XXVII
THIÊN CHÚA BẦY TỎ TÌNH YÊU CỦA NGÀI
CHO CHÚNG TA
“Sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường.” (2Tm 4,3-4)
Lời Kinh Thánh này – đặc biệt ám chỉ đến chuyện ngứa tai muốn nghe những điều mới lạ – đang được thực hiện theo một cách thức mới mẻ và gây ấn tượng trong thời đại chúng ta. Trong khi chúng ta cử hành nơi đây việc tưởng niệm cuộc Khổ Nạn và cái chết của Chúa Cứu Thế, thì hàng triệu người, bị lôi cuốn bởi những người chuyên môn khéo viết lại những truyền thuyết cũ, tin rằng Đức Giêsu Nadarét thực ra chưa bao giờ bị đóng đinh. Tại Hoa Kỳ, một trong những cuốn sách bán chạy nhất hiện nay là cuốn Phúc Âm của Tôma, được giới thiệu như một cuốn Phúc Âm “tránh cho chúng ta khỏi tin vào chuyện đóng đinh, không nói đến chuyện phục sinh, và không buộc chúng ta tin vào một Thiên Chúa có tên là Giêsu[1]“.
Mấy năm trước đây, cha Raymond Brown, một học giả Kinh Thánh xuất chúng chuyên về lịch sử cuộc Khổ Nạn, đã viết như sau: “Một điều người ta nhận thấy làm cho bản tính con người không mấy dễ chịu: việc gì càng không thật, quảng cáo về nó càng giật gân và sự hứng thú nó gợi ra càng mãnh liệt. Có những người thậm chí không thèm đọc một phân tích nghiêm túc các truyền thống lịch sử giải thích về việc Đức Giêsu bị đóng đinh thập giá, việc Ngài chết, được an táng và sống lại từ trong kẻ chết, những người đó bị mê hoặc bởi bất kỳ lý thuyết mới mẻ nào, theo đó Ngài hẳn đã không bị đóng đinh thập giá và đã không chết, đặc biệt nếu phần còn lại của câu chuyện bao gồm việc Ngài cùng với Maria Mađalêna trốn sang Ấn Độ (hoặc Pháp, theo một phiên bản gần đây hơn)… Những lý thuyết này chứng minh rằng liên quan đến cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu, trái với ngạn ngữ dân gian, hư cấu vượt xa so với thực tại, và thường mang lại lợi lộc hơn, dù cố ý hay vô tình[2].”
Người ta nói nhiều về sự phản bội của Giuđa mà không biết rằng họ đang lặp lại chuyện ấy. Đức Kitô lại bị bán lần nữa, không phải cho các thủ lĩnh Hội Đồng Do Thái để lấy ba mươi đồng bạc, nhưng cho các nhà xuất bản và nhà sách để lấy hàng tỉ bạc…
Không ai sẽ có thể ngăn chặn làn sóng đầu cơ buôn bán này, một làn sóng thậm chí được đẩy mạnh lên với việc phát hành ngay một cuốn phim; nhưng vì sau nhiều năm nghiên cứu lịch sử các nguồn gốc Kitô giáo, tôi cảm thấy có nghĩa vụ kêu gọi mọi người chú ý đến một sự hiểu lầm to lớn nằm dưới lớp vỏ của tất cả thứ văn chương phi lịch sử này.
Những Phúc Âm ngoại thư của Tôma, Philipphê và Giuđa mà thứ văn chương kia dựa vào và được giới thiệu, là những văn bản được biết đến từ lâu, toàn bộ hay từng phần, Đó là những văn phẩm của những thế kỷ II và III, nhưng ngay cả các sử gia chuyên phê phán hay thù nghịch với Kitô giáo nhất cho tới nay cũng không bao giờ nghĩ quy chiếu tới chúng, để làm cho lịch sử tiến triển. Thật giống như trong vài thế kỷ tới đây người ta có tham vọng viết lại lịch sử của ngày hôm nay dựa trên những tiểu thuyết viết vào thời chúng ta.
