Lm. Timothy Radcliffe, O.P.
Trong bài suy niệm thứ II cho kỳ tĩnh tâm của Thượng hội đồng khai mạc vào sáng thứ Hai ngày 30/9/2024, Cha Timothy Radcliffe, nguyên Bề trên tổng quyền Dòng Đa Minh, đã chia sẻ suy tư về “Căn phòng đóng kín” cho các tham dự viên khóa họp thứ II của Đại hội thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục, dự kiến khai mạc vào Thứ Tư, ngày 03/10/2024. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài suy tư của cha Timothy Radcliffe, O.P.
Sáng nay chúng ta thấy các tông đồ loanh quanh chạy đi trong bóng tối, để tìm kiếm Chúa. Người Môn Đệ Được Yêu đã thấy và đã tin. Bình minh đến. Bây giờ là buổi tối và chúng ta lại trở về trong bóng tối, và họ bị nhốt trong căn phòng đóng kín.
Lúc đầu, buổi sáng tối tăm vì họ vẫn chưa tìm thấy Đấng Phục Sinh. Buổi tối tối tăm vì họ vẫn chưa được tràn đầy Chúa Thánh Thần, hơi thở sống động của Đấng Phục Sinh. Đức Giêsu đã ra khỏi ngôi mộ trống. Họ vẫn còn trong ngôi mộ của căn phòng khóa kín. Sách Sáng Thế nói rằng lúc khởi đầu, ‘Đức Chúa là Thiên Chúa lấy từ bụi đất đã nắn ra con người, rồi thổi sinh khí[1] vào lỗ mũi; và con người trở nên một sinh vật’ (2:7). Bây giờ Đức Giêsu ban cho họ hơi thở của sự sống vĩnh cửu: ‘Hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ.’ Họ chia sẻ trong Sự Sống Phục Sinh của Người và vì thế, họ đã sẵn sàng được sai đi rao giảng.
Sáng nay, chúng ta thấy rằng sứ mệnh của Giáo hội Hiệp Hành là kêu gọi chúng ta trở nên giống như Maria Mácđala, Môn Đệ Được Yêu, và Phêrô, những người tìm kiếm Chúa Phục sinh. Chúng ta cũng phải gần gũi với những người tìm kiếm của thời đại mình. Nhưng chúng ta chỉ trở nên người rao giảng về Sự Phục Sinh nếu chúng ta sống trong Chúa. Không ai tin vào một thây ma (zombie). Hãy nhớ đến thánh Irênê thành Lyon, Gloria Dei, homo vivens – vinh quang của Thiên Chúa là con người sống. Giống như ông Ladarô, chúng ta nghe thấy tiếng Chúa gọi chúng ta ra khỏi căn phòng đóng kín: ‘Hãy ra ngoài và sống.’
Sự thánh thiện là sống trong Chúa
Một người anh em họ của Charles de Foucauld, người rất vui thú với chuyện ăn uống, mô tả về chuyến thăm của Charles, người đã trở lại Paris trong một chuyến ghé thăm ngắn ngủi sau nhiều năm sống ở sa mạc Sahara: ‘Ông bước vào phòng và sự bình an bước vào cùng với ông. Ánh sáng trong mắt ông và đặc biệt là nụ cười rất khiêm nhường đó đã chiếm trọn toàn bộ con người ông.… Có một niềm vui vô cùng to lớn tỏa ra từ ông.… Còn tôi, khi thấy rằng mọi sự thỏa mãn của mình không sánh bằng một phần nhỏ so với hạnh phúc trọn vẹn của con người khổ hạnh kia, tôi thấy dâng trào trong mình một cảm giác kỳ lạ không phải là ghen tị mà là sự tôn trọng’[2].
Người ta nói về Thánh Têrêxa Avila rằng ‘bà vô cùng ý thức về một cuộc sống vượt ra ngoài bản thân’[3]. Hoặc hãy nghĩ đến chân phước Carlo Acutis, một thiếu niên người Ý đẹp trai chơi trò chơi điện tử. Các bạn Gen Y có thể thấy ở đây một người cùng thế hệ thực sự sống động. Vì vậy, thách thức đối với chúng ta là giúp nhau hít thở sâu hơi thở tươi trẻ của Chúa Thánh Thần! Một chút thách thức đối với tôi khi đã ở tuổi tám mươi!
Nhiệm vụ đầu tiên của người lãnh đạo là dẫn dắt đàn chiên ra khỏi những cái chuồng nhỏ hẹp để bước vào bầu không khí trong lành của Chúa Thánh Thần. Người lãnh đạo mở ra những cánh cửa đóng kín của những căn phòng ngột ngạt. Các môn đồ bị giam cầm bởi nỗi sợ hãi. Vì vậy, chúng ta hãy nghĩ đến những nỗi sợ hãi có thể ngăn cản chúng ta trở nên sống động trong Chúa, và những người rao giảng Tin mừng về sự sống dồi dào.
Tất cả chúng ta đều biết nỗi sợ bị tổn thương. Một số người trong chúng ta đến với Đại hội này với nỗi lo lắng rằng chúng ta sẽ không được công nhận và được đón nhận. Những hy vọng quý giá của chúng ta dành cho Giáo hội có thể bị khinh thường. Chúng ta có thể cảm thấy vô hình. Chúng ta có dám lên tiếng và chấp nhận rủi ro bị từ chối không? Nếu bạn không quen với thế giới Vatican này, với những danh hiệu lớn lao và trang phục kỳ lạ, thì nó có thể rất đáng sợ. Chúng ta dám chấp nhận rủi ro bị tổn thương, vì Chúa Phục sinh bị thương. Ngài cho họ thấy bàn tay và cạnh sườn của Ngài. Kinh Tiền Tụng Lễ Phục sinh còn đi xa hơn và tuyên bố, ‘(Ngài) dù đã bị giết mà vẫn sống luôn mãi’ ‘sed semper vivit occisus’. Hãy nhớ những lời của người anh em của tôi, tu sĩ Đa Minh Herbert McCabe: ‘Nếu bạn yêu, bạn sẽ bị tổn thương và thậm chí bị giết. Nếu bạn không yêu, thì bạn đã chết rồi.’ Trở nên sống động trong Chúa có nghĩa là không sợ bị thương.
Tu viện của chúng tôi ở Giêrusalem nằm gần Cổng Đamát. Đây là một nơi căng thẳng, nơi Thành Cổ mở ra khu phố của người Ả Rập. Một nhóm thanh niên Do Thái đứng đó, bịt mắt, trao tặng ‘free hugs – cái ôm tự do’ cho bất kỳ ai muốn. Tình yêu nhưng không trước sự căm ghét vô cớ. Họ chấp nhận rủi ro rằng thay vì một cái ôm, họ có thể nhận được một con dao.
Alan Paton là một tiểu thuyết gia người Nam Phi đã dũng cảm vận động chống lại chế độ phân biệt chủng tộc. Một trong những nhân vật của ông nói: “Khi tôi lên thiên đàng, điều mà tôi chắc chắn sẽ làm, thẩm phán Tối cao sẽ hỏi tôi: ‘Vết thương của ngươi đâu rồi?’ Và nếu tôi nói rằng tôi không có vết thương nào, ông ấy sẽ nói: ‘Ngươi đã chẳng đấu tranh cho điều gì sao?’”[4]
Ở Philippines, tôi đã gặp một người phụ nữ bị sẹo do bệnh phong. Phần lớn cuộc đời, bà sống trong một bệnh viện phong được điều hành bởi một nhánh của Dòng Đa Minh, các anh em của Thánh Martinô. Nhiều người trong số họ cũng mắc bệnh phong. Bà sợ phải rời khỏi nơi này, ngay cả khi bà đã được chữa khỏi. Mọi người sẽ nhìn thấy vết sẹo của bà và sợ hãi, vì vậy bà vẫn bị mắc kẹt bên trong. Và một ngày nọ, bà dám mạo hiểm bước ra ngoài, và bà đã khám phá ra một sứ mệnh mới, đó là đi khắp châu Á, mời gọi những người mắc bệnh phong ra ngoài và sống.
Chúng ta có thể chấp nhận rủi ro bị tổn thương vì Chúa đã ban cho chúng ta sự bình an của Người. Bộ phim Des dieux et des hommes kể về câu chuyện của các đan sĩ Trappist (Dòng Xitô nhặt phép) đã từ chối chạy trốn khỏi Algeria khi bạo lực khủng bố bùng phát vào những năm 1990. Thầy Luc, bác sĩ lâu năm của cộng đoàn, nói rằng: “Tôi không sợ chết, tôi là người tự do” (Je ne crains pas la mort, je suis un homme libre). Trong nghi lễ cũ của Dòng Đa Minh, linh mục hôn chén thánh chứa máu thánh của Chúa Kitô trước khi người dâng lời chào bình an.
Cuộc tạo dựng đầu tiên bắt đầu bằng: “Hãy có ánh sáng”. Sự Sáng Tạo Mới bắt đầu bằng: “Hãy có bình an”. Những lời này không thể không được nói ra. Mahatma Gandhi có một bức ảnh Chúa Giêsu trong phòng riêng với câu trích dẫn từ Thư Êphêsô: “Chính Người là bình an của chúng ta” (2, 14). Đức Giêsu là Chúa của Ngày Sabát. Trong Giáo hội sơ khai, “in pace” được viết trên các ngôi mộ của các Ki-tô hữu. Chúng ta được rửa tội trong bình an của Đức Kitô mà không gì có thể phá hủy. Chúng ta không cần phải sợ bất cứ điều gì.
Vào cuối những năm sáu mươi, cộng đoàn Đa Minh của tôi ở Oxford đã bị một nhóm điên điên tấn công. Không phải là Dòng Tên! Lúc 2 giờ sáng, hai quả bom nhỏ đã làm nổ tung tất cả các cửa sổ ở phía trước tu viện. Tất cả chúng tôi đều bị đánh thức và vội vã chạy xuống. Cảnh sát đến cùng với xe cứu thương. Chỉ có một mình Cha Bề trên, Fergus Kerr, vẫn còn ngủ say. Một tập sinh trẻ nhất được sai chạy tới phòng của ngài. ‘Cha Fergus, cha Fergus, dậy đi, có một vụ đánh bom.’ ‘Có ai chết không?’ ‘Không’. ‘Có ai bị thương không?’ ‘Không.’ ‘Đi đi và để tôi ngủ. Chúng ta sẽ nghĩ về điều đó vào sáng mai.’ Đó là bài học đầu tiên của tôi về sự lãnh đạo.
Chiến thắng đã giành được
Khi những kẻ hành quyết đến bắt Dietrich Bonhoeffer, thông điệp cuối cùng của ông dành cho người bạn của mình là Giám mục Bell của Chichester là: ‘Nói với giám mục… chiến thắng của chúng ta là chắc chắn.’ Một trong những anh em có thể chuyển đổi giới tính, thủ quỹ có thể bỏ trốn với số tiền, Giáo hội có thể bị thổi tung đi ! Nhưng Đức Kitô đã chết, Đức Kitô đã phục sinh và Đức Kitô sẽ trở lại.
