CHÚA GIÊSU LÀ VUA
CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN, NĂM B
Ga 18, 33b-37
Đọc Tin Mừng chúng ta nhận thấy có một số tước hiệu Chúa Giêsu tự nhận cho mình như mục tử, tôi tớ, thầy, Chúa, Con người. Những tước hiệu này như nối kết với chính bản thân của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, danh xưng” Vua “,Chúa Giêsu nhận trước vài giờ
Ngài lãnh án tử hình và chịu đóng đinh trên thập giá, mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Từ Vua xuất hiện sau khi Philatô một người có uy quyền gạn hỏi Chúa và đã được Ngài xác nhận quả gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ quan trọng.
Ngài tự ý nói điều ấy, hay có ai khác đã nói với Ngài về Tôi ?( Ga 18, 34 ). Philatô, vị quan tổng trấn đứng trước mặt Chúa Giêsu trong phiên tòa, đã gạn hỏi cung Chúa Giêsu “Ông có phải là Vua dân Do Thái không?”( Ga 18, 33 ). Chúa Giêsu hiểu rất rõ rằngdân Do Thái đã cáo gian Ngài tự xưng là Vua. Và ngộ giả, nếu không có lời vu khống của dân Do Thái, chắc chắn Philatô đã không có cớ gì để bắt Chúa Giêsu và xét xử Ngài về tội xưng Vua. Trong lúc này, nghĩa là trong lúc xét xử, Philatô lưu ý, quan tâm vì khía cạnh chính trị của lời tố cáo của dân Do Thái. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã rất thản nhiên nói với Philatô:” Nước Tôi không thuộc thế gian này”( Ga 18, 36 ). Lời khẳng định của Chúa Giêsu chỉ ra rằng:”quan tổng trấn” không có gì phải sợ sệt cả.Chúa Giêsu đã hai lần nhắc lại:” Nước Tôi không thuộc thế gian này “. Dưới con mắt và trong suy nghĩ của dân Do Thái và Philatô, đại diện đế quốc Roma, danh từ Vua có nghĩa chính trị bao gồm bộ máy nhà nước, với nội các, với quân đội để bảo vệ chủ quyền và an ninh của vương quốc ấy. Đối với Chúa Giêsu vương quốc của Ngài thuộc thế giới linh thiêng vì như Chúa đã xác định:” Nếu nước Tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ củaTôi đã chiến đấu không để Tôi bị nộp cho người Do Thái “( Ga 18, 36 ). Những người Do Thái và ngay chính Philatô đã quá rõ biết điều ấy ! Nếu họ sợ Chúa Giêsu, họ đã lầm lớn về lối suy nghĩ của họ vì chính Chúa Giêsu đã khước từ ngôi Vua theo quan niệm con người, khi mà dân chúng và nhiều người chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu làm cho năm chiếc bánh và hai con cá hóa ra nhiều để nuôi nhiều ngàn người ăn( Ga 6, 1-15 ), dân chúng đã hồ hỡi, phấn khởi muốn tôn Ngài lên làm Vua, nhưng Ngài đã từ chối ( Ga 6, 15 ). Philatô quả đã biết rất rõ, Chúa Giêsu không tự xưng Vương, không muốn được tôn phong Vua theo quan niệm thế gian mà những người tố cáo Ngài vì họ ghen ghét Ngài( Mt 27, 28 ). Sở dĩ người Do Thái bắt nộp Chúa Giêsu, vu khống Ngài vì họ xấu xa, lòng dạ đen tối, tội lỗi và Philato không dám bênh vực Chúa vì Ông quá hèn nhát và đê tiện. Vương quyền của Chúa Giêsu không thuộc về thế gian( Ga 19, 36 ).
Theo ngôn ngữ của thánh sử Gioan thì nước Thiên Chúa không thuộc địa giới mà là thiên giới, không thuộc xác thịt mà thuộc thần khí. Chính vì thế, Chúa Giêsu không có gì để đối kháng với đế quốc Roma, hay sợ lấn quyền hành của Philatô hay của các vị lãnh đạo thế trần lúc đó.
Chúa Giêsu xác định chức vụ Vua với Philatô khi Philatô cứ gạn hỏi:” Vậy Ông là vua sao ? “( Ga 19, 37 ). Đức Giêsu đáp:” Chính Ngài nói rằng Tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng Tôi”( Ga 19, 37 ). Philatô ngỡ ngàng hỏi lại Chúa Giêsu:” Sự thật là gì?” ( Ga 19, 38 ). Chúa Giêsu là sự thật và là sự sống. Theo quan niệm của Ngài, vua có nghĩa là làm chứng nhân cho chân lý. Vương quốc của Chúa Giêsu đã được Ngài thiết lập ngay trong cuộc khổ hình, chịu chết của Ngài trên thập giá:”…Khi nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”( Ga 12, 32 ). Ngay trên thập giá, Chúa Giêsu mới chứng tỏ thật sự Ngài là Vua. Chúa Giêsu là vua khiêm nhượng, hiền từ, Vua phục vụ cưỡi trên mình lừa…Một vị vua hy sinh tự hiến, khước từ mọi thứ vinh quang trần thế( Philip 2, 1tt..).
Philatô quả đã biết Chúa Giêsu hoàn toàn vô tội( Ga 18, 38 ) và muốn tìm các tha Chúa( Ga 19, 12 ), nhưng vì hèn nhát và sợ áp lực của người Do Thái ( Ga 19, 39 ), Philatô đã truyền đem Đức Giêsu đi và đánh đòn Người( Ga 19, 1 ). Philatô cũng đã cho viết dòng chữ để đóng trên thập tự giá:” Giêsu Nagiarét vua dân Do Thái”(Ga 19, 19)
Đức Giáo Hoàng Piô XI trong thông điệp Quas Primas công bố ngày 11 tháng 12 năm
1952 đã thiết lập lễ Chúa Kitô Vua hằng năm.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người có lòng tin luôn ý thức rằng nước Chúa không thuộc thế gian này, nhưng dân Chúa lại ở trong thế gian. Xin cho chúng con biết trở thành chứng nhân sống động cho nước Chúa giữa muôn người.
GỢI Ý CHIA SẺ :
1. Bạn hiểu sao về từ Vua ?
2. Bạn cảm nghiệm thế nào về vương quyền của Chúa ?
3. Tại sao Philatô lại giữ nguyên câu đã viết:” Giêsu Nagiarét Vua dân Do Thái ? “.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT