XXI
“THẾ LÀ ĐÃ HOÀN TẤT”
Một tin tức chúng ta vừa mới biết: một nhóm nhà nghiên cứu khoa học người Mỹ đã thiết lập xong bản đồ gen của con người. Họ đã tập hợp tất cả các đoạn DNA cấu thành nền tảng di truyền của con người, nghĩa là hai tỷ chữ cái – được gọi là bộ gen – tạo nên bảng chữ cái hóa học viết về lịch sử của mỗi con người đi vào thế giới.
Những nhà nghiên cứu này viết: “Khoa học đã khám phá ra chương trình nền tảng của cuộc sống con người, mã số trên hết, Chén Thánh (Saint Graal)[*], mô hình cơ bản của homo sapiens. Cuối cùng chúng ta sẽ biết con người có ý nghĩa gì.” Và họ viết tiếp: “Sau hàng triệu đô la chi phí và hàng triệu giờ làm việc, bức màn được vén lên cho thấy những gì con cái chúng ta, khi nhìn lại, sẽ chỉ định là thế kỷ của bộ gen[1].”
Tin tức trên trúng vào một lãnh vực đã được chờ đợi quá lâu, được quan tâm quá mức đối với những tin tức được nhắc đi nhắc lại trong lĩnh vực đạo đức sinh học và làm tăng cảm giác lan tỏa rằng người ta đang ở vào một bước ngoặt trong quá trình tiến hóa của loài người, trong đường thẳng cuối cùng trước khi xuất hiện những cột mốc mới không ngờ.
Chính trong bối cảnh này mà chúng ta cử hành trong năm nay cuộc Khổ Nạn của Chúa, cuộc Vượt Qua của Đại Năm Thánh, cuộc Vượt Qua đầu tiên của thiên niên kỷ. Từ 2000 năm nay, cử hành này đương đầu với những biến cố và tình hình của giai đoạn. Nó đã không bao giờ từ chối đương đầu. Lần này nó cũng không từ chối. Một thi sĩ tín hữu đã viết:
“Đức Giêsu đã không để lại cho chúng ta những lời chết mà chúng ta cất giấu trong những chiếc hộp nhỏ (hay lớn), mà chúng ta phải bảo quản trong dầu hôi. […] Những lời hằng sống chỉ có thể được giữ cho sống. […] Chính chúng ta, những người yếu nhược, có nhiệm vụ làm cho sống, nuôi dưỡng và giữ cho sống động trong thời gian những lời đã được nói ra này. […] Chúng ta được kêu gọi nuôi dưỡng lời của Con Thiên Chúa. Làm cho lời đó được nghe qua các thế kỷ là nhiệm vụ của chúng ta, tùy thuộc vào chúng ta[2].”
Những nghi thức và bản văn của Thứ Sáu Thánh lặp đi lặp lại không thay đổi từ năm này qua năm khác, nhưng chúng sẽ không bao giờ giống như “đóng hộp”, vì chúng là môi trường sinh sống trong đó lời Thiên Chúa được giữ cho sống động.
***
Trong tình hình chúng ta vừa gợi ra, Mầu Nhiệm chúng ta cử hành nói lên điều gì cho ta? Để khám phá ra nó, chúng ta hãy trở lại với lời đã nghe. “Nhắp giấm xong, Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.” (Ga 19,30)
“Thế là đã hoàn tất!” Lời này đủ làm sáng tỏ tất cả mầu nhiệm trên đồi Canvê. Điều gì đã được hoàn tất? Trước hết là cuộc đời trần gian của Đức Giêsu, công trình mà Chúa Cha đã trao phó cho Ngài thực hiện (x. Ga 4,34; 5,36; 17,4). “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” (Ga 13,1) “Đến cùng”, tiếng hylạp là teleos, là từ được Đức Giêsu lặp lại khi Ngài kêu lơn tiếng: Teletestai, “Thế là đã hoàn tất”. Bằng chứng cuối cùng của tình Ngài yêu thương đi tới chỗ chấm dứt.
