CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN
Ngày Chúa Ki-tô Đến Kết Thúc Kế Hoạch Cứu Độ
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Ml 3:19-20a; 2 Tx 3:7-12; Lc 21:5-19)
Sứ mệnh cứu độ của Chúa Giê-su Ki-tô sẽ được hoàn tất sau khi Người. “bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết” và được tôn vinh là Vua vũ trụ. Công cuộc cứu độ ấy đã được khởi đầu trong thời gian và không gian của nhân loại, tức là ngày Chúa Giê-su giáng sinh tại Bê-lem cách đây hơn hai ngàn năm. Ba mươi ba năm “cư ngụ giữa chúng ta”, Người thiết lập “Triều Đại Thiên Chúa” để rao giảng Tin Mừng và kêu gọi người ta hối cải bằng cách sống những điều Người giảng dạy. Nhờ sự chết và Phục Sinh của Người, chúng ta được chuộc tội lỗi để làm con cái Thiên Chúa. Nhờ việc rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội và thiện chí đón nhận, ơn cứu độ đến với mọi người không loại trừ ai, nhờ đó người ta sống đời sống mới trong Thánh Thần đến hết cuộc sống trần gian này. Vậy “Ngày của Đức Chúa đến” là ngày khởi đầu ơn cứu độ như ngôn sứ Ma-la-khi đã tiên báo. Tuy nhiên Triều Đại Thiên Chúa sẽ kết thúc ở một thời điểm mang những tên khác nhau như “ngày quang lâm”, “ngày Con Người đến”, thậm chí là “Chính ta đây” và “Thời kỳ đã đến gần” như trong bài Tin Mừng hôm nay. Quen thuộc nhất với chúng ta, đó là ngày tận thế hoặc ngày phán xét chung, ngày Chúa Giê-su bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết, điều chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính. Vậy để chuẩn bị đón ngày ấy, chúng ta phải làm gì? Đoạn thư thứ hai thánh Phao-lô gửi anh chị em tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca cho chúng ta câu trả lởi thực tế.
1. “Ngày của Đức Chúa đến” sẽ thiêu rụi mọi kẻ kiêu ngạo và kẻ làm điều gian ác, nhưng mặt trời công chính sẽ mọc lên để chữa lành những ai kính sợ Danh Chúa (Bài đọc 1: Ma-la-khi 3:19-20a)
Trước hết có lẽ chúng ta hãy bỏ qua ý niệm về “Ngày của Đức Chúa” được tính như một đơn vị với hai mươi bốn giờ. Vì thời giờ của Chúa không được đếm bằng con số (chronos), mà như một cơ hội (kairos). Do đó, nói về ngày của Chúa là nói về tất cả những gì Chúa trực tiếp hành động hoặc qua một trung gian trong một cơ hội hay biến cố nào đó. Vậy khi nói đến “Ngày của Đức Chúa” ngôn sứ Ma-la-khi muốn ám chỉ thời gian Chúa hành động như thế nào đối với những kẻ gian ác và đối với những kẻ kính sợ Danh Người. Để nhân cách hóa hành động của Chúa, hai hình ảnh cụ thể được sử dụng là “hỏa lò” và “mặt trời công chính”. Để tiêu diệt những kẻ gian ác và mọi việc làm của chúng, “ngày của Đức Chúa” sẽ đến giống như một hỏa lò để “thiêu rụi” chúng. Trái lại, đối với những kẻ kính sợ Danh Chúa và làm các việc tốt lành thì ngày của Đức Chúa lại giống như “mặt trời công chính” phá tan đêm tối và mang ánh sáng cứu độ đến cho họ.
