DIỄN VĂN CỦA ÐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ IICHO TỔNG ÐẠI HỘI CỦA HỘI ÐỒNG GIÁO HOÀNG ÐẶC TRÁCH GIA ÐÌNH
Gia đình là hạt nhân của các liên hệ xã hội
Sáng thứ sáu ngày 4 tháng 6 năm 1999, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tiếp kiến các thành phần tham dự Tổng Ðại Hội của Hội Ðồng Giáo Hoàng đặc trách Gia Ðình. Dưới đây là bài diễn văn của Ðức Thánh Cha.
Trọng kính các Ðức Hồng Y,Anh Em đáng kính trong hàng Giám Mục và Linh Mục,Những thành phần danh tiếng trong Hội Ðồng Giáo Hoàng đặc trách gia đình,
Anh chị em thân mến !
1. Ðây là một niềm vui lớn cho tôi vì được đón tiếp quí vị nhân kỳ Tổng Ðại Hội của Hội Ðồng Giáo Hoàng đặc trách Gia Ðình và nhân cuộc họp mặt để suy tư về chủ đề: “Tình Cha của Thiên Chúa và tình Cha trong gia đình”, một chủ đề có tầm quan trọng về mặt thần học cũng như mục vụ. Tôi âu yếm chào tất cả quí vị, và cách riêng, tôi chào những người tham dự lần đầu tiên cuộc họp mặt do cơ quan quí vị tổ chức. Tôi cảm ơn vị Chủ Tịch, Hồng Y Alfonso Lopez Trujillo thay mặt tất cả, đã gởi đến tôi những lời đáng yêu.
Chủ đề tình Cha, quí vị đã chọn cho Tổng Ðại Hội này, qui chiếu về năm thứ ba chuẩn bị mừng Ðại Toàn Xá, một năm dâng hiến riêng cho Cha của Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Ðây là một chủ đề đáng suy nghĩ, theo mức độ mà ngày nay gương mặt người Cha trong lãnh vực gia đình có khuynh hướng giảm sút, có khi mất hẳn nữa. Dưới ánh sáng tình Cha của Thiên Chúa, “là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3, 15). Tình phụ tử và mẫu tử nhân bản đạt được ý nghĩa, phẩm giá và sự cao cả của nó. “Tình phụ tử và mẫu tử nhân bản tuy về mặt sinh vật học, giống như tình phụ tử mẫu tử của các vật khác trong thiên nhiên, nhưng tự nó, một cách thiết yếu và chuyên nhất, nó có “nét giống” với Thiên Chúa, nét giống đó là nền tảng của gia đình, hiểu như là cộng đồng sự sống nhân bản, như là cộng đồng những con người hợp nhất trong tình yêu (communio personnarum)” (Gratissimam sane, số 6).
2. Chúng ta còn cảm thấy gay gắt trong tâm hồn, vang âm của ngày lễ Hiện Xuống mới đây, việc cử hành lễ này đưa chúng ta đến chỗ cao rao, đầy hy vọng, lời khẳng định của Thánh Phaolô: “Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8, 14). Chúa Thánh Thần là linh hồn Giáo Hội, thì Người cũng là linh hồn của gia đình, tiểu giáo hội. Ðối với tất cả hạt nhân gia đình, Chúa Thánh Thần phải là một nguyên lý nội tại ban sức sống và sinh lực, giữ ngọn lửa tình yêu hôn nhân luôn nồng ấm trong việc vợ chồng trao thân cho nhau.
Chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Cha và làm nẩy sinh từ lòng chúng ta, lời kinh đầy tin tưởng và vui tươi “Abba, lạy Cha” (Rm 8, 15; Ga 4, 6). Gia đình Kitô hữu được kêu gọi làm cho thiên hạ thấy mình là một nơi cầu nguyện chung, khi cầu nguyện như vậy, trong tự do của người con, người ta thưa chuyện với Thiên Chúa bằng cách gọi Người với cái tên trìu mến “Lạy Cha chúng con”. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta khám phá gương mặt của Chúa Cha như kiểu mẫu trọn vẹn của tình Cha trong gia đình.
