XXXVI
“ECCE HOMO – ĐÂY LÀ NGƯỜI”
Chúng ta vừa nghe câu chuyện về phiên tòa xử Đức Giêsu trước mặt Philatô. Có một đoạn đáng để chúng ta một lần dừng lại.
“Bấy giờ ông Philatô truyền đem Đức Giêsu đi và đánh đòn Người. Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho người một áo choàng đỏ. Họ đến gần và nói: “Kính chào vua dân Do Thái!”, rồi vả vào mặt Người. Ông Philatô lại ra ngoài và nói với người Do Thái: “Đây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các ngươi, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy.” Vậy Đức Giêsu bước ra ngoài, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ. Ông Philatô nói với họ: “Đây là người!” (Ga 19,1-5).
Trong vô số những bức tranh về đề tài Ecce Homo, có một bức luôn gây ấn tượng với tôi. Bức tranh của họa sĩ người Hòa Lan ở thế kỷ XVI, Jan Mostaert, được trưng bày tại Phòng Triển lãm Quốc gia ở London. Tôi sẽ cố gắng mô tả nó. Điều này cho phép định hình tốt hơn tình tiết này trong tâm trí chúng ta, vì nghệ sĩ miêu tả trung thực các yếu tố được tìm thấy trong trình thuật Phúc Âm, đặc biệt trong trình thuật của Máccô (Mc 15,16-20).
Đức Giêsu đội trên đầu một mão gai. Một nhúm cây có gai để sẵn trong sân, có lẽ đã được chuẩn bị để đốt lửa, đã gợi ý cho quân lính nghĩ đến chuyện nhạo báng tàn ác này dành cho vương quyền của Ngài. Những giọt máu từ sọ của Đức Giêsu chảy ra. Miệng Ngài hé mở, giống như một người khó thở. Người ta đã khoác trên vai Ngài một chiếc áo choàng nặng nề, sờn rách, giống như thiếc hơn là vải. Lưng Ngài in những dấu đòn vọt vừa mới phải chịu! Hai dây trói cổ tay Ngài, được giữ bằng một dây thừng thô ráp; người ta đặt vào tay của Ngài một cây sậy tượng trưng cho phủ việt, và tay kia là một bó cói tượng trưng cách mai mỉa cho vương quyền của Ngài. Đức Giêsu không thể nhúc nhích được tí nào; con người bất lực hoàn toàn, là nguyên mẫu của tất cả những người bị còng tay trong lịch sử.
Một ngày kia, suy niệm về cuộc Khổ Nạn, nhà triết học Blaise Pascal đã viết thế này: “Đức Giêsu sẽ còn hấp hối cho đến tận thế: không được ngủ trong thời gian đó.”[1]. Những lời trên có một nghĩa áp dụng cho chính con người của Đức Giêsu, nghĩa là cho đầu của nhiệm thể, chứ không chỉ cho các chi thể mà thôi. Không phải mặc dù bây giờ Ngài đã sống lại và đang sống, nhưng chính là bởi vì Ngài đã sống lại và đang sống. Nhưng chúng ta hãy bỏ qua ý nghĩa quá mầu nhiệm đối với chúng ta và nói về ý nghĩa chắc chắn hơn của những lời trên. Đức Giêsu hấp hối cho đến tận thế nơi mỗi người nam hay nữ phải chịu những đau đớn như thế. “là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy!” (Mt, 25, 40): lời này, Ngài không chỉ nói cho những ai tin vào Ngài, mà còn cho bất cứ người nào, nam hay nữ, đang bị đói khát, trần truồng, bị ngược đãi, tù đầy.
Trước tiên, chúng ta đừng nghĩ đến những tai họa xã hội và tập thể: đói khát, nghèo khổ, bất công, bóc lột kẻ yếu nhất. Chúng ta thường nói về chúng – mặc dù không bao giờ là đủ – nhưng có nguy cơ những tình trạng này trở thành trừu tượng. Thành những phạm trù chứ không phải những con người. Vậy, đúng hơn, hãy nghĩ đến những đau khổ của cá nhân, những người có danh tính và căn cước cụ thể; đến những tra tấn được quyết định cách lạnh lùng và cố ý bắt phải chịu, ngay cả lúc này đây, do những con người đối với những con người khác, thậm chí cả đối với trẻ em.
Có biết bao nhiêu Ecce homo trên thế giới! Lạy Chúa, có biết bao nhiêu Ecce homo! Có biết bao nhiêu tù nhân với cùng những điều kiện như Đức Giêsu trong phòng xử án của Philatô: chỉ có một mình, bị còng tay, bị tra tấn, phó mặc cho những người lính thô lỗ đầy thù ghét; những người này dùng mọi thứ hình khổ tàn ác về thể lý và tâm lý, vui thú xem họ chịu khổ. “Không được ngủ, không được để họ một mình!”
