Thánh Simon Và Thánh Giuđa, Tông Đồ
I.ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ.
Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng kính hai thánh Simon và Giuđa Tông Đồ. Chúng ta không có được những tài liệu lịch sử chính xác khách quan về các ngài. Việc các ngài được mừng kính chung cùng một ngày là vì có sự trùng hợp giữa các ngài về cuộc đời truyền giáo cũng như khi tuyên xưng đức tin.
Thánh Simon được gọi là Simon người Cana, hay Simon Nhiệt Thành có họ hàng với Chúa Giêsu.
Thánh Giuđa, có biệt danh là Tađêô, con của Giacôbê, là cháu của Đức Mẹ và thánh cả Giuse, và là bà con của Đức Giêsu. Ngài là anh của thánh tông đồ Giacôbê hậu. Cha của ngài là ông Clêôpha, và mẹ của ngài cũng có tên là Maria. Bà này đã đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu lúc Chúa chịu chết, rồi sau đó đã ra mồ để xức xác Chúa bằng dầu thơm.
Theo Thánh Truyền thì hai ngài đi giảng Tin Mừng ở hai nơi khác nhau. Thánh Simon giảng tại Ai Cập, còn thánh Giuđa tại Mésopotamia. Sau khi đã thu lượm được nhiều kết quả tốt đẹp, thì hai ngài như được ơn Chúa thôi thúc để cùng nhau đi sang Ba Tư. Chính tại nơi đây, hai ngài đã đem Tin Mừng tới và cũng chính tại nơi đây mà các ngài được diễm phúc lãnh nhận cái chết để tôn vinh Ðức Kitô như các anh em tông đồ khác.
Truyền thuyết kể lại khi đến thành Suamyr một trung tâm lớn của Ba Tư, hai thánh tông đồ Giuđa và Simon đã đến trọ nơi nhà ông Semme, đồ đệ của các ngài. Ngay sáng sớm hôm sau, các tư tế ngoại giáo của thành phố, bị thấm nhiễm độc dược của Zaroes và Arfexat, đã hô hào dân chúng đến bao vây nhà ông Semme. Họ gào thét:
– Hỡi ông Semme, hãy giao nộp hai kẻ thù các thần linh cho chúng tôi. Nếu không, chúng tôi sẽ đốt cháy nhà ông!
Nghe lời dọa nạt độc dữ ấy, hai Thánh Tông Đồ Giuđa và Simon đã quyết định tự nộp mình. Họ buộc các ngài phải thờ lạy các thần linh ngoại giáo. Dĩ nhiên các ngài từ chối. Họ tàn nhẫn đánh đập các ngài. Giữa máu đào, trong giây phút linh thiêng cuối đời, Thánh Giuđa còn lấy chút nghị lực cuối cùng, nhìn thẳng vào thánh Simon và nói:
– Hiền huynh dấu ái, tôi trông thấy Đức GIÊSU KITÔ Chúa chúng ta. Ngài gọi chúng ta về với Ngài!
II.BÀI HỌC
Bài Tin Mừng được Giáo Hội chọn đọc trong thánh lễ hôm nay nói về việc Chúa tuyển chọn những người để cộng tác với Chúa mà Ngài đặt tên cho họ là “Tông Đồ”, chúng ta thấy:
* Trước khi chọn, Chúa đã cầu nguyện.
Theo Tin Mừng Luca, Đức Giêsu thường cầu nguyện vào những thời điểm quan trọng. Ngài cầu nguyện khi nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả (Lc 3,21). Ngài cầu nguyện một mình trước khi loan báo cuộc khổ nạn (Lc 9,18). Ngài cầu nguyện khi ở trên núi, trước khi Ngài được hiển dung (Lc 9,29). Ngài cầu nguyện trong xao xuyến khi đứng trước cái chết gần kề (Lc 22,41). Lúc bị treo trên thập giá, Ngài cũng cầu nguyện cho kẻ giết mình (Lc 23,34).