Sai lầm to lớn ở chỗ người ta đang dùng những văn phẩm này để buộc chúng phải nói ngược lại với những gì chúng muốn nói. Chúng là một phần của văn chương ngộ đạo. Phái ngộ đạo lạc giáo – một sự pha trộn chủ thuyết nhị nguyên Plato với những học thuyết Đông phương, mặc thêm lớp áo tư tưởng Kinh Thánh – chủ trương rằng thế giới vật chất là một ảo ảnh, công trình của Thiên Chúa thời Cựu Ước, là một Ác Thần hoặc ít ra là thần cấp dưới; Đức Kitô đã không chết trên thập giá, vì ngài đã không hề mặc lấy thân xác con người, trừ ra vẻ bên ngoài, vì thân xác con người không xứng với Thiên Chúa (thuyết Ảo thân[3]).
Theo Phúc Âm của Giuđa, được nói đến nhiều trong thời gian vừa qua, chính Đức Giêsu truyền cho tông đồ này phản bội Ngài, để khi Ngài chết, thần khí bên trong của Ngài cuối cùng có thể được giải thoát khỏi vỏ bọc thể xác và về lại trên trời – chủ đề ngộ đạo điển hình. Phải tránh hôn nhân hướng đến sinh sản (encratisme, khổ chế luân lý[4]). Phụ nữ chỉ có thể được cứu nếu “nguyên lý nữ (thelus)” hiện thân nơi bà biến thành nguyên lý nam, nghĩa là, nếu bà không còn là phụ nữ nữa[5].
Điều lạ lùng nhất là nhiều người ngày nay tin rằng họ thấy trong những văn phẩm này sự tôn dương nguyên lý nữ, tính dục, sự hưởng thụ trọn vẹn và phóng túng thế giới vật chất này, trái với Giáo Hội chính thức, do chủ trương Manikê của mình, thường xuyên chà đạp tất cả những điều đó! Người ta cũng thấy một sai lầm tương tự trong học thuyết về tái đầu thai. Thuyết này được các tôn giáo Đông phương trình bày như một thứ hình phạt vì những tội lỗi trước đây đã phạm và như một việc phải cố gắng hết sức để chấm dứt. Thuyết này lại được đón nhận tại Tây phương như một điều tuyệt vời giúp cho người ta có thể sống và hưởng thụ thế giới này mãi mãi.
Trên đây là những vấn nạn lẽ ra không nên đề cập nơi đây và trong ngày này, nhưng chúng ta không thể cho phép thái độ im lặng của các tín hữu được giải thích như một sự xấu hổ, không thể cho phép niềm tin chân chính (hay sự ngây ngô?) của hàng triệu con người bị các phương tiện truyền thông thả cửa bóp méo, mà không biết lên tiếng phản đối, không chỉ nhân danh đức tin nhưng còn vì lương tri và lý trí lành mạnh. Tôi nghĩ đã đến lúc nghe lại lời cảnh báo của Dante Alighieri:
“Anh chị em Kitô hữu, xin cẩn trọng trong hành động:
Đừng như một cọng lông chim trước gió,
Cũng đừng nghĩ rằng nước nào cũng rửa sạch được mình.
Anh chị em có Tân và Cựu Ước
Và các Mục Tử của Hội Thánh hướng dẫn;
Hãy coi đó là tất cả điều cần cho ơn cứu độ của anh chị em
Hãy là những con người, chứ đừng là cừu non khờ khạo[6].”
***
Nhưng chúng ta hãy bỏ qua một bên những lý thuyết giả mạo đó. Chúng có cùng một lời giải thích chung: chúng ta đang sống trong thời đại truyền thông và các phương tiện truyền thông thích chuyện mới lạ hơn là sự thật. Chúng ta hãy chú tâm vào mầu nhiệm đang cử hành. Cách tốt nhất để suy niệm trong năm nay về mầu nhiệm ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là đọc lại toàn bộ phần đầu thông điệp của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI “Deus Caritas est” (Thiên Chúa là Tình Yêu). Vì không thể thực hiện điều đó nơi đây, tôi muốn ít nhất được bình giải một vài đoạn có liên quan trực tiếp hơn với mầu nhiệm ngày hôm nay. Chúng ta đọc thấy trong thông điệp:
“Khi nhìn tới cạnh sườn của Đức Kitô bị lưỡi đòng đâm thâu được Gioan nói đến (x. Ga 19,37), chúng ta có thể hiểu được khởi điểm của Thông điệp “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Chính đó là điểm để chiêm niệm chân lý này. Và khởi đi từ đó, giờ đây chúng ta phải định nghĩa tình yêu là gì. Bắt đầu từ cái nhìn này, người Kitô hữu tìm ra con đường để sống và để yêu[7].”
Phải, Thiên Chúa là tình yêu! Có người quả quyết rằng nếu tất cả Thánh Kinh trên trái đất này bị hủy hoại bởi một tai họa nào đó hay bởi một cơn thịnh nộ phá hủy các hình tượng tôn giáo và chỉ còn lại một bản; và bản còn lại đó cũng bị hư hại đến mức chỉ còn lại một trang, và nếu trang đó nhăn nheo đến độ chỉ còn một dòng có thể đọc được: nếu dòng đó là dòng của Thư thứ nhất thánh Gioan viết rằng “Thiên Chúa là tình yêu!” thì coi như toàn bộ Thánh Kinh được được cứu vãn, vì tất cả nội dung là ở câu này.
Thời niên thiếu, tôi đã sống trong một căn nhà tranh ở miền quê chỉ cách đường dây điện cao thế có vài mét, nhưng chúng tôi sống trong bóng đêm, hay dưới ánh sáng của ngọn đèn cầy. Giữa chúng tôi và đường dây điện là một đường ray xe lửa. Đang trong chiến tranh, không ai buồn nghĩ đến chuyện khắc phục trở ngại này. Điều này cũng giống như tình yêu của Thiên Chúa: tình yêu của Ngài ở đó, trong tầm tay chúng ta, có thể chiếu sáng và sưởi ấm mọi thứ trong đời ta, nhưng chúng ta cứ sống trong bóng đêm và lạnh lẽo. Đó là lý do chân thật duy nhất làm cho cuộc đời chúng ta phải đau buồn.
Thiên Chúa là tình yêu, và thập giá của Đức Kitô là chứng cớ tối thượng, là minh chứng lịch sử. Nicola Cabasilas, một tác giả Đông phương byzantin, cho rằng có hai cách chứng tỏ tình yêu của mình đối với người khác. Cách thứ nhất ở chỗ làm điều tốt cho người mình yêu, tặng quà cho họ; cách thứ hai đòi hỏi hơn nhiều, ở chỗ đau khổ vì người mình yêu. Thiên Chúa đã yêu chúng ta bằng cách thứ nhất, tức là với một tình yêu đại lượng lúc sáng tạo, khi Ngài tuôn đổ trên ta những hồng ân bên trong và bên ngoài chúng ta; Ngài cũng đã yêu chúng ta bằng một tình yêu đau khổ trong việc cứu chuộc, qua cách tự hủy của Ngài, chịu những đau khổ kinh khủng nhất vì ta, để cho ta thấy tình yêu của Ngài[8]. Do đó, chính trên thập giá mà chúng ta phải chiêm ngắm sự thật này: “Thiên Chúa là tình yêu“.
Thuật ngữ “khổ nạn” có hai nghĩa: Nó có thể chỉ định một tình yêu mãnh liệt, “mang tính đam mê”, hoặc một đau khổ chết người. Có sự tiếp nối giữa hai hình thức trên và kinh nghiệm hàng ngày cho thấy chuyển từ hình thức này sang hình thức kia dễ như thế nào. Tương tự như vậy và trên hết là ở nơi Thiên Chúa. Theo Origen, có một tình yêu đam mê đi trước việc nhập thể. Chính tình yêu đam mê này đã được Thiên Chúa hằng nuôi dưỡng cho nhân loại và khi thời gian viên mãn, đã đưa Ngài xuống thế và chịu đau khổ cho chúng ta[9].
***
Thông điệp “Deus caritas est” chỉ ra một cách thức mới trong việc bảo vệ đức tin Kitô giáo, có lẽ là cách thức khả thi duy nhất ngày nay và chắc chắn là hữu hiệu nhất. Nó không đối chọi những giá trị siêu nhiên với những giá trị tự nhiên, tình yêu của Thiên Chúa với tình yêu của con người, eros với agapé, nhưng chỉ ra sự hài hòa nguyên thủy của nó, cần phải tái khám phá và hàn gắn không ngừng vì tội lỗi và sự yếu đuối của con người.
“Éros muốn đưa chúng ta lên chỗ “xuất thần” hướng tới Thiên Chúa, dẫn chúng ta vượt lên trên chúng ta, nhưng chính vì thế mà đòi hỏi con đường đi lên, từ bỏ, thanh tẩy và chữa lành[10].”
