“Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.
Bài Ðọc I: (Năm I) St 44, 18-21. 23b-29; 45, 1-5
“Ðể cứu sống anh em mà Thiên Chúa đã sai em xuống Ai-cập trước anh em”.
Trích sách Sáng Thế.
Trong những ngày ấy, Giuđa lại gần mà nói thật thà với Giuse rằng: “Thưa ngài, xin ngài nghe tôi tớ của ngài nói đôi lời, xin ngài đừng phẫn nộ với tôi tớ của ngài, vì sau vua Pharaon ngài là chủ của tôi. Trước đây ngài đã hỏi các tôi tớ ngài rằng: “Các ngươi còn cha, còn đứa em nào nữa chăng?” Chúng tôi đã trả lời với ngài rằng: Chúng tôi còn cha già, và một đứa em út sinh ra lúc cha chúng tôi đã già. Anh áp út đã chết rồi: mẹ nó chỉ còn lại một mình nó, cha chúng tôi thương nó lắm. Vậy mà ngài đã bảo các tôi tớ ngài: “Hãy đem nó tới đây cho ta xem thấy nó”. Chúng tôi đã thưa với ngài rằng: “Ðứa nhỏ không thể bỏ cha nó được”. Nhưng ngài đã nói dứt khoát với các tôi tớ ngài rằng: “Nếu em út các ngươi không tới với các ngươi, thì các ngươi sẽ không thấy mặt ta nữa”. Vậy khi chúng tôi trở về cùng tôi tớ của ngài là cha chúng tôi, chúng tôi đã thuật lại hết mọi điều ngài đã nói. Cha chúng tôi bảo rằng: “Các con hãy trở lại mua thêm ít lúa thóc nữa”. Chúng tôi trả lời với người rằng: “Chúng con không thể đi được. Nếu em út đi với chúng con, thì chúng con cùng đi chung với nhau. Nếu em út không đi với chúng con, thì chúng con không dám đến trước mặt người”. Cha chúng tôi nói: “Các con biết rằng bạn ta chỉ sinh ra cho ta hai đứa con trai, một đứa đã ra đi và các con đã nói nó phải thú dữ ăn thịt, và cho đến nay chưa thấy nó trở về; các con lại đem thằng này đi nữa, nếu dọc đường có gì rủi ro xảy đến cho nó, thì các con đưa cha già đầu bạc sầu não này xuống suối vàng cho rồi”.
Khi ấy Giuse không thể cầm lòng nổi trước mặt mọi người đang đứng đấy, nên truyền cho mọi người ra ngoài, và không còn người nào khác ở đó lúc ông tỏ cho anh em biết mình, ông khóc lớn tiếng: những người Ai-cập và cả nhà vua đều nghe biết. Giuse nói với các anh em rằng: “Tôi là Giuse đây, cha còn sống không?” Các anh em sợ hãi quá nên không dám trả lời. Giuse nói với anh em cách nhân từ rằng: “Hãy đến gần tôi”. Khi họ đến gần, ông lại nói: “Tôi là Giuse em các anh mà các anh đã bán sang Ai-cập. Các anh chớ khiếp sợ, và đừng ân hận vì đã bán tôi sang đất này, vì chưng để cứu sống các anh em mà Thiên Chúa đã sai tôi sang Ai-cập trước anh em”.
Ðáp Ca: Tv 104, 16-17. 18-19. 20-21
Ðáp: Các ngươi hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm
Xướng: Chúa đã gọi cảnh cơ hàn về trên đất nước, và rút đi mọi sự nâng đỡ bằng cơm bánh. Ngài đã sai một người đi trước họ: Giuse đã bị bán để làm nô lệ.
Xướng: Thiên hạ đã lấy xiềng để trói chân người, và cổ người bị cột bằng xích sắt, cho tới khi ứng nghiệm lời tiên đoán của người, lời của Chúa đã biện minh cho người.
Xướng: Vua đã sai cởi trói cho người, Chúa của chư dân cũng đã giải phóng người. Vua đã tôn người làm chủ của mình, và làm chúa trên toàn diện lãnh thổ.
Bài Ðọc I: (Năm II) Hs 11, 1b, 3-4, 8c-9
“Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi”.