Cầu nguyện đối với Chúa đơn giản là một cuộc gặp gỡ Cha. Ngài muốn gặp Thiên Chúa là Cha của Ngài để hỏi ý. Việc tìm ý Chúa Cha, không phải lúc nào cũng là việc dễ dàng. Chính vì thế mà có những lần Chúa đã phải thức thâu đêm để cầu nguyện, để tìm xem ý Cha muốn gì. Thí dụ hôm nay Chúa cầu nguyện để xem Chúa Cha muốn chọn ai trong số những môn đệ ở đây để họ trở thành những người mà Ngài gọi là tông đồ.
“Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con… Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con…” (Ga 17, 6).
Sau một đêm cầu nguyện, đến sáng Đức Giêsu mới quyết định. Ngài gọi và chọn nhóm Mười Hai tông đồ theo ý Cha.
* Tiêu chuẩn để được Chúa chọn là tông đồ.
Ðọc lại tiểu sử của các thánh, chúng ta thấy khi chọn gọi ai, Chúa không dựa trên những tiêu chuẩn của người đời. Người đời khi tuyển chọn ai thì thường người ta phải dựa trên những tiêu chuẩn như thế giá, học thức, địa vị xã hội, trải nghiệm về cuộc sống vv.
Còn Chúa thì Ngài hoàn toàn khác. Nhìn vào danh sách những người được tuyển chọn làm tông đồ hôm nay, chúng ta thấy họ chỉ là những con người bình thường. Bình thường chứ không tầm thường như nhiều người nghĩ. Họ không phải là những người xuất chúng, giàu có, có học thức, có chỗ đứng cao trong xã hội. Chúa Giêsu lựa chọn họ không phải vì họ xuất chúng. Dĩ nhiên là Chúa có sự khôn ngoan của Ngài. Khi chọn những người như thế, hẳn Chúa đã nhìn thấy ở nơi họ những phẩm chất cần cho một người được trao cho một nhiệm vụ phải hoàn thành.
* Chúa gọi họ là tông đồ nghĩa là những người được sai đi.
Đây là những lời rất cảm động của Chúa Giêsu:
Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20,21).
Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một (Mc 6,7).
Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi (Ga 13,16).
Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu (MT 11,16).
Rồi Người nói với các ông : “Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không ?” Các ông đáp : “Thưa không.”(Lc 22,35)
Như vậy công việc của các tông đồ là tiếp nối công việc của chính Chúa Giêsu, tiếp nối mãi cho đến ngày tận thế.
Bao lâu còn con người trên trần thế thì bấy lâu Chúa còn sai các sứ giả tức là các tông đồ của Ngài đến với con người.
Đây là một câu chuyện tưởng tượng nhưng nó cũng có một ý nghĩa của nó:
Khi Đức Giêsu hoàn tất sứ mạng dưới thế, người trở về trời và được thiên thần Gabriel đón tiếp. Gặp Chúa, thiên thần lên tiếng hỏi ngay:
– Xin Chúa cho biết công trình của Chúa sẽ được tiếp tục như thế nào ở dưới thế?
– Ta đã chọn mười hai tông đồ, một nhóm môn đệ và một vài người phụ nữ – Chúa đáp -. Ta đã giao cho họ sứ mạng rao giảng Tin Mừng đến tận cùng trái đất.
Nghe Chúa trả lời như thế, thiên thần Gabriel hình như chưa hoàn toàn thỏa mãn nên hỏi tiếp:
– Nhưng nếu số môn đệ ít ỏi đó thất bại thì Chúa có dự tính chương trình nào khác không?
Chúa Giêsu mỉm cười và dường như muốn biểu đồng tình là thiên thần Gabriel đã có lý khi nghi ngờ, tuy nhiên người vẫn quả quyết:
– Ta không dự tính một chương trình nào khác cả, ta tin vào họ!
Vâng mỗi người chúng ta hãy cố gắng để trở nên tông đồ của Chúa. Amen.
“Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện,
và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa”.
(Lc 6,12)
BÀI ĐỌC I: Ep 2, 19-22
“Anh em đã được xây dựng trên nền tảng các tông đồ và các tiên tri”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, anh em không còn là khách trọ và là khách qua đường nữa, nhưng là người đồng hương với các thánh và là người nhà của Thiên Chúa: anh em đã được xây dựng trên nền tảng của các Tông đồ và Tiên tri, và chính Đức Kitô làm đá góc tường. Trong Người, tất cả toà nhà được xây dựng cao lên thành đền thánh trong Chúa, trong Người, cả anh em cũng được xây dựng làm một với nhau, để trở thành nơi Thiên Chúa ngự trong Thánh Thần.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 18, 2-3. 4-5
A+B=Tiếng chúng đã vang cùng trái đất (c. 5a).