Sự bình an của Chúa không có nghĩa là chúng ta cảm thấy bình an. Người bạn thời tập sinh của tôi, Simon Tugwell, OP, đã viết: ‘Không cần phải có cảm giác bình an chủ quan; nếu chúng ta ở trong Đức Kitô, chúng ta có thể bình an (in pace) và do đó không xao xuyến ngay cả khi chúng ta không cảm thấy bình an’[5]. Có lẽ đối với nhiều người trong chúng ta, thách thức sâu sắc nhất là bình an với chính mình. Chúng ta có dám nhìn vào trái tim đầy rắc rối và chia rẽ của chính mình, những phần trong chính chúng ta mà chúng ta không thích không? Sự cám dỗ là phóng chiếu vào người khác những gì chúng ta sợ hãi và không thích ở chính mình. Tugwell lại nói: ‘Sự bình an đến từ sự tự nhận thức cách thanh thản.… Con đường đến với sự bình an là chấp nhận sự thật. Bất kỳ phần nào trong chúng ta mà chúng ta từ chối chấp nhận sẽ là kẻ thù của chúng ta, buộc chúng ta phải vào thế phòng thủ. Và những phần bị loại bỏ của chính chúng ta sẽ nhanh chóng tìm thấy sự nhập thể ở những người xung quanh chúng ta’[6].
Tình yêu mãnh liệt của chúng ta đối với Giáo hội cũng có thể, thật mâu thuẫn, khiến chúng ta trở nên hẹp hòi: nỗi sợ rằng Giáo hội sẽ bị tổn hại bởi những cải cách mang tính hủy diệt làm suy yếu các truyền thống mà chúng ta yêu mến. Hoặc nỗi sợ rằng Giáo hội sẽ không trở thành ngôi nhà rộng mở mà chúng ta hằng mong ước. Thật đáng buồn khi Giáo hội thường bị tổn thương bởi những người yêu Giáo hội, nhưng lại yêu theo cách khác! Thánh Éprem đã nói rằng Giáo hội Công giáo là ‘giáo hội lớn với vòng đua lớn’[7]. Tôi đã gặp một nhà thần học Tin Lành Luther người Đức từng giảng dạy tại Đại học Oxford, và ông ấy nói: ‘Tôi sợ rằng người Công giáo đang trở thành người Tin lành.’ Đôi khi chúng ta quên mất sự rộng lớn của Công giáo, với cái cả hai/và của nó. Sự thật mà chúng ta yêu là, như Giám mục Robert Barron đã viết: ‘Vũ trụ rộng lớn và cụ thể như con người của Chúa Giêsu’[8]. Tình yêu hoàn hảo xua tan nỗi sợ hãi. Hãy để nó xua tan nỗi sợ hãi của những người có cái nhìn khác về Giáo hội. Giáo hội nằm trong tay Chúa và Chúa đã hứa rằng cửa hoả ngục sẽ không thắng thế trước Giáo hội.
Trong thời kỳ Napoléon, một vị giám mục bối rối đã đến gặp Quốc vụ khanh Toà Thánh, Hồng y Consalvi, và nói: ‘Thưa Đức Hồng y, tình hình rất nghiêm trọng. Napoleon muốn phá hủy Giáo hội.’ Đức Hồng y trả lời: ‘Ngay cả chúng ta cũng không thể thành công trong việc đó!’
Chính tình yêu của chúng ta dành cho Giáo hội, theo những cách hoàn toàn khác nhau, có thể khiến chúng ta bị nhốt trong một thế giới hẹp hòi, nhìn chằm chằm vào rốn giáo hội của mình, theo dõi người khác, sẵn sàng phát hiện ra những sai lạc của họ và lên án họ. Đức Giáo hoàng Phanxicô, trước khi được bầu, đã nói rằng Chúa sẽ đến gõ cửa và yêu cầu được ra khỏi phòng thánh! Tất nhiên, có những thay đổi mà một số người trong chúng ta mong muốn, nhưng đừng để điều đó nhốt chúng ta trong thế giới của giáo hội nhỏ bé của mình. Chúng ta sẽ trở nên nhàm chán! Chúa đã tỏ lộ trên đỉnh núi với những chân trời vô tận và bên ngoài trại.