Từ thời gian mới đây, người ta tái diễn những cuộc tấn công qui chế gia đình. Ðó là những xúc phạm càng nguy hiểm và đánh lừa vì nó không nhìn nhận cái giá trị không thể thay thế của gia đình đặt nền tảng trên hôn nhân. Người ta đi tới chỗ đề nghị những định chế giả tạo thay gia đình bằng cách đòi pháp luật thừa nhận những định chế đó. Nhưng khi luật pháp, đáng lý phải được phục vụ gia đình, một định chế căn bản đối với xã hội, mà trở lại chống với gia đình, thì luật pháp đó đạt tới khả năng phá hoại kinh khủng.
Như vậy, trong một vài xứ sở, người ta muốn áp đặt cho xã hội cái mà người ta gọi là “những phối hợp sự kiện” (union de fait), những phối hợp đó được tăng cường bởi một loạt những hiệu quả do luật định, làm xói mòn ý nghĩa của định chế gia đình. Những “phối hợp sự kiện” mang đặt tính tạm bợ và thiếu sự cam kết không thể đảo ngược, cam kết này phát sinh những quyền lợi và những bổn phận, và tôn trọng phẩm giá của người đàn ông và người đàn bà. Ngược lại, người ta muốn tặng một giá trị pháp lý, cho một ý muốn không kể gì tới mọi hình thức cam kết vĩnh viễn. Với những tiền đề thế đó, làm sao người ta có thể hy vọng có được sự sinh sản trách nhiệm thật sự, một sự sinh sản không chỉ hạn chế vào việc ban sự sống, mà còn bao gồm sự tập luyện và giáo dục mà chỉ có gia đình mới có thể bảo đảm trong tất cả trong chiều kích của nó? Những lập trường đó cuối cùng mang tới tai hoạ lớn, phá cái ý nghĩa tình cha nhân bản, tình cha trong gia đình. Ðó là điều xảy ra nhiều cách khi các gia đình không được xây dựng tốt.
3. Khi Giáo Hội trình bày sự thật về hôn nhân và gia đình, Giáo Hội không những dựa trên những giữ liệu Mạc Khải, mà còn dựa trên những định đề của luật thiên nhiên, những định đề làm nền tảng cho lợi ích thật sự của chính xã hội và các thành phần xã hội nữa. Thật vậy, không phải là điều không quan trọng đối với con cái khi được sinh ra và được giáo dục trong một gia đình được thành lập bởi những cha mẹ hợp nhất trong một giao ước trung thành. Có thể tưởng tượng ra các hình thức liên hệ và sống chung khác giữa các phái, nhưng không hình thức nào cấu tạo, mặc dầu có ý kiến nghịch của một số người, một thế đôi ngã (alternative) chính thống pháp lý đối với hôn nhân, nhưng đúng hơn làm cho hôn nhân suy thoái. Trong những cái gọi là “phối hợp sự kiện”, người ta lưu ý đến sự thiếu kính trọng nhiều hay ít của sự cam kết hỗ tương, đến một số ý muốn ngược đời giữ nguyên vẹn sự tự trị của ý muốn, trong một tương quan đáng lý có tính tương đối thôi. Cái thiếu trong những cuộc sống chung ngoài hôn nhân, là tóm lại, sự cởi mở đầy tin tưởng vào tương lai sống chung, một tương lai mà tình yêu phải kính trọng và xây dựng, và luật pháp có nhiệm vụ riêng biệt bảo đảm cho nó. Nói cách khác, chính luật pháp thiếu, không phải trong chiều kích ngoại lai của nó với một mớ qui luật, nhưng trong chiều kích chính thống hơn có tính nhân loại của nó là phải bảo đảm cho sự sống chung nhân bản và phẩm giá của nó.
Hơn nữa, khi những “sự phối hợp sự kiện” đòi quyền nhận con nuôi, thì những phối hợp đó chứng tỏ rõ ràng không biết đến lợi ích cao trọng của đứa con và những điều kiện căn bản cần cho đứa con được giáo dục xứng hợp. Những “phối hợp sự kiện” giữa những người đồng phái, làm méo mó cách thảm thương, cái gì cần thiết cho một tình yêu và sự sống giữa nam và một người nữ, trong một sự dâng hiến hỗ tương mở ra cho sự sống.