Cách diễn tả của ngôn sứ Ma-la-khi có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những gì Thiên Chúa sẽ làm trong ngày phán xét chung. Theo cách mô tả của Tin Mừng Mát-thêu, trong ngày kết thúc kế hoạch cứu độ nhân loại, Thiên Chúa giống như “ông chủ” đã trao cho các đầy tớ “những yến bạc” và sau một thời gian sẽ trở về tính toán sổ sách với họ. Các đầy tớ dù có người nhận được ít, có kẻ nhận được nhiều, nhưng tất cả đều phải cố gắng dùng những yến bạc ấy mà sinh lợi. Ai sinh lợi thì được thưởng, còn ai không chịu làm gì cả thì bị phạt. Còn thánh Mác-cô lại nhấn mạnh đến hành động của Con Người trong ngày ấy, là Người sẽ “sai các thiên sứ đi và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về”.
Thiên Chúa làm công việc của Người trong “ngày của Đức Chúa”, còn đối với chúng ta, ngày của Đức Chúa đề ra cho chúng ta một lối sống thích hợp. Về những tội lỗi và những “điều gian ác” trong ta, chúng ta hãy mạnh dạn quăng chúng vào cái hỏa lò của ngày của Chúa, để chúng bị thiêu rụi đi cho chúng ta tiếp tục sống như con cái Chúa. Cũng thế, mặt trời công chính là Chúa Giê-su Ki-tô đã mọc lên trong cuộc đời chúng ta khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Vậy chúng ta hãy để Người không ngừng chiếu tỏa trong ta các “tia sáng chữa lành” đủ thứ bệnh tật thiêng liêng cho chúng ta.
2. Điều gì xảy ra sau Ngày Giê-ru-sa-lem bị tàn phá và Ngày tận thế? Hãy làm chứng cho Chúa (bài Tin Mừng: Lu-ca 21:5-19)
Rõ ràng trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su không nói thẳng đến những gì sẽ xảy ra trong ngày tận thế, mà chỉ đề cập đến những điều sẽ xảy ra trước ngày tận thế. Thực ra Chúa Giê-su chỉ nói đến ngày Đền Thờ Giê-ru-sa-lem sẽ bị tàn phá mà thôi, nhưng việc này lại khiến cho các môn đệ nghĩ ngay đến ngày tận thế, nên họ hỏi Người: “Vậy bao giờ các sự việc đó (ngày tàn phá Đền Thờ và ngày tận thế) xảy ra?” Dường như Chúa hoàn toàn quay sang một đề tài khác: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt”. Để giúp họ khỏi “bị lừa gạt”, Chúa đan cử vài sự kiện như chiến tranh, loạn lạc, rồi Người trấn an họ: Đừng sợ hãi, vì chiến tranh loạn lạc “phải xảy ra trước”, nhưng “chưa phải là chung cục ngay đâu”. Chưa phải là chung cục có nghĩa là ngày tận thế chưa xảy ra đâu. Nói khác đi, ngày Giê-ru-sa-lem bị tàn phá chưa phải là ngày tận thế. Tuy nhiên Chúa lại tiếp tục kể ra những dấu chỉ khác, như xảy ra cảnh các dân nước chống lại nhau, những trận động đất lớn, ôn dịch, đói kém, hiện tượng kinh khủng và điềm lạ từ trời xuất hiện. Dù vậy tới đây Chúa Giê-su vẫn không khẳng định rằng đó là những dấu chỉ cho thấy ngày tận thế sẽ xảy ra ngay sau những dấu chỉ ấy; trái lại Người nói đến một tình trạng chắc chắn sẽ xảy ra trước khi các dấu chỉ nói trên xảy ra. Vậy tình trạng ấy là gì? Đó là tình trạng các môn đệ Chúa sẽ phải trải qua cuộc bách hại khốc liệt, bị ngược đãi, bỏ tù …, nhưng lại là một cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Cuối cùng thì Chúa Giê-su cũng đưa chúng ta tới trọng tâm sứ điệp của Người, là chúng ta phải trải qua cơn bách hại (hoặc nhiều cơn bách hại) để làm chứng cho Người và cho Tin Mừng. Sứ điệp này rất ý