Sự giải phóng của chúng ta khỏi những căn phòng này không chỉ cần đến lòng can đảm, mà còn cần sự tha thứ chữa lành của Chúa. Đấng Phục Sinh nói: ‘Anh em tha tội cho ai, thì tội lỗi của người đó được tha; anh em cầm tội ai, thì tội lỗi của người đó bị cầm giữ.’
Tội lỗi nhốt chúng ta trong nhà tù của chủ nghĩa tự luyến (narcissism) và chính trị đảng phái, giống như người con cả hờn dỗi và không muốn tham gia tiệc mừng đứa em trai hoang đàng trở về nhà. Herbert McCabe một lần nữa: ‘Bản chất của chúng ta kêu gọi chúng ta đến với điều gì đó mới mẻ và đáng sợ… Chúng ta là kiểu người chỉ tìm thấy sự viên mãn, hạnh phúc và sự triển nở khi từ bỏ chính mình và vượt qua chính mình. Chúng ta cần đánh mất bản thân mình trong tình yêu; đó là điều chúng ta sợ. Chúng ta được triệu tập để mạo hiểm trong điều chưa từng biết, từ bỏ những gì quen thuộc và an toàn, và bắt đầu một cuộc hành trình hay tìm kiếm. Và rồi, chúng ta không thích mạo hiểm. Chúng ta bằng lòng với con người mà chúng ta đã đạt được hoặc xây dựng vì chúng ta sợ được tạo nên theo hình ảnh của Chúa. Thất bại trong việc đáp lại lời triệu tập vào cuộc sống, sự thất bại về đức tin này, được gọi là tội lỗi’[9].
Vì vậy, Thượng Hội đồng này không phải là nơi để đàm phán về thay đổi cấu trúc, mà là để lựa chọn cuộc sống, để hoán cải và tha thứ. Chúa triệu tập chúng ta ra khỏi những nơi nhỏ bé mà chúng ta đang ẩn náu và nơi chúng ta đã giam cầm những người khác. Bài thánh ca được sáng tác bởi Frederick Faber, một tu sĩ dòng Oratorian ở thế kỷ 19, tuyên bố rằng: ‘Lòng thương xót của Chúa bao la như biển cả mênh mông.’
Chúng ta hãy cầu nguyện để sự bình an của Đức Kitô sẽ làm tan chảy bạo lực đang ngự trị trong trái tim chúng ta và đã đóng đinh Chúa chúng ta. Dorothy Day khẳng định rằng: ‘Cuộc chiến lớn là chống lại bạo lực nhiều hơn là chống lại chủ nghĩa vô thần’[10]. Bà nói: “Những người Ki-tô hữu, khi họ tìm cách bảo vệ đức tin của mình bằng vũ khí, bằng vũ lực và bạo lực, thì giống như những người đã nói với Chúa chúng ta rằng: ‘Hãy xuống khỏi Thập giá. Nếu ngươi là Con Thiên Chúa, hãy tự cứu mình đi’”[11].
Vì vậy, trong Thượng Hội đồng này, chúng ta hãy vượt qua mọi bạo lực trong trái tim mình: những suy nghĩ và lời nói bạo lực. Nền văn hóa toàn cầu của chúng ta nuôi dưỡng trí tưởng tượng bạo lực. ‘Đến năm 18 tuổi, trung bình thanh thiếu niên Mỹ sẽ chứng kiến trên phương tiện truyền thông 200.000 hành vi bạo lực và 16.000 vụ giết người’[12]. Những điều này thường được tô hồng hoặc coi là hài hước. Bạo lực được bình thường hóa và thậm chí có vẻ vô hại khi người ta tiêu diệt kẻ thù ma quỷ trong trò chơi điện tử. Trò giải trí có vẻ vô hại này nuôi dưỡng trí tưởng tượng bạo lực không hề cảm thấy tội lỗi khi phá hủy vì trong thế giới mạng, không có gì là thật.[13]
Thân thể của Chúa Kitô bị biến dạng bởi các trang web độc hại, chứa đầy lời buộc tội tàn nhẫn, biếm họa và thù hận. Bất kỳ ai thực hiện bất kỳ hình thức lãnh đạo nào trong Giáo hội đều sẽ trải qua điều này. Với tư cách là Bề Trên Cả của Dòng, tôi đã bị buộc tội đã cho phép một vị giám tỉnh sống với tình nhân của mình, một nữ tu, trong toa tàu hỏa!
