GIÁO XỨ SUỐI MƠ
(Bài giảng của ĐC Antôn trong thánh lễ nhậm xứ của cha Micae Nguyễn Quốc Tĩnh)
Cám ơn Cha Giuse Trần Đức Liêm 10 năm nỗ lực xây dựng cơ sở vật chất và tinh thần cho giáo xứ Suối Mơ.
Giới thiệu Cha Quản xứ mới: Micae Nguyễn Quốc Tĩnh
– Sinh: 02/01/1970 (45 tuổi)
– TPLM: 27/9/2007 (8 năm)
– Phó Xứ Bảo Lộc, Quản Xứ Madaguôi
CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ & CỘNG ĐOÀN SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN
Nhân dịp giáo xứ Suối Mơ đón tiếp Cha tân Quản xứ trong “Năm Tân Phúc-Âm-hóa Đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn Đời sống Thánh hiến”, tôi xin chia sẻ đôi điều về Cộng đoàn giáo xứ và Cộng đoàn sống đời thánh hiến.
A. GIÁO XỨ: MỘT CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI TẠI ĐỊA PHƯƠNG
Giáo luật đã dành 37 điều (515-552) để viết về giáo xứ, về quyền và nghĩa vụ của Cha Quản Xứ.
Về giáo xứ, Điều 515 viết rằng: “Giáo xứ là một cộng đoàn Kitô hữu nhất định được thiết lập cách bền vững trong Giáo Hội địa phương, mà trách nhiệm mục vụ được ủy thác cho linh mục quản xứ như là chủ chăn riêng của giáo xứ ấy, dưới quyền Giám mục giáo phận”. Tuy Cha Xứ là vị mục tử hữu hình của giáo xứ, nhưng mọi người cần ý thức rằng: vị mục tử vô hình của giáo xứ là chính Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu Kitô mới là trung tâm của cộng đoàn giáo xứ.
Về Cha Quản Xứ:
GL Ðiều 519: Cha Xứ… được gọi thông phần với Giám Mục vào tác vụ của Ðức Kitô, ngõ hầu chu tất nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và quản trị đối với cộng đoàn ấy, với sự cộng tác của các linh mục khác hoặc với các phó tế và cả sự hợp lực của các giáo dân, theo quy tắc luật định.
GL Ðiều 528:
(1) Cha Xứ có bổn phận dự liệu để Lời Chúa được rao truyền cách toàn vẹn cho mọi người đang cư ngụ trong giáo xứ; vì thế phải lo giảng dạy các giáo dân về các chân lý Ðức Tin, nhất là nhờ việc giảng lễ trong các ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ Buộc, và nhờ việc dạy giáo lý; ủng hộ giúp đỡ những chương trình nhằm cổ động tinh thần Phúc Âm kể cả trong lãnh vực công bình xã hội; cần phải để ý cách riêng tới việc giáo dục công giáo cho thiếu nhi và thanh niên; cố gắng, bằng mọi phương tiện có thể, cùng với sự hợp tác của các tín hữu, để sứ điệp Phúc Âm được đạt đến với cả những người lơ là việc giữ đạo hoặc không tuyên xưng Ðức Tin chân thật nữa.