Câu hô Ecce homo! không chỉ áp dụng cho nạn nhân, mà còn cho những kẻ hành hình. Điều đó có nghĩa là: đây là những gì con người có khả năng làm! Đúng hơn, chúng ta hãy kinh hãi và run sợ mà nói: đây là những gì chúng ta, những con người, chúng ta có khả năng làm! Chúng ta còn xa sự tiến triển bất tận của homo sapiens, người mà, như ai đó nói, phải được sinh ra từ cái chết của Thiên Chúa và thế chỗ Ngài[2].
***
Người Kitô hữu chắc chắn không phải là nạn nhân duy nhất của bạo lực giết chóc đang bao trùm trên trái đất, nhưng không thể không biết rằng nơi nhiều quốc gia, họ là nạn nhân được chỉ rõ và thường xuyên nhất. Đức Giêsu đã từng nói với các môn đệ: “Sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa” (Ga 16,2). Những lời trên có lẽ chưa bao giờ đúng hơn vào lúc này.
Một giám mục ở thế kỷ thứ III, Đionysiô Alexanđria, đã làm chứng cho chúng ta về một lễ Vượt Qua được các Kitô hữu cử hành trong cuộc bách hại khốc liệt của hoàng đế Rôma Decius:
“Họ đã đầy ải chúng tôi, và chỉ chúng tôi, dù bị mọi người bách hại và bị cái chết đe dọa, ngay cả khi đó chúng tôi vẫn cử hành ngày lễ; và mỗi nơi chúng tôi chịu đau khổ đều trở thành một nơi trang trọng, nông thôn, sa mạc, tàu thuyền, nhà trọ, nhà tù; các vị tử đạo hoàn hảo đã cử hành một ngày lễ ở đó, rực rỡ nhất trong mọi ngày lễ, họ đã tham dự vào bữa tiệc trên trời[3].”
Cũng giống như vậy đối với nhiều Kitô hữu dịp lễ Phục sinh năm nay, năm 2015 sau Đức Giêsu Kitô.
Có người trong báo chí thế tục đã can đảm tố cáo sự thờ ơ đáng lo ngại của các thể chế trên thế giới và của dư luận đối với tất cả những điều đó, nhắc lại rằng một sự thờ ơ như vậy trong quá khứ đã đưa tới điều gì. Tất cả chúng ta đều có nguy cơ – các thể chế và cá nhân trong thế giới phương Tây – trở thành Philatô cho mình vô can.
Nhưng ngày hôm nay, chúng ta không được phép tố cáo ai. Chúng ta sẽ phản bội mầu nhiệm chúng ta đang cử hành. Đức Giêsu đã chết sau khi kêu lên: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Lời cầu nguyện này không phải là một lời cầu nguyện thì thầm trên môi, nhưng được kêu lên để chúng ta có thể nghe thấy rõ. Tôi thậm chí nói đó không phải là một lời cầu nguyện mà là một lời thỉnh cầu kiên quyết, được thực hiện với uy quyền của một người biết mình là Con: “Lạy Cha, xin tha cho họ!” Và vì chính Ngài nói rằng Chúa Cha nghe từng lời cầu nguyện của mình (Ga 11,42), thì chúng ta phải tin rằng Chúa Cha cũng lắng nghe lời cầu xin cuối cùng, phát ra trên thập giá, và vì vậy những người đã đóng đinh Ngài đã được Thiên Chúa tha thứ (chắc chắn tiên vàn phải hối cải bằng cách này hay cách khác) và họ ở với Ngài trên thiên đường, mãi mãi làm chứng cho thấy tình yêu của Thiên Chúa đã có thể đi tới đâu.
Tự nó, câu “không biết việc họ làm” chỉ liên hệ tới quân lính. Nhưng lời cầu nguyện của Đức Giêsu không giới hạn ở họ. Sự cao cả thần linh của ơn tha thứ là ở chỗ nó cũng được ban cho những kẻ thù hung dữ nhất của Ngài. Mặc dù họ đã hành động với sự xảo quyệt và độc ác, thực ra họ không biết họ đang làm gì, không nghĩ đến việc đóng đinh thập giá một người thực sự là Đấng Thiên Sai và là Con Thiên Chúa! Thay vì buộc tội những kẻ thù của mình, hoặc tha thứ bằng cách giao phó cho Cha trên trời trả thù cho mình, Ngài lại bảo vệ họ.