Thế giới bạo lực của chúng ta tước đi ngay cả hơi thở của sự sống của rất nhiều người. Ví dụ, tội lỗi của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thực sự ngăn cản mọi người hô hấp. ‘Tôi không thở được’ là những lời cuối cùng của một người Mỹ gốc Phi, Eric Garner, được lặp lại mười một lần và được ghi lại trên điện thoại của những người chứng kiến khi anh ta bị cảnh sát siết cổ đến chết trên Đảo Staten, New York, mười năm trước. Những lời này đã trở thành tiếng kêu tập hợp của người Mỹ gốc Phi, tượng trưng cho sự áp bức họ chịu. Đó cũng là những lời cuối cùng của Jamal Khashoggi, nhà báo người Saudi bị sát hại tại lãnh sự quán của nước này ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 2 tháng 10 năm 2018[14]. Chúng ta hãy cho nhau không gian thở, oxy của cuộc tranh luận.
Sự bình an bất khả xâm phạm này không có nghĩa là chúng ta sống trong sự hòa hợp hoàn hảo. Chúng ta quy tụ lại trong Đại hội này vì chúng ta không như vậy. Nhưng không có sự bất hòa nào có thể phá hủy được sự bình an của chúng ta trong Đức Kitô, vì chúng ta là một trong Người. Thomas Merton đã viết trong Asian Journal – Nhật ký Châu Á của mình, ‘Chúng ta đã là một. Nhưng chúng ta tưởng rằng chúng ta không phải là một. Và điều chúng ta phải khôi phục lại là sự thống nhất ban đầu của chúng ta. Điều chúng ta phải là chính là con người chúng ta’[15].
Nhưng Tông đồ Tôma đã ra ngoài khi Đức Giêsu hiện ra. Có lẽ vì ông không sợ hãi? Khi Ladarô bị bệnh, ông tuyên bố rằng ông sẵn sàng lên Giêrusalem và chết cùng Đức Giêsu (11, 16). Ông say mê chân lý: ‘Tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ tin’[16] trừ khi tôi đặt ngón tay vào vết thương của người. Và khi ông nhìn thấy Chúa, ông đã tuyên xưng một cách say mê: ‘Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi.’ Người môn đệ say mê này cũng mời chúng ta ra khỏi căn phòng nhỏ.
‘Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi’. Đây thực sự là một tuyên bố thần học: một lời về Chúa. Chủ đề của Đại hội này là một Giáo hội hiệp hành trong sứ vụ. Trọng tâm của sứ vụ này là giảng dạy giáo huấn của chúng ta. Khi Maria Macđala được gọi tên, bà trả lời ‘Rabbuni’, Thưa Thầy. Trong những lời cuối cùng của Tin mừng theo Thánh Matthêu, Đức Giêsu sai các môn đệ của mình đi giảng dạy cho mọi dân tộc. Làm thế nào chúng ta có thể chia sẻ những lời dạy của Đức Kitô với một thế giới đang khao khát ý nghĩa?
Ở vùng ngoại ô nghèo của Paris, những thanh niên Công giáo đang yêu cầu dạy về đạo lý của Giáo hội để họ có thể nói chuyện với những người bạn Hồi giáo của mình về những gì Giáo hội dạy. Có một cuộc tụ họp vào đầu năm nay: ‘Assume ta foi en banlieue’, ‘Hãy ôm lấy đức tin của bạn ở vùng ngoại ô’[17]. Những người trẻ này đang khao khát những điều bổ dưỡng trong giáo huấn của Giáo hội. ‘Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi’. Họ sẽ không hài lòng nếu chúng ta chỉ nói với họ rằng: ‘Đức Giêsu là một người tốt bụng và muốn chúng ta tử tế với nhau.’
