Chân phước Marco Antonio Durando
Bổn mạng Học Viện Triết học
Tu hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn, Đà Lạt
(Bài giảng của Đức Cha Antôn trong lễ đặt viên đá xây dựng Học viện tại Đà Lạt)
Tiểu sử Chân phước Marco Antonio Durando
Chân phước Marco Antonio Durando là linh mục thuộc Tu hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn, sinh ngày 22/5/1801 tại Mondovi nước Ý, qua đời ngày 10/12/1880 tại Turin, nước Ý, hưởng thọ 79 tuổi, được ĐTC Gioan Phaolô II phong Chân phước ngày 20/12/2001.
Marco Antonio Durando lớn lên trong một gia đình đạo đức, đặc biệt là người mẹ, có 10 người con, 2 người qua đời lúc còn nhỏ. Năm 15 tuổi Marco Antonio đã muốn đi truyền giáo tại Trung Hoa và đã gia nhập Tu hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn. Khấn trọn đời năm 18 tuổi và được truyền chức linh mục năm 23 tuổi.
Thay vì được sai đi Trung Hoa, ngài được đặt làm bề trên nhà Turin từ năm 27 tuổi; năm 36 tuổi, làm Bề trên Tỉnh Dòng Bắc Ý cho tới khi qua đời. Trong giảng dạy, ngài luôn nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa và cổ võ việc giúp đỡ những người nghèo khổ. Một trong những nỗ lực của ngài là động viên chị em Nữ tử Bác ái phục vụ trong các bệnh viện. Trong vòng 10 năm đã có 260 phụ nữ trẻ liên kết với các Nữ tử Bác ái để phục vụ người nghèo khổ, bệnh tật. Ngài hăng say quảng bá Hiệp hội “Đức Mẹ Ảnh Phép lạ”.
Ngài thường xuyên được mời giảng tĩnh tâm cho các linh mục và giáo dân giáo phận Turin và làm linh hướng cho các dòng nữ. Năm 1855 ngài thành lập trường Brignole-Sale để đào tạo các linh mục đi truyền giáo hải ngoại. Năm 1865 Ngài sáng lập “Dòng Khổ nạn Đức Giêsu Nazareth” để phục vụ những người nghèo khổ, đặc biệt những người hấp hối. Tại Turin người ta gọi ngài là “Thánh Vinh Sơn của nước Ý”.
Sau khi ngài qua đời được 48 năm, án phong thánh được khởi sự vào năm 1928 tại giáo phận Turin, sau đó tại Rome năm 1940 và được phong Chân phước năm 2001.
Bổn mạng Học viện Triết học
Trong việc đào tạo linh mục nói chung, Giáo hội lưu ý đào tạo các ứng sinh về 4 chiều kích: nhân bản, thiêng liêng, trí thức và mục vụ. Mỗi Dòng tu nói riêng, còn phải đào tạo các ứng sinh linh mục theo linh đạo đặc thù của Dòng mình.
Riêng việc đào tạo trí thức, Tông huấn Pastores dabo vobis về việc đào tạo linh mục trong hoàn cảnh ngày nay, số 51, ghi nhận: “Đào tạo trí thức mật thiết gắn liền với đào tạo nhân bản và thiêng liêng, là một chiều kích cần thiết cho nền đào tạo ấy: thật ra đào tạo trí thức là một đòi hỏi của lý trí nhờ đó con người “dự phần vào ánh sáng thông hiểu của Thiên Chúa” và tìm cách đạt tới sự khôn ngoan để rồi sự khôn ngoan, đến lượt nó, lại giúp hiểu biết Thiên Chúa và gắn bó với Ngài”. Hơn nữa, việc đào tạo trí thức cho ứng sinh linh mục còn gắn liền với việc đào tạo mục vụ, do chính bản chất của thừa tác vụ linh mục, và ngày nay, “công cuộc tân Phúc-Âm-hóa mà Chúa mời gọi Giáo Hội thực hiện… lại chính là một thách đố làm cho việc đào tạo trí thức trở nên khẩn thiết hơn”.
Nói chung, việc đào tạo trí thức gồm Triết học và Thần học. Riêng về việc học Triết học, Tông huấn PDV, số 52, lưu ý rằng: “Việc học triết học giúp hiểu và cắt nghĩa sâu xa hơn về con người, về tự do của con người, về những tương quan giữa con người với thế giới và với Thiên Chúa; triết học là một thành phần thiết yếu cho nền đào tạo trí thức. Việc học triết học được coi là tối cấp thiết, trước hết vì lý do có mối liên hệ giữa những vấn đề triết học với các mầu nhiệm cứu độ được nghiên cứu trong Thần học dưới ánh sáng đức tin, sau nữa vì lý do tình trạng văn hoá hiện nay quá hỗn độn, với sự kiện chủ nghĩa chủ quan được đề cao và được coi như thước đo và tiêu chuẩn của chân lý. Trong những hoàn cảnh như thế, chỉ có một nền triết học lành mạnh mới có thể giúp cho các ứng sinh linh mục phát triển ý thức và tư duy về mối quan hệ thiết định giữa trí óc của con người với chân lý, một chân lý được mạc khải trọn vẹn cho chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô. Không được làm giảm thiểu tầm quan trọng của triết học … Một vài vấn đề rất cụ thể, như căn tính của linh mục, sự dấn thân tông đồ và sứ vụ của linh mục, lại mật thiết gắn liền với … vấn đề chân lý. Nếu người ta không nắm chắc chân lý, làm sao người ta có thể đặt cuộc cả đời mình và làm sao người ta có thể đủ sức cất tiếng gọi mời cuộc đời của tha nhân một cách nghiêm chỉnh ?”