Trích sách Tiên tri Hôsê.
Ðây Thiên Chúa phán: “Lúc Israel còn niên thiếu, Ta đã yêu thương nó, và Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.
“Ta đã dưỡng nuôi Ephraim, Ta đã bồng chúng trên cánh tay Ta mà chúng không biết Ta chăm sóc chúng. Ta đã dùng dây êm ái và mối yêu thương mà tập (cho) chúng đi; Ta đối xử với chúng như người dưỡng nuôi trẻ thơ, Ta đã ấp yêu chúng vào má. Ta nghiêng mình trên chúng và đút cho chúng ăn.
Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không buông thả theo cơn giận của Ta. Ta sẽ không huỷ diệt Ephraim, vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm; Ta là Ðấng Thánh ở giữa ngươi, Ta không thích tiêu diệt”.
Ðáp Ca: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16
Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống (c. 4b).
Xướng: Lạy Ðấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai! Chúa ngự trên các vệ binh thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin tỉnh thức quyền năng của Chúa.
Xướng: Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại; tự trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy; bảo vệ ngành nho mà tay Ngài đã củng cố cho mình.
Alleluia: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia! – Ước gì hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. – Alleluia.
Tin Mừng: Mt 10, 7-15
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy đi rao giảng rằng “Nước Trời đã gần đến”. Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Các con chớ mang vàng bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc, vì thợ thì đáng được nuôi ăn.
“Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi. Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: “Bình an cho nhà này”. Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy. Nhưng nếu ai không tiếp rước các con và không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi nhà hay thành ấy và giũ bụi chân các con lại. Thật, Thầy bảo các con: Trong ngày phán xét, đất Sôđôma và Gômôra sẽ được xét xử khoan dung hơn thành ấy”.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
Một mệnh lệnh bắt buộc
Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em hãy loan báo rằng triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Hãy chữa lành người đau yếu… khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.” (Mt 10,7-8)
Suy niệm: Ta thường cho rằng những lời trên đây là những lời khuyên, muốn làm cũng được, không thích cũng chẳng sao. Đang khi ấy, đây là mệnh lệnh bắt buộc. Đức Giê-su như vị chủ tướng truyền lệnh cho binh sĩ trước khi xung trận, như nhà vua truyền lệnh cho quần thần, như thầy giáo ra bài cho học trò, như một người kêu cầu bạn bè trợ giúp. Đàng nào cũng là những mệnh lệnh phải làm và phải làm ngay. Quả thực, mệnh lệnh truyền giáo, rao giảng Tin Mừng là lệnh truyền vừa khẩn cấp, vừa bắt buộc và áp dụng cho mọi người. Có lẽ ta đã quá quen với việc khoán trắng lệnh này cho các linh mục, tu sĩ, mà quên mất đây là lệnh truyền mỗi người giáo dân.
Mời Bạn sửa đổi lại một cách nhìn của về bổn phận của người Ki-tô hữu: bổn phận rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho người chung quanh. Đức Giê-su mời gọi bạn thi hành bổn phận này bằng hai cách: lời nói giới thiệu về Nước Trời và việc làm phục vụ cụ thể. Bạn sẽ nói gì, làm gì để giới thiệu Đức Giê-su cho những người đang sống quanh bạn?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ bắt đầu thi hành bổn phận này bằng cách giới thiệu con người và công trình của Đức Giê-su cho một người bạn chưa biết Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con xin cảm tạ Chúa đã tin tưởng giao phó việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho chúng con. Chúng con hứa sẽ giới thiệu Chúa cho người khác bằng lời nói và việc làm tốt đẹp của chúng con. Amen.
B/ Lm. Phaolô Vũ Đức Vượng
“Dọc đường, anh em hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.”
Chúa sai Nhóm 12 đi làm sứ mạng. Chúa Giêsu căn dặn các ông rất nhiều về chuyện đừng làm gì và phải làm gì. Còn về nội dung lời rao giảng, Ngài chỉ gói gọn trong có một câu: “Anh em hãy rao giảng rằng Nước Trời đã đến gần.”
Nước Trời, hay Nước Thiên Chúa là trọng tâm của mọi lời rao giảng và mọi hoạt động trong sứ mạng của Chúa Giêsu và của các tông đồ.
Rất tiếc nhiều khi trong đời sống Giáo Hội, chúng ta không ‘vươn’ tới Nước Trời. Mặc cho Nước Trời ‘đã đến gần’ hay đúng hơn ‘đã có mặt’. Ta thích đẩy Nước Trời lên tít… trên trời, như thể nước trời để dành cho ‘đời sau’, còn bây giờ thì chúng ta lo chuẩn bị cho ‘Nước Trời đời sau’ đó chủ yếu bằng những việc bên trong vành đai nhà thờ này mà thôi.
Thực ra Nước trời là gì? Nước Trời không phải là nước ở trên trời, nơi chỉ dành cho những người đã chết. Cũng không phải là Nước Chúa sẽ lập ở đời sau, khi thế gian này đã qua đi. Nhưng theo sự diễn tả của Chúa Giêsu thì Nước trời phải được thực hiện ngay trong chính cuộc sống hiện tại này, với tất cả những khung cảnh của một xã hội trần thế. Vì thế mà ngoài việc rao giảng Tin mừng, các môn đệ cũng được Chúa Giêsu sai đi để phục vụ con người toàn diện, nhất là những người đau ốm, những kẻ cô thế, những người bị đàn áp bóc lột.
Ước gì mỗi sáng thức dậy, chúng ta vẫn nghe lời Chúa truyền: “Các con hãy ra đi và loan báo: nước trời đã gần kề.” và trong suốt ngày sống, chúng ta biết thực thi Lời Chúa: Ra đi để xây dựng Nước Chúa, xây dựng tình người, xây dựng tình liên đới và xây dựng hoà bình trong môi trường chúng ta sống. Và như vậy chính là xây dựng nước Trời.
C/ Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
D/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Được cho nhưng không, phải cho nhưng không
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai 12 Tông Đồ đi rao giảng Nước Trời với những lời dặn dò ân cần, thắm thiết: “Anh em hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel. Dọc đường hãy rao giảng rằng Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết trỗi dậy, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”.
Hình ảnh này gợi cho chúng ta nhớ về bầu khí gia đình khi có một thành viên phải đi xa, chẳng hạn đi làm xa, đi bộ đội, đi lấy chồng, hay đi tu… thì các bậc cha mẹ thường xúc động, nước mắt ngắn dài, ân cần nhắn nhủ con đủ điều. Mong thông truyền hết tình thương, kinh nghiệm sống nhằm giúp con an tâm, vững bước và thành đạt trong môi trường mới.
Khi sai các Tông Đồ đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng mang tâm tình của một người cha mẹ, một người thầy, ân cần lo lắng cho các môn đệ trước lúc lên đường thi hành sứ vụ.
Trong lần thi hành sứ vụ đầu tiên này, các Tông Đồ được sai đến với chiên lạc nhà Israen, tức là đến với những người Do Thái đồng hương. Để loan giảng rằng triều đại Thiên Chúa đã đến rồi. Đấng Mêsia cứu thế mà dân Do Thái mong đợi hiện đang ở giữa họ. Đấng ấy chính là Đức Giêsu, thành Nadarét.
Chúa Giêsu chỉ thị cho các Tông Đồ rằng: Đừng kiếm vàng bạc hay tiền đồng giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị. Đừng mặc hai áo, đừng đi giày dép hay cầm gậy… Điều ấy nói lên tính cấp bách của công cuộc loan Tin Mừng. Đòi người môn đệ phải có sự dứt khoát, không dính bén, không quá lệ thuộc vào tiền bạc vật chất đời này. Bởi làm sao người môn đệ có thể mau mắn, toàn tâm và hăng say loan Tin Mừng, trong khi bị của cải trói buộc? Đừng tìm, đừng mang theo vật chất không có nghĩa là vô lo, nhưng là thể hiện lòng tín thác nơi Chúa. Người môn đệ mang Chúa- nguồn an vui cứu rỗi- thế là đủ rồi.
