“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi rao giảng Phúc âm cho người nghèo khó.” (Lc 4,18)
Bài Ðọc I: Nkm 8, 2-4a. 5-6. 8-10
“Họ đọc trong sách Luật và người ta hiểu được điều đã đọc”.
Trích sách Nơ-khe-mia.
Ngày ấy, thầy tư tế Esdras mang luật ra trước cộng đồng, gồm đàn ông, đàn bà và tất cả những ai có thể hiểu luật: hôm đó là ngày đầu tháng bảy. Từ sáng đến giữa trưa, thầy đứng ở công trường, trước cửa Nước, đọc sách trước mặt đàn ông, đàn bà và những người hiểu luật. Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật. Thầy thư ký Esdras đứng trên bệ bằng cây mà đọc sách; thầy mở sách ra trước công chúng, vì thầy đứng nơi cao hơn mọi người. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng lên. Esdras chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên đáp lại: Amen, amen. Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất. Một số người đọc từng đoạn trong sách luật Chúa, giải thích ý nghĩa, và người ta hiểu được điều đã đọc. Nơ-khê-mia là tổng trấn, Esdras là tư tế và là thư ký, các thầy Lêvi huấn luyện dân chúng, nói với họ rằng: “Ngày hôm nay được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta; anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc”. Vì lúc đó toàn dân khóc lóc khi nghe đọc các lời trong luật. Họ nói với dân chúng rằng: “Hãy đi ăn thịt béo và uống rượu ngon, hãy gửi phần cho kẻ không có dọn sẵn cho mình, vì ngày này là ngày thánh, dâng cho Chúa, đừng buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn luỹ của anh chị em!”
ÐÁP CA: Tv 18, 8. 9. 10. 15
Ðáp: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống (Ga 6, 64b).
Xướng: Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.
Xướng: Giới răn Chúa chánh trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt.
Xướng: Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy.
Xướng: Xin Chúa nhậm những lời miệng con công bố, và sự lòng con suy gẫm trước thiên nhan, lạy Chúa là Tảng Ðá, là Ðấng Cứu Chuộc con.
Bài Ðọc II: 1 Cr 12, 12-30 (bài dài)
“Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của Người”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Nếu chân nói rằng: “Vì tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc thân xác”, có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Và nếu lỗ tai nói rằng: “Vì tôi không phải là con mắt, nên tôi không thuộc về thân xác”, có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Nếu toàn thân xác là một, thì đâu là thính giác? Nếu toàn thân xác là tai, thì đâu là khứu giác? Vậy, Thiên Chúa đã đặt các chi thể, và mỗi chi thể ở trong thân xác như ý Người muốn. Nếu tất cả đều là một chi thể, thì còn đâu là thân xác? Thật vậy, có nhiều chi thể, nhưng có một thân xác. Con mắt không thể nói với bàn tay: “Ta không cần mi”. Ðầu cũng không thể nói với chân: “Ta không cần các ngươi”. Nhưng hơn thế nữa, các chi thể thân xác xem như yếu hơn, lại cần thiết hơn. Và những chi thể ta coi là ít vinh dự nhất, lại là những chi thể chúng ta đặt cho nhiều vinh dự hơn; và những chi thể thiếu trang nhã lại được ta trang sức hơn, còn những chi thể trang nhã lại không cần như thế: nhưng Thiên Chúa đã sắp đặt thân xác, cho cái thiếu vinh dự được vinh dự hơn, để không có sự bất đồng trong thân xác, mà là để các chi thể đồng lo công ích cho nhau. Nếu một chi thể phải đau, tất cả các chi thể khác đều phải đau lây; hoặc một chi thể được vinh dự, thì tất cả các chi thể cùng chia vui.
Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể của Người, mỗi người có phận sự mình. Có những người Thiên Chúa đã thiết lập trong Hội thánh, trước hết là các tông đồ, rồi đến các tiên tri, thứ ba là các tiến sĩ. Kế đến là quyền làm phép lạ, các ơn chữa bệnh, các việc từ thiện, quản trị, nói nhiều thứ tiếng. Vậy tất cả mọi người là tông đồ ư? Tất cả là tiên tri ư? Tất cả là tiến sĩ ư? Tất cả được ơn làm phép lạ ư? Tất cả được ơn chữa bệnh ư? Tất cả nói nhiều thứ tiếng ư? Tất cả được ơn diễn giải ư?
Alleluia: Lc 4, 18-19
Alleluia, alleluia! – Chúa đã sai con đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm. – Alleluia.