Kinh Thánh đã hoàn tất như thế. Kinh Thánh về Người Tôi Trung chịu đau khổ, về con chiên vượt qua, về người vô tội bị đâm thâu, về đền thờ mới mà Edêkien đã thấy, về bên phải đền thờ từ đó một dòng nước hằng sống chảy ra (x. Ed 47,1 tt). Nhưng không chỉ có đoạn này đoạn kia của Kinh Thánh được hoàn tất, nhưng là tất cả Cựu Ước, trong toàn bộ, được hoàn tất. Không theo cách phân tích, nhưng theo cách tổng hợp, trong bản chất. Khi sinh thì, Con Chiên mở cuốn sách niêm bẩy ấn (x. Kh 5,1 tt) và mạc khải ý nghĩa cuối cùng của chương trình của Thiên Chúa. Đó là trang khi mở ra thì soi sáng mọi sự, giống như trang lớn có minh họa trong Sách Lễ, ở đầu Lễ Quy. Đó là trang lấp lánh phủ mầu đỏ, trang lớn phân chia hai Giao Ước. Mọi cửa đều đồng loạt mở ra, mọi đối kháng tan biến, mọi mâu thuẫn được giải quyết[3].”
Để đưa mọi sự đến chỗ hoàn tất, Đức Kitô làm một cuộc cải thiện, Ngài phải làm một bước nhảy vể phẩm chất. Cũng xẩy ra như vậy trong việc truyền phép Thánh Thể: từ giờ phút này, bánh không còn là bánh nữa, nhưng trở thành một sự gì đó khác. Ngay cả khế ước cũ, từ lúc này của cái chết của Đức Kitô, đã trở nên “giao ước mới và vĩnh cửu”; văn tự trở thành Thần Khí[4]”.
“Điều mới thế cho điều cũ
Ân sủng thế cho lề luật
Thực tại thế cho hình ảnh
Con Thiên Chúa thế cho con chiên
Thiên Chúa thế cho con người[5].”
***
Thế nhưng không chỉ có điều đó được hoàn tất. Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô nằm trong lịch sử Israel, nhưng vượt qua nó, mở rộng nó quá độ. Nó không chỉ làm thỏa mãn những trông đợi của một dân tộc mà thôi, nhưng qua những trông đợi này, còn làm thỏa mãn những trông đợi của mọi dân tộc và mọi người.
Khi muốn mình không lệ thuộc vào Thiên Chúa, chính con người bị giam hãm trong thù ghét và sự chết. Họ ở trong một tình huống mà tình yêu của Chúa Cha không thể cư ngụ nơi họ. Chính vì muốn bắt gặp họ trong tình huống này mà Thiên Chúa đã làm người. Ngài chịu những đau khổ ghê gớm và chết bằng một cái chết dữ dội, để từ ngày hôm nay đau khổ và sự chết của mỗi người đểu có tình yêu của Chúa Cha ở đó. Nhiều người đã chết trước và sau Đức Kitô, nhưng chưa ai làm cho cái chết của mình gắn bó sâu xa với tình yêu của Chúa Cha bằng Ngài.
Bằng lễ dâng tình yêu hiếu thảo và ưng thuận dịu dàng này, Ngài đã biến ý nghĩa của cái chết thành sự sống thực. Như vậy, lễ dâng ấy trở thành một nhịp cầu, không còn có thể là một vực thẳm nữa. Khi sa vào trong tội và sự chết, con người vẫn tìm thấy ở đó – ngay cả ở đó – Đấng đã tạo dựng ra mình ta chờ đợi mình. Khi đó chúng ta hiểu bài thánh thi Phaolô ca ngợi tình yêu chiến thắng của Thiên Chúa: “cho dầu là sự chét hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bấ cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loại thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rm 8,38-39)
Đức Kitô đã thiết lập xong một “bản đồ” khác: bản đồ về số phận con người! Philatô đã nói lên một sự thật quan trọng mà không biết, khi ông chỉ vào Đức Giêsu mà nói: “Ecce homo!” (Đây là người).
Từ số phận con người, Đức Giêsu đã không chỉ khám phá hai vực thẳm của tội lỗi và sự chết, mà cả vực thẳm của thất bại, phá sản. Ngày Thứ Sáu của hoàn tất hôm nay, Calvê trông giống như một chiếc bục trên đó người ta chia nhau hạ màn sau một thất bại vang dội. Tiếng kèn shofar sắp loan báo bắt đầu ngày nghỉ lễ. Dước cái nhìn của người mẹ, Giuse Arimathia và các người của ông vội vã tháo đanh Đức Giêsu, xức dầu thơm thân thể Ngài, quấn trong khăn liệm, đặt trong băng ca, biến đi trong đêm tối, có các phụ nữ khóc lóc theo sau. Đồi núi trống trơn và lại trở nên yên lặng, như các bàn thờ của mọi nhà thờ chiều nay cũng sẽ như vậy.