Chúa dạy các môn đệ: “Vào nhà nào hãy chúc bình an cho nhà ấy”. Làm sao người loan Tin Mừng có thể cho người khác điều mình không có? Làm sao chúng ta có thể trao bình an của Chúa cho người khác khi bản thân mình chưa có?
Thiết nghĩ, loan báo Tin Mừng không gì khác hơn là trao tặng bình an của Chúa cho tha nhân. Bằng không, chúng ta chỉ mang cho tha nhân những sự bất hạnh: cằn nhằn, soi mói, lầm lạc, và không đem lại ơn cứu độ.
Chuyện kể rằng một chiều nọ, trước giờ dâng lễ, cậu bé giúp lễ, người Nam tư, có tên Thánh là Joseph chăm chỉ đi sớm rồi mở tủ buồng áo ra để dọn đồ lễ.
Nhưng cậu bé lỡ tay làm rớt chiếc bình đựng rượu lễ bằng thủy tinh. Chiếc bình nát tươm. Rượu bắn tung toé. Mảnh vỡ rơi vãi khắp nơi, bắn vào chân cậu, làm chân cậu bị chảy máu.
Cha xứ ngồi ghế xa xa chứng kiến.
Mặt cậu bé tái mét, hoảng loạn, lo sợ, thất thần.
Lập tức cha xứ đứng dậy tiến nhanh về phía cậu. Cậu lại càng lo lắng hơn vì sợ cha mắng.
Cha xứ bực tức la mắng cậu thậm tệ, xối xả: nào là vụng về, vô tích sự, bất cẩn, hấp tấp, phá hoại, làm không nên hồn…
Cậu bé lập tức đứng dậy bỏ đi, vừa đi vừa khóc, trong tuyệt vọng, uất hận với những lời sỉ vả của cha xứ.
Từ hôm đó trở đi cậu đã bỏ giúp lễ, bỏ cha xứ, bỏ bạn bè.
Không dừng lại ở đó, cậu còn bỏ dự lễ, bỏ Nhà thờ, và cuối cùng là bỏ Đạo.
Vẫn chưa hết, cậu đã nỗ lực nghiên cứu triết học vô thần, tham gia chính trị, gia nhập Đảng Cộng sản, rồi leo lên những chức vụ cao để chống lại Đạo Công giáo một cách khốc liệt dữ dội.
Điều đau lòng hơn nữa là, cả cha mẹ và gia đình cậu bé đáng thương này cũng đã bỏ Đạo.
Cậu bé đã nuôi hận thù từ sự nhục mạ mắng nhiếc của cha xứ mình hồi còn thơ bé.
Cậu bé đó có tên là Joseph Broz Tito người Nam Tư.
Cậu bé đó chính là Tổng bí thư- lãnh tụ độc tài tàn ác của Đảng cộng sản Nam Tư mang tên Tito.
Một câu chuyện khác cũng kể về một cậu bé giúp lễ, người Hoa kỳ, có tên Thánh là John. Cậu chăm chỉ đi sớm, rồi mở tủ buồng áo ra để dọn đồ lễ.
Do sơ ý cậu lỡ tay làm rớt chiếc bình đựng rượu lễ bằng thủy tinh. Chiếc bình nát tươm. Rượu bắn tung toé. Mảnh vỡ rơi vãi khắp nơi.
Cha xứ ngồi ghế xa xa chứng kiến.
Mặt cậu bé tái mét, hoảng loạn, lo sợ, thất thần.
Lập tức cha xứ đứng dậy tiến nhanh về phía cậu. Cậu lại càng lo lắng hơn vì sợ cha mắng.
Nhưng thật không ngờ.
Thay vì la mắng thì cha lại nhẹ nhàng vỗ vai bảo cậu không sao đâu, vỡ rồi thì thôi! Cha lại còn lo lắng hỏi cậu có ổn không, nhắc cậu cẩn thận không mảnh sành đâm vào chân và ân cần bảo cậu hãy mau dọn đi, rồi bảo ông trùm chuẩn bị bình rượu lễ khác cho Thánh Lễ.
Cậu bé nói lời xin lỗi cha, thở phào nhẹ nhõm, khắc sâu, nhớ mãi và rất nể phục cách cư xử rất tế nhị ấm áp và tràn yêu thương của cha xứ mình.
