Bài Giảng Của Đức Cha Antôn
Trong Thánh Lễ Mừng Kính Thánh Cả Giuse
“XIN-VÂNG-KHÔNG-LỜI” CỦA THÁNH GIUSE
(Lễ Bổn mạng Giáo phận Đà Lạt, 19.3.2014)
Trong gia phả Đức Giêsu, thánh Matthêu ghi:“Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1, 16). Đọc hết gia phả, chúng ta dễ thấy cách hành văn khác thường ở đây, chẳng hạn “Êlihút sinh Elada; Elada sinh Mátthan; Mátthan sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuse” ; đáng lẽ phải viết tiếp: “Giuse sinh Giêsu”, nhưng Matthêu lại gây chú ý bằng cách chuyển giai điệu: “Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1, 1516). Rõ ràng thánh Matthêu muốn nói: ông Giuse không sinh ra Đức Giêsu. Điều này được thánh sử nói rõ hơn: “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse, nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1, 18).
Chính Đức Maria cũng không hiểu lời sứ thần Gabriel truyền tin: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu” (Lc 1, 31). Nhưng khi nghe sứ thần nói: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa…Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 35.37). Thánh Luca thuât tiếp: “Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).
Đức Maria đã nói lên lời “Xin Vâng”. Còn Thánh Giuse thì sao ? Các sách Tin Mừng đã không ghi lại bất cứ một lời nào của Thánh Giuse, nhưng rõ ràng đã mô tả hành động “Xin Vâng” của Thánh Giuse mà ta có thể gọi là “Xin Vâng không lời”. Thánh Matthêu thuật rằng: “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ… Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1, 19-20.24). Thánh Giuse đã âm thầm chấp nhận điều đó suốt đời. Đức tin của Người, chỉ riêng Thiên Chúa biết. Thánh Giuse đã hành động “Xin Vâng” qua việc lắng nghe và thực thi thánh ý Thiên Chúa. Ngài không thắc mắc, không than vãn, nhưng luôn mau mắn từ bỏ ý riêng để làm theo ý Thiên Chúa.
Về Đức Maria, các sách Tin Mừng tường thuật những lời Mẹ đối đáp với sứ thần trong ngày truyền tin; cất lên bài ca Manificat khi đi thăm viếng bà Êlisabét; thưa với Đức Kitô và dặn dò các giai nhân nơi tiệc cưới Cana… Nhưng về Thánh Giuse, không thấy Tin Mừng thuật lại một lời nào của ngài. Điều này cho ta thấy sự âm thầm lặng lẽ và đơn sơ khiêm hạ của Thánh Cả trong chương trình cộng tác vào công cuộc cứu độ nhân loại mà Thiên Chúa đã hoạch định và mời gọi. Có thể nói rằng, để Ngôi Lời nhập thể, Thiên Chúa cần cả hai: “lời xin vâng” và “xin vâng không lời” của Đức Mẹ và Thánh Giuse. Cả hai Đấng nên một với “Ngôi Lời” là Đấng đã thưa với Chúa Cha khi nhập thể: “Này con xin đến… để thi hành thánh ý Chúa” (Dt 10, 57).
Như thế, nếu không có tiếng “Xin Vâng” của Mẹ Maria thì thực tế có lẽ con Thiên Chúa không nhập thể làm người; cũng thế, nếu không có sự vâng phục âm thầm của Thánh Giuse thì có lẽ Chúa Giêsu sẽ không được lớn lên trọn vẹn như một con người. Giêsu Maria Giuse, đó là ba tên gọi gắn liền với nhau trong chương trình cứu rỗi. Đó là Thánh Gia mà mọi gia đình đều phải noi gương, đặc biệt trong “Năm Phúc Âm hóa đời sống gia đình”.
Trong bài nói chuyện của Đức thánh Cha Bênêđictô 16, trưa 19/12/2010, trước hơn 10 ngàn tín hữu hành đương tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói:“Anh chị em thân mến… Tin Mừng theo thánh Mathêu kể lại thể thức diễn ra cuộc giáng sinh của Chúa Giêsu, đặt mình theo quan điểm của Thánh Giuse… Sau khi từ bỏ tư tưởng bí mật rời bỏ Mẹ Maria, Thánh Giuse đón Mẹ Maria về nhà mình, vì lúc đó đôi mắt thánh nhân nhìn thấy nơi Mẹ công trình của Thiên Chúa… Nơi Người có hình ảnh con người mới, tin tưởng và can đảm nhìn về tương lai, không theo dự phóng riêng của mình, nhưng hoàn toàn tín thác nơi lòng từ bi vô biên của Thiên Chúa”. Năm 2012, ĐTC Bênêđictô đã chọn chủ đề cho Sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới là Truyền thông và Thinh lặng. Nói đến truyền thông mà lại đề nghị thinh lặng. Nhưng chính bằng cách ấy, Đức Bênêđictô XVI đề cao giá trị của sự thinh lặng, và chiêm ngắm Thánh Giuse là cách thế rất tốt để tìm lại ý nghĩa và giá trị này.
