XXXIV
ĐƯỢC NÊN CÔNG CHÍNH
NHỜ TIN VÀO MÁU ĐỨC GIÊSU KITÔ
“Mọi người đã phạm tội và bị rước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình thực hiện trong Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa đã đặt Người làm hy lễ xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin […] bây giờ Người cho thấy rằng Người vừa là Đấng Cong Chính vừa làm cho kẻ tin vào Đức Giêsu được nên công chính.” (Rm 3,23-26)
Chúng ta đang ở đỉnh cao của Năm Đức Tin và ở thời điểm quyết định của nó. Đây là đức tin cứu rỗi, “đức tin thắng được thế gian” (1Ga 5,5)! Đức tin – chiếm đoạt qua đó chúng ta làm cho sự cứu rỗi của Đức Kitô thành của chúng ta, chúng ta mặc lấy áo choàng công chính của Ngài. Một mặt có bàn tay dang rộng của Thiên Chúa ban ân sủng của Người cho con người; mặt khác, bàn tay của con người vươn ra để đón nhận với đức tin. “Giao ước vĩnh cửu mới” được niêm phong bằng một cái bắt tay giữa Thiên Chúa và con người.
Chúng ta có cơ hội ngày hôm nay lấy quyết định quan trọng nhất cho cả cuộc đời chúng ta, quyết định mở ra cánh cửa vĩnh cửu: tin! Tin rằng “Đức Giê-su chính là Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính” (Rm 4,25)!
Thật là một điều phi thường! Thứ Sáu Tuần Thánh này được cử hành trong Năm Đức Tin và với sự hiện diện của người kế vị mới của Phêrô, có thể, nếu chúng ta muốn điều ấy, là bước đầu của một cuộc sống mới. Giám mục Hilariô Poitiers, trở lại với Kitô giáo ở tuổi trưởng thành, khi nghĩ lại đời sống đã qua, đã nói: “Trước khi biết Ngài, tôi đã không tồn tại”.
Điều duy nhất chúng ta được yêu cầu là không lẩn trốn như Ađam sau khi phạm tội, nhưng nhận ra rằng chúng ta cần phải được công chính hóa; rằng chúng ta không thể làm cho mình nên công chính. Người thu thuế lên Đền thờ và cầu nguyện rất ngắn: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi“. Và Đức Giêsu nói rằng người này về nhà “được nên công chính“, nghĩa là trở thành một người công chính, được tha thứ, một con người khác, reo vui trong lòng, tôi chắc thế (Lc 18,14). Anh đã làm gì phi thường như vậy? Không làm gì cả, anh đã chỉ nói lên sự thật trước mặt Thiên Chúa, và đó là điều duy nhất Thiên Chúa cần để hành động.
***
Giống như người leo núi cao, sau khi đã vượt qua một đoạn nguy hiểm, dừng lại một chút để lấy hơi và chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh mở ra trước mắt, Tông Đồ Phaolô đã làm như thế ngay từ đầu chương 5 Thư Rôma:
“Vậy một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đng được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai gặp chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu cảu Người vào lòng chúng ta, nhờ bởi Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.”(Rm 5,1-5).
Ngày nay, chúng ta chụp ảnh vệ tinh bằng tia hồng ngoại toàn bộ các khu vực trên trái đất và thậm chí toàn bộ hành tinh. Toàn cảnh nhìn từ trên cao, dưới ánh sáng của các tia này, khác biết mấy với những gì chúng ta nhìn thấy trong ánh sáng tự nhiên và ở bên trong! Tôi nhớ một trong những bức ảnh vệ tinh đầu tiên được phổ biến trên thế giới; nó tái tạo toàn bộ bán đảo Sinai. Các màu sắc rất khác nhau, những chỗ lồi lõm được đánh dấu hơn. Chính là một biểu tượng. Cuộc sống của con người cũng vậy, nhìn qua các tia hồng ngoại của đức tin, từ đỉnh Calvê, dường như khác với những gì chúng ta thấy “bằng mắt thường”.
Theo nhà hiền triết của Cựu Ước, “Mọi người đều như nhau cùng chung một số phận, người công chính cũng như đứa gian tà […]. Tôi lại còn nhìn thấy dưới ánh mặt trời: có sự gian ác tại chốn pháp đình, có sự gian ác tại nơi xét xử.” (Gv 3,16; 9,2). Quả thực, từ thời xa xưa, chúng ta đã thấy sự gian ác chiến thắng và sự vô tội bị sỉ nhục. Nhưng Bossuet lưu ý, để đừng tin rằng có một cái gì đó cố định và chắc chắn trên thế giới, thì đây đôi khi chúng ta thấy điều ngược lại, nghĩa là, thấy sự vô tội trên ngai và sự gian ác trên đoạn đầu đài. Nhưng Giảng viên đã trả lời điều đó như thế nào? “Và tôi tự nhủ: người công chính cũng như kẻ gian ác đều sẽ bị Thiên Chúa xét xử. Vì mọi sự, mọi việc đều có thời, có lúc” (Gv 3,17). Ông đã tìm thấy điểm quan sát làm cho tâm hồn được bình an.
Điều Giảng viên đã không thể biết và, ngược lại, chúng ta biết, đó là sự xét xử này đã xảy ra. Trước cuộc Khổ Nạn, Đức Giêsu nói: “Giờ đây đang diễn r cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian sắp bị tống ra ngoài. Phần tôi, một khi được giương lên cao khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 31-32).
Trong Đức Giêsu Kitô chết và sống lại, thế giới đã đến đích cuối cùng. Sự tiến bộ của nhân loại ngày nay đang tiến lên với một tốc độ chóng mặt và nhân loại thấy mở ra trước mắt những chân trời mới và không thể tưởng tượng được, là thành quả những khám phá của nó. Tuy nhiên, có thể nói rằng sự kết thúc thời gian đã xảy ra, vì trong Đức Kitô lên ngự bên hữu Chúa Cha, nhân loại đã đi đến đích cuối cùng. Trời mới đất mới đã bắt đầu. Bất chấp mọi lầm than, bất công, điều kinh khủng trên trái đất, trật tự của thế giới cuối cùng đã bắt đầu nơi Ngài. Những gì chúng ta thấy có thể gợi lên điều trái ngược, nhưng sự dữ và cái chết thực sự bị đánh bại mãi mãi. Nguồn mạch của chúng đã khô cạn; thực tại chính là Đức Giêsu là Chúa của thế giới. Sự dữ đã bị đánh bại tận căn nhờ công trình cứu chuộc Ngài đã thực hiện cho chúng ta. Thế giới mới đã bắt đầu.
Một điều đặc biệt có vẻ khác, được nhìn bằng con mắt đức tin: cái chết! Đức Kitô bước vào cõi chết như người ta vào trong một nhà tù tối tăm; nhưng Ngài ra khỏi đó qua bức tường khác. Ngài không trở lai nơi mà từ đó Ngài đã đến, giống như Ladarô được sống lại để chết một lần nữa. Ngài đã mở ra một lỗ hổng hướng tới sự sống mà không ai sẽ có thể đóng lại, và qua lỗ hổng này mà mọi người đều có thể theo Ngài. Cái chết không còn là một bức tường làm tan vỡ mọi hy vọng của con người; nó đã trở thành chiếc cầu đưa tới vĩnh cửu. Một “chiếc cầu thở dài”, có lẽ bởi vì không ai thích chết, nhưng một chiếc cầu, và không còn một vực thẳm nuốt chửng mọi thứ. “Tình yêu mãnh liệt như tử thần”, sách Diễm ca nói như vậy (Dc 8,6). Trong Đức Giêsu Kitô, tình yêu đã mãnh liệt hơn tử thần!
Trong cuốn “Lịch sử Giáo hội của người Anh”, Bêđa Đáng Kính kể lại cách đức tin Kitô giáo đi vào miền bắc nước Anh. Khi các nhà truyền giáo từ Rôma đến Northumberland, nhà vua địa phương đã triệu tập một hội đồng chức sắc để quyết định có cho phép họ truyền bá sứ điệp mới hay không. Một số ủng hộ, một số thì không. Khi ấy là mùa đông, bão tuyết đang hoành hành bên ngoài, nhưng căn phòng được thắp sáng và ấm áp. Có một lúc một con chim nhỏ chui qua cái lỗ trên tường, rung cánh sợ hãi giây lát trong phòng, rồi biến mất qua một lỗ khác ở bức tường đối diện.
Sau đó, một trong những người trong hội đồng đứng dậy và nói: “Thưa ngài, cuộc sống của chúng ta trên thế giới này giống như con chim nhỏ đó. Chúng ta không biết mình đến từ đâu, chúng ta tận dụng ánh sáng và sức nóng của thế giới trong một khoảnh khắc và rồi chúng ta lại biến mất trong bóng tối, mà không biết mình sẽ đi đâu. Nếu những con người này có thể tiết lộ cho chúng ta điều gì đó mầu nhiệm của cuộc sống chúng ta, chúng ta phải lắng nghe họ”. Đức tin Kitô giáo có thể trở lại lục địa chúng ta và trong thế giới tục hóa với cùng một lý do đã mang đức tin đó đến, tức là như một sứ điệp duy nhất có thể trả lời chắc chắn cho những vấn nạn lớn về sự sống và sự chết.
