Bài Giảng Của Đức Cha Antôn
Trong Thánh Lễ Kỷ Niệm 25 Năm
Tuyên Phong Các Thánh Tử đạo Việt Nam
[Kỷ niệm 25 năm, ngày Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 tôn phong 117 Chân Phước Tử Đạo Việt Nam lên hàng Hiển Thánh (19.6.1983 – 2013), Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương đã cử hành Thánh lễ đồng tế trọng thể để tạ ơn Thiên Chúa về sự kiện ân sủng này. Nhất là khi cả Hội Thánh đang sống trong Năm Đức Tin, gương sáng và dòng máu của các bậc tiền nhân đã tô thắm niềm tin của người tín hữu Việt Nam, thì giờ đây, đức tin ấy càng phải được củng cố và tỏa lan đi khắp nơi.
Bài giảng lễ của Đức Cha Antôn, có thể nói như một bảng tóm lược về các Thánh Tử Đạo Việt Nam, ngài nói :]
Anh chị em thân mến,
Ngay từ khi mới nhận hạt giống đức tin, cánh đồng truyền giáo trên đất Việt Nam đã được thấm nhuần bằng máu các vị Tử Ðạo. Tertuliano nhận xét: “Máu các vị Tử Ðạo là hạt giống trổ sinh nhiều tín hữu“.
Bối cảnh tử đạo:
Có thể nói chính Đức Giêsu là vị tử đạo đầu tiên. Trong bối cảnh chính trị, tôn giáo tại Do Thái thời đó, Đức Giêsu bị kết án 2 tội: tội tôn giáo (phạm thượng, vì dám phá đổ Lề Luật Môsê), tội chính trị (âm mưu lật đổ chính quyền Hêrôđê lệ thuộc đế quốc Rôma), mặc dù Đức Giêsu khẳng định Người đến để kiện toàn Lề Luật Môsê và thiết lập Nước Trời, là nước không thuộc thế gian này. Tuy bối cảnh dẫn đến cái chết của Đức Giêsu như thế, nhưng chính cái chết tự nguyện của Đức Giêsu mang ý nghĩa cứu chuộc, nghĩa là Người đã chết trong niềm tín thác vào Thiên Chúa và trong tình yêu thương tha thứ, để cứu sống loài người nhờ sự Phục Sinh của Người.
Bối cảnh tử đạo tại Việt Nam vào thế kỷ 18-19 cũng tương tự như thế.
Thực ra, thời kỳ khai nguyên Giáo hội tại Việt Nam, một số nhà truyền giáo đã chiếm được cảm tình của dân chúng và nhiều nhà cầm quyền. Lịch sử còn ghi: năm 1591, Giáo sĩ Ordeonez de Cevallos dạy giáo lý và làm phép Thánh Tẩy cho Công Chúa Mai Hoa (Phiên âm từ Maria) là chị của Hoàng tử Lê Thái Tông; năm 1624, tại Thuận Hóa, Giáo sĩ De Pina dạy giáo lý cho bà Minh Ðức Vương Thái Phi (1568-1648), vợ của chúa Nguyễn Hoàng, và cha Ðắc Lộ làm phép Thánh Tẩy cho bà với thánh hiệu Maria Madalena; năm 1627, Cha Ðắc Lộ, khi tới thủ đô Kẻ Chợ (Hà Nội), được tiếp kiến chúa Trịnh Tráng (hiệu là Thanh Ðô Vương). Trong thời gian này, em gái chúa Trịnh Tráng đã theo đạo Công Giáo mang tên thánh là Catarina, chúa Trịnh Tráng còn cho phép lập nhà thờ cạnh đền vua; từ năm 1725-1765, bên cạnh Võ Vương (Nguyễn Phúc Khoát) vẫn có một Linh Mục dòng Tên làm bác sĩ và dạy toán học.
Nhưng chính những thành quả trên cũng gây nên ghen tương, hiểu lầm, vì giáo dân ngày càng đông đúc và vì nhận xét đa nghi của một số vua chúa, quan lại, sợ mất ảnh hưởng. Ngoài ra, các vua chúa, quan lại cho rằng giáo lý của đạo Công Giáo gây xáo trộn trật tự xã hội, thí dụ hôn nhân một vợ một chồng, không đa thê, tì thiếp…
Bối cảnh chính trị tại Việt Nam vào thời kỳ thuộc địa cũng là cớ để cấm đạo. Lúc đầu, các cuộc bách hại khởi xướng bằng những lý do mang nặng thành kiến. Nhưng về sau, trong những cuộc bách hại đẫm máu, dần hiện rõ lý do tôn giáo: vì “hận thù tín ngưỡng”. Tín ngưỡng nói đây là niềm xác tín sâu xa vào Thiên Chúa. Chết vì tín ngưỡng là chết để chứng minh lòng mình trung kiên với Thiên Chúa. Dù bối cảnh khác nhau dẫn đến cái chết của nhiều người Công giáo, nhưng chính cái chết được gọi là tử đạo, vì họ cương quyết không bỏ đạo.
Những sắc chỉ cấm đạo:
Lịch sử Giáo hội Việt Nam ghi nhớ tất cả 53 Sắc chỉ chính thức do các chúa (hai dòng họ Trịnh, Nguyễn, trong Nam ngoài Bắc), do nhà Tây Sơn và do các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức ban hành, nhằm khai trừ và tiêu diệt đạo Thiên Chúa. Đáng lẽ những cuộc bách hại chấm dứt dưới thời Tự Ðức, vì theo khoản 9 Hiệp Ước Giáp Tuất 15/3/1874, vua Tự Ðức đã ký nhận “quyền tự do theo đạo và hành đạo của người Công Giáo”. Tuy nhiên sau đó, dưới thời Văn Thân, với chủ trương “bình tây, sát tả”, có khoảng 60.000 người Công Giáo bị sát hại.
Tổng cộng trong 2 thế kỷ bị bách hại, có trên 100.000 vị Tử Ðạo: 58 Giám mục và Linh mục ngoại quốc, 150 Linh mục Việt Nam, 340 Thầy giảng, 1 chủng sinh, 270 Chị Dòng Mến Thánh Giá và 99.182 giáo dân.
Theo thông lệ, khi xin nhật kì phong thánh, bao giờ cũng phải dự tính sẵn 3 ngày, để đề phòng trường hợp Tòa Thánh đã có chương trình xếp đặt nào khác thì phải thay đổi theo. Lễ Phong Thánh Việt Nam đã xin vào ngày 29/6/1988, một ngày lễ nghỉ của Vatican. Tuy nhiên, vì ngày đó trùng với ngày lễ trọng tại Roma, kính 2 Thánh Phêrô và Phaolô, nên đã xin chuyển sang Chúa Nhật 26/6, nhưng hôm đó Đức Thánh Cha lại công du Áo quốc. Vì thế lễ phong thánh được Tòa Thánh ấn định vào Chúa Nhật 19/6, một tuần lễ trước cuộc công du của Đức Thánh Cha.
Tôi xin trích dẫn một vài đoạn trong bài giảng Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ngày 19/6/1988, tôn phong Hiển Thánh 177 Vị Tử Đạo Việt Nam
Trích đoạn bài giảng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II:
“Chúng ta rao giảng Chúa Giêsu tử nạn Thập Giá” (1 Cr 1,23). Mượn lời trên đây của Thánh Phaolô, Giáo Hội Rôma hôm nay gởi lời chào Giáo Hội Việt Nam, mặc dầu trùng dương xa cách, nhưng rất gần gũi trong tình thân ái của tôi. Đồng thời tôi xin chào toàn thể dân tộc Việt Nam và nói lên rằng: cả Giáo Hội hoàn vũ hết lòng cầu chúc cho dân tộc quí quốc được trăm phần an lành…
Tất cả chúng tôi hôm nay cám ơn anh chị em vì tấm gương nhân chứng đặc biệt của các vị Thánh Tử Đạo Việt Nam đã nêu cao, bất cứ các Ngài là con dân Việt Nam, hay là những vị Thừa Sai xuất xứ những nước đã in sâu mầm mống Đức Tin Chúa Kitô… Làm sao kể lại cho hết? Tất cả là 117 vị Tử Đạo, trong đó 8 vị Giám Mục, 50 Linh Mục, 59 Giáo dân, trong số đó một phụ nữ là Thánh Agnès Lê Thị Thành mẹ của sáu người con…
Trong bài Phúc Âm hôm nay nhắc lại những gì Chúa Kitô tiên đoán về sự kiện các Tông Đồ và những ai theo chân Ngài sẽ bị bách hại: “Họ sẽ lôi chúng con ra toà công nghị, sẽ đánh đập chúng con giữa hội đường, sẽ điệu chúng con ra trước vua chúa quan quyền vì danh Cha, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại” (Mt 10, 17-18). Chúa tiên báo cho các Tông Đồ và cho các đồ đệ các ngài trong mọi thời đại …
Tuy nhiên Thầy Chí Thánh không bỏ rơi các Tông Đồ và các người tin theo lời các Tông Đồ trong những cơn bách hại: “Khi bị nộp vào tay họ, các con đừng lo phải nói thế nào và nói gì, lúc đó sẽ dạy cho các con những điều phải nói. Vì thực ra không phải các con nói, nhưng Thần Linh của Chúa Cha nói trong các con” (Mt 10, 19-20).
