BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC CHA ANTÔN
NGÀY MỒNG 1 TẾT NHÂM THÌN
TẠI NHÀ THỜ CHÍNH TÒA ĐÀ LẠT
Anh chị em thân mến,
Tết cổ truyền của dân tộc ta có những phong tục độc đáo như: tục xông đất đầu năm, tục chúc tết bà con, đặc biệt là tục hái Lộc Xuân với ước mong năm mới có nhiều tài, lộc. Lộc ở đây là những cành lá, cành cây tươi tốt, xanh non được hái vào thời điểm sớm nhất của năm mới.
Hái lộc Xuân là nét văn hóa đẹp của người Việt Nam. Vì thế, mỗi dịp Tết đến, người người đi lễ chùa và hái lộc Xuân mang về để trên bàn thờ là nơi trang trọng nhất. Người công giáo chúng ta đi lễ nhà thờ, và trong tinh thần hội nhập văn hóa, cuối lễ chúng ta hái Lộc Xuân là những câu Lời Chúa, mang về nhà đặt nơi trang trọng. Mỗi câu Lời Chúa trong sách Kinh Thánh đều có giá trị.
Riêng các bài đọc Kinh Thánh trong phần Phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn nói với chúng ta điều gì ?
Có câu chuyện kể rằng: một bộ tộc trên miền núi xa xôi, hàng năm cứ mỗi độ Xuân về, mọi người, già trẻ lớn bé, đều tham dự vào một cuộc thi đi tìm bông hoa đầu tiên của mùa Xuân. Ai tìm và hái được bông hoa đó sẽ là người may mắn nhất trong năm.
Một năm kia, khi ánh nắng Xuân vừa ló dạng, cả làng đều chạy đi tìm bông hoa đầu Xuân. Giữa lúc mọi người đang chán nản vì chưa ai tìm được cánh hoa nào, thì trên một triền núi cao, người ta nghe vọng tiếng reo vui của một cậu bé: “Tôi đã tìm thấy. Tôi đã tìm thấy”. Mọi người chạy tới nơi cậu bé. Thế nhưng, không may cho cậu, cánh hoa lại nằm kẹt trong một khe đá dưới vực sâu, muốn lấy được phải thả dây thừng xuống. Các trai tráng trong làng tình nguyện giữ dây thừng để cậu bé xuống hái hoa đầu Xuân, nhưng cậu vẫn không đủ can đảm xuống, chỉ tới khi người cha của cậu nắm lấy dây thừng cậu mới dám leo xuống hái hoa.
Hái lộc Xuân như là dấu chỉ ân lộc trời ban, như là phúc lành của Đấng tạo thành trời đất. Vì thế, khi hái lộc Xuân, ta gửi tâm tình tín thác vào Thiên Chúa là Cha, như cậu bé chỉ can đảm hái hoa đầu Xuân trong niềm tín thác vào người cha yêu quý của mình.
Bài đọc thứ nhất (xem St 1,14-18) trình thuật việc Thiên Chúa sáng tạo trời đất, mời gọi chúng ta trao gửi nỗi niềm ước mơ cho Đấng Tạo thành. Ngài là Đấng làm cho đất trời thay đổi theo bốn mùa – Xuân, Hạ, Thu, Đông –. Ngài là Đấng làm chủ cuộc đời chúng ta. Ngài là Đấng có thể làm cho ước mơ trở thành hiện thực. Người ta thường nói: “Mưu sự tại nhân – thành sự tại thiên”. Sự tính toán là của con người, nhưng trở thành hiện thực là do Thiên Chúa, là ân lộc bởi Trời. Như em bé hái được bông hoa đầu Xuân nhờ sự hỗ trợ của nhiều người, nhất là nhờ tin tưởng vào người cha, chúng ta cũng tin rằng mọi sự đều nhờ bởi ơn Chúa. Niềm tin này dựa trên chính lời của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng vừa nghe đọc : “Anh em đừng lo lắng tự hỏi : ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây ? … Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6, 31-33).
Đó cũng là niềm tin của dân Chúa qua Thánh Vịnh đáp ca: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay.” (TV 36, 5).