Tin Mừng: Lc 1, 1-4; 4, 14-21
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận.
Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng:
“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”.
Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”.
SUY NIỆM
A/ 5 Phút Lời Chúa
B/ TGM Giuse Nguyễn Năng
Suy niệm: Sau khi đọc sách ngôn sứ Isaia. Ðức Giêsu tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh”, nghĩa là lời ngôn sứ Isaia đã ám chỉ về Ngài và về việc Ngài bắt đầu thực hiện.
Ðức Giêsu được Thiên Chúa sai đến, được Thánh Thần dẫn đưa để thi hành sứ vụ. Sứ vụ của Ðức Giêsu không gì khác hơn là đem hạnh phúc cho con người, cứu giúp cảnh khốn cực, giải phóng cảnh áp bức để con người được sống tự do trong tình con cái Chúa.
Sứ vụ của Ðức Giêsu đã hoàn tất, nhưng tôi đã được giải phóng chưa ? Hay đúng hơn tôi đã để cho Ðức Giêsu giải phóng tôi chưa ? Tôi phải làm thế nào để tôi sống trong tự do hạnh phúc ?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, lời tuyên bố của Chúa: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh”. Lời đó đã ứng nghiệm nơi tâm hồn chúng con chưa ?
Lạy Chúa, chúng con cảm thấy chúng con rất yếu đuối, chúng con chưa thoát khỏi xiềng xích của ích kỷ, danh vọng. Chúng con vẫn bị cầm tù bởi những đam mê tiền của. Xin Thánh Thần của Chúa dẫn đưa chúng con, như Thánh Thần dẫn đưa Ðức Giêsu. Ðể trong cuộc đời chúng con, dù ăn uống, ngủ nghỉ, chúng con làm vì danh Ðức Giêsu Kitô. Chỉ trong Ðức Giêsu Kitô, chúng con mới được tự do sống trong ân tình con cái Cha. Amen.
Ghi nhớ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”.
C/ Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.
TRẢ LẠI TỰ DO
Tự do là quà tặng quý của Thiên Chúa cho con người, nhờ đó, con người mới thật là người, theo hình ảnh Chúa. Tiếc thay con người không luôn luôn giữ được tự do. Tự do của người này bị xâm phạm bởi tự do người khác, hay lắm khi chính mình lại đưa mình vào cảnh nô lệ. Có người tưởng mình đang tự do khi làm theo ý mình, kỳ thực người ấy đang nô lệ cho cái tôi, đang đúc cho mình những xiềng xích bằng vàng. Tự do là ân ban của Chúa, nhưng không dễ giữ được. Con người cứ phải vật vã chiến đấu với chính mình, với bao cám dỗ trong đời để tìm lại tự do đã mất. May quá, chính Chúa Giêsu là Đấng giúp ta tự do. Trong hội đường Nadarét, vào một ngày sa-bát, Đức Giêsu hân hạnh được mời đọc Sách Thánh. Hôm đó người ta đưa cho Ngài cuộn sách ngôn sứ Isaia. Ngài cố ý tìm đoạn văn mình muốn đọc và giảng, và đã chọn đoạn nói về sứ mạng của vị ngôn sứ (Is 61,1-2). Đoạn này được Ngài chọn vì nó hợp với ước mơ, với hướng đi, với chương trình hoạt động của Ngài. Đức Giêsu đã cảm nhận quyền năng của Thần Khí từ khi Ngài chịu phép rửa (Lc 3,22; 4,1.14.18). Thần Khí ấy đầy tràn trên Ngài và luôn đi với Ngài. Ngài thấy mình đã được Chúa xức dầu để thành ngôn sứ. Khi cầu nguyện trong hoang địa bốn mươi ngày (Lc 4,1-13), Ngài đã rõ những việc Cha muốn Ngài làm cho thế giới. Chính vì thế, hôm nay, tại hội đường của quê nhà, Đức Giêsu muốn dùng lời ngôn sứ Isaia để loan báo con đường Ngài đã bắt đầu đi và sẽ tiếp tục đi. Đức Giêsu quan tâm đến bốn nhóm trong xã hội của Ngài: người nghèo, người mù, kẻ bị giam cầm và kẻ bị áp bức. Người nghèo có chỗ đặc biệt trong trái tim của Ngài. Họ là những người gặp khó khăn về mặt kinh tế, nên họ cũng là người phải chịu nhiều bất công thiệt thòi. Họ không có tiếng nói, nên cũng mất luôn quyền tự do. Đức Giêsu ưu tiên loan báo Tin Mừng cho họ (Lc 4,18; 7,22), tuyên bố họ có phúc vì Nước Thiên Chúa là của họ (Lc 6,20). Người mù và vô số người khuyết tật cũng là người nghèo. Cái nghèo về sức khỏe khiến họ mất tự do vui sống. Họ không thể nghe, thấy, đi đứng bình thường (Lc 7,21-22). Đức Giêsu đã trả lại cho họ tự do. Ngài đã cho anh mù ở Giêricô sáng mắt (Lc 18,35-43), đã cởi xiềng xích để bà còng lưng đứng thẳng lên (Lc 13,10), đã cho anh bất toại đứng lên và đi được (Lc 5,24). Đức Giêsu không mở cửa ngục để giải thoát các tù nhân, nhưng Ngài đã giải thoát các tội nhân khỏi bóng tối. Ngài nói với người phụ nữ: “Tội con đã được tha” (Lc 7,48). Tội nhân là những người làm nô lệ cho tội, cho cái tôi, bị giam cầm bởi sự ích kỷ, bởi sự chật hẹp của lòng mình. Ngài đến mở tung lòng họ bằng ơn tha thứ. Vào thời Đức Giêsu có bao người chịu áp bức: phụ nữ, trẻ em, bà góa, dân ngoại, những người bị loại trừ. Ngài đã xóa bỏ sự phân biệt và trả lại cho họ nhân phẩm. “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Đó là tiếng reo vui của Đức Giêsu, mở ra thời đại mới. Ngài sẽ thực hiện những gì Ngài mới đọc trong Isaia. Ước mơ của Ngài là đem lại tự do thực sự cho con người. Đó cũng là ước mơ của chúng ta về thế giới. Là những người được xức dầu thánh và đầy Thánh Thần, chúng ta được sai đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo, được sai đến với bệnh nhân và tội nhân. Xin Chúa giúp ta cởi bỏ khỏi mình mọi thứ xiềng xích, để ta có thể giúp người khác được tự do. Ước gì bản tuyên ngôn của Đức Giêsu ở Nadarét cũng là bản tuyên ngôn của mỗi kitô hữu chúng ta.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu, Ai trong chúng con cũng thích tự do, nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ. Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra. Xin giúp chúng con được tự do thực sự: tự do trước những đòi hỏi của thân xác, tự do trước đam mê của trái tim, tự do trước những thành kiến của trí tuệ. Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ, để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa, để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu, Xin cho chúng con được tự do như Chúa. Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi, khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi và chữa bệnh ngày sa-bát. Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe, khi Chúa không ngần ngại nói sự thật. Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết, vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng. Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng, để chúng con được tự do bay cao.
D/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
LỜI TIÊN TRI ĐÃ ỨNG NGHIỆM
A. DẪN NHẬP
Trong cuộc lưu đày ở Babylon, dân Do thái bị quân thù hành hạ áp bức, nhiều người đã tuyệt vọng vì tương lai rất mịt mờ, nhưng tiên tri Isaia đã báo cho họ biết là họ sẽ được giải phóng. Khi trở về quê hương, họ đã quy tụ lại làm việc thờ phượng Chúa, ghi lại các hồng ân Thiên Chúa đã ban cho họ suốt dòng lịch sử và nhớ lại Giao ước bị bỏ quên (Bài đọc 1).
Từ nhiều thế kỷ trước, tiên tri Isaia đã báo cho họ biết sẽ có Đấng Messia đến giải thoát họ và họ nóng lòng chờ đợi. Nhân dịp về thăm quê hương Nazareth, ngày sabat, Đức Giêsu vào giảng ở hội đường, đọc nhằm đoạn sách tiên tri Isaia mô tả về Đấng Messia và Ngài xác nhận chính Ngài là Đấng Messia ấy, khi Ngài nói: “Hôm nay ứng nghiệm lời Sách thánh mà quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Nhân dịp này Ngài đọc bản tuyên ngôn mô tả sứ mạng và chương trình hành động của Ngài, chính yếu là Ngài được sai đi loan báo Tin mừng cho mọi người, nhất là những người nghèo hèn, khốn khổ…Và công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.
Ngày nay, Hội thánh và mọi Kitô hữu, theo căn tính, phải tiếp tục sứ mạng mà Đức Giêsu đã làm: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con ra đi” (Ga 17,18). Sứ mạng của Kitô hữu được sai đi là làm tông đồ cho Chúa, loan báo Tin mừng Đức Kitô cho mọi người bằng đời sống chứng tá, yêu thương và hiệp nhất.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Nkm 8,2-6.8-10.
Lần đầu tiên khi từ chốn lưu đày trở về, dân Do thái đã tụ họp lại để làm việc thờ phượng, được tiên tri Nêhêmia trình bày như một lễ hội, nhắc lại Giao ước. Tư tế Esdras tập họp mọi người lại tại quảng trường và đọc Sách luật cho họ nghe. Esdras đọc và giải thích cho họ hiểu, và khi đã thông suốt thì họ đồng thanh thưa: “Amen”.
Khi nghe đọc Sách thánh, họ cảm động đến muốn khóc. Họ khóc một phần vì nhớ đến những hồng ân Thiên Chúa đã ban cho họ qua dòng lịch sử, phần khác vì họ hối tiếc vì sự bất trung của họ đối với tình thương bao lao của Thiên Chúa.
Vì thế, tư tế Esdras yên ủi họ: “Anh em đừng sầu thương khóc lóc, đừng buồn bã vì niềm vui của Chúa là thành trì bảo vệ anh em” (Nhm 8,10).
+ Bài đọc 2: 1Cr 12,12-30.
Thánh Phaolô gửi thư cho tín hữu Côrintô để tiếp tục việc giáo huấn cho họ bằng một ví dụ cụ thể, dễ hiểu: “một thân thể có nhiều chi thể”. Cũng giống như một thân thể có nhiều chi thể, Giáo hội dù bao gồm nhiều thành viên với những ơn gọi khác nhau tạo thành một sự thống nhất trong Đức Kitô.
Qua đoạn thư này, chúng ta có thể rút ra được 3 ý chính:
– Giáo hội là thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô, trong đó Đức Giêsu là đầu, và các Kitô hữu là chi thể.
– Các chi thể khác nhau nên cũng có những nhiệm vụ khác nhau, nhưng không chống đối nhau mà còn bổ túc cho nhau.
– Mọi chi thể phải đoàn kết với nhau và phải dùng những đặc ân Chúa ban cho mình để phục vụ ích lợi chung của Hội thánh.
+ Bài Tin mừng: Lc 1,11-4; 4,14-21.
Trong lời mở đầu sách Tin mừng của mình (Lc 1,1-4), thánh Luca nói lên mục đích của sách Tin mừng Luca là điểm qua lịch sử đời Chúa Giêsu, để giáo hữu thêm lòng tin. Truyện về Chúa được truyền qua lời kể của các môn đệ của Chúa, là những người đã tận mắt chứng kiến việc Chúa làm và tận tai nghe lời Chúa nói.
Trong đoạn sau (Lc 4,14-21) thánh Luca cho biết Đức Giêsu sau một thời gian hoạt động, đã trở về Nazareth và giảng dạy trong hội đường. Ngài đọc một đoạn sách về lời sấm của tiên tri Isaia (61,1-2) và Ngài kết luận: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh mà quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Theo đó, Ngài xác nhận mình chính là Messia mà tiên tri Isaia đã loan báo từ lâu. Với tư cách là Messia vừa được xức dầu tấn phong, Ngài được sai đi loan báo Tin mừng cho mọi người, nhất là những người nghèo hèn, khốn khổ… và công bố năm hồng ân của Thiên Chúa. Sứ vụ của Ngài là mở ra một kỷ nguyên hồng ân, tức là kỷ nguyên của Tin mừng.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Loan báo Tin mừng cho mọi người
I. SỨ MẠNG CỦA ĐỨC GIÊSU
1. Đức Giêsu là ai?
Xét về nguồn gốc, ai cũng biết Đức Giêsu xuất thân từ Nazareth xứ Galilê, con bác thợ mộc Giuse và bà nội trợ Maria. Còn người đồng hương thì quá biết Ngài vì đã sinh sống với họ gần 30 năm, và xét theo bề ngoài, Đức Giêsu không có gì đặc biệt, chưa hề làm một phép lạ nào, chỉ là một thanh niên lam lũ, kiếm sống bằng nghề thợ mộc.
