Bài Giảng Của Đức Cha Antôn Trong Lễ Giáp Năm Cung Hiến Nhà Thờ B’Đơr.
Anh chị em thân mến,
Nhà Thờ B’Đơr cách đây 10 năm, đã được Cung Hiến cho Thiên Chúa, với tước hiệu kính Thánh Phaolô Trở Lại. Hôm nay mừng kỷ niệm 10 năm Cung hiến, vào những ngày đầu mùa Vọng. Đây là dịp tốt để chúng ta ôn lại, xem Thánh Phaolô đã mong đợi, hy vọng vào Đức Kitô như thế nào?
Thánh Phaolô là một Biệt phái nhiệt thành. Những người này giữ luật của Môisê truyền lại một cách rất chi tiết, tỉ mỉ, trong niềm mong đợi Đấng Mêssia – Đức Kitô – đến. Thế nhưng, khi Đức Giêsu Kitô đến, thì như Thánh Gioan Tông Đồ đã viết: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga.1,11). Đa số những người Do Thái không đón nhận Đức Giêsu là Kitô, mặc dù họ đang mong đợi Đức Kitô. Vì họ không thể hiểu được một Đức Kitô, một Đấng từ Trời xuống mà lại sinh ra nghèo hèn ở Bê-lem, sống nghèo khó ở Nazareth, khi đi giảng đạo thì vô gia cư. “Con cáo có hang, chim trời có tổ, còn Con Người không có chỗ gối đầu” (Lc.9,58). Vậy thì làm sao có thể tin nhận người này là Kitô được? Nên những người biệt phái, trong đó có Saolê, chẳng những đã không đón nhận Đức Kitô, mà còn đi truy lùng những người Kitô hữu, những người tin theo Đức Kitô. Trên đường đi Damas, Ông đã ngã ngựa và đã bị lòa mắt vì ánh sáng Phục sinh của Chúa. Ông đã được một người của Chúa sai đến là Khanania, đặt tay, làm cho thấy lại, Ông đã chịu phép Rửa và nhận được đầy Thánh Thần.… (xem Cv. 9,1-19).
Từ đó, Ông đã đặt trọn niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Ông đã hăng say đi rao giảng Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh và sống lại để cứu sống con người. Ông luôn luôn ý thức rằng, chính Chúa Thánh Thần đã biến đổi đời sống của Ông, do đó Ông luôn nhắc cho các Tín hữu hãy sống theoThánh Thần.
Vậy Thánh Phaolô đã hy vọng gì nơi Đức Kitô?
Trong thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô khẳng định: “Nếu chì vì một người sa ngã mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống”(Rm.5,17).
Adam, Eva đã phạm tội chống lại Thiên Chúa và đã phải chết , kéo theo nhân loại phải chết vì tội lỗi. Nhưng có một Adam mới là Đức Kitô, bên cạnh một Eva mới là Đức Maria đã cộng tác với nhau để cứu sống con người. Thánh Phaolô đã rao giảng niềm hy vọng đặt nơi Đức Giêsu Kitô, vì Ngài đã chết và sống lại để cứu sống con người, để con người được gọi Thiên Chúa là Cha và đươc sống hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa. Chính Thánh nhân đã sống và rao giảng niềm hy vọng đó bằng cách “cùng chết với Đức Kitô, để cùng được sống lại với Người” (Rm.6,8), nghĩa là từ bỏ con người cũ tội lỗi của mình, để sống một đời sống mới bằng tình con thảo đối với Thiên Chúa là Cha, và tình huynh đệ với mọi người là anh em. Thánh nhân đã viết Bài Ca Đức Ái: “Dù tôi nói được các thứ tiếng…., nói tiên tri được… mà không có Đức Ái, tôi chỉ như thanh la phèng phèng, hay não bạt chũm chọe….”(1Cor.13, 1-13) hay như trong thư Rôma: “đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt, hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được để sống hòa thuận với mọi người, đừng để sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm.12,17-18.21)
Khác với Saolô – Biệt phái, chỉ quan tâm đến đền thờ vật chất, đền thờ ở Giêrusalem, khi trở lại, Thánh Phaolô đã quan tâm xây dựng đời sống Kitô hữu. Ngài viết: “Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy. Vì đền thờ của Thiên Chúa là thánh mà đền thờ ấy chính là anh em” (1Cor 3,16-17).
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói: “Đã đến lúc người ta không phải thờ Thiên Chúa trong đền thờ hay trên núi, nhưng là trong Sự Thật và trong Thánh Thần” (x.Ga.4,19-24). Trong Sự thật nghĩa là nên giống Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa; trong Thánh Thần, nghĩa là với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, sống theo Chúa Giêsu là Người Con làm theo ý Chúa Cha, như là những người anh em sống yêu thương nhau. Đó mới chính là thờ phượng Thiên Chúa.
Do đó, đây là dịp chúng ta kiểm điểm lại đời sống đạo của mình. Chúng ta đến nhà thờ là điều rất tốt. Nhưng chúng ta có làm theoThánh Thần soi sáng để sống theo gương Chúa Giêsu là sống yêu thương nhau không? Nhiều khi chúng ta thất vọng vì con cháu lười đến nhà thờ, trộm cắp, đánh nhau. Nhưng chúng ta có tin tưởng cầu nguyện cùng Chúa Thánh Thần giúp biến đổi chúng hay không? Có thúc giục chúng đi học Giáo lý, có làm gương sáng cho chúng hay không? Sống theo gương Chúa Giêsu là Phúc Âm hóa đời sống của mình. Trong năm 2014, Giáo Hội tại Việt Nam chú tâm tới việc Phúc âm hóa đời sống gia đình.
Chúng ta dâng lễ này cầu nguyện chung cho tất cả chúng ta, cách riêng cho những em sắp lãnh nhận phép Thêm sức, biết sống theo Thánh Thần, đó là sự thờ phượng Thiên Chúa đích thật, chứ không phải đi lễ đọc kinh mới là thờ phượng Chúa. Thờ phượng Chúa trong Thánh Thần và Chân Lý thì không phải ở trong nhà thờ, mà là ở ngoài nhà thờ, là sống yêu thương nhau, là làm những việc tốt, việc thiện. Điều đó nói thì dễ, làm không dễ nên cần ơn Chúa trợ giúp, cần Thêm sức.
Xin Chúa Thánh Thần thêm sức cho chúng ta tránh được điều xấu và làm được những điều tốt. Bất cứ lúc nào, khi muốn làm được điều tốt, cần phải cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, khi muốn tránh điều xấu cũng phải xin ơn Chúa Thánh Thần. Người sẵn sàng ban ơn cho chúng ta, như Người đã biến đổi một Saolô bắt Chúa thành một Phaolô nhiệt thành loan báo Tin mừng cho người khác.