Phần đầu của phụng vụ Thứ Sáu Thánh kết thúc như vậy. Thế nhưng kể từ ngày mà thất bại lớn nhất của Lịch sử biến thành chiến thắng đẹp đẽ nhất, tinh tuyền nhất, được mọi người biết đến nhất, chính dấu chỉ của thất bại đã thay đổi. Nó có thể là nơi ưu đãi để người ta khám phá ra ý nghĩa đích thực của sự sống, sự cao cả đích thực của con người và nhất là tình yêu của Chúa Cha dành cho những người bé mọn và nghèo khó. Ngỏ lời với các người trẻ ở chân núi Bát Phúc trong cuộc hành hương đến Thánh Địa, Đức Giáo Hoàng nói: “Đức Giêsu tôn dương những người mà thế gian nói chung coi là yếu đuối. Ngài nói với họ: “Phúc cho anh em là những người dường như thua vì anh em là những người thực sự thắng[6].”
***
Không có mâu thuẫn nào giữa hai bản đồ, bản đồ của các nhà khoa học và bản đồ của Đức Kitô. Cả hai đưa về hai tầng khác nhau của cùng một tòa nhà. Bản đồ này không vô hiệu hóa bản đồ kia. Người tín hữu chỉ có thể vui mừng với mọi người về mọi khám phá hứa hẹn một sự cải thiện điều kiện sống trên mặt đất. Đó là điều Thiên Chúa muốn nói khi Ngài tuyên bố: “Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất.” (x. St 1,28) Hãy thống trị, hãy đào luyện thế giới và chính các ngươi. Ta là Đấng tự hữu, là Hữu Thể tự tạo nên Ta, và Ta muốn các ngươi cũng tham dự vào địa vị của Ta, đào luyện, hoàn thiện – với trí khôn Ta đã ban cho các ngươi – bản tính riêng của các ngươi, trong sự kính trọng ý muốn của Ta và tôn kính danh Ta. Chính đó là ý nghĩa của câu “theo hình ảnh Ta và giống Ta”.
Tuy vậy, chúng ta không thể đắm chìm trong hưng phấn. Những khám phá mới đây trong lãnh vực sự sống con người dường như hàm hồ, mở cửa cho những phát triển mâu thuẫn. Chúng mở ra cho những khả thể mới để biết nguyên nhân của nhiều bệnh và cảnh báo những bệnh này; nhưng đồng thời chúng cũng đặt ra nhiều vấn nạn luân lý đáng lo ngại mà ngay cả những tín đồ nhiệt thành nhất của khoa học cũng không thể giấu giếm. Con người sẽ không từ bỏ dễ dàng coi mình như Thiên Chúa và tự mình quyết định mọi sự: ai được quyền sinh ra và ai không được quyền sinh ra, mầu tóc của đứa bé tương lai, chưa nói đến cái khác. Người ta đã chứng kiến trường hợp những người bị đuổi việc hoặc bị từ chối gia hạn bảo hiểm nhân thọ vì người ta đã khám phá ra rằng, trong gen của họ, có một gen có thể làm phát triển một bệnh nặng. Đó chỉ là những triệu chứng đầu tiên của những gì sẽ có thể xẩy ra một ngày nào đó. Nếu chúng ta bỏ qua những bất đồng của quá khứ, chúng ta cũng bỏ qua những nguy hiểm của hiện tại. Chúng ta cho rằng lần này nhân loại có đủ khôn ngoan để quản lý tốt các khám phá của mình. Con người biết những nguyên nhân của bệnh tật và cảnh báo trước, họ biết những quy luật sinh vật học và biến chúng thành có lợi cho họ…Nhưng rồi sao nữa? Tất cả những điều đó có đủ để được hạnh phúc không? Tại sao có bao nhiêu vụ tự tử nơi những người có mọi sự, những người khỏe mạnh, đẹp đẽ, giầu sang? Ai sẽ có thể ngăn cản hai bóng ma của “nhàm chán” và “nôn mửa”, mà những người có văn hóa đều biết, ngày một đi vào nhiều hơn trong thế giới? Người xưa ghi nhận một lời thật ngu ngốc: propter vitam rationes perdere vivendi, nghĩa là vì yêu sự sống mà đánh mất lý do sống. “Sống tốt có ích gì, nếu không được sống vĩnh cửu[7]?”
***
Bằng cuộc đời, sự chết và sự sống lại, Đức Kitô đã khám phá ra ý nghĩa cuối cùng của mọi cuộc sống con người. Ngài đã khám phá không phải trong phòng thí nghiệm hay với những công thức của bàn giấy, nhưng bằng cách sống nó, thực hiện nó. Và đây là ý nghĩa cuối cùng: đón nhận nơi mình tình yêu của Chúa Cha, như Đức Giêsu đã đón nhận và làm cho tình yêu này lưu chuyển trên thế giới, khi hiến dâng mình cho các anh em của mình.