Tấm gương của Ngài cho các môn đệ thấy một sự quảng đại vô bờ bến. Tha thứ với một tâm hồn cao cả như Ngài không thể được thể hiện bằng một cách hành xử “tiêu cực”, hạn chế vào việc không muốn điều ác với những người làm điều ác, thay vì thể hiện một ý chí “tích cực” bằng cách muốn làm điều tốt cho họ, thậm chí chỉ bằng cách cầu nguyện với Thiên Chúa cho họ. “Hãy cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44). Sự tha thứ này cũng không thể được bù đắp bằng cách hy vọng vào một hình phạt từ Thiên Chúa. Nó phải được gợi hứng từ một hành vi bác ái tha thứ cho người lân cận, không nhắm mắt trước sự thật, ngược lại tìm cách ngăn chặn kẻ ác để họ không làm hại thêm cho người khác cũng như cho chính họ.
Chúng ta có thể bị cám dỗ nói rằng: “Lạy Chúa, Chúa đòi hỏi chúng con điều không thể!”, Ngài sẽ trả lời cho chúng ta: “Ta biết, nhưng Ta đã chết để có thể cho con những gì con xin. Ta đã không chỉ truyền cho con tha thứ, Ta đã không chỉ cho con một mẫu gương thuần túy tha thứ đến độ anh hùng; với cái chết của Ta, Ta đã ban cho con ân sủng giúp con có khả năng tha thứ. Ta không chỉ để lại cho thế gian một giáo huấn về lòng thương xót, như rất nhiều người khác đã làm. Ta cũng là Thiên Chúa, và Ta đã đổ tràn lòng thương xót cho con từ cái chết của Ta. Con có cả Năm Thánh Lòng Thương Xót để dùng cả hai tay mà múc lấy.”
***
Một số người sẽ nói: phải chăng theo Đức Kitô là luôn thụ động phó mặc cho thất bại và cái chết? Không phải vậy mà ngược lại! Đức Kitô nói với các môn đệ trước khi đi vào cuộc Khổ Nạn: “Can đảm lên. Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16,33). Đức Giêsu đã thắng thế gian, khi thắng sự dữ. Chiến thắng cuối cùng của sự thiện chống lại sự ác, sẽ được tỏ hiện vào ngày tận thế, thì đã diễn ra, trên thực tế và theo luật, trên thập giá của Đức Kitô. Ngài nói: “Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này” (Ga 12,31). Kể từ ngày này, sự ác mất dần; càng mất hơn khi dường như chiến thắng. Nó đã bị xét xử và bị kết án trong cấp xét xử cuối cùng, với bản án không còn kháng cáo được nữa.
Đức Giêsu đã chiến thắng bạo lực, không phải bằng một bạo lực lớn hơn, nhưng bằng cách chịu đựng nó và phơi bày tất cả sự bất công và vô dụng là đặc trưng của nó. Ngài đã khai mào một loại chiến thắng mới, được thánh Augustinô định nghĩa bằng ba từ: “Victor quia victima – chiến thắng vì là nạn nhân[4].” Chính khi thấy “cách Ngài tắt thở” mà viên đại đội trưởng đã kêu lên: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!” (Mc 15,39). Những người khác tự hỏi xem tiếng kêu lớn mà Đức Giêsu thốt ra trước khi tắt thở có thể có ý nghĩa gì (Mc 15,37). Còn viên sĩ quan, người đã thông thạo về các cuộc chiến đấu và với tư cách chiến binh, đã nhận ra ngay đó là một tiếng kêu thắng trận[5].
Vấn đề bạo lực, ngày nay mang những hình thức tàn ác và man rợ mới mẻ, quấy rầy chúng ta, là cớ vấp phạm cho chúng ta. Chúng ta, những người Kitô hữu, chúng ta phản ứng, kinh hoàng nghĩ rằng người ta có thể giết chết nhân danh Thiên Chúa. Nhưng ai đó vặn lại: không phải Kinh Thánh cũng đầy những câu chuyện về bạo lực đó sao? Thiên Chúa không được gọi là “Chúa các đạo binh” đó sao? Người ta lại không gán cho Ngài lệnh hủy diệt toàn bộ thành phố đó sao? Trong luật Môsê, không phải Ngài quy định hình phạt tử hình trong nhiều trường hợp đó sao?
Nếu cũng vấn nạn này được đưa ra cho Đức Giêsu lúc sinh tiền, chắc chắn Ngài sẽ trả lời như khi Ngài trả lời về việc ly hôn: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu không có thế đâu!” (Mt 19,8). Và cũng về bạo lực, “thuở ban đầu không có thế đâu“. Chương đầu tiên của sách Sáng thế trình bày một thế giới nơi bạo lực giữa con người với nhau, và giữa con người với động vật, là không thể hình dung được. Không được phép giết người, ngay cả để báo thù cho cái chết của Abel, như vậy ngay cả để trừng phạt một kẻ sát nhân (x. St 4,15).