nghĩa đối với từng người chúng ta: Trước khi chúng ta tiến dần tới “ngày tận thế” của đời Ki-tô hữu, chắc chắn chúng ta phải chịu thử thách về đời sống đức tin và qua những gian nan thử thách ấy, chúng ta làm chứng cho Chúa Giê-su Ki-tô cho đến hơi thở cuối cùng. Những gì Chúa Giê-su nói là những gì sẽ xảy ra mang chiều kích hoàn vũ và toàn thể nhân loại, tuy nhiên cũng bao gồm cả những gì sẽ xảy ra cho từng cá nhân chúng ta nữa. Chúa Giê-su tóm kết lại cuộc bách hại chúng ta phải chịu qua dòng sau đây: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét”. Chúa Giê-su không dọa chúng ta, nhưng Người chỉ nói lên một sự thật nhiều khi chính chúng ta không muốn chấp nhận. Đúng vậy, cách này hay cách khác, mức độ trầm trọng hay nhẹ nhàng, mỗi người đều có thể cảm nhận được sự “thù ghét” từ nhưng người không thích chúng ta cho đến ngay những người được gọi là “thân thương” của chúng ta. Thí dụ, vì khác biệt ý tưởng về việc phá thai, có thể con gái chống lại mẹ hoặc con dâu chống lại mẹ chồng. Vì tranh đấu cho nhân quyền, nhiều Ki-tô hữu đã từng bị chính quyền bỏ tù hoặc tước bỏ tự do, thậm chí còn bị giết nữa. Dầu sao, Ki-tô hữu vẫn phải làm chứng cho Chúa, can đảm đứng dậy bỏ phiếu chống lại những chính quyền chủ trương và tích cực hỗ trợ việc phá thai, bất chấp những cái bánh vẽ họ đưa ra để mị dân và ru ngủ lương tâm chúng ta. Đừng sợ, có Chúa phù hộ chúng ta, chúng ta còn sợ gì ai! Và để kết thúc cho lời khích lệ làm chứng cho Chúa, Chúa dạy: “Cứ kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”.
Sống sứ điệp Lời Chúa
3. Để chuẩn bị đón Chúa đến phán xét, chúng ta phải làm gì? (bài đọc 2: 2 Thê-xa-lô-ni-ca 3:7-12)
Có lẽ chúng ta cần nhìn lại tình trạng đời sống của tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca vào thời điểm thánh Phao-lô viết thư này để biết tại sao ngài đã nghiêm khắc khiển trách họ vì lối sống “vô kỷ luật” của họ. Dưới ảnh hưởng văn hóa Hy-lạp, tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca chưa vững tin vào những giáo lý Tin Mừng do thánh Phao-lô rao giảng. Đối với họ cũng như đối với thế giới hôm nay, sự buông thả trong quan hệ nam nữ được coi là hợp pháp, thí dụ như ngày nay việc “đổi giống” là “quyền”, ngay cả cha mẹ và những người trách nhiệm cũng phải tôn trọng “quyền” của con cái… Trong một xã hội có khuynh hưởng “hưởng lạc” như vậy, có một tệ nạn đã được thánh Phao-lô đặc biệt nhắc đến ở đây: đó là thói ăn không ngồi rồi, nhàn cư vi bất thiện. Do đó, ngài đã nghiêm khắc nói với họ: “Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân”.
Nói tóm lại, chiêm ngưỡng ngày Chúa xuống trần làm phàm nhân và chết trên thập giá để chuộc tội chúng ta, chúng ta hãy đón nhận ơn cứu độ Chúa ban cho chúng ta và tích cực cộng tác với ơn cứu độ ấy trong đời sống. Trông đợi ngày Chúa Giê-su Ki-tô trở lại trần gian để phán xét muôn loài, chúng ta hãy làm chứng chân cho Người và những giá trị của Tin Mừng. Như thế chúng ta không cần phải lo lắng tìm hiểu ngày giờ nào tận thế sẽ xảy ra, mà luôn sẵn sàng đón tiếp Chúa bất cứ lúc nào Chúa đến kêu gọi chúng ta đi theo Người về thiên đàng.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi