Bài Giảng Của Đức Cha Antôn Trong Thánh Lễ MỒNG MỘT TẾT
Hội Nhập Văn Hóa Và Phúc Âm Hoá
Tạ Ơn Và Cầu Bình An Cho Năm Mới
Với người Việt Nam Công giáo, ngày Tết mang một ý nghĩa nhân văn và giá trị thiêng liêng. Giáo hội tại Việt Nam hiện diện giữa lòng dân tộc với văn hoá truyền thống của dân tộc, nên đã hội nhập văn hóa trong hành trình Phúc-Âm-hoá. Cụ thể như trong ba ngày Tết, quan niệm “Thiên-Địa-Nhân hòa” được hội nhập vào ba mối tương quan căn bản đem lại hạnh phúc trong cuộc sống con người: con người với Thiên Chúa – con người với nhau – con người với vũ trụ.
Ngày Mồng Một Tết là ngày hướng lòng lên Thiên Chúa, “Đấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích của vạn vật”, để tạ ơn Chúa đã ban cho một năm mới, và cầu xin Chúa ban cho mọi người “được bình an mạnh khỏe, càng thêm tuổi càng thêm nhân đức, hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh thánh” (Lời nguyện Nhập lễ Thánh Lễ Tân Niên).
Ngày Mồng Hai Tết là ngày kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ, xin Chúa ban phúc cho “những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con sống cho phải đạo với các ngài” (Lời nguyện Nhập lễ). Đồng thời, khi kính nhớ ông bà tổ tiên, người Công giáo cũng hiểu rằng chính Thiên Chúa đã ban sự sống cho ông bà tổ tiên, để các ngài truyền lại cho con cháu, vì thế luôn tôn trọng sự sống từ trong trứng nước. Hơn nữa, hết mọi người phải sống tình huynh đệ với nhau như trong một gia đình vì mọi người đều có một Cha chung là Thiên Chúa.
Ngày Mồng Ba Tết là ngày nhìn ra vũ trụ vạn vật, ý thức trách nhiệm phải lao động để làm chủ thiên nhiên, cho nên xin Chúa ban ơn trợ giúp để “công ăn việc làm trong năm mới nêu cao tình tương thân tương ái, góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa” (Lời nguyện Nhập lễ).
Mối tương qua “Thiên-Địa-Nhân” được biểu lộ trong những ngày Tết khi người Việt Nam gói bánh chưng. Sự tích bánh dày bánh chưng, từ thời vua Hùng Vương, nhắc dân Việt nhớ rằng: bánh chưng hình vuông chỉ trời, bánh dày hình tròn chỉ đất; con người “đầu đội trời, chân đạp đất”. Quan niệm “Thiên-Địa-Nhân” thật gần gũi với mặc khải của Thiên Chúa trong Kinh Thánh về mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, với nhau và với vũ trụ.
Khi tập trung vào ba mối tương quan căn bản đem lại hạnh phúc cho con người, Giáo hội mời gọi con cái mình sống ý nghĩa của thời gian với ba chiều kích: nhìn về quá khứ với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và biết ơn các bậc sinh thành; hướng đến tương lai với tâm tình cậy trông nơi Thiên Chúa là Đấng làm chủ lịch sử; nhìn vào hiện tại với quyết tâm dấn thân xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Đây là một định hướng tuyệt vời trong công cuộc Phúc Âm hoá: một là, khám phá những vẻ đẹp và giá trị tích cực trong truyền thống văn hoá dân tộc; hai là, làm nổi bật mối quan hệ mật thiết giữa văn hoá dân tộc và những giá trị Phúc Âm; ba là, nâng những giá trị văn hoá truyền thống lên một tầm cao mới của đức tin Kitô giáo, khi đặt việc tôn kính Tổ tiên trong trật tự tạo dựng, hoặc khi liên kết việc xây dựng thế giới với việc xây dựng Nước Trời.
Hôm nay, ngày mồng một Tết, chúng ta dừng lại mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và cầu bình an cho Năm Mới.
Tâm tình tạ ơn Thiên Chúa:
Ngày Mồng Một Tết được coi là ngày quan trọng nhất. Vào sáng sớm ngày này, người Việt cổ thường không ra khỏi nhà, chỉ bày cỗ cúng tân niên, ăn tiệc và chúc tụng nhau trong nội bộ gia đình, đặc biệt là “Mồng Một Tết Cha”.
Giáo xứ cũng là một gia đình, nên chúng ta còn tụ họp nhau tại nhà thờ để dâng lễ tạ ơn Thiên Chúa là Cha. Trong bài đọc 2, trích thư thứ nhất gửi giáo đoàn Thê-sa-lô-ni-ca, thánh Phaolô viết: “Anh em hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su” (1 Th 16-17). Tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành chúng ta đã nhận được trong năm cũ, nhưng cũng tạ ơn Thiên Chúa ngay cả khi chúng ta chưa được may mắn trong năm qua. Đó là thái độ sống đức tin như lời Chúa dạy trong thư Phi-líp-phê mà chúng ta nghe đọc vào ngày Mồng Một Tết: “Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện; bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su.” (Pl 4,6-7). Điều quan trọng là tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng Sáng tạo và Cứu độ, đồng thời lưu ý làm theo lời căn dặn của Thánh Phaolô trong đoạn thư tiếp theo: “Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý. Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em.” (Pl 4,8-9).
Tâm tình cầu bình an cho Năm Mới:
Chúa Giêsu đã nói: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14, 27). Con người thời nay gần như có mọi sự, nhưng tiếc thay nhiều người lại không có một điều rất quan trọng là bình an nơi tâm hồn. Có người bị mất ngủ, căng thẳng, suy sụp, chán đời. Có người rơi vào tình trạng nghiện ngập, bạo hành hay trụy lạc. Gia đình cũng chẳng bình an khi gặp cảnh xung đột, ly dị, ngoại tình. Con người nôn nóng đi tìm bình an. Khi thấy các môn đệ xao xuyến và sợ hãi trước việc Thầy sắp ra đi, Đức Giêsu đã nói một câu mà chúng ta không ngừng lặp lại trong mỗi Thánh lễ: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”. Bình an là quà tặng cao quý của Thầy Giêsu khi sắp trở về với Cha qua cái chết thập giá (x. Ga 14,28). Bình an cũng là quà tặng của Chúa Giêsu Phục sinh khi hiện ra cho các môn đệ đang đóng cửa vì sợ hãi :“Bình an cho anh em” (x. Ga 20, 19. 21.26).
Như thế các môn đệ vẫn phải luôn bình an trước và sau cái chết của Thầy. Đời sống Kitô hữu được bình an không phải vì không gặp sóng gió, nhưng là bình an giữa những sóng gió. “Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33). Bình an của chúng ta dựa trên chiến thắng của Đức Giêsu. “Trong mọi thử thách, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu chúng ta” (Rm 8, 37). Đức Giêsu nhìn nhận thế gian có khả năng ban cho chúng ta bình an. Nhưng Ngài phân biệt thứ bình an ấy với thứ bình an của Ngài. Chúng ta tự hỏi mình có tìm bình an dựa trên sự mong manh của tiền bạc, sắc đẹp, chức quyền, tài năng, tri thức không ? Sự bình an mà chúng ta nhận được và trao cho nhau trong Thánh lễ có thật sự gây âm vang trong cuộc sống của ta không ?
Trong dịp Tết, người ta cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất, nhưng điều mà mọi người đều mong ước là được HẠNH PHÚC. Bài Tin Mừng theo thánh Matthêu về “Tám Mối Phúc Thật” nhắc nhớ người tín hữu về quan niệm hạnh phúc theo bài giảng trên núi của Chúa Giêsu. Tám mối phúc thật thoạt nghe thì nghịch lý, khó chấp nhận theo não trạng người đời, nhưng nói cho cùng, muốn có được sự bình an đích thực trong cuộc sống thì không có phương cách nào thay thế con đường Tám Mối Phúc Thật, mà mối phúc căn bản là: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3).
Sống tinh thần nghèo khó không có nghĩa là sống một cuộc sống nghèo sơ, nghèo xác, sống vất vưởng không nhà không cửa. Chúa không bao giờ chủ trương nghèo như vậy, vì đây là một tệ nạn cần phải đẩy lui để mang lại cho con người có được cuộc sống giá trị và xứng với nhân phẩm. Hiểu như thế thì nghèo khó ở đây là tinh thần nghèo khó, tức là không cậy dựa vào tiền bạc của cải như mục đích tối hậu, mà luôn cậy dựa vào Chúa và để cho Chúa dẫn ta đi theo con đường Chúa muốn. Con đường Chúa muốn là sống hiền lành và khiêm nhượng, khao khát sự công chính, biết thương xót, ăn ở thuận hòa, có lòng trong sạch. Vậy, đối với người Kitô hữu, hạnh phúc và bình an đích thực có được là nhờ cậy dựa tuyệt đối vào Thiên Chúa là Hạnh phúc vĩnh hằng, như lời Thánh Vịnh 147, phù hợp với “Tết Con Ngựa”: “Vó ngựa phi Chúa không ưa chuộng, chẳng thích gì chân kẻ chạy nhanh. Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật” (câu 10-11), nghĩa là Chúa yêu thích những ai biết khiêm nhường trông cậy nơi Ngài. Amen.