Tư tưởng của Thiên Chúa được tóm tắt trong lệnh truyền “Ngươi chớ giết người“, hơn là những trường hợp ngoại lệ trong Lề Luật, là những nhượng bộ cho “sự cứng lòng” và phong tục của con người. Sau tội lỗi thì bạo lực là một phần bất hạnh của cuộc sống, và Cựu Ước, là tấm gương của cuộc sống và phải phục vụ cho cuộc sống, ít nhất là tìm cách, bằng luật pháp và thậm chí là án tử hình, tập trung và ngăn chặn bạo lực để tránh cho nó khỏi biến thành trọng tài cá nhân và tránh cho chúng ta khỏi xâu xé nhau.
Phaolô nói về một thời “khoan dung” của Thiên Chúa (Rm 3,25). Thiên Chúa khoan dung với bạo lực, củng như Ngài khoan dung với sự đa thê, ly dị và những chuyện khác, nhưng bằng cách dạy dỗ dân của mình, Ngài tiến đến một thời kỳ trong đó kế hoạch ban đầu của Ngài sẽ được “tập hợp lại” và được biểu dương, như cho một sáng tạo mới. Thời kỳ này đã đến với Đức Giêsu, khi Ngài công bố trên núi: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Con Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, nếu ai bị vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. […] Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5, 38-39; 43-44).
“Bài giảng trên núi” thực sự đã thay đổi thế giới, tuy vậy, không phải là bài mà Đức Giêsu đã từng công bố trên đồi Galilê, nhưng là bài giờ đây Ngài âm thầm công bố trên thập giá. Trên đồi Calvê, Ngài nói “không” vĩnh viễn với bạo lực, đối kháng với bạo lực không chỉ bằng cách bất bạo động, mà hơn thế nữa, còn bằng sự tha thứ, dịu dàng và yêu thương. Và nếu vẫn còn bạo lực, nó sẽ không còn có thể dựa vào Thiên Chúa và nại tới uy quyền của Ngài. Làm như vậy sẽ là đưa tư tưởng của Thiên Chúa lùi về các giai đoạn nguyên thủy và thô sơ, là những giai đoạn đã bị lương tâm tôn giáo và dân sự của nhân loại vượt qua.
***
Các vị tử đạo chân chính không chết với những tay nắm chặt, nhưng với những bàn tay nối với nhau. Chúng tôi đã có rất nhiều gương mẫu gần đây. Với hai mươi mốt Kitô hữu Copte bị chiến binh thánh chiến của Nhà nước Hồi giáo ở Libya giết ngày 22 tháng 2, Thiên Chúa đã ban cho họ sức mạnh chết dưới mũi gươm mà vẫn kêu thầm tên Đức Giêsu. Chúng ta cũng vậy, chúng ta hãy cầu nguyện:
Lậy Chúa Giêsu Kitô, chúng con cầu xin Chúa cho những người anh em bị bắt bớ, và cho tất cả những Ecce homo hiện nay, những Kitô hữu và những người không theo Kitô giáo, trong lúc này, trên mặt đất này. Lậy Mẹ Maria, dưới thập giá, Mẹ liên kết với Con Mẹ và thì thầm sau Ngài: “Xin Cha tha cho họ!»; xin giúp chúng ta lấy sự lành chiến thắng sự dữ, không những trên phạm vi thế giới, mà cả trong cuộc sống hàng ngày, trong gia đình chúng con. Mẹ là Đấng chịu đau khổ với Con sinh thì trên thánh giá, xin đem đến cho công trình cứu độ của Đấng Cứu Thế sự cộng tác khôn sánh của Mẹ, nhờ sự vâng phục, đức tin, đức cậy, đức mến nhiệt thành của Mẹ[6], xin gợi cho mọi người nam nữ trong thời đại chúng con những ý tưởng bình an, thương xót và tha thứ. Amen.
(Raniero Cantalamessa, Nous prêchons un Christ crucifié, EdB, 2018, pp. 391-399)
Lm Micae Trần Đình Quảng
[1] Blaise Pascal, “Le Mystère de Jésus”, in Pensées, éd. Brunschvicg, n. 553
[2] F. Nietzsche, Le gai savoir, III, 125.
[3] Denys d’Alexandrie, in Eusèbe, Histoire ecclésiastique, VII, 22.
[4] Augustinô, Confessions, X, 43.
[5] x. F. Toppino, An impossible God, Canterbury Press, 2011.
[6] Lumen Gentium, n. 61.