Bài Giảng Của Đức Cha Antôn
Trong Thánh Lễ Chiều Kỷ Niệm Bữa Tiệc Ly Của Chúa Giêsu
Thứ Năm Tuần Thánh 2014
Đầu năm 2014 vừa qua, tôi có dịp đến thành phố Baton Rouge, bang Lousianna, để giúp tĩnh tâm cho 120 nữ tu, linh mục và chủng sinh Việt Nam đang tu nghiệp tại Hoa Kỳ. Tôi tìm hiểu xem tại sao một thành phố ở Mỹ lại được đặt tên bằng tiếng Pháp ?!
Baton Rouge (tạm dịch: Cây Gậy Đỏ) là một trong những trung tâm lớn của Nam Hoa Kỳ về công nghiệp, dầu khí, y khoa và nghiên cứu. Hải cảng Baton Rouge là một trong 9 hải cảng lớn của Hoa Kỳ về vận tải đường biển. Được biết: lịch sử Baton Rouge bắt đầu từ năm 1699, khi một nhà thám hiểm người Pháp tên là Sieur d’Iberville đặt chân đến thượng nguồn sông Mississippi, đã nhìn thấy một cây cọc gỗ bách hung đỏ trang trí bằng những con vật vấy máu, làm ranh giới khu đất săn bắn giữa hai bộ tộc Houma và Bayou Goula. Họ gọi cây cọc đó và nơi đó là Baton Rouge (Cây Gậy Đỏ). Từ năm 1719, Baton Rouge là thuộc địa của người Âu châu khi Pháp lập căn cứ quân sự tại đây. Năm 1803, tổng thống Thomas Jefferson đã quyết định bỏ ra trên 20 triệu dollars để mua lại vùng đất thuộc địa có tên gọi là Louisiana (ghép tên của vua Louis nước Pháp và hoàng hậu Anne), bao gồm phần đất của 15 tiểu bang hiện nay của Hoa Kỳ và hai tỉnh của Canada, tức là khoảng 23% lãnh thổ của Hoa Kỳ ngày nay. Khi chế độ dân chủ nắm quyền vào năm 1882, Baton Rouge trở thành thủ phủ của bang Louisiana.
Suy nghĩ về “Cây Gậy Đỏ”
Từ lịch sử địa danh Baton Rouge, tôi có một suy nghĩ về Chúa Giêsu là “Cây Gậy Đỏ”, xin được chia sẻ.
Thánh Vịnh 23, 4.6 ghi lời của Vua Đa Vít: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm…”.
Nhân loại này là công trình sáng tạo của Thiên Chúa, tuy đã bị ma quỷ chiếm làm thuộc địa, nhưng đã được Thiên Chúa “mua chuộc” lại bằng giá máu của Con Một Ngài. Đức Giêsu như là “Cây Gậy Đỏ” làm ranh giới giữa đất của Thiên Chúa và đất của ma quỷ. Trong hành trình chiến đấu chống lại ma quỷ, Thiên Chúa luôn mời gọi con người cộng tác.
Thật vậy, khi Thiên Chúa muốn giải thoát dân Israel thoát cảnh nô lệ Ai Cập, “Ðức Chúa phán với ông Mô-sê rằng: “Hãy bảo con cái Ít-ra-en nộp cho ngươi, qua các trưởng tộc, mỗi gia tộc một cây gậy, tất cả là mười hai cây. Ngươi sẽ viết tên mỗi người vào cây gậy của nó… Ai được Ta chọn thì gậy của nó sẽ đâm chồi… Ông Mô-sê thi hành như Ðức Chúa đã truyền” (Ds 17, 16-20.26).
Ở Trung Đông, người chăn chiên chỉ đem theo hai dụng cụ: một cây gậy và một cây trượng. Khi được giao công việc chăn chiên, người chăn phải chặt một nhánh cây dài chừng 1 mét, gọt đẽo cẩn thận cho đến khi thành một cây trượng đầu cong vừa vặn với bàn tay để nắm. Người chăn chiên dùng cây trượng để bảo vệ chiên. Người chăn đóng vào đầu cây trượng một miếng sắt nhọn, và dùng nó như một dụng cụ để đánh thú dữ khi chúng tấn công chiên.
Ngoài cây trượng, người chăn còn cần thêm một cây gậy. Cây gậy dùng để dẫn dắt, lèo lái chiên. Để làm thành cây gậy, người chăn chặt một nhánh cây còn xanh và dễ uốn, ngâm trong nước cho mềm, rồi uốn cong đầu cây thành một cái móc. Cái móc này phải đúng kích thước để có thể dùng móc thân con cừu nhỏ hay cổ con chiên lớn. Cây gậy này dài hơn 1 thước và người chăn sử dụng cây gậy rất thiện nghệ để dẫn dắt đàn chiên. Khi có những con rời bầy đi vào lối nguy hiểm, người chăn cầm đầu cây gậy và ép nhẹ cây gậy vào sườn con chiên để nó đi theo hướng người chăn muốn. Đôi khi chiên đi lang thang, người chăn chỉ cần móc cây gậy vào cổ con chiên kéo nó vào trong bầy. Có lúc chiên trượt ngã trên sườn núi dốc, rơi vào một bụi gai hoặc khe núi, người chăn sẽ móc cây gậy vào bụng con chiên, nhẹ nhàng nâng nó lên khỏi hố hay nơi bị mắc kẹt, và đem nó vào bầy.
Chính vì thế, TV 23 viết rằng: “Dù khi tôi đi qua thung lũng bóng chết, Tôi sẽ không sợ tai họa gì. Vì Chúa ở cùng tôi, Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi”. Thánh vịnh này nói lên một chân lý quan trọng: nếu Thiên Chúa là Đấng Chăn chiên, và ta là chiên của Ngài, dù sống hay chết ta không sợ tai họa nào.
Mỗi người chúng ta đều được Chúa trao cho một cây gậy, vì tất cả đều được tham dự vào sứ vụ mục tử của Chúa Giêsu, hoặc là “mục tử cộng đồng” khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, hoặc là “mục tử thừa tác” khi lãnh nhận Bí tích Truyền Chức Thánh. Nhưng tất cả mọi người đều phải nương tựa vào “Cây gậy của Chúa”, “vì Chúa ở cùng tôi, cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi” (TV 23, 4). Điều này được Chúa Giêsu khẳng định trong Tân Ước.
Khi Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng, “Ngài truyền dậy các ông đừng mang gì, ngoài cây gậy” (Mc 6, 8-9). Nhưng Người lại sai các ông đi “từng hai người” (Mc 5:7). “Hai người” có thể hiểu như thế nào ?
Trước hết là đi bên Chúa và đi với Chúa. Vậy hình ảnh người thứ hai mà Chúa Giêsu nói đến phải chăng chính là Người ?
Chúa Giêsu đã nhiều lần nói với chúng ta về vai trò của Người trong đời sống tâm linh và trong ơn gọi chứng nhân. Không những Người ở bên chúng ta, mà còn là sức sống để chúng ta có thể sống và hoàn thành sứ mạng ấy cách tốt đẹp: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).
Chúa Giêsu đã khẳng định: “Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 48-51). Bí tích Thánh Thể là Bí tích Tình Yêu, vì thế đi đôi với giới luật Yêu Thương: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13, 34).
Điều này phù hợp với ý nghĩa của lời Chúa Giêsu khi căn dặn các Tông Đồ trong hành trình truyền giáo nhất định phải có cây gậy. Như thế, trước hết chúng ta cần đến Chúa Giêsu như “Cây Gậy Đỏ”.
Thứ đến là đi bên nhau và đi với nhau: ngoài Chúa Giêsu, thì người thứ hai kia là anh chị em của chúng ta. Ngoài ý nghĩa được sai đi để làm chứng (ít là hai người), điều này muốn nói rằng chúng ta cần phải khiêm tốn và hợp tác với nhau trong việc phục vụ Chúa và phục vụ tha nhân. “Nơi đâu hai người họp lại, nơi đó có Chúa ở giữa” (Mt 18, 20). Điều này càng cần thiết khi bước đi trên những đoạn đường trơn trượt và hiểm trở, trong những lúc chúng ta gặp gian nan thử thách.
Tam Nhật Thánh chính là lúc mọi người nhắc nhau ý thức Chúa Giêsu là “Cây Gậy Đỏ”, đón nhận một hồng ân Thiên Chúa ban, cảm nghiệm cụ thể về “lòng nhân hậu và tình thương của Chúa” (Tv 23, 6) khi cử hành cuộc Vượt Qua của Đấng đã cứu chuộc chúng ta bằng cái chết của Người, và đã sống lại để giải thoát chúng ta khỏi nô lệ ma quỷ, dẫn đưa chúng ta tới cuộc sống trường sinh. Điều kiện nòng cốt mà Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta là: liên kết với Chúa Kitô như cành nho kết hiệp với cây nho (x. Ga 15, 5), và đoàn kết với nhau trong tình yêu “như Thầy yêu thương” (Ga 13, 34). Chúng ta sẽ cùng nhau hát bài quen thuộc: “Thầy yêu chúng con nào ai nói cho cùng…”.