Thưa các cha, các anh, các chị: tôi muốn kêu lên với các anh chị em điều tôi đã kêu lên trước hết cho chính tôi: những biện pháp nửa vời là quá đủ rồi! Đừng mất thời gian nữa. Hãy kiên trì nhận rõ mục đích cái chết của Đức Kitô. Hãy sống sao cho cuối cùng chính chúng ta cũng có thể nói: “Thế là đã hoàn tất”. Hãy chấp nhận đau khổ. Đó là cửa duy nhất để vào trong thập giá Đức Kitô và đừng đứng ở ngoài như khán giả. Những con đường khác – nghệ thuật, thần học, lý trí, tình cảm – chỉ cho phép chúng ta quan sát từ của sổ tầu lặn cuộc sống diễn ra dưới đáy biển. Điều ấy không liên hệ gì đến việc dìm mình vào bên trong, dự phần vào…
Một kết luận khác rút ra từ tất cả những điều đó: chúng ta không thể từ chối Đức Kitô, không thể lấy đi khỏi Ngài bất cứ phần nào của nhân loại, quá khứ, hiện tại hay tương lai. Chỉ là chúng ta không có quyền làm như thế. Chúng ta không thể ngưng loan báo Tin Mừng cho mọi thụ tạo. “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời!” (Dt 13,8)
Điều chúng ta phải từ bỏ, không phải là loan báo thập giá, nhưng có thể là một số cách thức xấu mà quá khứ đã phải làm điều đó. Trình bầy bản thân cho thế giới như những người chịu đóng đinh, chứ không phải như những khách qua đường. Không một ai, ngay cả có một niềm tin khác, có thể cảm thấy mình bị Đức Giêsu đe dọa, khi Ngài được loan báo như Gioan Phaolô II đã loan báo, dưới mắt toàn thể thế giới, trong tuần lễ từ 20 đến 26 tháng 3 Năm Thánh, trên chính những nơi mà Ngài đã sống và đã chết.
Đôi khi không cần nói gì, chỉ cần hiện diện, đau khổ và yêu thương, rất tôn trọng những người chưa tin. Hình thức chủ yếu tuyệt vời của việc Phúc Âm hóa là giúp cho tình yêu mà Đức Kitô đã đem đến cho thế gian được lưu chuyển. Bằng hành vi hơn là bằng lời nói.
Điều này đúng trước hết đối với người Do Thái. Chúng ta đã đánh mất quyền được công khai loan báo Phúc Âm cho họ. Chúng ta chỉ còn cách để cho Đức Kitô đi một mình trong tâm hồn của dân tộc Ngài. Nhưng từ bỏ ngay cả mong ước dân Do Thái nhận ra Đức Giêsu chính là “Vinh quang của Israel dân Ngài”, và cầu nguyện cho điều đó, thì hẳn là chúng ta không yêu mến cả Đức Giêsu lẫn người Do Thái.
***
Trong những câu truyện ngắn của văn sĩ Franz Kafka, người Séc, có một câu truyện tựa đề “Một sứ điệp của nhà vua”. Sứ điệp bắt đầu thế này: “Người ta nói, từ giường chết, đức vua đã gửi một sứ điệp cho bạn, đặc biệt cho bạn, một thần dân đáng thương ở một nơi heo hút nhất. Ông bảo người đưa tin quỳ xuống bên cạnh giường và nói thầm sứ điệp vào tai anh ta; ông coi trọng nội dung sứ điệp đến độ ông bắt anh lặp lại nó cho mình nghe. Sau đó, ông gật đầu xác nhận sứ điệp là chính xác, rồi để người đưa tin ra đi.”
Phần tiếp của câu truyện thật cay đắng và bi quan, giống như tất cả những gì người ta thấy qua ngòi bút của văn sĩ này. Người đưa tin cố tìm đường ra khỏi pháo đài nhưng vô ích, vì đông người chen chúc và rác rưởi ngổn ngang. Câu truyện kết thúc bằng một suy nghĩ về người nhận tin nhắn vô danh. Ông ta từ xa vẫn “ngồi tựa cửa sổ và mong tin trong lúc chiều buông[8]”. Chờ đợi một sứ điệp, cuối cùng, là tất cả những gì còn lại của câu truyện.