A=Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp của Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyện tụng cho đêm kia. – Đáp.
B=Đây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu. – Đáp.
A+B=Tiếng chúng đã vang cùng trái đất (c. 5a).
Tin mừng: Lc 6,12-19
12Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. 13Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. 14Đó là ông Simôn mà Người gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là các ông Giacôbê, Gioan, Philípphê, Batôlômêô, 15Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Simôn biệt danh là Quá Khích, 16Giuđa con ông Giacôbê, và Giuđa Ítcariốt, người đã trở thành kẻ phản bội.
17Đức Giêsu đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđôn 18đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. 19Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
ĐƯỢC GỌI ĐỂ LÀM TÔNG ĐỒ
Chúa Giê-su đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, người kêu các môn đệ, chọn lấy mười hai ông mà Người gọi là tông đồ. (Lc 6,12-13)
Suy niệm: Cụm từ “Nhóm Mười Hai” không chỉ để nói về mười hai người đầu tiên được Chúa chọn đích danh để làm tông đồ, mà có thể nói đó là “tế bào gốc” của Hội Thánh duy nhất, tông truyền. Từ đó, mọi đặc tính của nhóm này cũng sẽ có giá trị và hiệu lực nơi mọi phần tử trong Hội Thánh. Các đặc tính đó là: 1/ tính cầu nguyện: Chúa chọn các tông đồ sau khi cầu nguyện suốt đêm, nghĩa là qua việc cầu nguyện Ngài đã gắn sứ mạng của Giáo Hội với chương trình cứu độ của Chúa Cha; 2/ tính cộng đoàn: các tông đồ chỉ làm chứng một cách trọn vẹn với tư cách của “nhóm Mười Hai”; các Ki-tô hữu không thể làm chứng khi chính mình lại phân ly với toàn thân là Hội Thánh Chúa; 3/ tính truyền giáo: các tông đồ được chọn là để được sai đi loan báo Tin Mừng cứu độ của Đức Giê-su Ki-tô; đó cũng chính là căn tính và sứ mạng sống còn của Ki-tô hữu mọi thời.
Mời Bạn: Bạn hãy luôn tỉnh táo sao cho mọi việc bạn làm dù việc “đạo” hay việc “đời”, dù lớn hay nhỏ, cũng hội đủ ba đặc tính đó. Nếu được như vậy, bạn đã trở thành tông đồ rồi đấy.
Chia sẻ: Đối với bạn, việc tông đồ không thể thiếu là việc gì và đâu là việc tông đồ mà bạn có thể mở rộng nhất đến với mọi người mọi lúc mọi nơi?
Sống Lời Chúa: Luôn tâm niệm không bỏ lỡ một cơ hội nào để làm việc tông đồ cho Chúa.
Cầu nguyện: Hát bài ca “Sai đi”: “Vì con muốn là men, muốn là muối uớp cho mặn đời. Vì con muốn liều thân, đem Tin Mừng đi khắp nơi.”
B/ Lm. Phaolô Vũ Đức Vượng
Theo Tin Mừng Luca, Đức Giêsu thường cầu nguyện vào những thời điểm quan trọng. Ngài cầu nguyện khi nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả. Ngài cầu nguyện một mình trước khi loan báo cuộc khổ nạn. Khi đứng trước cái chết gần kề, Ngài cầu nguyện trong xao xuyến. Lúc bị treo trên thập giá, Ngài cũng cầu nguyện cho kẻ giết mình. Đức Giêsu suốt đời là con người cầu nguyện. Cầu nguyện đối với Ngài đơn giản là một cuộc gặp gỡ Cha.
Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một lần cầu nguyện đặc biệt của Ngài. Đức Giêsu vẫn thích cầu nguyện trên núi. Núi cao làm Ngài thấy nhẹ nhàng và gần Cha trên trời hơn. Tối hôm nay, Ngài muốn dành nhiều giờ để gặp Cha trước khi đi đến một quyết định quan trọng, quyết định chọn những môn đệ thân tín nhất mà Ngài gọi là tông đồ, để đi sát với Ngài hơn và cộng tác với Ngài trong sứ vụ.