Xã hội của chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi một định kiến sâu sắc chống lại giáo điều. Steve Jobs, người đồng sáng lập Apple, đã tóm tắt điều này trong bài phát biểu khai giảng tại Đại học Stanford năm 2005: ‘Thời gian của bạn có hạn, vì vậy đừng lãng phí nó để sống cuộc sống của người khác. Đừng bị mắc kẹt trong giáo điều – tức là sống với kết quả suy nghĩ của người khác.’ Tất nhiên, ông ấy chỉ đang lặp lại một giáo điều cũ kỹ của thời đại chúng ta và không suy nghĩ cho chính mình.
G.K. Chesterton khẳng định: ‘Chỉ có hai loại người, những người chấp nhận giáo điều và biết điều đó, và những người chấp nhận giáo điều và không biết điều đó… Cây cối không có giáo điều. Củ cải có đầu óc rộng mở đặc biệt’[18]. Một số giáo điều của thời đại chúng ta thực sự là những căn phòng kín ngột ngạt không có oxy: chủ nghĩa tương đối, đủ loại chủ nghĩa chính thống, duy vật, dân tộc chủ nghĩa, khoa học, chủ nghĩa chính thống tôn giáo. Chúng nhốt mọi người trong những trí tưởng tượng hẹp hòi đầy sợ hãi.
Nhưng những lời dạy vĩ đại về đức tin chúng ta, cốt lõi là Kinh Tin Kính, mở ra cánh cửa trái tim và khối óc chúng ta. Chúng thúc đẩy chúng ta vượt qua những câu trả lời nhỏ bé, và thúc đẩy chúng ta tìm kiếm vô tận Đấng là tình yêu vô hạn và chân lý, Đấng mãi mãi vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta. Khi tôi còn là một tu sĩ trẻ vào cuối những năm sáu mươi, và mọi thứ dường như đang sụp đổ, hầu hết chúng tôi vẫn ở lại Dòng vì chúng tôi thoáng thấy vẻ đẹp rạng rỡ của Kinh Tin Kính, chân lý mà chúng ta không sở hữu nhưng lại sở hữu chúng ta. Những người trẻ sẽ không hài lòng với bất cứ điều gì ít hơn thế.
Làm sao chúng ta có thể mời những người cùng thời bước vào không gian rộng mở của đức tin chúng ta? Ví dụ, làm sao chúng ta có thể chạm đến trí tưởng tượng của họ bằng học thuyết vinh quang về Chúa Ba Ngôi, giáo huấn thực tế và gần gũi nhất? Vì vậy, chúng ta cần sự giúp đỡ của các nhà thần học.
Các nhà thần học đôi khi cũng rút lui vào căn phòng khóa kín của trường, của viện vì sợ phải trò chuyện với Dân Chúa. Khi tôi còn là tu sĩ trẻ ở Paris, tôi đã hỏi một anh em Đa Minh khác về bằng tiến sĩ của anh ấy. Anh ấy trả lời: ‘Anh bạn trẻ của tôi (anh ấy chỉ lớn hơn tôi một tuổi), tôi sẽ không cố gắng giải thích. Anh sẽ không hiểu được đâu.’ Hai mươi năm sau, tôi trở lại thăm với tư cách là Bề Trên Cả của Dòng, tôi đã gặp anh ấy và không nói gì cả!