Thần Linh, chính là Thần Chân Lý. Ngài là sức mạnh trong thân xác yếu hèn của con người. Nhờ Ngài là sức mạnh mà anh em mới có thể thành chứng nhân…Từ thời các Thánh Tông Đồ đã vẫn thế rồi, qua các thế hệ lịch sử vẫn tiếp tục như thế; cũng như qua mấy thế kỷ bách hại tại Việt Nam, sự kiện đó vẫn không thay đổi…
Trước mặt chúng ta hôm nay, các vị Tử Đạo Việt Nam đóng vai trò những người đi gặt lúa cho Chúa, như đã ghi trong Thánh Vịnh: “Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. Lúc ra đi phải khóc than, vì công vất vả gieo hạt, nhưng khi trở về, lòng hân hoan phấn khởi, vì sẽ ôm nặng nhiều bông lúa” (Thánh Vịnh 125-126, 5, 6).
Các vị Tử Đạo Việt Nam “gieo trong lệ sầu” có nghĩa là các ngài đã khởi sự giữa lớp người đồng hương và giữa nền văn hóa dân tộc một cuộc đối thoại sâu rộng và cởi mở, bằng cách nêu cao chân lý và niềm tin vào Thiên Chúa … Ra trước quan quyền tra khảo về Đức Tin, các vị Tử Đạo đã can đảm nói lên ý chí tôn trọng quyền bính trong nước, nhưng không vì thế mà làm điều gì bất chính… Giáo Hội tuyên xưng và chứng minh rằng: nếu mình nhập cuộc trong truyền thống và văn hóa dân tộc là vì muốn góp phần vào việc xây dựng quốc gia một cách trung thực hơn…
Một lần nữa, hỡi giáo đoàn VN, chúng tôi nói lại cho anh em rằng: Máu các vị Tử Đạo là nguồn ân sủng cho anh em trước tiên, để anh em thăng tiến trong Đức Tin… Ai là người tín hữu đều ý thức rằng: lời kêu gọi của Phúc Âm vẫn là phải tuân phục các thể chế loài người, để tôn thờ tình yêu Thiên Chúa bằng cách làm việc thiện, sống xứng đáng con người tự do, kính nể tha nhân, yêu thương anh em, kính yêu TC cũng như tôn trọng công quyền và thể chế quốc gia (1 Pr 2, 13-17).
“Máu các vị Tử Đạo là hạt giống sinh nhiều tín hữu”. “Nhiều tín hữu” là tất cả những ai ngày nay, vì chính nghĩa Thiên Chúa và sống giữa những người đồng hương, đang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa cây Thập Giá của Chúa Kitô. Thánh Giá bài trừ sự nói dối, bài trừ tội ác, nhưng thúc đẩy con người biết thinh lặng, biết tha thứ, biết cầu xin cho nước Chúa trị đến trong tâm linh nhân loại, và đặc biệt tại quê hương của họ.”
Minh họa:
Mặc cho triều đình nhà Nguyễn ra những chiếu chỉ bách hại, dấu hiệu tình thân giữa bà con lương giáo là sự kiện rõ rệt. Thí dụ trong vụ án linh mục Gioan Đạt, viên cai ngục nói : “Tôi thấy cụ khôn ngoan, đạo đức, thì muốn kết nghĩa huynh đệ lắm, ngặt vì cụ sắp bị án tử rồi. Tôi xin hứa biếu cụ một cổ quan tài để biểu lộ lòng tôi quí cụ.”
Với 2 linh mục Trương Đình Thi và Dũng Lạc, quan huyện Bình Lục ra lệnh cởi trói và cho dọn cơm bằng mâm bát của mình. Đến khi cho áp giải hai vị về Thăng Long, quan lập đàn tế lạy trời phật để thanh minh mình vô can trong vụ án.
Đặc biệt chuyện linh mục Vũ Bá Loan, niên trưởng 84 tuổi, được mọi người kính trọng gọi bằng “cụ”, ngài không bị đòn đánh, và trong ngày xử, mười lý hình bỏ đao chạy trốn, đến người thứ mười một, đã lịch sự xin phép: “Việc vua truyền cháu phải làm, xin cụ xá lỗi cho. Cháu sẽ cố giúp cụ chết êm ái. Khi về trời cụ nhớ đến cháu nhé“.
Ngay cả khi vua Tự Đức đã ra chiếu chỉ phân sáp năm 1861, phân tán các tín hữu, giao cho lương dân quản lý cả người lẫn của, thì Giáo hội vẫn tồn tại nhờ nhiều người thương mến. Con số hàng chục ngàn người bị giết trong giai đoạn này tuy lớn, nhưng chỉ là vài phần trăm, còn trên 90% giới Công Giáo vẫn sống sót và có cơ hội làm chứng cho Chúa giữa lương dân.
Hội nhập vào nền văn hóa Á Đông, Giáo hội Việt Nam đã có nét suy tư sáng tạo đặc biệt. Linh mụcNguyễn Văn Tự đối đáp với quan tòa: “Tôi kính Thiên Chúa như Thượng Phụ, kính vua như trung phụ, và kính song thân như hạ phụ. Không thể nghe cha ruột để hại vua, tôi cũng không thể vì vua mà phạm đến Thượng Phụ là Thiên Chúa được “.
Giám mục Hemosilla Liêm nhắc nhở các tín hữu phải tuân giữ luật nhà phép nước, còn nếu bị vu cáo tội chính trị thì cứ an tâm, vì Đức Giêsu từng bị dân Do Thái lấy cớ chính trị để giết.
Khi quân đội Pháp tiến vào Đà Nẵng năm 1858, giới Công giáo tình nguyện đi bảo vệ non sông. Có điều, vua Tự Đức đòi hỏi họ: muốn tham chiến, phải bỏ đạo trước đã. Khi tàu Pháp đến, 193 binh sĩ Công giáo chuẩn bị lên đường đi Đà Nẵng, vì không chịu bỏ đạo nên đã lãnh án chung thân. Binh sĩTrần Văn Trung bị giết vì khẳng khái tuyên bố: “Tôi là Kitô hữu, tôi sẵn sàng đi đánh kẻ thù của đất nước, nhưng bỏ đạo thì không bao giờ”.
Nếu tình thương bác ái đã được Đức Giêsu coi là dấu chỉ của những môn đệ Ngài (x. Ga 13,35), không lạ gì khi linh mục Emmanuel Triệu sẵn sàng nhường tiền bữa ăn ân huệ trước giờ xử tử: “Xin cầm tiền và gửi cho người nghèo dùm tôi“. Linh mục Phan Văn Minh dặn đừng tổ chức an táng lớn, để dành tiền giúp người bần cùng. Linh mục Hoàng Khanh trong tù sẵn sàng chữa bệnh cho thân nhân viên cai ngục.
Với ông Năm Quỳnh thì bác ái rõ rệt là hoa quả của đức tin, ông từng nói với gia đình: “Bà và các con không đồng ý cho tôi lấy của nhà để giúp người nghèo, tôi sẽ đi vay mượn hoặc làm thuê kiếm tiền giúp đỡ họ”, vì ông nói : “Tôi chưa thấy ai hay giúp người nghèo khó lại túng bấn bao giờ. Kinh Thánh chẳng dạy chúng ta phải coi họ như chi thể của Chúa đó sao ? Chúa đã cho chúng ta sống, tất sẽ quan phòng cho ta đủ dùng”.
Nói đến tình nghĩa gia đình, chúng ta khó có thể quên một số hình ảnh như: linh mục Emmanuel Triệu vì thương mẹ già, ông ở lại Huế ba tháng dựng nhà cho mẹ nên mới bị bắt. Ông Trùm Lê Văn Phụng tại pháp trường gặp lại con gái, đã lấy ảnh thánh giá ở cổ mình đeo cho con và nói: “Con nhận lấy kỷ vật của Ba. Đây là ảnh Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, ảnh này quí hơn vàng bạc bội phần. Con hãy luôn mang nơi cổ và trung thành cầu nguyện sớm chiều con nhé !“. Con gái ông Lý Mỹ 12 tuổi, trốn mẹ vào tù thăm và thưa: “Xin cha can đảm chịu chết vì Chúa”. Vợ ông, bà Mỹ nói trong tiếng nghẹn ngào: “Vợ con ai mà chẳng thương tiếc nhưng ông hãy hy sinh vác thánh giá rất nặng vì Chúa. Hãy trung thánh đến cùng, đừng lo nghĩ đến mẹ con tôi. Thiên Chúa sẽ quan phòng tất cả”.
Ông Lê Văn Phụng tại pháp trường nhắn nhủ con trai mình: “Con ơi, hãy tha thứ, đừng tìm báo thù kẻ tố giác ba nhé”, và dặn dò thân hữu: “Hãy tha thứ các bạn ơi. Hãy tha thứ, vì chính tôi đã tha thứ “.
Chúng ta tiếp tục dâng Thánh Lễ tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân đức tin đã trổ sinh nhờ máu của các vị anh hùng tử đạo; cầu xin các Thánh Tử đạo Việt Nam bầu cử cùng Thiên Chúa cho mỗi người chúng ta trong cuộc sống đức tin biết vác thánh giá theo chân Chúa Giêsu; cầu nguyện cho Giáo hội Việt Nam và cho việc loan báo Tin Mừng trên Quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta.