Anh chị em rất thân mến,
Giáo xứ Đại Lộc chọn ngày Cung Hiến ngôi Thánh đường mới này vào đầu mùa Vọng. Mùa Vọng là mùa chuẩn bị tâm hồn đón mừng mầu nhiệm Giáng Sinh, mầu nhiệm khởi đầu công trình Cứu Chuộc, đồng thời cũng mời gọi chúng ta hướng về việc Chúa Kitô đến lần thứ hai, để “khánh thành” công trình cứu chuộc mà Người đã khởi đầu.
Cách đây khoảng 3 năm, lần đầu tiên tôi đến Đại Lộc, tôi thấy nhà thờ không có, nhà xứ cũng không. Rồi đến ngày khởi công, bắt đầu xây dựng công trình nhà thờ, nhà xứ, mọi người đều sống trong hy vọng. Hy vọng một ngày nào đó sẽ khánh thành, hoàn tất công trình mình đã khởi công.
Thế nhưng từ lúc khởi công cho đến lúc hoàn thành là cả một quá trình. Khi đó, tôi nghĩ là các Cha giỏi thật. Nếu tôi là Cha xứ chắc chịu thua! Mà đây, giáo dân có phải là giàu có gì đâu! Không biết chạy kiếm tiền thế nào? HĐGX, Giáo dân Đại Lộc cũng vất vả với công việc làm ăn; rồi ân nhân xa gần; có những ân nhân vô danh giúp đỡ cho công việc xây dựng này. Thật là kỳ diệu!
Nếu Chúa Giêsu giáng sinh cách nay khoảng 2000 năm, Ngài khởi công công trình xây dựng Nước Trời, thì chưa biết ngày nào sẽ hoàn thành. Nhưng từ khi khởi công đến ngày hoàn thành là cả một quá trình. Quá trình đó chủ yếu là Ơn của Thiên Chúa ban cho Người, và con người cộng tác vào Ơn Chúa đó.
Nếu không có những công nhân, những người thợ, những người góp công góp sức góp của để lo cho có được ngôi nhà thờ này, thì không khánh thành được. Nhưng xét về mặt con ngườimà nói, cha xứ cha phó, HĐGx, ngay từ đầu đâu có tiền xây nhà đâu, vậy tại sao lại hoàn thành được như thế này? Tất nhiên, có người giúp đỡ. Nhưng người ta có quen biết, thân thiết gì đâu? Vậy thì chắc chắn phải có ơn Chúa thúc đẩy người ta rộng lòng giúp đỡ cho công việc này. Ơn Chúa và con người cộng tác với nhau để hoàn thành công trình nhà thờ này như thếnào, thì cũng cộng tác với nhau để hoàn thành công trình cứu chuộc bản thân mình cũng như loài người và cả vũ trụ như vậy.
Do đó, chúng ta thấy ngày khánh thành nhà thờ là bắt đầu một mùa vọng, bởi hoàn thành nhà thờ, thì nhà thờ để làm gì? Chúng ta hy vọng gì ở nơi nhà thờ này?
Trước hết, nhà thờ là nơi Lời Chúa được công bố, là nơi cử hành các bí tích, mà trung tâm là bí tích Thánh Thể, là Thánh Lễ. Vậy nhà thờ mời gọi chúng ta thờ phượng Thiên Chúa. Ta gọi làNhà Thờ, hay là Nhà Chúa. Chúa không cần nhà, mà ta cũng không thờ Chúa chỉ ở trong nhà thờ mà thôi. Chúa Giêsu đã nói: “Đã đến lúc người ta phải thờ Thiên Chúa trong tinh thần và trong sự thật” (Ga. 4,23), tức là trong cuộc sống của mình bước theo Chúa Giêsu, chứ không phải trong đền thờ hay ở trên núi. Do đó, trong nhà thờ cử hành Thánh lễ thì Thánh lễ là một việc thờ phượng cao quý nhất. Sau khi truyền phép, Linh mục nói: “Đây là mầu nhiệm Đức Tin”, cộng đoàn đáp lại: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết, tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”. Chúa đến lần thứ hai là điều chúng ta đang mong đợi trong mùa Vọng này. Chúa đến lần thứ hai là để khánh thành công trình cứu chuộc của mỗi cá nhân và của loài người. Do đó, việc thờ phượng là cử hành mầu nhiệm Chúa Chết và Sống Lại để đưa con người vào cuộc sống.
Vào trong nhà thờ, luôn luôn chúng ta nhìn thấy cây Thánh Giá, trên đó, Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Chính cái chết của Chúa Giêsu mà thánh Phaolô nói rằng: “Ngài đã vâng phục cho đến chết và chết trên Thập giá” (Pl. 2,8), thì đó là cách thờ phượng trong tinh thần và trong sự thật.
