Thánh Ignatiô
1.ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ.
Không có một tài liệu lịch sử nào rõ rệt về lý lịch của vị giám mục đáng kính này.
Truyền thuyết cho rằng thánh Ignatiô là môn đệ Thánh sử Gioan. Ngài có một lòng yêu mến Chúa Kitô đến say mê, luôn ước ao được chết vì Chúa, do đó người ta đã tặng thánh nhân danh hiệu “Đền thờ Thiên Chúa”.
Thánh Ignatiô được tấn phong làm giám mục thành Antiôkia kế vị đức giám mục Êvôđa dưới triều hoàng đế Trajanô. Truyền thuyết cho rằng ngài chính là em bé đã được Chúa Giêsu ẵm bế đặt giữa các môn đệ trong Tin Mừng Mt.18,2 ; hay cậu bé bán bánh đã dâng cho Chúa năm chiếc bánh và hai con cá để Ngài làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho năm ngàn người ăn trong Tin Mừng Gioan (Ga.6,5-14).
Khoảng năm 110, ngài bị bắt vì đức tin và bị giải về Rôma dưới trào hoàng đế Trajanô. Trước khi lên đường tử nạn, ngài chúc phúc lành cho đoàn con cái và trao phó cả giáo đoàn Antiôkia cho Chúa Kitô. Rồi Ngài giúp lính xiềng tay ngài và vui vẻ đi theo bọn lính áp tải ngài về Rôma. Bọn lính hành hạ Ngài rất tàn nhẫn. Chúng cố ý hành hạ ngài cốt để cho các giáo hữu động lòng cảm thương ngài đút lót tiền bạc cho chúng.
Các Kitô hữu ở Antiôkia khóc thương tiếc vị giám mục đáng kính của họ. Họ buồn phiền vì phải ly biệt chủ chăn yêu quí nhất đời. Đứng trước cảnh ly biệt đau thương đó, đức giám mục Ignatiô vẫn giữ vẻ mặt tươi tỉnh, Ngài khuyên nhủ họ nên đặt tin tưởng độc nhất vào Chúa Giêsu.
Đức giám mục Ignatiô được dẫn theo đường bộ về Rôma. Ngài đi qua thành Smyrna. Tại đây, thánh Ignatiô đã gặp thánh Pôlycarpô. Vị giám mục thánh thiện này cũng là môn đệ của thánh Gioan như thánh Ignatiô.
Gặp nhau tay bắt mặt mừng, hai vị giám mục ôm chầm lấy nhau, đức giám mục Pôlycarpô khóc nức nở vì quá vui mừng. Toàn dân địa phận Smyrna kéo đến vây quanh đức giám mục đáng kính Ignatiô để được hân hạnh nghe ngài khuyên răn, khích lệ và ban phép lành. Các giáo đoàn Đông phương còn đề cử nhiều giám mục, linh mục, giáo dân đến chúc mừng vị thánh tử đạo tương lai đáng kính. Các Kitô hữu đều coi Ngài như một người cha thiêng liêng.
Trong cuộc hành trình gian nan này, ngài viết 7 lá thơ, nói lên tình yêu nồng suy của ngài đối với Đức Kitô và ưu tư của ngài về sự hiệp nhất của cộng đoàn dưới sự lãnh đạo của vị giám mục. Ngài gởi về giáo đoàn Rôma lá thơ, van xin họ đừng làm gì để người ta thả ngài.
Từ biệt giáo đoàn Smyrna, đức giám mục lên đường đi thẳng tới Macêdônia, Albaniô và nhiều thành phố khác. Đi tới đâu, Ngài cũng khuyên bảo, khích lệ các Kitô hữu và khẩn khoản nài xin họ cầu nguyện cho ngài được trung thành tới cùng. Ngài thăm viếng tất cả các giáo đoàn ngài đi qua, viết thư thăm các đức giám mục, các linh mục thuộc quyền ngài. Tới Rôma, Ngài bị tống ngục và chờ ngày đại lễ sẽ đưa ra công trường hành hình mua vui cho quần chúng.
Truyền thuyết cho rằng: đức giám mục Ignatiô đã phải chịu rất nhiều nhục hình trước khi bị đưa ra cho thú dữ dầy xéo.
Tới ngày đại lễ, đức giám mục Ignatiô với nét mặt tươi tỉnh, hiên ngang tiến ra công trường để được chết vì Chúa Kitô. Ra tới công trường, Ngài quay về phía dân chúng cao giọng nói lên đôi lời:
“Kính thưa toàn thể đồng bào, xin đồng bào đừng ngộ nhận tôi đây vì có trọng tội nên bị thú dữ dầy xéo. Không phải thế đâu, sở dĩ tôi bị thú dữ cắn xé là vì tôi muốn được kết hợp với Thiên Chúa.”