4. Ngày nay, cách riêng trong những nước giàu nhất trên phương diện kinh tế, một mặt thì gieo rắc sự sợ phải làm cha, và mặt khác thì phổ biến sự chối bỏ quyền của những đứa con được thụ thai trong bối cảnh một sự hiến dâng nhân bản hoàn toàn, phải cứ để chúng lớn lên cách thanh thản và hài hòa.
Do đó, mới phát sinh một quyền mạo xưng làm cha-mẹ bất cứ bằng giá nào, người ta kiếm cách thực hiện quyền đó qua những trung gian có tính kỹ thuật, gồm những thao tác bất hợp pháp trên phương diện luân lý.
Một đặc tính khác trong bối cảnh xã hội chúng ta đang sống, đó là khuynh hướng của nhiều cha mẹ từ chối vai trò của mình, để giữ vai trò chỉ làm bạn với con cái, tránh những kêu gọi cách trật tự và tránh sửa phạt cho dầu khi những sửa phạt đó là cần thiết để giáo dục trong sự thật, dĩ nhiên là với tất cả sự trìu mến và yêu thương có thể. Ðây là dịp tiện để nhấn mạnh rằng việc giáo dục con cái là một bổn phận thánh thiêng và là một nhiệm vụ chung của cha mẹ: cần nhiệt tình, gần gũi, đối thoại, gương sáng. Cha mẹ kêu gọi biểu thị, trong gia đình, người Cha nhân lành trên trời, gương mẫu độc nhất tuyệt vời mà người ta phải noi theo.
Cũng chính vì lẽ đó mà sự liên hệ giữa người đàn ông và đàn bà tạo thành hạt nhân của mọi sợi dây xã hội, nhưng vẫn là nguồn gốc của nhiều con người khác, nguồn gốc đó nối kết chặt chẽ những người đã kết hợp với nhau, biến thành một xương thịt và, nhờ có họ mà liên kết gia đình hai bên.
5. Anh chị em rất thân mến, đang khi cảm ơn anh chị em vì sự anh chị em dấn thân làm việc phục vụ gia đình và các quyền lợi gia đình, tôi xin cam đoan về việc tôi luôn nhớ anh chị em trong lời cầu nguyện. Xin Thiên Chúa ban kết quả cho những cố gắng cho những ai, trong tất cả mọi miền thế giới, đang hiến thân cho sự nghiệp cao cả này. Xin Chúa làm cho gia đình, thành luỹ bênh đỡ chính nhân loại, có sức chống cự mọi cuộc tấn công. Với những tâm tình này, trong dịp này tôi vui mừng nhắc lại một lời mời nồng hậu gởi đến các gia đình, mời họ tham dự kỳ gặp mặt thế giới lần thứ ba với các gia đình, cuộc gặp gỡ diễn ra trong thế giới lần thứ 3 với các gia đình, cuộc gặp gỡ diễn ra trong khuôn khổ Ðại Năm Thánh 2000. Tôi cũng gởi lời mời đến các hiệp hội, và phong trào, cách đặc biệt đến những ai lo cho sự sống và gia đình (pro vita et pro familia). Dưới ánh sáng mầu nhiệm thành Nadareth, cùng nhau chúng ta sẽ đào sâu chức làm cha và làm mẹ dưới ống kính của chủ đề mà tôi đã chọn cho dịp này: “Con cái, mùa xuân của gia đình và xã hội”. Sứ mạng của các người cha và người mẹ, được kêu mời, qua một giao ước tình yêu, hợp tác với Chúa Cha để sinh ra những con người mới làm con Thiên Chúa, sứ mạng đó là cao cả và cao thượng.
Nguyện xin Ðức Bà, Mẹ của sự sống và Nữ Vương gia đình, biến mỗi gia đình, theo gương thánh gia Nadareth, thành một nơi hòa bình và tình yêu.
Ước gì phép lành mà tôi vui mừng ban cho Quí Vị, tất cả những vị có mặt ở đây cũng như những vị khắp thế giới đang lo cho vận mạng gia đình, mang lại cho Quí Vị niềm an ủi. (L”Osservatore Romano 27/9/1999).
Lm. Nguyễn Quang Sách chuyển ngữ.