Tông huấn PDV còn cho thấy Triết học giúp ứng sinh làm giàu việc đào tạo trí thức nhằm đạt tới sự bái phục chân lý với tâm tình trìu mến, dẫn đến chỗ nhìn nhận Thiên Chúa là Chân lý tối thượng; ngoài ra, lý trí con người, mặc dầu bị hạn chế và đôi khi rất khó khăn, có thể đạt tới chân lý khách quan và phổ quát về những điều liên quan tới Thiên Chúa và tới ý nghĩa căn bản của hiện hữu; hơn nữa, đức tin tự nó không thể loại bỏ lý trí hoặc miễn trừ nỗ lực “suy tư” về những gì đức tin chất chứa, như lời dẫn giải của thánh Augustinô: “Tôi đã khao khát dùng trí thông minh để dò tìm điều mà tôi đã đặt niềm tin tôi vào, tôi đã bàn cãi nhiều và tôi đã cực nhọc không ít”.
Trong những năm học Triết học, các ứng sinh còn có được sự hiểu biết sâu rộng hơn về con người và về những hiện tượng xã hội, nhằm mục đích thi hành thừa tác vụ mục tử sao cho được “nhập thể” tối đa. Tông huấn PDV ghi nhận: “Các khoa học về con người, theo như người ta vẫn thường gọi, chắc chắn không thể không hữu ích, đó là xã hội học, tâm lý học, sư phạm, các khoa học kinh tế và chính trị, các khoa học truyền thông xã hội. Trong khuôn khổ nhất định của những khoa học thực nghiệm và mô tả, các khoa học về con người giúp cho linh mục tương lai nối dài hoạt động của Đức Kitô như Ngài đã hoá nên đương thời với những con người thuộc thời đại Ngài”.
Về 4 chiều kích đào tạo linh mục, chiều kích nhân bản là nền móng, chiều kích tu đức là quan trọng, chiều kích trí thức là cần thiết, chiều kích mục vụ là mục tiêu hướng tới của các chiều kích. Nói đến tầm quan trọng của việc đào tạo tu đức, xin kể câu chuyện về Cha Thánh Gioan Vianney là người “học dốt” nhưng rất đạo đức. Một Cha giáo đại chủng viện được đức giám mục sai đến kiểm tra trình độ giáo lý của Gioan Vianney, đã thất vọng nói rằng: “Anh dốt như lừa thì làm linh mục thế nào được !”. Gioan Vianney trả lời: “Samson chỉ cần một cái hàm lừa đã đánh thắng quân Phi-li-tinh thì cả một con lừa không giúp ích gì cho Giáo hội sao ?!”. Nếu chúng ta tìm trong sách Phúc Âm để xem có chỗ nào Chúa Giêsu nói rằng Chúa cần một cái gì đó, thì chỉ có thể gặp một chỗ duy nhất là Chúa “cần một con lừa” để vào thành Giêrusalem (x. Mt 21, 3) !
Nguyện xin Chân phước Marco Antonio Durando, bổn mạng của Học viện Triết học sắp được xây dựng, giúp cho các ứng sinh linh mục của Tu hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn noi gương ngài: nhờ việc đào tạo trí thức, trong đó có việc học Triết học, được xác tín hơn về ơn gọi của mình trong xã hội là thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa đối với những người nghèo khổ theo gương Đức Giêsu Kitô mà Thánh Vinh Sơn đã thể hiện, một mẫu gương đã thúc đẩy Chân phước Marco Antonio Durando và vẫn đang thúc đẩy mọi người chúng ta, cách riêng những con cái của thánh Vinh Sơn, dấn thân cho người nghèo.
Thánh Lễ hôm nay nhắc nhớ kỷ niệm ngày 27 tháng 11 năm 1830, ngày Chị Thánh Catherine Labouré, Nữ tử Bác ái Thánh Vinh Sơn, đã thấy Ðức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội hiện ra. Bài Tin Mừng trong Thánh Lễ nhắc đến sự can thiệp của Đức Mẹ khi đám cưới ở Cana hết rượu. Tu hội đang xây Học viện Triết học thì hết tiền, chúng ta xin Đức Mẹ bầu cử cùng Chúa cho đủ điều kiện để hoàn thành !
Nhưng điều quan trọng là chúng ta cầu nguyện theo lời trong Mẫu Ảnh Ðức Mẹ Hay Làm Phép Lạ: “Lạy Mẹ Maria, vì ơn vô nhiễm nguyên tội, xin cầu cho chúng con là kẻ tội lỗi chạy đến cùng Mẹ” !