Rời khỏi Nazareth một thời gian, tự nhiên danh tiếng Ngài đã vang dội khắp nơi qua việc rao giảng Tin mừng và làm nhiều phép lạ chữa mọi bệnh tật, trừ quỷ và làm cho kẻ chết sống lại. Tuy thế, đối với dân làng thì họ vẫn còn nhửng nhưng, hoặc bán tín bán nghi. Nói chung, đối với dân làng Nazareth, Ngài vẫn chỉ là một thanh niên xuất thân từ Nazareth không hơn không kém. Nay trở về quê hương, dân làng cũng chỉ coi Ngài bình thường như các thanh niên khác, chưa tỏ ra thái độ kính trọng hay kiêng nể gì.
2. Quang cảnh làng Nazareth
Nazareth có lẽ không phải là một thôn làng, nó được gọi là “Polis” nghĩa là một thành hay một thị trấn, và có thể có tới 20.000 dân. Nazareth toạ lạc trong vùng đất của sườn đồi của Galilê, có ba con đường lớn vòng quanh, tiện lợi cho việc thông thương và kinh doanh.
Có lẽ người ta sai lầm nếu nghĩ rằng Đức Giêsu lớn lên tại một làng quê hẻo lánh. Ngài lớn lên trong một thành có trục lộ giao thông của thế giới chạy qua ngay trước ngõ. Chính nơi đây Đức Giêsu đã giảng một bài quan trọng trình bày nội dung chương trình hành động của Ngài, hay cũng có thể được gọi là bản tuyên ngôn về công tác cứu rỗi mà Ngài đến thực hiện.
3. Đức Giêsu giảng ở hội đường
Sau một thời gian đi rao giảng Tin mừng và làm phép lạ, danh tiếng Đức Giêsu đã lan rộng khắp nơi, Ngài trở về thăm quê hương Nazareth. Vào một ngày sabat, Ngài vào hội đường cùng với bà con cô bác để ca tụng Chúa và nghe đọc Sách thánh, tất cả mọi người nóng lòng muốn nghe một người mà họ quen biết nhiều, thình lình nổi tiếng. Có thể là Ngài yêu cầu, hoặc là người phụ trách hội đường đưa cho Ngài cuộn da ghi lời Kinh thánh của tiên tri Isaia để hướng dẫn giờ đọc Lời Chúa.
Ngài mở nhầm chỗ nói về niềm vui của năm hồng ân, tác giả mô tả sự vui mừng của những kẻ trở về sau cuộc lưu đày từ Babylon. Hay nói đúng hơn đoạn sách nói về Đấng Cứu thế: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng” (Lc 4,18-19).
Đọc xong, gấp sách lại, ngồi xuống như các diễn giả thường làm. Tất cả đều chăm chú nhìn Ngài chờ đợi, xem Ngài cắt nghĩa đoạn sách này như thế nào. Ngài lợi dụng dịp này để công bố lời tiên tri này được ứng nghiệm nơi chính Ngài. Ngài tuyên bố chính Ngài là Messia (Đấng thiên sai) đã được hứa, khi trịnh trọng nói: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh thánh mà tai các vị vừa nghe” (Lc 4,18-19).
Chúng ta nhận thấy trong các buổi nhậm chức của tân tổng thống, bao giờ cũng đọc một bài diễn văn quan trọng đầu tiên, trong đó ông vạch ra đường hướng, chính sách và chương trình hành động trong nhiệm kỳ mới. Bài Tin mừng hôm nay miêu tả bài diễn văn đầu tiên của một vị tân Lãnh đạo tôn giáo. Đó là bài nói chuyện đầu tiên của Đức Giêsu Kitô tại Nazareth, quê quán của Ngài. Ngài đưa ra một phác thảo về đường hướng và sứ mạng của Ngài, Đấng Thiên Sai, qua lời tiên tri Isaia: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, Ngài sai tôi đi ra giảng Tin mừng…” (Lc 4,14-21).
So sánh lời công bố của Đức Giêsu Kitô và các diễn văn của các tân tổng thống trong ngày nhậm chức, chúng ta thấy có sự khác biệt rõ ràng. Quý vị tổng thống nói rất nhiều, hứa đủ thứ, nhưng sau cùng chẳng thực hiện được bao nhiêu trong thời gian tại chức. Trái lại, Đức Giêsu đã nói rất ít nhưng đã thực hiện tất cả những điều Ngài đã tuyên bố.
4. Chương trình hành động của Ngài
Nếu ngày xưa tác giả sách tiên tri Isaia loan báo một thời kỳ cứu độ, chỉ để cho dân Chúa được bình an mà sống những ngày tháng sau lưu đày, thì đây, với lời tuyên bố: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh thánh mà tai các vị vừa nghe” (Lc 4,21), Đức Kitô đã chính thức công bố thời kỳ cứu độ ấy đã đến. Ngài không chỉ ban bình an trong cuộc đời mà còn là bình an vĩnh cửu.