***
Thập giá ngăn cách tín đồ với những người không tin, bởi vì đối với một số người, đó là “cớ vấp phạm” và “điên rồ“, và đối với những người khác là “sức mạnh” và “khôn ngoan” của Thiên Chúa (x. 1Cr 1,23-24); nhưng trong một ý nghĩa sâu sắc hơn, thập giá hợp nhất tất cả mọi người, những người tin và không tin. “Đức Giêsu sắp phải chết […] không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,51 tt). Trời mới đất mời là thuộc về mọi người và dành cho mọi người, bởi vì Đức Kitô đã chết cho mọi người.
Chính từ tất cả những điều đó mà phát sinh sự cấp bách truyền giáo: “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng một người đã chết thay cho mọi người” (2Co 5,14). Ngài kêu gọi chúng ta truyền giáo! Chúng ta hãy loan báo cho thế giới tin mừng là “giờ đây những ai ở trong Đức Kitô Giêsu, thì không còn bị lên án nữa. Thật vậy, luât của Thần Khí ban Thần Khí trong Đức Giêsu Kitô đã giải thoát tôi khỏi luật của sự tôi và sự chết” (Rm 8,1-2).
Có một truyện ngắn của Franz Kafka, một biểu tượng tôn giáo mạnh mẽ, và mang một ý nghĩa mới, gần như có tính chất tiên tri, đặc biệt khi chúng nghe ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Nó được gọi là “Một sứ điệp hoàng gia”. Truyện kể về một vị hoàng đế, trên giường chờ chết, đã gửi đi một sứ điệp. Ông bảo sứ giả quỳ bên giường, thì thầm sứ điệp vào tai anh. Sứ điệp này quan trọng đến mức ông bảo anh lặp đi lặp lại cho mình nghe. Sau khi gật đầu xác nhận sứ điệp đó là chắc chắn, trước mặt quần thần đang chứng kiến ông sắp qua đời, ông bảo sứ giả đi. Nhưng chúng ta hãy nghe trực tiếp từ tác giả phần sau của câu truyện, với giọng điệu như mộng mị gần với cơn ác mộng, nét đặc thù của nhà văn này:
“Sứ giả lập tức lên đường. Đưa một cánh tay ra phía trước, rồi cả cánh tay còn lại, sứ giả rẽ qua đám đông; nếu gặp kháng cự, anh ta chỉ vào dấu hiệu mặt trời trên ngực mình; anh dễ dàng tiến tới, không như một ai khác. Nhưng đám người lại quá đông. Nhà cửa lại san sát. Giá mà có khoảng trống, anh sẽ bay lên như thế nào! Bạn sẽ sớm nghe thấy tiếng nắm tay của anh đập cửa thình thình. Nhưng thay vào đó, anh chỉ nhọc công vô ích! Anh ta cố gắng vượt qua các gian của cung điện bên trong, nhưng sẽ không bao giờ đi xa hơn được. Và nếu anh vượt qua được, thì cũng chẳng được gì; anh phải vùng vẫy để xuống cầu thang, nếu xuống được, anh cũng chẳng được gì; anh sẽ phải băng qua sân; hết sân là hàng rào của cung điện thứ hai; và rồi lại những cầu thang và những sân; và lại một cung điện; và cứ như vậy trong nhiều thế kỷ. Và nếu cuối cùng anh nhào ra khỏi cánh cửa cuối cùng – nhưng không bao giờ, điều đó không bao giờ có thể xảy ra – anh sẽ tìm thấy Thành phố Hoàng gia trước mặt, trung tâm của thế giới, đầy những rác rưởi của anh. Không ai bước vào đây, ngay cả với sứ điệp của một người đã chết. Nhưng bạn ngồi ở cửa sổ và mơ thấy sứ điệp này lúc đêm về”.
Trên giường chết, Đức Kitô đã gửi một sứ điệp đến Giáo Hội của Ngài: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Vẫn còn rất nhiều người đang ở bên cửa sổ và mơ về một sứ điệp như sứ điệp của Ngài mà không biết. Như chúng ta vừa nghe, Gioan quả quyết người lính đã đâm cạnh sườn Đức Kitô trên thập giá, để lời Kinh thánh này được nên trọn: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19,37). Trong sách Khải huyền, Gioan nói thêm: “Kìa, Người ngự đến giữa đám mây. Ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người” (Kh 1,7).