Đức Giêsu không chọn theo ý mình. Ngài muốn gặp Thiên Chúa là Cha của Ngài để hỏi ý. Ngài đã thức suốt một đêm để cầu nguyện, để tìm xem Cha muốn Ngài chọn ai trong số những môn đệ ở đây.
Đức Giêsu coi các tông đồ là một quà tặng của Cha. Bởi đó, thật ra Ngài chỉ chọn những người Cha đã chọn, Ngài chỉ muốn những người Ngài biết Cha muốn.
Cuộc đời chúng ta là một chuỗi những chọn lựa. Những chọn lựa nhỏ và lớn làm nên cuộc đời. Chúng ta có thể chọn dựa trên ý thích hay phán đoán riêng của mình. Nhưng chúng ta cũng có thể chọn dựa trên ý Đấng Tạo Hóa. Điều này đòi chúng ta phải ra khỏi mình, không coi mình là trung tâm. Khi có thái độ siêu thoát, ta mới có thể chọn điều Chúa muốn.
Sau một đêm cầu nguyện, đến sáng Đức Giêsu mới quyết định. Ngài gọi và chọn nhóm Mười Hai tông đồ theo ý Cha. Chúng ta cũng được gọi và chọn, dù là giáo dân hay tu sĩ. Chúng ta cũng rất khác nhau như mười hai khuôn mặt các vị tông đồ.
Chỉ mong chúng ta đừng dùng tự do mình để trở nên kẻ phản bội.
C/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
D/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
Thánh Simon và thánh Giuđa tông đồ, lễ kính (Mt 10,1-7)
1. Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Mátthêu ghi lại việc Chúa Giêsu tuyển chọn 12 Tông đồ và sai các ông đi loan báo Nước trời đã gần đến. Sứ mệnh này không phải chỉ dành riêng cho các Tông đồ hoặc những người có trách nhiệm mà cả chúng ta nữa, những người Kitô hữu, mỗi người một cách, phải loan báo về Chúa Giêsu và kêu mời mọi người vào trong Giáo hội, vào trong tình yêu của Chúa.
2. Theo truyền thống, bất cứ một bậc thầy nào cũng cần có các môn sinh, môn đệ để tiếp tục lý tưởng và sự nghiệp của mình. Các bậc hiền nhân trong lịch sử và các tiên tri trong Cựu ước có các môn đệ, thánh Gioan Tiền Hô cũng có nhiều môn đệ. Chúa Giêsu cũng vậy, trong ba năm giảng dạy, Chúa đã kêu gọi nhiều môn đệ, trong số đó Chúa chọn 12 người làm Tông đồ, để tiếp tục sự nghiệp cứu rỗi nhân loại mà Ngài đã khởi đầu.
Chúa gọi và chọn chứ họ không tự mình được chọn hoặc tự ứng cử, nghĩa là Chúa ở một vị trí cao hơn, Chúa là trung tâm chứ không phải họ được quyền lấy mình làm chuẩn; như thế, điều kiện đầu tiên để trở thành Tông đồ là được Chúa chọn. Các môn đệ ở lại với Người, nghĩa là họ phải được tách ra khỏi đám đông và đến; như thế, điều kiện thứ hai là khi được gọi họ phải được tách riêng ra, nghĩa là phải có sự thay đổi đời sống nên tốt hơn.
3. Có lẽ chẳng ai trong chúng ta xa lạ với xuất xứ của các Tông đồ: đa số họ là những ngư phủ nghèo nàn, thất học. Họ được chọn từ đám đông giai cấp lao động, trong số họ cũng có hai khuôn mặt tiêu biểu cho sự tranh chấp của xã hội Do thái lúc đó: Mátthêu người thu thuế và Simon nhiệt thành. Nhóm Nhiệt thành cương quyết chống ngoại xâm, sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ lề luật, còn đám thu thuế thì lại chạy theo ngoại bang, hợp tác với những kẻ đang thống trị xứ sở để trục lợi.
