Chúa Nhật II Phục Sinh – Kính Lòng Chúa Thương Xót, Ngày 24 -2- 2022
Pt. Jerome Buhman
Các bài đọc: Acts 5:12–16 • Ps 118:2–4, 13–15, 22–24 • Rev 1:9–11a, 12–13, 17–19 • Jn 20:19–31
bible.usccb.org/bible/readings/042422.cfm
Bạn biết đấy, Kinh Thánh đầy những điều bí ẩn, có những điều bí ẩn nổi tiếng hơn những điều khác. Điều gì đã thực sự xảy ra cho Hòm Bia Giao ước? Môi-se băng qua Biển Đỏ ở khúc nào? Hay đó chỉ là vùng Biển Sậy? Và Giô-na có mùi gì sau ba ngày ở trong bụng con cá khổng lồ?
Một trong những điều khiến tôi thắc mắc từ nhiều năm đã xuất hiện trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta nghe đến ông Tô-ma, còn gọi là Đi-đi-mô, có nghĩa là “Song sinh”. Rõ ràng Tô-ma đã là một trong cặp song sinh – vậy người anh em song sinh với Tô-ma là ai? Người này không bao giờ được nhắc đến trong Tân Ước.
Thôi được rồi, sau khi cố gắng tìm tòi, tôi nghĩ rằng mình đã tìm ra cặp song sinh này – hay đại loại như vậy. Giờ thì tôi lưu ý bạn, bài chia sẻ này có thể gây lẫn lộn một chút, nên có thể bạn phải vẽ ra.
Vậy, tại sao Tô-ma, tức Tô-ma đa nghi, lại được gọi là song sinh? Ông thực sự có thể là một người sinh đôi về mặt thể lý hoặc . . . câu trả lời có lẽ nằm trong từ “hoài nghi”. Bạn biết đó, hoài nghi có nghĩa là không chắc chắn giữa hai lựa chọn, hoặc theo nghĩa đen rõ ràng hơn tức là “ở giữa hai nhận thức”. Vậy Tô-ma có hai nhận thức – nên người ta có thể nói rằng Tô-ma là một kẻ song sinh trong chính con người mình – và ở nhiều mức độ chứ không phải chỉ có một, vì ông có nhiều lựa chọn trong những ngày đi theo cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Chúa Giê-su. Để giúp phân biệt những xung đột giằng co nội tâm mà Tô-ma đã trải qua, chúng ta tạm đặt tên là ông Tô-ma A và ông Tô-ma B. Mỗi ông Tô-ma này đều có một cách chọn lựa trong bài Tin mừng hôm nay. Bây giờ, hãy bắt đầu với ông Tô-ma A.
Tô-ma A có hai ý thức về việc tin vào sự phục sinh của Chúa Giê-su: giác quan và lý trí nói với ông một đàng, trong khi trái tim ông nói với ông đàng khác. Sau khi nhìn thấy Chúa Giêsu bị đóng đinh chết tức tưởi trên thập giá, ông xác tín rằng Chúa Giê-su bị như vậy chắc chắn là đã chết thật rồi. . . Thế nhưng, kìa ông đang ở trong phòng trên lầu cùng với các tông đồ khác và ông đã gặp Chúa Giê-su. Vậy, Tô-ma A phải chọn lựa: tin hay không tin vào Chúa Giê-su đã phục sinh. Chúng ta biết đấy, ông đã chọn như thế nào khi thốt ra những lời tuyên tín tuyệt vời: Lạy Chúa của con và lạy Thiên Chúa của con.
Bây giờ đến Tô-ma B. Giống như Tô-ma A, ông Tô-ma B cũng phải lựa chọn. Mặc dù bài đọc không trình bày rõ ràng, nhưng ngay khi các Tông đồ khác trước đó đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần và được sai đi, thì ông Tô-ma B cũng phải lựa chọn: hoặc ở yên thân trên lầu và giữ kín những hiểu biết của mình về Chúa Kitô, hay là làm theo ý muốn của Chúa Kytô và ra đi rao giảng Tin mừng. Chúng ta biết ông Tô-ma B đã chọn phương án sau; theo truyền thống, ông đã đi đến Ấn Độ để rao giảng và cuối cùng đã tử vì đạo ở đó.
Bây giờ mọi sự lại trở nên lắt léo hơn một chút. Bạn thấy đấy, Đi-đi-mô không chỉ có nghĩa là sinh đôi mà nguyên cái tên Tô-ma cũng đã có nghĩa là song sinh. Thế nên, lại có thêm một kẻ song sinh khác nữa! Vậy, “kẻ song sinh thứ ba” này là ai? Phải, kẻ đó chính là chúng ta! Bạn và tôi – tất cả chúng ta đều là những anh chị em song sinh với Tô-ma, và cũng như Tô-ma, nhiều lần chúng ta bị sự hoài nghi tấn công, nên chúng ta phải chọn lựa giống như Tô-ma đã làm. Trước tiên, chúng ta có tin vào Chúa Giêsu phục sinh không? Chúng ta có tìm cách gặp gỡ với Người không? Thứ đến, chúng ta có luôn chọn thực thi ý muốn của Người và rao giảng Tin Mừng không?
Đã hẳn chúng ta là con người, vì vậy chúng ta thường hay nghi ngờ và không phải lúc nào chúng ta cũng chọn lựa đúng. Tất nhiên Thiên Chúa biết điều này, và vì thế nhờ Thánh Thần của Ngài (cũng là Đấng mà Chúa Giêsu đã thổi hơi trên các tông đồ), cũng là thần khí chúng ta lãnh nhận lãnh khi chịu Phép Rửa, Thiên Chúa ban cho chúng ta Lòng Thương Xót của Người.
Vậy lòng thương xót là gì? Nếu tìm hiểu, bạn có thề thấy nó có nghĩa là lòng trắc ẩn hoặc thương hại. Nhưng các nghĩa đó không diễn tả trọn vẹn. Lòng trắc ẩn và thương hại chỉ là những loại cảm xúc mà bạn cảm nhận được. Còn lòng thương xót thì chủ động; đó là điều bạn đang làm – là một hành vi thương xót. Lòng thương xót là hành vi yêu thương, không chỉ đối với người đáng được yêu thương, mà đặc biệt nhất là đối với những người không xứng đáng được yêu thương.
Lòng thương xót của Thiên Chúa là tình yêu Thiên Chúa vượt trên những gì chúng ta xứng đáng được lãnh nhận. Hành vi thương xót lớn lao nhất trong lịch sử là những gì chúng ta vừa cử hành vào tuần trước về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su. Đó là lòng Chúa Thương Xót. Đó là hành vi thương xót của tình yêu mà Chúa Giê-su đã thổi vào các môn đệ Người dưới hình thức Chúa Thánh Thần. Đó cũng là hành vi thương xót của tình yêu mà chúng ta cố gắng biểu lộ cho người khác qua những nỗ lực rao giảng Tin Mừng.
Vì vậy, khi kết thúc Thánh lễ hôm nay, chúng ta sẽ nói: “Hãy ra đi, lấy gương sáng đời sống bạn mà làm sáng danh Chúa”. Sự lựa chọn của chúng ta hôm nay và mọi ngày là “Tôi sẽ đi làm sáng danh Chúa như thế nào?” Và khi chúng ta quyết định, Thần Khí của Thiên Chúa sẽ ngự đến và giúp đỡ chúng ta. Không còn nghi ngờ điều gì nữa.
Chuyển ngữ :JB. Đào Ngọc Điệp
Nguồn: https://www.hprweb.com/