Đúng là Phúc Âm cạnh tranh với những lý tưởng nhân loại, nhưng theo nghĩa đen nó giúp thực hiện những lý tưởng ấy: chữa lành, nâng cao và bảo vệ chúng. Phúc Âm không loại trừ eros khỏi cuộc sống, nhưng loại trừ nọc độc vị kỷ của eros.
Trong một tư tưởng nổi tiếng[11], Pascal cho rằng có ba thứ bậc cao trọng.
Thứ nhất là thứ bậc vật chất hay thân xác: được đề cao là người giàu có, người có sức khoẻ lực sĩ hay vẻ đẹp thể xác. Đó là một giá trị không nên xem thường, nhưng là giá trị thấp nhất.
Trên đó là thứ bậc của thiên tài và trí thông minh mà nổi bật là những nhà tư tưởng, nhà phát minh, nhà khoa học, những nghệ sĩ và thi sĩ. Đây là một thứ bậc có một phẩm chất khác. Sự kiện giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, không thêm vào hay lấy đi bất cứ điều gì đối với thiên tài. Những dị dạng thể xác trên con người của họ không lấy đi điều gì từ nét đẹp của những tư tưởng của Socrates, hay những vần thơ của Leopardi.
Thiên tài là một giá trị chắc chắn cao hơn giá trị trước, nhưng đó chưa phải là giá trị cao nhất. Trên nó còn một thứ bậc cao cả khác, thứ bậc của tình yêu, của lòng tốt (Pascal gọi đó là thứ bậc của sự thánh thiện và ân sủng). Gounod cho rằng một giọt thánh thiện đáng giá hơn một đại dương tài năng. Đẹp hay xấu, học thức hay dốt nát không thêm gì hay lấy đi điều gì đối với một vị thánh. Sự cao cả của ngài thuộc về một thứ bậc khác.
Kitô giáo thuộc về bậc thứ ba này. Trong tiểu thuyết Quo vadis, một người ngoại giáo hỏi Tông Đồ Phêrô khi ngài mới đến Rôma: “Athêna cho chúng tôi sự khôn ngoan, Rôma cho chúng tôi quyền lực, thế tôn giáo của ông cho chúng tôi điều gì?” Phêrô trả lời: “Tình yêu[12]!” Tình yêu là thứ mong manh nhất trên thế gian; nó được biểu thị – và nó thực sự là – như một đứa trẻ. Người ta có thể giết nó dễ dàng như người có thể làm việc đó với một đứa trẻ. Nhưng qua kinh nghiệm chúng ta biết quyền lực, khoa học, sức mạnh và tài năng trở thành cái gì nếu không có tình yêu và lòng nhân?
***
“Như chúng ta đã nói, eros của Thiên Chúa đối với con người cũng hoàn toàn là agape. Không phải chỉ vì eros được ban tặng cách hoàn toàn nhưng không, không do một công trạng nào trước đó, mà còn vì đó là tình yêu tha thứ[13].”
Phẩm chất này cũng sáng chói ở mức cao nhất trong mầu nhiệm thập giá. Đức Giêsu đã nói ở nhà Tiệc Ly: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Người ta hẳn muốn kêu lên: Có đấy, lạy Chúa, có một tình yêu còn cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Đó là tình của Chúa! Chúa đã không hy sinh tính mạng cho bạn hữu, nhưng cho kẻ thù của mình! Thánh Phaolô nói rằng hầu như khó tìm thấy người nào sẵn sàng chết cho một người công chính, nhưng có đấy. Có lẽ người ta dám chết cho một người lương thiện. “Thế nhưng chính Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu chúng ta, ” (Rm 5,7-8).
Tuy nhiên, người ta sớm khám ra điều tương phản chỉ là ngoài mặt. Chữ “bạn” theo nghĩa năng động chỉ những ai yêu mình, nhưng theo nghĩa thụ động nó chỉ những người mình yêu. Đức Giêsu gọi Giuđa là “bạn” (Mt 26,50) không phải vì Giuđa yêu Ngài, nhưng vì Ngài yêu Giuđa! Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì kẻ thù của mình, coi họ như bạn hữu: đó là ý nghĩa của câu Đức Giêsu nói. Con người có thể xử sự như kẻ thù của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa mãi mãi không là kẻ thù của nhân loại. Đó là lợi thế khủng khiếp của con cái trước cha (hay mẹ) chúng.
Chúng ta cần suy tư theo cách cụ thể nhờ đó tình yêu của Đức Kitô trên thập giá có thể giúp con người ngày nay tìm thấy “con đường để sống và yêu”, như Đức Biển Đức XVI đã nói. Đó là một tình yêu thương xót, khoan dung và thứ tha, không muốn tiêu diệt kẻ thù, nhưng đúng hơn tiêu diệt sự thù nghịch (x Ep 2,16). Tiên tri Giêrêmia, người gần gũi nhất với Đức Kitô chịu khổ nạn, đã cầu nguyện với Thiên Chúa như sau: “xin cho tôi được thấy cơn thịnh nộ đổ trên đầu chúng” (Gr 11,20); còn Đức Giêsu khi hấp hối thì nói: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.” (Lc 23,34)
Chính lòng thương xót và khả năng tha thứ này là điều chúng ta cần đến ngày hôm nay, để đừng trượt xa hơn nữa vào hố sâu bạo lực toàn cầu. Thánh Tông Đồ viết cho tín hữu Côlôssê: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.” (Cl 3,12-13)
Thương xót nghĩa là trắc ẩn (misereor) tận đáy lòng (cordis) đối với kẻ thù ta, là hiểu rằng chúng ta được tạo ra bằng gì và do đó là tha thứ. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bằng một phép lạ của lịch sử, hai dân tộc Israel và Palestin ở vùng Cận Đông đang đánh nhau từ nhiều thập niên, nay thay vì đổ lỗi cho nhau, bắt đầu nghĩ đến những đau khổ của nhau, và động lòng trắc ẩn với nhau. Bức tường chia cách giữa họ sẽ không cần thiết nữa. Cũng có thể nói như vậy về biết bao nhiêu cuộc xung đột khác đang diễn ra trên thế giới, kể cả những cuộc xung đột giữa các hệ phái tôn giáo khác nhau.
Những vần thơ của Giovani Pascoli thật đúng biết bao: “Hỡi con người, hỡi hòa bình! Trên trái đất nghiêng, có quá nhiều mầu nhiệm[14]“. Một số phận chết chóc chung bao trùm lên tất cả chúng ta. Nhân loại bị bóng tối bao phủ và oằn mình dưới sức nặng của quá nhiều đau khổ đến mức chúng ta cần phải có một chút lòng trắc ẩn và liên đới với nhau.
***
Một giáo huấn khác đến từ tình yêu của Thiên Chúa thể hiện trên thập giá Đức Kitô. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người thì trung tín và vĩnh cửu. Thiên Chúa nói với con người qua các tiên tri: “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở” (Gr 31,3); và còn nói: “Ta quyết chẳng đoạn tình dứt nghĩa, không hề bội tín thất trung” (Tv 89,34). Thiên Chúa đã cam kết yêu thương mãi mãi; Ngài tự tước đi sự tự do quay gót. Chính là ý nghĩa sâu xa của Giao Ước đã trở nên “mới và vĩnh cửu” trong Đức Kitô.
Chúng ta đọc thấy trong Thông điệp của Đức Giáo Hoàng: “Để thăng tiến và thanh luyện chiều sâu, tình yêu cần sự dứt khoát theo một ý nghĩa kép: theo nghĩa độc chiếm “duy chỉ một người thôi” và theo nghĩa vĩnh viễn. Tình yêu bao trùm toàn bộ cuộc sống trong mọi chiều kích của nó, kể cả chiều kích thời gian. Điều này không thể khác được, vì sự hứa hẹn của nó nhắm vào sự dứt khoát: tình yêu nhắm vào vĩnh cửu[15].”
Trong xã hội hôm nay người ta ngày càng thường xuyên tự hỏi đâu là mối quan hệ giữa tình yêu của hai người trẻ và luật hôn nhân; tình yêu chỉ là xung động và tự phát thì cần điều gì để “ràng buộc”. Ngày càng có đông đảo những người từ chối định chế hôn nhân và chọn cái gọi là tình yêu tự do, hoặc, de facto (thực tế) thuần túy sống chung. Chỉ khi nào khám phá ra mối liên hệ sâu sắc và sinh tử giữa lề luật và tình yêu, giữa quyết định và định chế, người ta mới có thể trả lời đúng đắn cho những câu hỏi này và mang đến cho những người trẻ một lý do thuyết phục để “cam kết” yêu nhau mãi mãi và không ngại biến tình yêu thành một “bổn phận”.