Từ hôm đó trở đi, cậu bé ngày càng chăm chỉ, ngoan ngoãn, khéo léo, nhanh nhẹn, sốt sắng, thành tâm với việc nhà Chúa.
Rồi cậu đã quyết tâm theo cha xứ đi tu, làm Thầy, làm Linh mục thánh thiện, làm Nhà thần học nổi tiếng, làm Nhà giảng thuyết vĩ đại, làm Giám mục uyên bác.
Không những thế, cậu còn làm Tổng Giám mục đại tài, làm Hồng y xuất chúng, làm Đấng đáng kính và cuối cùng sẽ làm Thánh.
Cậu bé đó có tên là Fulton John Sheen, một trong những nhà thần học trỗi vượt nổi danh nhất người Hoa Kỳ, được hàng triệu trái tim thán phục ngưỡng mộ suốt thế kỷ XX.
Cậu bé đó là chính Đấng đáng kính Fulton John Sheen đang trong quá trình phong Thánh.
Hai câu chuyện trên có thể giúp chúng ta duyệt xét lại cuộc sống của chính mình, cách cư xử của mình với tha nhân: với tư cách là Kitô hữu, chúng ta đang mang Tin Mừng cứu độ, bình an, yêu thương hy vọng của Chúa hay chúng ta đang mang khổ đau, thù hận, bất an, bất hạnh cho anh chị em mình?
Nguyện xin Chúa giúp chúng con biết đem Chúa vào đời ngang qua những hành vi khiêm nhường phục vụ. Amen
E/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
Chúa huấn dụ các Tông đồ
1. Sau khi gọi 12 Tông đồ lại, ban cho các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền, Chúa Giêsu huấn dụ các Tông đồ nhiều điều khi sai các ông đi thực tập truyền giáo.
Trong huấn dụ truyền giáo, Chúa Giêsu dạy các Tông đồ khi đi truyền giáo thì “đừng mang gì cả”. Người tông đồ của Chúa không được lệ thuộc vào vật chất nhưng cần nhẹ nhàng thanh thoát như một người lữ hành. Hơn nữa, một người loan báo Tin Mừng phải hoàn toàn tin tưởng, phó thác nơi Chúa quan phòng.
2. Bài Tin Mừng hôm nay đặc biệt họa lên chân dung của một vị Tông đồ của Chúa Giêsu trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng : mang sứ điệp Nước Trời, chữa lành người đau yếu, sống khó nghèo và đem bình an đến cho mọi người. Vậy Chúa Giêsu sai mười hai Tông đồ đi thực tập truyền giáo tới nơi nào ? Dặn dò các ông mang những gì ? Truyền cho các ông phải nói gì ? Phải có thái độ nào khi người ta tiếp đón hay hay không tiếp đón, thậm chí còn bị người ta xua đuổi … Đó là những điều chúng ta cần tìm hiểu trong bài này.
3. Trước hết, Chúa bảo các ông phải rao giảng Nước Trời. Đó là nội dung sứ điệp các ông phải giảng dạy. Nước Trời đã được Ngài loan báo và thiết lập, nghĩa là với sự xuất hiện của Ngài, Nước Trời không còn xa xôi, cũng không còn là lời hứa, nhưng đã hình thành trong thời gian qua sự hiện diện của Ngài, đã đến cùng với Ngài, chính Ngài thiết lập Nước Trời ở trần gian.
