Gio-an diễn tả: ”Và thế gian đang qua đi cùng với đam mê của nó, còn kẻ làm theo ý Thiên Chúa thì lưu tồn vạn đại” (1Ga 2,17).
Như vậy, Đức Giê-su có ý nói với thính giả vừa nghe bài giảng trên núi của Chúa để xác định rằng người môn đệ nghe Lời Chúa giảng mà đem ra thực hành, thì xứng đáng là người khôn ngoan, biết lo cho đời sống hạnh phúc và phải coi những người như vậy là người khôn khéo, biết đặt nền móng vững chắc mà xây dựng nhà, dù mưa to gió lớn không làm đổ được tòa nhà thiêng liêng ấy, vì xây trên sự thực hành giáo huấn của Chúa. Nếu chỉ nghe mà không tuân giữ thì người đó là kẻ dại dột, như kẻ xây dựng nhà cửa trên bãi cát, khi có mưa to gió lớn, tức là khi gặp thử thách, thì tòa nhà thiêng liêng của họ bị sụp đổ (Mỗi ngày một tin vui)
6. Trong cuộc sống phải làm sao cho tri và hành phải đi đôi với nhau như người ta thường nói: tri hành đồng nhất. Ta biết là thuốc tốt cho sức khỏe, nhưng không chịu uống thì cũng chẳng ích lợi gì, dự án có tuyệt vời mà không thực hiện trong thực tế thì cũng kể bằng không. Lúc nào cũng hứa mai tôi sẽ nên thánh, mốt tôi sẽ giữ đạo… Nhưng chẳng bao giờ thực hành thì cũng vô ích.
7. Bài Tin mừng hôm nay dạy cho ta biết thế nào là tồn tại vững chắc thật. Nếu người ta chỉ nói, chỉ hô hào, chỉ đọc kinh, chỉ la ó phản đối bất công, chỉ tố cáo giả hình thì người ta đã xây nhà trên cát. Chỉ nói xuông không đủ làm nền móng vững chắc cho đời sống. Phải hành động, phải sống thực với lời cầu nguyện, phải sống công bằng và thực thi bác ái. Phải thực hiện như thế mới thực sự xây nhà trên đá.
8. Truyện: Giác ngộ đích thực.
R. Khrisna, nhà thần bí Ấn độ có kể câu chuyện như sau: một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagavad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi:
– Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không?
Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời:
– Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã.
Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua:
– Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng, hạ thần đã hiểu được… – Giác.
C/ TGM Giuse Nguyễn Năng
Sứ điệp: Muốn được vào Nước Trời, tuyên xưng ngoài môi miệng không đủ, nghe và tin Lời Chúa không đủ, còn phải đem Lời Chúa ra thực hành.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con là người tin Chúa, con mang danh hiệu là Kitô hữu, là môn đệ Chúa. Đã bao nhiêu lần con được nghe Lời Chúa. Đã bao nhiêu lần con đọc kinh Tin kính. Đã bao nhiêu lần con kêu cầu Danh Chúa. Điều đó thật là dễ, Chúa ơi. Tuyên bố mình là kẻ có đạo, tuyên xưng Danh Chúa, đọc hoài câu kinh, nghe hoài câu Phúc âm, đôi lúc cũng thật là khó, như hoàn cảnh các thánh tử đạo. Còn ngoài ra điều đó quá dễ, vì con nghĩ rằng nó không đòi hỏi nhiều cố gắng, và chẳng ảnh hưởng gì tới cuộc sống con. Những mẫu kinh có sẵn, con cứ đọc chẳng cần suy nghĩ, chẳng cần thay đổi cuộc sống. Lạy Chúa, quá dễ. Và điều đó ru ngủ lương tâm con và làm con ảo tưởng tự mãn.
Còn việc thực hành Lời Chúa, thì quả thực là khó. Lạy Chúa, bởi vì nó đòi hỏi con phải thay đổi cuộc sống, buộc con phải bỏ mình, hy sinh, phải từ bỏ ý riêng, tập quán xấu, những đam mê lầm lạc. Điều đó thật là khó.
Chính vì con thích dễ dãi và ngại khó khăn nên con đã trở thành kẻ khờ dại xây nhà trên cát. Lạy Chúa, con không muốn xây dựng đời mình trên sự ảo tưởng, trên sự tự mãn, để rồi cuối cùng phải chứng kiến đời mình sụp đổ tiêu tan.
Nhưng con muốn đời mình vững vàng trung kiên nhờ đem Lời Chúa thực hành. Con muốn sống Lời Chúa. Xin Chúa ban cho con lòng can đảm để sống Lời Chúa, dù phải hy sinh, dù phải từ bỏ, dù phải sống khác người, dù phải lội ngược dòng. Như vậy, dẫu muôn ngàn cám dỗ khổ đau, thánh giá, hoạn nạn tấn công đời con, như phong ba bão táp trút lên căn nhà, con vẫn đứng vững trên Đá Tảng. Lạy Chúa, xin cho con sự trung tín và khôn ngoan. Amen.
Ghi nhớ: “Ai thực hiện ý Chúa Cha, sẽ được vào nước trời”.
D/ Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
A. Hạt giống…
Câu chủ yếu của đoạn Phúc Âm này là câu 21: “Không phải bất cứ ai thưa ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi”.
Các câu 24-27 là những hình ảnh minh hoạ cho câu trên: người nghe Lời Chúa rồi thi hành giống như người “khôn” xây nhà trên đá; kẻ nghe Lời Chúa nhưng không thi hành giống như người “ngu” xây nhà trước cát.
B. … nẩy mầm.
1. Chủ đề của bài đọc Cựu Ước, và được nhắc lại trong bài Phúc Âm là: “Dân công chính biết giữ sự trung tín, hãy tiến vào”
2. Tri phải đi đôi với hành. Nhưng đôi lúc chúng ta chẳng thực hiện theo ý đó – Ta biết là thuốc tốt nhưng không chịu uống thì cũng chẳng ích lợi gì.”Hỏa ngục được lát toàn bằng những thiện chí”: mai tôi sẽ nên thánh, mốt tôi sẽ giữ đạo. Nhưng chẳng bao giờ tôi thực hành sống đạo.
3. Chúng ta thường xây nhà trên cát, vì chúng ta xây dựng cuộc sống đạo của mình trên những luật lệ, những nghi lễ, trên những câu kinh “Lạy Chúa, lạy Chúa”. Chúng ta ít quan tâm xây dựng cuộc sống trên việc tìm và thi hành ý Chúa, cũng như trên việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa.
4. Muốn biết ngôi nhà đức tin của ta được xây trên cát hay trên đá, hãy coi những lúc “mưa sa, nước cuốn, bão táp” dập vùi xem đức tin ta có còn đứng vững hay không.
5.”Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bhagavad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi
“Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không?”.
Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời
– “Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã”…
Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua
“Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng hạ thần đã hiểu được”…
– Giác ngộ đích thực, hiểu biết chân lý chính là thực thi chân lý”. (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
6. “Chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời thì mới được vào Nước Trời mà thôi” (Mt 7, 21)
Có lần tôi xem được một chương trình trên tivi về những người cùng khổ trong xã hội. Họ không có lấy một chỗ dựa, không có lấy một ai nâng đỡ để hòa nhập vào cuộc sống của mọi người. Họ đang cần sự giúp đỡ của bạn, và của chính tôi. Đã bao nhiêu lần, tôi khước từ lời kêu cứu của họ. Tôi dửng dưng trước lời họ mời gọi. Và như thế, tôi cũng khước từ ý muốn của Cha. Ý muốn của Cha là “anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu anh em”, nghĩa là sẵn sàng hiến mạng sống vì anh em. Vậy, tôi phải cứu lấy những anh em tôi, phải thi hành ý muốn của Cha.