Triết gia Kierkegaard, người sau Plato, đã viết những điều đẹp nhất về tình yêu, nói: “Chỉ khi có bổn phận phải yêu, tình yêu mới được bảo đảm mãi mãi không biến chất; mãi mãi được giải thoát trong sự độc lập được chúc phúc; được bảo đảm trong hạnh phúc vĩnh cửu chống lại mọi nỗi âu lo[16].”
Con người đang yêu, càng yêu mãnh liệt càng lo sợ nhận thấy nguy hiểm mà tình yêu gặp phải. Một nguy hiểm không đến từ những người khác nhưng từ chính mình. Quả thực người đó biết mình hay thay đổi, nay yêu mai có thể chán, không còn yêu nữa hoặc muốn thay đổi đối tượng yêu. Vì giờ đây đang lúc còn chìm trong ánh sáng của tình yêu, người đó thấy rõ việc ấy sẽ kéo theo sự mất mát không đền bù được như thế nào. Vì thế người đó bảo vệ mình theo cách “cam kết” yêu bằng dây ràng buộc của bổn phận, và như thế là cắm chặt hành vi yêu trong thời gian vào trong vĩnh cửu.
Ulysses muốn thấy lại quê nhà và vợ mình, nhưng anh ta phải vượt qua nơi có những Mỹ Nhân Ngư hát những bài ca làm các thủy thủ mê say khiến thuyền của họ va vào bờ đá. Ulysse đã làm gì? Anh tự cột mình vào cột buồm sau khi đổ sáp đầy hai lỗ tai những bạn thuyền. Đến chỗ có những Mỹ Nhân Ngư, bị quyến rũ, anh la lên để được cởi trói và đến với các nàng này, nhưng các bạn thuyền không thể nghe tiếng anh, nhờ vậy anh ta có thể được thấy lại quê hương, lại được ôm vợ và con trai của mình[17]. Chắc chắn đó là một câu chuyện huyền thoại, nhưng nó giúp chúng ta hiểu được lý do của hôn nhân “bất khả phân ly”, cũng trên bình diện nhân loại và hiện sinh và, trên một bình diện khác, của những lời khấn dòng.
Bổn phận phải yêu bảo vệ tình yêu khỏi “âu lo” và làm cho nó “được chúc phúc và độc lập” theo nghĩa là nó bảo vệ con người khỏi lo lắng không thể yêu mãi mãi. Cũng triết gia này nói: hãy chỉ cho tôi một người thực sự đang yêu, và anh ta sẽ nói cho bạn xem trong tình yêu vui thú và bổn phận có đối kháng nhau không; xem ý nghĩ “phải” yêu suốt đời có làm cho người đang yêu sợ hãi và lo lắng không, hay đúng hơn làm cho họ rất mực vui mừng và hạnh phúc.
Một ngày trong Tuần Thánh, khi hiện ra cùng chân phước Angela Foligno, Đức Kitô nói với bà một lời trở thành nổi tiếng: “Ta đã yêu con không phải chuyện đùa!” Thật vậy, Đức Kitô đã không yêu chúng ta như giỡn chơi. Có một chiều kích đùa cợt và vui vẻ trong tình yêu, nhưng chính tình yêu không phải là một chuyện đùa; chính là chuyện chân thành nhất và gây ra nhiều hệ lụy nhất trên thế giới; đời sống con người tùy thuộc vào nó. Eschyle so sánh tình yêu với sư tử con nuôi trong nhà, lúc đầu thì “ngoan ngoãn và hiền lành còn hơn một trẻ em” thậm chí người ta có thể giỡn chơi với nó, nhưng một khi lớn lên, nó có thể phá phách và nhuộm máu ngôi nhà[18].”
Những nhận xét này không đủ để thay đổi văn hóa hiện nay, tôn dương sự tự do thay đổi và sự tự phát nhất thời, áp dụng ngay cả cho tình yêu quan niệm thịnh hành là “dùng xong rồi vất”. (Thật không may cho cuộc đời phải gánh lấy chuyện đó, khi cuối cùng người ta thấy mình trắng tay với nỗi buồn chẳng xây đắp được gì lâu dài trong tình yêu). Ước mong những nhận xét này có thể giúp củng cố những ai, trong sự lựa chọn của mình – một sự lựa chọn tốt và đẹp – quyết định sống tình yêu giữa một người nam và một người nữ theo kế hoạch của Thiên Chúa, và cũng có thể giúp họ làm chứng để có nhiều người trẻ muốn lựa chọn như thế.
