Vatican News
Vào ngày 11/11/1994, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Thượng phụ Mar Dinkha IV của Giáo hội Assyria phương Đông đã ký Tuyên bố chung về Kitô học, đánh dấu “một bước cơ bản trên con đường hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn” giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Đông phương.
Tuyên bố chung năm 1994 có viết: “Bất kể sự khác biệt về Kitô học của chúng ta là gì, chúng ta cảm thấy mình được hiệp nhất ngày hôm nay trong lời tuyên xưng cùng một đức tin vào Con Thiên Chúa đã làm người để chúng ta có thể trở thành con cái Thiên Chúa nhờ ân sủng của Người”. Tài liệu kết luận: “Đức tin và sự tin tưởng lẫn nhau đã tồn tại giữa các Giáo hội của chúng ta cho phép chúng ta từ bây giờ xem xét việc cùng nhau làm chứng cho sứ điệp Phúc Âm và hợp tác trong các tình huống mục vụ cụ thể, bao gồm đặc biệt là các lĩnh vực giáo lý và đào tạo các linh mục tương lai…”.
Sự kiện cũng đánh dấu kỷ niệm 40 năm cuộc gặp gỡ của Đức Thượng phụ với Thánh Gioan Phaolô II tại Roma vào năm 1984, bắt đầu công việc của Ủy ban Thần học chung về đối thoại thần học giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Đông phương Assyria.
Hướng đến ngày hiệp thông trọn vẹn
Trong diễn văn tại cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha khuyến khích các Kitô hữu cùng nhau bước đi, cùng nhau cầu nguyện và cùng nhau làm việc. Ngài ca ngợi “mong muốn chung về sự hiệp nhất” đã truyền cảm hứng cho những người Công giáo và Kitô hữu Assyria đáp lại lời kêu gọi của Chúa Kitô trong Phúc Âm: “Để tất cả nên một” (Ga 17,21).
Các tín đồ của cùng một niềm tin Kitô
Đức Thánh Cha nói rằng những nỗ lực hướng tới sự hiệp nhất của các Kitô hữu bắt nguồn từ niềm tin rằng “cùng một đức tin được các Tông đồ truyền lại đã được diễn đạt và tiếp nhận theo nhiều hình thức và cách thức khác nhau, tùy theo hoàn cảnh sống khác nhau”, như đã nêu trong Sắc lệnh Unitatis Redintegratio về Đại kết của Công đồng Vatican II.
Đức Thánh Cha cảm ơn các nhà thần học của Ủy ban quốc tế vì đã cam kết giải quyết các vấn đề để có thể đạt được tiến bộ về đạo lý và mục vụ. Ngài nói: “Đối thoại thần học là điều không thể thiếu trong hành trình hướng tới sự hiệp nhất của chúng ta, vì sự hiệp nhất mà chúng ta tìm kiếm phải là sự hiệp nhất trong đức tin. Tuy nhiên, đối thoại về chân lý không bao giờ được tách rời khỏi đối thoại về lòng bác ái và đối thoại về cuộc sống – một cuộc đối thoại toàn diện và hoàn toàn nhân bản”.
Hiệp nhất đức tin được thể hiện nơi các thánh
Các vị thánh, Đức Thánh Cha nói, làm chứng trong các Giáo hội của họ rằng sự hiệp nhất trong đức tin đã có thể, khi các Kitô hữu hành trình hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn. Ngài tuyên bố rằng ngài đã nhận được sự đồng ý của Thượng phụ Mar Awa III và Thượng phụ của Giáo hội Canđê để đưa Thánh Isaac thành Ninivê, Giám mục Assyria thế kỷ thứ 7, một trong những Giáo phụ được kính trọng nhất của truyền thống Syriac và được công nhận là “nhà thần học bậc thầy và vị thánh của tất cả các truyền thống Kitô giáo”, vào danh sách chính thức các vị thánh của Giáo hội Công giáo.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha khuyến khích Thượng phụ Mar Awa III và tất cả Kitô hữu Assyria ở phương Đông tiếp tục đồng hành cùng tín hữu Công giáo hướng đến sự hiệp nhất trọn vẹn. “Cầu xin tình bạn giữa các Giáo hội của chúng ta phát triển cho đến ngày hồng phúc khi chúng ta có thể cùng nhau cử hành tại cùng một bàn thờ và rước Mình và Máu Chúa Cứu Thế, “để thế gian có thể tin”.
Nguồn: Vaticannews – 11/08/2024