Ta thấy sứ mạng của Đức Giêsu là đến để giải phóng con người một cách toàn diện, cả tâm linh lẫn thể xác, cả cá nhân đến xã hội, bao hàm cả ba lãnh vực chính yếu của Kitô giáo: chân lý, công lý và tình thương (x. Mt 23,23).
Về tâm linh, Ngài giải phóng con người khỏi ách thống trị của tội lỗi, của lề luật, của thói hư tật xấu, khỏi tính yếu đuối của bản tính con người. Thánh Phaolô viết: “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1; x. Rm 6,18; Cl 1,13).
Ngài cũng đến để giải phóng con người về mặt thể chất: “Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7,24-25).
Về mặt xã hội, Ngài đến để thực hiện một xã hội lý tưởng là Nước trời, không chỉ tại thiên mà còn tại thế, trong đó mọi người đối xử với nhau bằng chân lý, công lý và tình thương.
II. SỨ MẠNG CỦA CHÚNG TA
1. Sứ mạng của Giáo hội
Sứ mạng của Đức Giêsu, ngày hôm nay, vẫn được tiếp tục thực hiện qua Giáo hội và trong Giáo hội. Thực vậy, Khi Đức Giêsu hoàn thành thời gian sứ mạng của Ngài, Ngài gửi Thánh Thần đến cho các môn đệ để họ tiếp tục công bố Năm toàn xá của Thiên Chúa, loan Tin mừng cho mọi người, rao giảng và thực hiện sự giải phóng toàn diện con người và xã hội. Nói rõ hơn, Giáo hội được đầy Thánh Thần từ ngày lễ Ngũ tuần phải tiếp tục sứ mạng của Đức Giêsu trong lịch sử. Như vậy, lời sách tiên tri Isaia thâu tóm sứ mạng của Đức Giêsu cũng là lời thâu tóm sứ mạng của Giáo hội mọi thời đại. Hôm nay sứ mạng ấy càng trở nên khẩn trương hơn.
2. Sứ mạng của mỗi Kitô hữu
a) Mỗi người được sai đi
Qua bài Tin mừng này, thánh Luca trình bày Đức Giêsu như một kẻ được Thiên Chúa xức dầu Thánh Thần và sai đi. Tất cả chúng ta là những kẻ được Chúa sai đi. Mỗi người chúng ta cũng được Chúa sai đi. Ngày trước, Thiên Chúa đã sai Đức Giêsu đi, rồi đến phiên Đức Giêsu lại sai chúng ta đi. Đức Giêsu đã phán: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai chúng con ra đi” (Ga 17,18). Bởi vậy lời Thánh kinh mà Đức Giêsu đã áp dụng cho bản thân Ngài “Chúa đã sai tôi đi”, cũng phải được chính chúng ta áp dụng cho chúng ta “Chúa cũng sai tôi đi”.
Sai đi để làm gì? Thưa sai đi để làm tông đồ cho Chúa. Mỗi Kitô hữu là một tông đồ. Công đồng Vatican II còn nói mạnh hơn: “Làm tông đồ là bản tính của người Kitô hữu”. Nói khác đi, nếu không làm tông đồ thì không còn phải là Kitô hữu nữa.
b) Phải mộ mến Lời Chúa
Muốn đi loan báo Tin mừng thì phải biết Tin mừng, muốn biết Tin mừng mà không mộ mến Lời Chúa thì làm thế nào mà biết rao giảng Lời Chúa, nhất là biết sống theo lời Chúa dạy. Dĩ nhiên, nếu chỉ tin rằng những gì được nói trong Thánh kinh, nhất là Tin mừng, đều là sự thật mà thôi thì chưa đủ, vì đó là thái độ luôn phải có đối với bất cứ cuốn sách phàm tục nào mà chúng ta cho là đúng đắn.
Trái lại, khi đọc Tin mừng là phải đọc với tất cả niềm tin cao độ và lòng mến thiết tha nghĩa là tin tưởng tất cả những gì trong đó đang được thực hiện. Thánh Giêrônimô nói: “Không biết Thánh kinh là không biết Chúa Kitô”. Khi đọc Kinh thánh, chúng ta hãy lắng nghe những điều Chúa nói với chúng ta qua ân sủng, với tất cả con tim nồng cháy của mình.
