60 NĂM GIÁO XỨ THANH BÌNH
1955 – 2015
(Bài Giảng Của ĐC Antôn Vũ Huy Chương)
1. Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển Giáo xứ
Lịch sử giáo xứ Thanh Bình bắt đầu vào ngày 15/8/1955, khi cha Augustinô Phạm Văn Nguyện cùng với các ông Trần Văn Minh, Vũ Ðức Tuyên và Nguyễn Bá Kế từ trại định cư Thanh Hóa Hố Nai lên Ðức Trọng để xem đất và đã tìm được khu đất này để xây dựng tương lai.
Ngày 20/11/1955 đoàn xe đầu tiên chở khoảng 300 người từ trại Thanh Hóa Hố Nai lên Thanh Bình. Ðúng một tháng sau, đoàn xe thứ hai lại chở thêm một số người tương đương lên. Ðại đa số đều là người thuộc Ðiền Hộ, Nga Sơn (Thanh Hóa). Ba tháng đầu trên miền đất mới, mọi sự đều có tính cách tạm bợ: dân chúng dựng bạt làm nhà, nhà nguyện cũng là một tấm bạt lớn được dựng lên ngay bên cầu Cam Ly ngày nay. Nhà xứ lúc đó có cha Phạm Văn Nguyện, cha Nguyễn Minh Luân và Thầy Trần Văn Cảnh. Có điều là ngay lúc mới mẻ đó, giáo xứ đã được phân chia ra 7 họ – giống như các họ có sẵn ở xứ Ðiền Hộ ngoài Bắc – để làm việc.
Sau những tháng tạm bợ đó, các cơ sở chính của giáo xứ được dựng lên: Nhà nguyện bằng gỗ lợp tôn (dựng ngày 1/2/1957) rồi nhà trường gỗ gồm 6 lớp học. Tháng 8 năm 1957, các nữ tu Mến Thánh Giá Thanh Hóa đến phục vụ ở đây.
Tháng 8 năm 1959, cha Phạm Văn Nguyện từ giã giáo xứ ra Sông Mao, nhường quyền coi sóc giáo xứ cho cha Giuse Nguyễn Minh Luân. Cha Giuse Luân cũng đổi địa sở đúng một năm sau đó. Nối tiếp các cha là cha Bênêdictô Nguyễn Dũng về coi xứ. Ba năm sau, vào ngày 18/7/1963, cha Dũng qua đời tại Sàigòn, xứ không có linh mục coi sóc trong ba tháng, chỉ các ngày Chúa Nhật mới có cha Tâm từ xứ Kim Phát bên cạnh sang làm lễ.
Tháng 10 năm 1963 cha Laurensô Ðỗ Ngọc Giá về nhận xứ với số giáo dân đã lên đến 1900 người.
Ngày 15/8/1967 là ngày đặt viên đá đầu tiên xây nhà thờ mới thay cho ngôi nhà thờ cũ mái tôn vách ván. Sau 4 tháng ngưng trệ, vào quãng từ tháng 3 đến tháng 7 năm 1968, công việc đã hoàn tất vào tháng 2/1969. Bổn mạng của nhà thờ là Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Thời gian sau năm 1970, kinh tế địa phương khá ổn định và phát triển, chủ yếu là trồng hoa màu, lúa, bắp, đậu và chăn nuôi heo bò. Tới năm 1975, số giáo dân lên đến gần 3000. Năm 1975, cha Laurensô Giá đổi xứ.
Ngày 11/5/1975 các cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, thuộc Dòng Salêgiêng Don Bosco, được Ðức Giám Mục Giáo Phận cử về phục vụ giáo xứ cho đến năm 1995.
Từ ngày 15/9/1994 đến ngày 27/3/2014, Cha Matthêu Đinh Viết Hoàng làm quản xứ.
Từ ngày 01/4/2014 đến nay, Cha Alphongsô Nguyễn Đức Vĩnh làm quản xứ Thanh Bình.
Trong lịch sử hình thành và phát triển, cùng cộng tác với Cha Xứ, có nhiều linh mục đã được bổ nhiệm làm Cha Phó giáo xứ Thanh Bình và nhiều chủng sinh, tu sĩ được sai đến giúp xứ.
Thanh Bình là một trong những giáo xứ lớn của Giáo phận và là nơi xuất thân của nhiều linh mục, tu sĩ thuộc nhiều hội dòng khác nhau. Đặc biệt, giáo xứ Thanh Bình có nhiều đoàn thể sinh động, nhiều chương trình giáo lý và bác ái, giáo dân tích cực trong mọi sinh hoạt.
2. Tiếp tục nỗ lực Phúc Âm hóa Giáo xứ
Mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo xứ trong Năm Phúc Âm hóa Giáo xứ, ước gì chúng ta nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng Giáo xứ để trở thành một cộng đoàn đức tin, một cộng đoàn phụng tự, một cộng đoàn bác ái, nhằm trở thành một cộng đoàn truyền giáo, tức là một cộng đoàn biết Phúc Âm hóa theo mẫu gương của các tín hữu được ghi trong sách Công vụ Tông đồ: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng… Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau… Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2, 42-27).
Cộng đoàn tín hữu đầu tiên đã sống được như thế là nhờ tác động của Chúa Thánh Thần nơi mọi thành phần dân Chúa. Chúa Thánh Thần được ban xuống đặc biệt khi lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, nhưng mọi người chúng ta, giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân, tất cả đều cần cậy dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần hơn là dựa vào tài sức riêng của con người.
Sách Công vụ Tông đồ thuật lại biến cố Ngày Lễ Ngũ tuần và lời giảng của Thánh Phêrô, trong đó ngài nói: “Thưa anh em…, xin biết cho điều này, và lắng nghe những lời tôi nói đây… Thiên Chúa phán: Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ… Đức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em… Đức Giê-su ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi. Quả vậy, vua Đa-vít đã nói về Người rằng: Tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu, để tôi chẳng nao lòng… Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan” (x. Cv 2, 1-47).
Chúng ta cầu nguyện với Đức Maria Xác Hồn Lên Trời, bổn mạng của Giáo xứ, bầu cử cùng Chúa Thánh Thần ban nhiều ơn lành xuống cho mọi người và từng người chúng ta, cách riêng cho trên 200 em sắp lãnh nhận Bí tích Thêm Sức hôm nay, để chúng ta luôn biết noi gương Đức Mẹ sống theo Thánh Thần, nhằm đạt được những hoa quả của Thánh Thần mà thánh Phaolô đã viết trong thư gửi tín hữu Galata: “Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt… Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa. Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ… Những ai thuộc về Đức Ki-tô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5, 16-24).
Ước gì được như vậy – Amen.