Tiếp đến là khi đi truyền giáo, Chúa bảo các ông phải hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa, nghĩa là người môn đệ ra đi truyền giáo phải có tấm lòng từ bỏ tất cả, của cải vật chất, phải thoát ly ra ngoài vòng kiểm tỏa của tiền bạc…
Sau cùng, Chúa cho các ông biết : công việc rao giảng của các ông không dễ dàng, có người chấp nhận, có người không. Vậy các ông phải có thái độ thế nào ? Gặp được nhà nào tốt lành chính đáng, niềm nở đón tiếp, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi. Làm như vậy là tỏ lòng kính trọng, trung thành và biết ơn lòng hiếu khách…
4. Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy một điểm khó hiểu đến phi lý, đó là Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi vào một nơi vô định với hai bàn tay trắng, ngay cả một chút tiền túi cũng không, tất cả đều nằm trong chờ đợi. Thật là nghịch lý và khó hiểu, nhưng đó lại là điều Chúa muốn nơi các môn đệ : Ngài muốn cho họ sống nghèo khó để rồi khám phá ra đâu là sự giầu có đích thực. Người môn đệ nghèo, không phải vì họ không có khả năng làm giầu hoặc không được phép hưởng dùng của cải. Nhưng trong sự nghèo khó, họ sẽ khám phá ra ý nghĩa đích thực của giầu có và cảm nghiệm được tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Và cũng nhờ đó họ sẽ an tâm dồn nỗ lực cho việc rao giảng Tin Mừng cứu rỗi (Mỗi ngày một tin vui).
5. Hôm ấy là lễ thánh Têrêsa Avila, dòng kín Carmêlô tại Lisieux mở cửa cho giáo dân và du khách viếng thăm. Có một người du khách không hiểu lý do đời sống khắc khổ của các nữ tu đã thầm nghĩ : chỉ có những người không đủ ăn đủ mặc mới dấn thân vào đây. Gặp một nữ tu tại hành lang, ông nói :”Này chị, giả như chị có tòa nhà sang trọng như tòa nhà ở ngoài cổng đối diện với nhà Dòng, chị có thể hy sinh chôn mình trong bốn bức tường Dòng Kín này không” ? Chị nữ tu mỉm cười trả lời :”Thưa ông, nhà ấy chính là nhà của tôi”. Quả thật, đó là nhà của chị thánh Têrêsa Hài Đồng mà người du khách hiếu kỳ vừa chất vấn.
6. Đối với chúng ta ngày nay, mỗi người chúng ta khi nhận phép Rửa tội và phép Thêm sức, chúng ta đều được Chúa mời gọi và sai đi rao giảng Nước Trời, tức là rao giảng về Chúa Giêsu, về tình thương của Ngài và những hồng ân của Thiên Chúa, có người bằng việc làm, có người bằng lời nói, nhưng tất cả đều rao giảng bằng chính đời sống của mình.
7. Truyện : Nhạc sĩ phó tế Vũ Thành An.
Mới đây, với chủ đề nhạc thính phòng, trung tâm ca nhạc Thúy Nga có trụ sở tại Paris đã giới thiệu một số nhạc sĩ quen thuộc, trong đó nhạc sĩ Vũ Thành An được chú ý tới một cách đặc biệt. Người ta chú ý đến người nhạc sĩ này không phải vì những bài ca không tên bất hủ của ông hồi năm 1975 mà vì cuộc hành trình đức tin mà ông đã chia sẻ trong cuốn băng.
Như một linh mục đứng trên bục giảng trong nhà thờ, nhạc sĩ Vũ Thánh An cho biết ông đã gặp gỡ Chúa Kitô. Với tất cả niềm vui và xác tín của mình, ông đã kể lại cho mọi người nghe tại sao ông đã trở lại với đức tin Công giáo ? Tại sao ông đã chuyển hướng để chỉ sáng tác thánh ca và hiện đang chuẩn bị để phục vụ Giáo hội trong chức phó tế vĩnh viễn.
Với những khán thính giả ngoài Kitô giáo, những điều chia sẻ của nhạc sĩ Vũ Thành An hẳn là một trong những bài giảng hay nhất và có sức thuyết phục nhất. Dù có dửng dưng và lạnh lùng đến đâu có lẽ không ai mà không bị đánh động bởi cung cách tuyên xưng và rao giảng Tin Mừng một cách vô cùng đơn sơ và cũng vô cùng can đảm của người nhạc sĩ này.
Truyền giáo là chia sẻ niềm tin mà mình đã và đang sống một cách xác tín và triệt để. Có lẽ nhạc sĩ Vũ Thành An đã thực thi đúng mệnh lệnh mà Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông đồ trong bài Tin mừng hôm nay :”Các con đã nhận lãnh nhưng không, các con cũng hãy cho nhưng không”.