Tất nhiên, chúng ta cần các nhà thần học hàn lâm – các nhà chú giải, nhà ngữ văn và sử gia – những người giữ chúng ta trong điều mà Thánh Phaolô gọi là “sự vâng phục của đức tin” (Rm 1, 5). Nếu không, chúng ta sẽ sử dụng Kinh thánh cho mục đích của riêng mình chứ không phải cho Chúa. Nhưng kỷ luật học tập nghiêm ngặt này cuối cùng lại phục vụ cho cuộc trò chuyện với những người đương thời của chúng ta, để đồng hành cùng họ trong cuộc hành trình vào mầu nhiệm vô hạn của tình yêu Thiên Chúa.
Một ngày sau Đai hội kỳ vừa rồi, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã kêu gọi một nền thần học đối thoại bác ái với những người có niềm tin khác. Ngài đã trích dẫn lời của mình với các sinh viên của Đại học Công giáo Argentina: “Đừng bằng lòng với thần học bàn giấy. Hãy để nơi suy ngẫm của các bạn là biên giới.… Các nhà thần học giỏi, giống như những mục tử tốt, cũng ngửi thấy mùi của mọi người và đường phố, và bằng sự suy ngẫm của mình, đổ dầu và rượu vào vết thương của những người nam và người nữ”[19]. Thần học tốt mở ra cánh cửa của những căn phòng ngột ngạt. Giống như tông đồ Tôma, nồng nhiệt và không sợ hãi. Nó ôm trọn những cách nói mới, những ngôn ngữ mới. Một Giáo hội Công giáo truyền giáo dám giảng dạy một cách mạnh dạn và khiêm nhường.
Chuyển ngữ : GB. Phạm Hoàng Dũng, O.P.
Nguồn : https://www.vaticannews.va/en/church/news/2024-09/synod-retreat-meditation-the-locked-room.html
Nguồn: daminhvn.net – 01/10/2024
______
[1] Ở đây, không phải là Ruah mà là neshama.
[2] Fergus FLEMING, The Sword and the Cross London 2003, p. 235f.
[3] George ELIOT, The Prelude to Middlemarch, first published in 1871.
[4] Alan PATON, Ah, But your Land is Beautiful, Vintage/Ebury, Londons, 2002, pp. 66-67.
[5] Simon TUGWELL OP, Reflections on the Beatitudes, Darton Longman and Todd, London 1980 p.114.
[6] Ibid., p. 112.
[7] Trích trong S. TUGWELL “Scholarship, sanctity and spirituality”, Communio 11/1 (1984), p. 53.
[8] Michael HEHER, The Lost Art of Walking on Water: Reimagining the Priesthood, Mahwah, Paulist Press, 2004 p.132.
[9] Herbert MCCABE, God Matters, Continuum, London – New York, 2005, p. 94-95.
[10] Dorothy DAY, The Duty of Delight, Marquette University, New York, 2008, p. 943.
[11] Ibid., p. 895.
[12] “Children, Violence and the Media”, A Report for Parents and Policy Makers Senate Committee on the Judiciary; Senator Orrin G. Hatch, Utah, Chairman of the Committee on the Judiciary Prepared by Majority Staff Senate Committee on the Judiciary September 14, 1999.
[13] Timothy RADCLIFFE OP, Alive in God: A Christian Imagination, Bloomsbury, Londres, p. 197.
[14] Cf. ibid., pp. 262-263.
[15] Naomi BURTON et al. (eds), The Asian Journal of Thomas Merton, New Directions, New York, 1973, p.308.
[16] Timothy L. FOX: “Jesus’ Resurrection Appearances,” 1 November 2019 :” www.modernreformation.org/resources/essays/jesus-resurrection-appearances.
[17] Arnaud BEVILAQUA, ‘The Great Awakening of young Catholics on the outskirts of Paris’, La Croix International, March 22, 2024.
[18] G. K. CHESTERTON, “The Mercy of Mr. Arnold Bennett” Fancies vs. Fads, Dodd, Mead and Company, New York, 1923: http://www.gkc.org.uk/gkc/books/Fancies_Versis_Fads.txt.
[19] FRANCIS, Ad theologiam promovendam, November 1st 2023.