Tôi không thể đọc câu truyện này mà không thấy ở đó một biểu tượng mạnh mẽ cho mầu nhiệm chúng ta đang cử hành. Đức Kitô là ông vua đang hấp hối, Phúc Âm là sứ điệp của Ngài, các tông đồ là các người đưa tin, và người ngồi bên của sổ là nhân loại đang mơ đến một sứ điệp như sứ điệp của Đức Giêsu Kitô.
Một trong những người này đã ngồi bên của sổ từ 80 năm, mới đây đã cho người ta nghe thấy tiếng kêu của mình: “Tôi đã luôn tìm kiếm Thiên Chúa mà không bao giờ tìm thấy. Tôi đã luôn tìm kiếm vì tôi tin rằng đức tin có thể đem lại một sức mạnh khác thường. Thế nhưng tôi không cảm thấy mình chịu trách nhiệm hay có lỗi vì đã không có sức mạnh này. Và nếu tìm thấy Thiên Chúa, tôi sẽ hỏi Ngài: “Tại sao Chúa đã không ban đức tin cho tôi?”[9].”
Tôi muốn trả lời cho con người này cũng như cho biết bao nhiêu người khác có cùng hoàn cảnh tương tự: có lẽ Thiên Chúa đã không ban đức tin cho ông để thanh tẩy đức tin của người phải loan báo Ngài cho ông, và để người đó cảm thấy có trách nhiệm và phải cấp bách làm điều đó. Tuy vậy ông biết những gì mà những người như Augustinô và Pascal, những người đã đặt ra cùng một câu hỏi với Chúa, đã được nghe trả lời: “Bạn sẽ không tìm tôi nếu bạn đã không tìm thấy tôi[10]“. “Nếu tôi đã không tìm thấy bạn!” Mong muốn mà không tin có thể biểu lộ một đức tin thuần khiết hơn là tin mà không mong muốn, coi mọi sự là đã thành.
Chớ gì tiếng kêu mà chúng ta đã nghe chiều nay nối kết tất cả nhân loại đang chờ đợi này, nhờ vào những trung gian mầu nhiệm mà chỉ có Thần Khí biết: “Thế là đã hoàn tất.” Tetelestai. Consummatum est.
(Raniero Cantalamessa, Nous prêchons un Christ crucifié, EdB, 2018, pp. 213-225)
Lm Micae Trần Đình Quảng
——————
[*Cuộc tìm kiếm Chén Thánh (Saint Graal) thời Trung cổ có một ý nghĩa hiện đại cụ thể: mô tả một mục tiêu khó đạt được, nhưng sẽ mang lại kiến thức mới cho thế giới hoặc cho phép một ứng dụng gốc về chủ đề này. Do đó, trong vật lý, người ta coi lý thuyết thống nhất vĩ đại (lý thuyết về mọi sự) là “Chén Thánh của các nhà vật lý”. Tương tự như vậy, hiểu được cơ chế qua đó các gen kiểm soát diện mạo các cơ quan sẽ là “Chén Thánh của các nhà di truyền học” – Wikipedia francais].
[1] S. Begley, Decoding the human body, in “Newsweek” 10/4/2000.
[2] C. Péguy, Le porche du mystère de la deuxième vertu, in Oeuvres poétiques complètes, Paris 1975, tr. 588 tt.
[3] P. Claudel, Le poète et la Bible, Gallimard, Paris 1998, p. 729.
[4] x. H. de Lubac, Exégèse médiéval, I, I, Paris 1959, p. 318-328
[5] Mêlitô Sarđê, Sur la Paque, 7, in Sources chrétiennes 23, p, 64
[6] “L’Osservatore Romano”, 25.3.2000, p.5.
[7] Augustinô, Traités sur l’Évangile de Jean, 45, 2.
[8] F, Kafka, Eine kaiserliche Botschaft, trad. fr. In F. Kafka, Raconti, Feltrinelli, Milano 1972, p. 146 s. Le titre francais de l’article est “Un message de l’empereur”
[9] Interview de Indro Montanelli, in “Il Gazzettino”, thứ bẩy 22.1.2000. p. 11
[10] B. Pascal, Pensées, 553, ed. Bruschwig ; x. Augustinô, Discours, 34, 2.5 (CCL 41, p. 424. 426) (“Quid eligimus, nisi prius eligantur?”, “Non potestis amare me, nisi habueritis me”); Bênađô de Claivaux, Traité de l’amour de Dieu, 22 (“Nemo quaerere te valet, nisi qui prius invenerit”).