VUA THƯƠNG XÓT
Suy niệm Tin Mừng Lễ Chúa Kitô Vua năm – C
( Lc 23, 35-43 )
Hôm nay, đại lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, kết thúc năm phụng vụ, cũng là ngày cuối cùng của Năm Thánh Lòng Thương Xót, năm mà khi suy tư về lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta nhận ra rằng số phận của thế giới không nằm trong tay con người, nhưng trong lòng thương xót của Thiên Chúa. Các bài đọc Kinh Thánh vừa được công bố có cùng một chủ đề là vị thế trung tâm của Chúa Kitô. Người là trung tâm của tạo dựng, trung tâm của dân Chúa và trung tâm của lịch sử, là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, là vị Vua từ bi, thứ tha và hay thương xót.
Hướng nhìn lên đồi Calvariô nơi treo Chúa Giêsu Kitô trên cây Thánh Giá, chúng ta khám phá ra Vị Mục Tử Nhân Lành hiến mạng vì đàn chiên, thương xót, tha thứ và cứu vớt tội nhân. Tấm bảng trên đầu có ghi : “Người này là vua dân Do thái” (Lc 23,38). Điều Philatô đã viết là đã viết. Hình khổ Vua chịu thật là khủng khiếp, mặt mày biến dạng. Thế mà Người lại là vua ư ? Sao có thể thế được ? Người là Vua những gì ?
Câu trả lời : Chúa Giêsu không là vua của những gì hết. Ngài là Vua vinh quang, Vua mọi sự. Đơn giản, Người là Vua, hoàn toàn là Vua. Thực tế xem ra khó chấp nhận, vì người ta muốn biến Chúa Giêsu trở nên trò cười khi mặc cho Người áo đỏ và đội mão gai.
Các bản văn phụng vụ trình bày vương quốc của Chúa Giêsu như một bức tranh đầy ấn tượng. Người là Chúa Cứu Thế đã được xức dầu (x. 1Col 1, 12-20), là Vua duy nhất của vũ hoàn, Vua khiêm nhường, Vua quyền năng. Nhưng Vương quốc của Vua Giêsu không lại thuộc về thế gian này. Vương quốc của sự thật và sự sống, Vương quốc thánh thiện và tràn đầy ân sủng, Vương quốc yêu thương, công lý và an bình. Một vương quốc được sinh ra từ Máu và nước từ cạnh sườn đâm thủng của Chúa Giêsu Kitô.
Thánh Giá thẳng đứng trong vinh quang. Ngai vàng, gợi lên những sự khiêu khích. Ba lần Chúa Giêsu bị hỏi : “Nếu ông là Đấng Kitô” (x. Lc 23, 35-43). Mỗi nhóm cáo buộc Người đều hỏi về tình trạng cá nhân của chính Người. Các nhà lãnh đạo tôn giáo mong đợi Người Thiên Chúa tuyển chọn nên hỏi : “Nếu ông là Đấng Kitô “(Lc 23, 35). Những tên lính bảo vệ sức mạnh của Đế chế La-mã thách thức Người :”Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi“(Lc 23, 38). Một tên trộm cướp cùng bị đóng đinh cũng kêu lên trong đau đớn nhằm thoát khỏi cái chết : “Nếu ông là Đấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa” (Lc 23, 40). Họ khác nhau về địa vị, nhưng lại giống nhau ở điểm thách thức Chúa : “Ông hãy tự cứu mình đi !” Như thể thách Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá để chứng minh vương quốc của mình ! Đây là cơn dám dỗ cuối cùng. Nhưng Chúa Giêsu đã không đến thế gian để biểu dương sức mạnh cho ta thấy. Người đến để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa Cha và nhân loại với nhau, đồng thời ban lại cho chúng ta tự do đã bị đánh mất vì tội, nhất là trao ban cho chúng ta tình yêu và lòng thương xót. Lòng thương xót không phải là yếu đuối hay đầu hàng, nhưng là ánh quan mạnh mẽ, hào hùng của tình yêu toàn năng của Chúa Cha, Đấnaangchwax lành những yếu đuối của chúng ta, nâng chúng ta dậy từ chõ vấp ngã và kêu gọi chúng ta làm điều thiện. Khi chịu treo thên thập giá Chúa Giêsu đã mạc khải vinh quang của Người, Người là Con Chiên bị sát tế để xóa tội trần gian.
Giữa những lời nhạo báng và thách thức, có một lời công nhận vương quốc của Thiên Chúa. Tên trộm lành, một trong hai kẻ chịu cùng bị đóng đanh với Chúa Giêsu, đã hiểu được Vua Giêsu là thế nào, nên anh thưa với Chúa bằng giọng điệu van xin : “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi” (Lc 23,42). Câu trả lời bảo đảm và đầy an ủi của Chúa Giêsu đối với anh : “Ta bảo thật người : ngay hôm nay, người sẽ ở trên thiên đàng với Ta” (Lc 23,43). Chúa Giêsu là Vua, một vị Vua chỉ nói lời tha thứ, chứ không nói lời kết án.
Vương quốc của Vua Giêsu không hão huyền, trừu tượng, vương quốc ấy có mặt ngay hôm nay, nơi Chúa Kitô hiện diện. Như vậy, bản cáo trạng chống lại Chúa Giêsu viết, “Đây là Vua dân Do Thái” là thật trớ trêu, bởi từ trên thập giá vương quốc của Chúa Giêsu Kitô tỏa sáng vinh quang. Cái chết của Người trên thập giá là hành động đẹp nhất chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.
Cùng với thánh Phaolô “chúng ta hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho chúng ta trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp…trong cõi đầy ánh sáng“. Và bày tỏ lòng biết ơn vì : “Người giải thoát ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái ; trong Thánh Tử chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” ( Cl 1, 12-20). Nhờ sự chết của mình, Vua Giêsu đã hòa giải tất cả mọi sinh linh ; “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá“, Người đã đóng ấn một giao ước muôn đời. Khi phục sinh, Chúa Cha đã tôn phong Người làm Vua và là “Trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại“, ” Người là đầu của thân thể, nghĩa là đầu Hội Thánh.”
Ai sẽ loan báo cho thế giới vương quốc của Chúa Giêsu, nếu không phải là những chi thể của Thân Thể Người ? Một vị vua được thiết lập chỉ để ngưỡng mộ và tôn thờ, sứ mạng của vị vua ấy sẽ vô hiệu.
Câu hỏi đặt ra cho chúng ta trong ngày lễ Chúa Kitô Vua, Chúa Kitô có phải là Vua và là Chúa của đời tôi không? Ai hiển trị trong tôi, Chúa Kitô hay ai khác? Theo thánh Phaolô, có hai con đường có thể để sống: “hoặc cho mình hay cho Chúa” (x. Rm 14:7-9), vậy tôi sống cho chính mình hay sống cho Chúa ?
Lạy Chúa Giêsu là Vua các vua, Chúa các chúa, Vua của vũ hoàn. Chúng con cùng với muôn loại thụ tạo cung chúc tôn thờ và cảm tạ Vua Tình Yêu. Xin thương xót chúng con, xin cho đời chúng con thành lời ca ngợi, luôn làm theo ý Vua, nhiệt thành phục vụ Chúa và tha nhân. Lạy Chúa Giêsu Kitô là Vua vũ trụ, mọi vinh quang và danh dự cho Thiên Chúa Cha đến muôn đời. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