Lời tiên tri này không báo trước lần đến cuối cùng của Đức Kitô, khi thời gian không còn để hoán cải mà là để phán xét. Trái lại, nó mô tả thực tại Phúc Ấm hóa các dân tộc. Nơi lời tiên tri, lần đến mầu nhiệm và thật sự của Chúa mang lại cho họ ơn cứu độ, được xác nhận. Nước mắt của họ sẽ không phải là nước mắt tuyệt vọng, nhưng là nước mắt chữa lành và an ủi. Đây là ý nghĩa của lời tiên tri mà Gioan thấy được thực hiện khi Đức Kitô bị đâm nơi cạnh sườn, tức lời tiên tri của Dacaria 12,10: “Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đavit và dân cư Giêrusalem… Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta…Đấng chúng đã đâm thâu.”
Phúc Âm hóa có nguồn gốc thần bí; Đó là quà tặng đến từ thập giá Đức Kitô, từ cạnh sườn bị đâm thủng, mở ra, từ máu và nước này. Tình yêu của Đức Kitô, giống như tình yêu Ba Ngôi mà tình yêu đó biểu hiện trong lịch sử, là “diffusivum sui“, có xu hướng lan rộng và đến với mọi thụ tạo, “đặc biệt những thụ tạo cần sự thương xót của Ngài”. Phúc Âm hóa không phải là “chinh phục”, cũng không phải là “tuyên truyền”; đó là một món quà Thiên Chúa ban tặng thế gian trong Con của Người là Đức Giêsu. Đó là mang đến cho Đầu niềm vui cảm nhận được sự sống chảy từ trái tim đến thân thể của mình, cho tới chỗ làm cho những chi thể xa nhất được sống bằng sự sống ấy.
Chúng ta phải làm sao cho Giáo Hội không bao giờ trông giống như lâu đài phức tạp và tắc nghẽn mà Kafka mô tả, sao cho thông điệp phát xuất từ Giáo Hội được tự do và vui vẻ như khi nó bắt đầu hành trình. Chúng ta biết những trở ngại nào có thể chặn lại sứ giả: những bức tường ngăn cách, bắt đầu từ những bức tường ngăn cách các Giáo Hội Kitô khác nhau, sự quá đáng của cung cách quan liêu, những thừa thãi của bộ diện lộng lẫy, của luật lệ và của những cuộc tranh cãi trong quá khứ, từ đây trở thành thuần túy rác rưởi.
Trong sách Khải huyền, Đức Giêsu nói Ngài đứng ở cửa và gõ (x. Kh 3,20). Đôi khi, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô của chúng ta đã chỉ ra, Ngài không gõ để vào, mà gõ từ bên trong để ra. Ra đi đến với những “vùng ngoại ô đầy tội lỗi, đau khổ, bất công, vô tri, thờ ơ tôn giáo, suy nghĩ và tất cả các hình thức khốn khổ.”
Giống như một số tòa nhà cũ. Trong nhiều thế kỷ, để thích ứng với các đòi hỏi của thời đại, chúng đầy những vách ngăn, cầu thang, phòng lớn và phòng nhỏ. Đến lúc nhận ra rằng tất cả các thích nghi này không còn đáp ứng các yêu cầu hiện tại, chúng thậm chí còn là một trở ngại; khi ấy phải có can đảm phá bỏ hết, và đưa tòa nhà trở lại với hình thức đơn giản và đường nét ban đầu. Chính là sứ mệnh mà thánh Phanxicô nhận được, khi ngài cầu nguyện trước thánh giá thánh Đamianô: “Này Phanxicô, hãy đi sửa chữa nhà của Ta”.
“Ai có thể xứng với nhiệm vụ này?” Tông Đồ Phaolô tự hỏi như thế trong lúc khiếp sợ trước bổn phận vượt quá sức con người phải là “hương thơm của Đức Kitô” trong thế gian; và đây là câu trả lời của Ngài, vẫn còn giá trị ngày hôm nay: “Không phải vì tự chúng tôi, chúng tôi có khả năng để nghĩ rằng mình lam được gì, nhưng khả năng của chúng tôi là do ơn của Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng tôi khả năng phục vụ Giao Ước mới, không phải Giao Ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí. Vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống.” (2Cr 3,5-6).
Vào lúc một thời mới mở ra cho Giáo Hội, đầy hứa hẹn và hy vọng, xin Chúa Thánh Thần giúp cho những người đang ở bên cửa sổ biết chờ mong sứ điệp, và giúp cho các sứ giả muốn gửi sứ điệp cho những người ấy, thậm chí bằng cái giá của cuộc đời mình.
(Raniero Cantalamessa, Nous prêchons un Christ crucifié, EdB, 2018, pp. 371-379)
Lm Micae Trần Đình Quảng