Truyện: Chẳng nghe được gì hết
Trong vở kịch “The Royal Hunt of the sun” (Hoàng gia đi săn mặt trời) có kể lại cuộc chinh phục dân da đỏ ở Pêru của người Tây Ban Nha vào thế kỷ 16, trong đó có một màn kể lại câu chuyện một người nọ biếu cho tù trưởng bộ lạc da đỏ một cuốn Thánh kinh và bảo ông ta: “Đây là Lời Chúa, Ngài nói với chúng ta qua cuốn sách này”. Viên tù trưởng nghiêm trang cầm cuốn Thánh kinh lên, xem xét kỹ lưỡng và dịu dàng đặt nó vào lỗ tai. Ông cố gắng nghe đi nghe lại nhưng chẳng nghe được gì hết. Thế là ông ta nghĩ rằng mình bị phỉnh gạt, nên giận dữ dằn mạnh cuốn sách xuống đất.
Màn bi kịch trên khiến chúng ta tự nhủ: “Vậy chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa như thế nào?” Chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa bằng ba cách thức: bằng lỗ tai của tâm trí, bằng lỗ tai của trái tim và bằng lỗ tai của linh hồn… (M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm C, tr 166-167).
Chúng ta phải làm sao để Lời Chúa được diễn lại sống động nơi tâm trí chúng ta, phải ghi khắc lời ấy vào trái tim chúng ta và phải bàn bạc với Chúa cũng như lắng nghe điều Ngài nhắn nhủ chúng ta qua lời ấy.
III. CÁCH THI HÀNH SỨ MẠNG
1. Sống đời chứng tá
Đức Giáo hoàng Phaolô VI nói: “Người thời nay thích những chứng tá hơn là thầy dạy”. Đúng thế, lời dạy dỗ không hấp dẫn và thuyết phục bằng chứng tá vì người ta thường nói: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Nếu thầy dạy mà thực hành điều mình dạy thì lời ấy càng có tính thuyết phục; nếu ngược lại, những lời giảng dạy ấy hoàn toàn trở nên vô ích, có khi còn phản tác dụng: không làm cho người ta đến với Chúa mà còn làm cho người ta lìa xa Chúa nữa. Muốn cho lời rao giảng của mình có tác dụng, người truyền giáo nên thực hành lời Đức Giám mục chủ phong trong thánh lễ truyền chức Linh mục khuyên tân Linh mục:
“Hãy tin vào điều con đọc,
Hãy giảng điều con tin,
Và hãy thực hành điều con giảng dạy”.
Về vấn đề làm chứng này, chúng ta hãy trở lại thời Giáo hội sơ khai, các tín hữu đầu tiên đã sống với nhau như thế nào theo một tác giả thế kỷ thứ ba:
“Người Kitô hữu không khác với những kẻ khác về cư trú, về ngôn ngữ hay lối sống. Bởi vì họ không cư ngụ một thành nào riêng biệt, cũng không dùng ngôn ngữ nào khác thường và nếp sống của họ chẳng có chi khác biệt. Không phải do suy tư hay bận tâm tra cứu mà họ khám phá được các giáo thuyết. Họ không chủ trương một giáo điều nào của loài người như một số người nọ…
Họ ở trong xác thịt nhưng chẳng theo xác thịt. Họ cư ngụ trên mặt đất nhưng có thành trì ở trên thiên đàng. Họ tuân theo mọi lề luật đã được đặt ra, nhưng lối sống của họ còn hơn cả lề luật. Họ yêu mến mọi người mà mọi người bách hại họ. Họ bị giết nhưng nhờ vậy mà được tái sinh. Họ thật nghèo nhưng lại làm cho bao người trở nên giàu có. Thiếu thốn mọi sự nhưng họ được tràn đầy mọi sự. Người ta khinh khi họ, nhưng trong sự khinh dể đó họ tìm được vinh quang. Danh giá họ bị nhục mạ nhưng nhờ đó họ được minh chứng là công chính. Bị chửi bới, họ chúc lành cho người ta, người khác hành hạ họ nhưng họ một niềm kính trọng. Khi làm lành họ bị trừng phạt như những kẻ bất lương, và chính lúc bị trừng phạt như vậy họ lại vui mừng, dường như được sống. Người Do thái khai chiến với họ như với những kẻ ngoại, đang khi đó dân ngoại bắt bớ họ, nhưng chẳng ai có thể nói tại sao lại thù ghét người Kitô hữu như vậy” (Trích Các bài đọc 2, mùa PS, tr 84-85).