Có thể nói, những người mà Chúa Giêsu chọn lựa tiêu biểu cho sự thấp kém trong xã hội Do thái. Chúa Giêsu biết rõ điều đó, nhưng Ngài vẫn tuyển chọn, vì đường lối Thiên Chúa khác với đường lối con người. Điều Ngài cần nơi họ không phải là cái đang là, mà là cái sẽ là. Họ tầm thường khiếm khuyết, nhưng với ơn Chúa, họ sẽ làm nên được những việc phi thường (Mỗi ngày một tin vui).
4. Chúng ta thấy: mười hai Tông đồ yếu kém về mọi mặt, thế mà đã thay đổi được cả một đế quốc Rôma và cả thế giới sau này nữa. Quả thật, khi Chúa còn sống bên cạnh, các ông còn quê mùa, hay sợ sệt, tham vọng tầm thường, và khi Chúa chết, các ông bỏ trốn vì sợ liên luỵ. Thế mà sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các ông can đảm, khôn ngoan, đấu lý với hết mọi bậc người, ra tù vào khám vì danh Chúa, và các ông đã xây dựng nước Chúa ngay tại nơi đế quốc đã từng tiêu diệt Thầy mình và cả các ông nữa.
Tại sao họ yếu kém như thế mà dám đương đầu với những thế lực kình địch và biến đổi được cả thế giới như vậy ? Thưa, họ đã trở thành những dụng cụ hữu hiệu trong bàn tay Thiên Chúa toàn năng, Ngài làm được mọi sự Ngài muốn. Còn các Tông đồ thì có một đức tin vững mạnh, nếu các ông không tin vào quyền năng Thiên Chúa đã lựa chọn các ông, ở với các ông, hỗ trợ các ông, chắc chắn các ông không bao giờ dám nhận một công việc to lớn và nặng nề như thế.
5. Chúa cũng sai chúng ta đi vào đời đem Tin mừng của Chúa đến cho mọi người như Chúa đã sai các Tông đồ ngày xưa, đấy là vinh dự và bổn phận của các Kitô hữu.
Nếu công đồng Vatican II khẳng định: “Bản tính của Hội thánh là truyền giáo” thì mọi Kitô hữu cũng chính là những sứ giả Tin mừng, cũng có trách nhiệm như Hội thánh. Những lời Chúa Giêsu nói với các Tông đồ ngày xưa vẫn còn vang vọng nơi chúng ta, vẫn còn có tính cách thời sự của nó. Chúa muốn chúng ta đi vào cánh đồng truyền giáo rộng rãi bao la bát ngát để đem nhiều người về với Chúa. Cảm xúc của Chúa Giêsu đứng trước cánh đồng lúa chín vàng ối “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”,cũng phải là cảm xúc của chúng ta đứng trước tình hình thế giới hiện nay: chúng ta hãy xin Chúa sai nhiều sứ giả Tin mừng đến cánh đồng truyền giáo, đồng thời chúng ta cũng có thể góp phần vào công việc loan báo Tin mừng bằng chính “cuộc sống chứng tá” của chúng ta.
6. Truyện: Chúa chọn họ làm Tông đồ
Có một tác giả đã tưởng tượng ra việc Chúa chọn các Tông đồ như sau: Sau những đêm dài cầu nguyện, Ngài rảo bước khắp nơi nhưng không chọn được người nào. Ngài đành đăng quảng cáo, nhưng trong số những người đến trình diện, Ngài không chọn được một ai.
Ngài đành tổ chức thế vận hội. Môn đầu tiên là cầu nguyện: nhiều người biểu diễn cầu nguyện rất hay, nhưng Chúa không chọn được ai cả. Môn thứ hai là thờ phượng, cũng thế. Môn thứ ba là giảng thuyết, cũng thế.
Chán nản vì mất thời gian vô ích, Chúa Giêsu rời vận động trường để ra bờ biển hóng gió và ở đây Ngài thấy đám dân chài. Ngài đứng quan sát và nhận ra có một số người để hết tâm hết lực vào công việc họ đang làm. Ngài nghĩ thầm trong lòng, họ là những người có quả tim. Và thế là Ngài chọn họ làm Tông đồ của Ngài (Chờ đợi Chúa).