Không còn gì nói thêm ngoài việc hòa nhịp cùng thánh Phaolô trong bài thánh thi ca ngợi tình yêu chiến thắng của Thiên Chúa. Phaolô mời gọi chúng ta cùng với ngài trải nghiệm tuyệt vời về việc chữa lành nội tâm. Ngài nhìn lại những điều tiêu cực và những lúc gay go của đời ngài: gian truân, phiền muộn, bách hại, đói khát, trần truồng, nguy hiểm và gươm giáo. Ngài xem xét những điều này nhờ tin chắc vào tình yêu của Thiên Chúa và viết: “Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta!” (Rm 8,37)
Sau đó, Phaolô ngước mắt lên: từ cuộc sống cá nhân nhìn ra thế giới chung quanh và hướng tới vận mệnh chung của nhân loại, và một lần nữa diễn tả cùng một sự xác tín hân hoan này: “Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rm 8,37-39).
Chúng ta đón nhận lời mời gọi của ngài, trong ngày Thứ Sáu Khổ Nạn này, và lặp lại cho mình những lời trên đây khi chúng ta chuẩn bị tôn thờ thập giá Đức Kitô.
(Raniero Cantalamessa, Nous prêchons un Christ crucifié, EdB, 2018, pp. 303-316)
Lm Micae Trần Đình Quảng
[1] H. Bloom, trong chú giải kèm theo ấn bản M. Meyer, The Gospel of Thomas (L’Evangile de Thomas), Harper, San Francisco s.d., p. 125.
[2] R. Brown, The Death of the Messiah, II, Doubleday New York 1994, p. 1092-1096.
[3] Thuyết Ảo thân là một lạc giáo trong Kitô giáo, xuất hiện từ thế kỷ I. Người theo thuyết này tin rằng Đức Kitô, khi sống ở trần gian, không có một thân xác thực, nhưng chỉ có một thân xác ngoài mặt, như thân xác của một bóng ma. Chú thích của EdB.
[4] Khổ chế luân lý là một học thuyết của nhiều lạc thuyết trong Giáo Hội cổ thời, tuyên dương một thứ khổ chế luân lý triệt để (cấm hôn nhân, kiêng thịt và rượu, dựa trên việc lên án thân xác và vật chất. Chú thích của EdB
[5] Xem loghion 114 trong Phúc Âm Tôma, xb. Meyer, tr. 63; trong Phúc Âm của những người Ai Cập, Đức Giêsu nói: “Ta đến phá hủy những công trình của phụ nữ” (x. Clêmentê Alexanđria, Stromata, III, 63). Điều này cắt nghĩa vì sao Phúc Âm Tôma trở thành Phúc Âm của những người phái Manikê, trong khi nó bị giáo quyền tấn công ác liệt (chẳng hạn Hyppolytô Rôma), giáo quyền này bảo vệ sự tốt lành của hôn nhân và của thụ tạo nói chung.
[6] Dante Alighieri, Le Paradis, V, 73-80.
[7] ĐGH Biển Đức XVI, Thông điệp Deus caritas est, số 12.
[8] x. Nicolas Cabasilas, La vie en Christ, VI, 2 (PG 150, 645).
[9] x. Origène, Homélie sur Ézéchiel, 6, 6 (GCS, 1925, p. 384 s).
[10] ĐGH Biên Đức XVI, Thông điệp Deus caritas est, số 5.
[11] x. B. Pascal, Pensées, n. 739.
[12] H. Sienkiewicz, Quo vadis?, Lgf poche, Paris 2001, ch. 33.
[13] ĐGH Biển Đức, Thông điệp Deus caritas est, số 10.
[14] G. Pascal, Le petit enfant, Michel de Maule, Paris 2004.
[15] ĐGH Biển Đức XVI, Tông thư Deus caritas est, số 6.
[16] S. Kierkegaard, Les actes de l’amour, in Oeuvres Complètes, L’Orante, 1984.
[17] x. Odyssée, chant XII.
[18] Eschyle, Agamemnon, v. 717 et s.