Chính vì thế, Thánh Phaolô, trong bài đọc 2, đã khuyên nhủ các tín hữu: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa. Tôi nhắc lại : vui lên anh em ! … Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su. Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý.” (Pl 4,4-8).
Hôm nay, bắt đầu một năm mới, chúng ta vui mừng ăn Tết, nhưng không khỏi lo lắng cho tương lai. Tuy nhiên chúng ta cùng đáp lại Lời Chúa qua Thánh Vịnh đáp ca: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay.” (TV 36, 5). Điều duy nhất, và cũng là điều quan trọng nhất, đó là “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người.”
Năm nay, năm Nhâm Thìn, được gọi là năm con Rồng. Rồng cũng được gọi theo âm Hán Việt là Long; đó là con vật huyền thoại trong cổ tích của nhiều dân tộc trên thế giới. Người Á châu coi Rồng là con vật linh thiêng cao trọng, đứng đầu bốn con vật quý trong muôn vật: Long, Ly, Quy, Phụng. Từ xa xưa, người châu Á đã coi rồng là cao quý; các triều vua đã nhận rồng làm biểu tượng cho riêng mình; thần dân coi vua như rồng, thậm chí cái gì vua dùng cũng kèm thêm chữ “long” để biểu lộ sự kính trọng: long bào là áo vua mặc, long sàng là giường vua nằm, bệ rồng, sân rồng…
Còn trong Thánh Kinh thì sao ?
Một vài Thánh Vịnh, như TV 104, có nói đến “rồng biển” (hải long) là một trong những loài được Thiên Chúa tạo thành: “Này đây biển cả bao la, trong đó nhung nhúc không biết cơ manvật li ti, vật khổng lồ, trong đó có thuyền bè đi lại, hải long Người đã nắn ra làm trò tiêu khiển.” (Tv 104, 25-26).
Tuy nhiên, theo văn hoá Âu châu cũng như quan điểm thần học, hải long được ghép vào loài thủy quái, hung tàn, chuyên chống lại chân thiện mỹ. Nó là điển hình cho quyền lực tối tăm chống lại Thiên Chúa, tìm sát hại tôi tớ Chúa, phá hủy nơi thờ phượng Chúa. Đặc biệt, qua sách Khải huyền, là sách mạc khải những điều huyền nhiệm liên quan đến ngày thế mạt và cuộc khải hoàn của giáo hội lữ hành, chúng ta biết rằng: trong cuộc lữ hành trần thế, Hội Thánh Chúa luôn bị bách hại bởi những quyền lực chống lại Thiên Chúa, mà thủ lãnh của chúng chính là con rồng, tức con rắn già satan trong vườn địa đàng xưa, đã luôn luôn dối trá lừa phỉnh người nhẹ dạ. Nhưng Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong Đức Giêsu Kitô, Đấng chịu đóng đinh trên Thánh giá. Ai tin vào Người sẽ được cứu rỗi. Vương quyền của Đức Kitô ngày nay còn khuất ẩn trong bóng Thánh giá, nhưng một ngày kia, Ngài sẽ đến trong vinh quang chiến thắng. Con rồng sẽ bị triệt hạ và bị quăng vào lửa diêm sinh chẳng hề tắt.
Như thế, người tín hữu vừa tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa, của thập giá Đức Kitô, vừa nỗ lực chiến đấu với những mưu ma chước quỷ. Người tín hữu vừa hái lộc đầu Xuân mong được ân lộc bởi trời, vừa ý thức rằng mình phải chiến đấu chống lại sự dữ, vì từ thuở ban đầu, Adam Eva đã đi hái lộc đầu xuân nhưng lại để cho satan dụ dỗ chống lại Thiên Chúa !
Hạnh phúc thay, Thiên Chúa đã ban cho thế gian Con Một là Adam mới, sinh bởi Đức Maria là Eva mới; Đấng Cứu Thế như Lộc từ trời cao ban cho đất thấp. Chính sự giao hoà trời đất ấy đã nẩy lộc bình an.
Chúng ta tiếp tục dâng Thánh Lễ đầu năm cầu xin ơn bình an cho mọi người và mọi gia đình trong Năm Mới Nhâm Thìn này, sự bình an nội tâm mà Thánh Phaolô vừa nhắc nhớ: “sự bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su”.
Mến chúc anh chị em một Năm Mới bình an !