(2) Cha Xứ cố gắng để Bí Tích Thánh Thể trở nên trung tâm của cộng đoàn giáo xứ; làm sao cho mọi tín hữu được nuôi sống nhờ việc cử hành sốt sắng các bí tích, cách riêng là thường xuyên lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Thống Hối; ngoài ra, hãy cố gắng hướng dẫn các tín hữu biết cầu nguyện, kể cả việc cầu nguyện trong các gia đình, và biết tham dự cách có ý thức và tích cực vào việc phụng vụ…
GL Ðiều 529:
(1) Ðể siêng năng chu toàn chức vụ chủ chăn, Cha Xứ hãy tìm cách hiểu biết mọi tín hữu đã ủy thác cho mình săn sóc; vì thế cần đi thăm viếng các gia đình, san sẻ những lo lắng, ưu tư, nhất là tang tóc của các tín hữu, và để an ủi họ trong Chúa; nếu họ có lỗi lầm gì, thì phải sửa bảo họ cách khôn khéo; đối với những bệnh nhân nhất là những người gần chết, hãy dốc hết tình bác ái với họ, tăng cường sức lực cho họ bằng các Bí Tích và phó thác linh hồn họ cho Thiên Chúa; hãy đặc biệt ân cần theo sát những người nghèo khổ, bệnh tật, những người cô đơn, những người bị lưu đầy và tất cả những người đang trải qua những sự khó khăn đặc biệt; cũng phải để ý lo cho các đôi vợ chồng và những người làm cha mẹ được nâng đỡ trong sự chu tất mọi phận sự riêng của họ và cổ võ sự tăng trưởng đời sống Kitô giáo trong gia đình.
(2) Cha Xứ hãy nhận biết và thúc giục mọi tín hữu giáo dân góp phần riêng của họ vào sứ mệnh của Giáo Hội, bằng cách cổ động các Hội đoàn nhằm các mục tiêu tôn giáo. Hãy cộng tác với Giám Mục của mình và với Linh Mục đoàn của giáo phận, và làm sao cho các tín hữu duy trì sự hiệp thông trong giáo xứ và chính họ tự cảm thấy họ vừa là phần tử của giáo phận vừa là phần tử của Giáo Hội phổ quát, và để họ dự phần cũng như nâng đỡ mọi hoạt động nhằm làm gia tăng sự thông hiệp ấy.
B. CỘNG ĐOÀN SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN
Trong Hội thánh Công giáo có 2 thành phần tín hữu: tín hữu giáo dân và tín hữu giáo sĩ. Một số tín hữu giáo dân hoặc giáo sĩ được Thiên Chúa kêu gọi sống các lời khuyên Phúc Âm qua việc khấn giữ đức khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục; được gọi chung là những người sống đời thánh hiến.
Giáo luật hiện nay phân biệt: các Hội Dòng Tận Hiến và các Tu Ðoàn Tông Ðồ. Các Hội Dòng Tận Hiến gồm các Dòng Tu và các Tu Hội Đời.
Quy tắc chung cho tất cả các Hội Dòng Tận hiến:
GL Ðiều 579: Trong lãnh thổ của mình, các Giám Mục giáo phận có thể thành lập các hội dòng tận hiến bằng nghị định hợp thức, miễn là sau khi đã bàn hỏi ý kiến của Tòa Thánh.
GL Ðiều 589: Hội dòng tận hiến được coi là thuộc luật giáo hoàng nếu được Tòa Thánh thành lập hay phê chuẩn do nghị định hợp thức. Hội dòng tận hiến được coi là thuộc luật giáo phận, nếu được Giám Mục giáo phận thành lập và chưa nhận được nghị định phê chuẩn của Tòa Thánh.
GL Ðiều 593: Các hội dòng thuộc luật giáo hoàng tùy thuộc trực tiếp và duy nhất vào quyền Tòa Thánh trong việc cai trị nội bộ và kỷ luật…
GL Ðiều 594: Các hội dòng thuộc luật giáo phận được đặt dưới sự chăm sóc đặc biệt của Giám Mục giáo phận…
GL Ðiều 609: Các nhà của các dòng được thành lập do nhà chức trách có thẩm quyền chiếu theo hiến pháp, sau khi đã được Ðức Giám Mục giáo phận thỏa thuận bằng giấy tờ.
Các Tu Hội Ðời
GL Ðiều 710: Tu hội đời là một hội dòng tận hiến, trong đó các tín hữu sống giữa đời nhắm tới sự trọn lành của đức ái và dấn thân mưu cầu sự thánh hóa đời ngay từ ở giữa đời.
Các Tu Ðoàn Tông Ðồ
GL Ðiều 731: Các tu đoàn tông đồ được coi như tương đương với hội dòng tận hiến. Các phần tử của các tu đoàn tông đồ, tuy không có lời khấn dòng (khấn công), nhưng theo đuổi mục tiêu tông đồ riêng của tu đoàn, và nhắm tới sự trọn lành của đức ái do việc sống chung theo một nếp sống đặc thù, và do việc tuân giữ hiến pháp.
Như thế, một trong những điều kiện để được gọi là Dòng Tu là phải thuộc về Giáo hội, dưới quyền của Giáo hoàng hoặc Giám mục Giáo phận. Dù Dòng Tu thuộc quyền Giáo hoàng nhưng muốn lập cộng đoàn trong một giáo phận cũng cần được phép bằng văn bản của Giám mục giáo phận và theo đường hướng mục vụ chung của giáo phận đó tuy vẫn giữ những nét đặc thù.
Về Hội Các Trinh Nữ
GL Ðiều 604:
(1) Tương tự với những hình thức đời tận hiến là hàng các trinh nữ, tức những người tuyên bố ý định theo sát Ðức Kitô, được đức Giám Mục giáo phận cung hiến cho Thiên Chúa theo nghi thức phụng vụ được chuẩn y; họ kết hôn cách thần bí với Ðức Kitô Con Thiên Chúa và dâng mình phục vụ Giáo Hội.
(2) Các trinh nữ có thể lập hội để nhờ sự trợ giúp lẫn nhau, họ thực hiện ý định của họ cách trung thành hơn và chu toàn việc phục vụ Giáo Hội hợp với hàng ngũ của mình.
Về Lời Khấn:
GL Ðiều 1191: Lời khấn là lời hứa cách ý thức và thong dong đối với Thiên Chúa, về một điều thiện tốt hơn và có thể thi hành được. Xét vì thuộc về đức thờ phượng, lời khấn buộc phải được chu toàn.
GL Ðiều 1192:
(1) Lời khấn là công, nếu được Bề Trên hợp pháp chấp nhận nhân danh Giáo Hội; đối lại, là lời khấn tư.
(2) Lời khấn là trọng thể nếu được Giáo Hội nhìn nhận như vậy; đối lại, là lời khấn đơn thường.
GL Ðiều 656: Ðể việc khấn tạm được hữu hiệu, thì cần:
- người khấn đã được ít là mười tám tuổi trọn;
- đủ năm tập hữu hiệu;
- được thu nhận cách thong dong và hợp luật do Bề Trên có thẩm quyền, với ý kiến của hội đồng cố vấn;
- phát biểu ra ngoài, và không bị ảnh hưởng của vũ lực, sợ hãi trầm trọng hay lường gạt;
- được Bề Trên hợp pháp, hoặc đích thân hoặc nhờ người khác, tiếp nhận.
GL Ðiều 657: Khi đã mãn kỳ hạn khấn, tu sĩ nào tự ý xin và được xét thấy có khả năng thì sẽ được nhận lặp lại lời khấn hoặc khấn trọn đời. Nếu không thì phải bỏ dòng.
Tóm lại, những giáo sĩ hoặc giáo dân sống trong các Hội Dòng, Tu Hội Đời hoặc Tu Đoàn Tông Đồ theo quy định của Giáo luật nói trên đều được gọi là những người sống đời thánh hiến: có điểm chung là khấn giữ đức khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục; có điểm riêng tùy theo linh đạo của mỗi Hội Dòng, Tu Hội Đời hoặc Tu Đoàn Tông Đồ.
Đời sống Cộng đoàn giáo xứ hay Cộng đoàn tu trì đều có một định hướng chung theo cách sống của Cộng đoàn tín hữu đầu tiên đã được ghi lại trong Sách Công vụ Tông đồ: “họ chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng… Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,42.47).
Trong Thánh Lễ này, chúng ta cầu nguyện đặc biệt cho giáo xứ Suối Mơ, cho Cha tân Quản Xứ và cho những cộng đoàn sống đời thánh hiến trong giáo xứ được như ý nguyện của Chúa Giêsu mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng: xin cho “tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con”. Amen.