2. Sống đời yêu thương
Đức Giêsu đã phán: “Người ta cứ dấu này mà biết các con là môn đệ của Thầy, là các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13,35). Cốt lõi của đạo Công giáo là bác ái, bởi vì chỉ có một lề luật là mến Chúa yêu người. Nếu người ta chỉ yêu Chúa mà không thương yêu tha nhân là một điều khó hiểu, vì như thánh Gioan nói, những người chung quanh sờ sờ ra trước mắt mà người ta không yêu thương được, thì làm sao người ta có thể yêu thương Thiên Chúa là Đấng vô hình? Vậy nếu muốn giới thiệu cho người khác Đấng mà thánh Gioan gọi “Thiên Chúa là Tình yêu” thì phải có một hình ảnh nào, để qua đó người ta biết Thiên Chúa yêu thương nhân loại. Hình ảnh đó chính là tha nhân và nếu yêu tha nhân là hình ảnh của Chúa thì người ta sẽ dễ nhận ra Chúa hơn. Truyện: Bà có họ hàng với Chúa
Dan Clack kể lại một câu chuyện rất ngắn nhưng cũng rất ấn tượng: Vào một buổi tối trời tuyết lạnh, một em bé khoảng sáu, bảy tuổi đang đứng tần ngần trước một siêu thị sang trọng. Đứa bé đi chân đất, khoác trên người bộ quần áo cũ kỹ, tơi tả, trông như miếng giẻ rách. Có một thiếu phụ đi ngang qua trông thấy cậu bé và đọc được nỗi thèm muốn trong đôi mắt màu xanh đó. Bà cầm tay đứa trẻ, dẫn vào tiệm và mua cho em đôi giày mới và bộ quần áo ấm. Sau đó, họ bước ra phố, và thiếu phụ nói với cậu bé:
– Chúc cháu vui vẻ và một đêm ngủ ngon.
Đứa bé trố mắt nhìn thiếu phụ, rụt rè hỏi:
– Thưa bà, bà có phải là Chúa không?
Bà cúi xuống mỉm cười với cậu bé, vỗ nhẹ vào vai cậu trả lời:
– Con ơi, không phải đâu, bà chỉ là một trong những đứa con của Ngài thôi!
Cậu bé như khám phá được điều gì mới lạ:
– Cháu đã biết ngay là bà có họ hàng với Chúa mà. (Thiên Phúc, Lời gọi yêu thương, tr 3-4).
Sống đời bác ái yêu thương là dấu chỉ con cái Chúa và là dấu chỉ anh em với nhau. Đức Giêsu đã xác nhận: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 6,21). Quả thật, thiếu phụ trong câu chuyện trên đã nghe và thi hành lời gọi yêu thương của Chúa: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38). Được làm anh em, họ hàng của Chúa không là một vinh dự vô cùng lớn lao cho con người sao?
3. Đời sống hiệp nhất
Trong thân thể con người có rất nhiều chi thể. Thân thể tạo nên một thể thống nhất dù bao gồm nhiều chi thể. Những chi thể này rất khác nhau và có những chức năng rất khác nhau: dĩ nhiên có một số chi thể quan trọng hơn những chi thể khác. Nhưng một thân thể đầy đủ cần có mọi chi thể và các chi thể cần lẫn nhau.
Giáo hội cũng như thế. Chúng ta dù nhiều nhưng cùng tạo thành một thân thể trong Đức Kitô. Nhận thấy trong giáo đoàn Côrintô có sự chia rẽ, thánh Phaolô đã viết thư khuyên nhủ các tín hữu tránh sự chia rẽ mà phải hợp nhất trong Chúa Kitô: “Tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể… Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (Bài đọc 2).
Gia đình là Hội thánh tại gia. Hội thánh tại gia cũng phải có những đặc tính như Hội thánh toàn cầu: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Một trong các đặc tính là sự hiệp nhất. Thánh Phaolô cũng trưng Sách thánh ra để nói lên sự hiệp nhất vợ chồng là cần thiết: “Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (Ep 5,32). Nếu trong gia đình Kitô hữu, mọi người hiệp nhất với nhau, nhất là vợ chồng không ly dị, thì đây là chứng tá hùng hồn để giới thiệu cho người ta một Chúa Ba Ngôi duy nhất, nguyên lý của mọi tạo vật, và mọi loài thọ sinh phải tùng phục thờ lạy Ngài.