Vừa dứt lời, đoàn sư tử hùng hổ tiến về phía đức giám mục Ignatiô. Nghe tiếng sư tử gầm thét, Ngài kêu lớn tiếng:
“Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa. Tôi muốn được nghiền nát dưới nanh vuốt thú dữ để trở nên bánh tinh tuyền dâng tiến Chúa Kitô.”
Đoàn sư tử thi nhau cắn xé thánh nhân. Khi bị đoàn vật xâu xé, thánh nhân luôn miệng kêu tên Chúa Giêsu. Có người hỏi thánh nhân tại sao cứ kêu tên Giêsu hoài như thế. Thánh nhân trả lời: “Tôi kêu tên Giêsu vì chính tôi đã ghi khắc tên đó trên trái tim tôi và đời đời không bao giờ quên được”. Sư tử ăn hết thịt thánh nhân và để xương lại nguyên vẹn.
Các Kitô hữu kính cẩn thu lượm xương thánh nhân đưa về an táng ở ngoại ô thành Rôma. Đến thời hoàng đế Thêôđô trẻ (Thédode le Jeune), giáo đoàn Antiôkia rước xương thánh đó về Antiôkia cách rất trọng thể. Đám rước diễn hành đi theo những con đường thánh nhân đã đi về Rôma chịu tử đạo.
II.GƯƠNG TRUNG THÀNH.
Tháng giêng năm 107, hoàng đế Trajanô tới thăm Antiôkia. Được biết tại đây có giám mục Ignatiô đã không vâng lệnh thờ cúng tượng thần, lại còn ngăn cản người khác, ông truyền điệu ngài tới để xét hỏi. Trước mặt hoàng đế, thánh Ignatiô nói cho ông ta biết về các tín hữu của ngài. Ngài bảo: Các tín hữu của ngài như những người nghèo khó có phúc vì tâm hồn của họ có Chúa. Tâm hồn họ đã trở nên “Đền thờ Thiên Chúa”.
Lúc đó nhà vua thắc mắc:
– Vậy ra nhà ngươi cho rằng: chúng ta đây không có các thần minh bất tử ở trong tâm hồn chúng ta sao?
– Xin hoàng đế đừng nhắc tới những thần tượng câm điếc đó. Chỉ có mình Thiên Chúa chân thật đã tạo dựng nên trời đất và muôn vật. Thiên Chúa đã sai con một Ngài xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Nếu như hoàng đế tôn thờ Thiên Chúa thì đế quốc và vương quyền của hoàng để sẽ vững mạnh hơn thạch trụ.
– Ta cấm nhà ngươi không được nói đến điều đó nữa. Nếu nhà ngươi muốn sống, nhà ngươi hãy nghe ta tế lễ các thần minh bất tử đi. Ta sẽ coi ngươi như bản hữu của ta và ta sẽ chọn làm thầy tư tế chuyên lo phụng sự thần Jupiter.
– Bổn phận chúng tôi là phải biết ơn, biết ơn hết mọi người, nhất là hoàng đế một khi Ngài ban cho chúng tôi những ân huệ cao quí. Nhưng nếu như ngài ban cho chúng tôi những gì làm tổn thương tới linh hồn chúng tôi, chúng tôi sẽ không bao giờ dám nhận. Tôi đây là linh mục của Chúa Kitô dâng hiến lễ hàng ngày trên bàn thờ. Và giờ đây tôi ao ước được hy sinh chính mạng sống tôi cho Chúa Kitô, cũng như chính Chúa Kitô đã hy sinh mạng sống Người cho tôi.
Không chịu nổi những lời châm biếm và lăng mạ các thần minh, Hoàng đế Trajanô truyền điệu đức giám mục Ignatiô về Rôma để ném cho sư tử cắn xé mua vui cho dân chúng.
Thánh nhân đã chấp nhận sự đau khổ trong vui tươi, đã chấp nhận cái chết với tất cả niềm yêu mến, đến nỗi khi đương đầu với sư tử sẽ phân thây, xé xác mình, thánh nhân đã thốt lên lời đầy an ủi và xác tín: “Tôi là miếng mồi ngon của Ðức Kitô. Ước gì nhờ răng của thú dữ, tôi trở thành bánh được tuyển chọn !”.