Sự thật là gì? Là Thiên Chúa muốn con người được hạnh phúc, trong vườn địa đàng với hình ảnh của Ađam, Eva. Nhưng ma quỷ lại cám dỗ Ađam, Eva thấy một sự thật khác, đó là sự thật ảo: con người chối bỏ Thiên Chúa đi, chống lại Thiên Chúa đi, thì sẽ được hạnh phúc. Và sự bất tuân phục của hai Ông Bà đã truyền lại cho chúng ta. Do đó Thiên Chúa đã ban Con Mộtcủa Người, xuống thế làm người, sống một cuộc sống mẫu mực, trở thành một Ađam mới, bên cạnh đó có Đức Maria là một Evà mới. Ađam mới đó đã vâng phục cho đến chết và chết trên Thập Giá. Đó là cách thờ phượng tốt đẹp nhất.
Vì thế với các bí tích được cử hành trong nhà thờ này, Bí tích Thánh Thể – Thánh Lễ – là trung tâm, nhắc nhớ việc thờ phượng của chính Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha, làm theo ý muốn của Chúa Cha đến nỗi bằng lòng chịu chết. Cái chết đó có giá trị cứu chính bản thân của Ngài, và cứu tất cả những ai tin vào Ngài.
Thánh giá có một thanh dọc: hướng về trời, về Chúa Cha ; và có một thanh ngang: Chúa Giêsu giang tay ra, như muốn ôm lấy tất cả loài người, muốn quy tụ tất cả mọi người thành một gia đình duy nhất, có Thiên Chúa là Cha. Vậy thờ phượng Thiên Chúa là hướng về Thiên Chúa Cha, là làm theo ý Chúa Cha, mà ý đó là muốn quy tụ tất cả mọi người là anh em lại. Vì thế,từ ngôi nhà thờ này, chúng ta muốn tất cả mọi người trong một gia đình, trong một giáo xứ, sống giữa những người chưa biết Chúa, đoàn kết yêu thương nhau, như con của một Thiên Chúa là Cha. Chúa Giêsu đã đổ máu ra không phải chỉ cho những người đã được Rửa tội, mà là cho tất cả mọi người, nên tất cả mọi người là con cái Thiên Chúa, đều được Chúa Giêsu cứuchuộc bằng Máu của Ngài đã đổ ra trên Thập giá. Ngài giang tay ra không phải chỉ để ôm những người Công giáo mà muốn ôm tất cả mọi người vào. Những người Công giáo tin Chúa học được bài học yêu thương của Chúa Giêsu, để biểu lộ ra cho mọi người chung quanh, nhờ đó tình yêu được lan rộng ra và gia đình của Chúa mỗi ngày được lớn hơn, cho tới khi hoàn thành. Đó là công trình của Thiên Chúa chứ không phải của con người, nhưng con người được mời gọi cộng tác vào.
Trong mùa Vọng, chúng ta vui mừng khánh thành ngôi nhà thờ này, nhưng lại bắt đầu một hành trình để xây dựng Giáo xứ, trở thành những người luôn vâng phục Thiên Chúa là Cha, dù phải hy sinh; luôn yêu thương mọi người là anh em, như Chúa Giêsu trên Thập giá: “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc.23,34). Tình yêu đối với Chúa Cha và đối với tha nhân, nhất là với người làm hại Ngài, trở thành mẫu mực cho mọi người.
Niềm hy vọng của chúng ta trong ngày khởi công xây nhà thờ, giờ đã thành hiện thực. Chúng ta xây dựng đời sống của mình, Giáo xứ của mình, theo tinh thần đó thì cũng sẽ có ngày hoàn tất, nghĩa là chúng ta biết cộng tác với ơn của Chúa, như đã làm trong công trình nhà thờ này.
Chúng ta cầu nguyện cho nhau trong tâm tình tạ ơn Chúa và tâm tình sống mùa Vọng, là sống với niềm tin rằng: Chúa Giêsu đã sinh ra để khởi sự công trình cứu chuộc loài người và sẽkết thúc trong ngày hoàn thành, gọi là ngày Cánh chung, ngày kết thúc lịch sử, kết thúc thế giới này.
Trong năm Phụng vụ, từ mùa Vọng đến lễ Chúa Kitô Vua, chúng ta bước theo Chúa Giêsu. Khi chúng ta lần chuỗi Mân côi, chúng ta thấy Đức Mẹ có mặt trong mọi giây phút của cuộc sống Chúa Giêsu, đã cộng tác với Chúa như thế nào, thì xin Đức Mẹ Mân Côi mà chúng ta dâng Mẹ Ngôi Thánh đường này, giúp chúng ta bước theo Chúa Giêsu giống như Mẹ, để cuộc sống của mỗi cá nhân, của gia đình và của Giáo xứ, đã có ngày khởi đầu, thì cũng có ngày kết thúc tốt đẹp.