Cách đây đúng một năm, trong ngày lễ mở đầu sứ vụ giáo hoàng, 19/3/2013, ĐTC Phanxicô đã chia sẻ về Thánh Giuse như “Người Bảo Vệ”: “Thánh Giuse đã thực thi vai trò của người bảo vệ như thế nào? Ngài kín đáo, khiêm nhường và lặng lẽ… Tôi muốn nói thêm: để săn sóc, bảo vệ cần phải sống tốt lành, hiền hòa. Trong các sách Phúc âm, Thánh Giuse xuất hiện như một người mạnh mẽ, can đảm, một người lao động, nhưng chúng ta thấy trái tim Ngài dịu dàng biết bao. Sự hiền lành không phải là đức tính của kẻ yếu nhưng thực sự là dấu chỉ của một tinh thần mạnh mẽ và khả năng biết quan tâm, đồng cảm, thật sự mở lòng với tha nhân và cho tình thương yêu”.
Tấm gương sống tĩnh lặng của Thánh Giuse thật cần thiết cho mọi Kitô hữu, cách riêng cho những người lãnh trách nhiệm rao giảng Lời Chúa, cử hành bí tích, và lãnh đạo cộng đoàn trong Giáo Hội. Thánh Giuse dạy chúng ta bài học tĩnh lặng để có thể lắng nghe Lời Chúa trong một thế giới ồn ào và tràn ngập lời lẽ của con người, để có thể sống thật với chính mình hơn khi đối diện với Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến,
Ngày 01.3.2011, Tòa Thánh công bố việc bổ nhiệm tôi làm Giám mục Giáo phận Đà Lạt, kế vị Đức Cha Phêrô là người trước đó khoảng một năm, ngày 22.4.2010, đã được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Phó với quyền kế vị Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội.
Là Giám mục Giáo phận Hưng Hóa thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội, ngay sau ngày được tin công bố làm Giám mục Giáo phận Đà Lạt, tôi đã đi Hà Nội trình lên Đức Tổng, và có dịp trao đổi với ngài về ngày nhậm chức tại Đà Lạt. Theo Giáo luật, Giám-mục-được-thuyên-chuyển có thể nhậm chức Giáo phận mới trong vòng 2 tháng kể từ ngày công bố. Tuy nhiên, vì được biết Giáo phận Đà Lạt nhận Thánh Giuse làm Bổn Mạng, và vì gần đến Tuần Thánh, nên tôi đã sắp xếp đi Đà Lạt khoảng 2 tuần sau ngày công bố để nhậm chức trước lễ Thánh Giuse, ngày 17/3, đến nay đã được 3 năm.
Dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse, bổn mạng của Giáo hội nói chung, của Giáo phận chúng ta nói riêng, Thiên Chúa đã ban nhiều ơn lành trong lịch sử Giáo phận trong hơn 50 năm qua, mà mỗi người, mỗi gia đình, mỗi giáo xứ có thể cảm nhận được. Tuy nhiên điều mà Thiên Chúa muốn hơn cả là chúng ta cố gắng sống theo gương Thánh Bổn mạng.
Tôi đã âm thầm “Xin Vâng” khi biết thiên ý. Anh chị em trong giáo phận Đà Lạt cũng đã âm thầm “Xin Vâng” khi đón tôi về nhà mình. Suốt cuộc đời dương thế, và ngày nay trên thiên quốc, Thánh Giuse vẫn đang tiếp tục sứ mạng của Ngài là bảo vệ thân thể nhiệm mầu của Chúa Cứu Thế là Giáo Hội, là Giáo phận chúng ta, là mỗi gia đình và mỗi người biết luôn cậy trông vào sự bảo trợ của Ngài.
Lạy Thánh Giuse, xin cầu cho mỗi người chúng con !
Lạy Thánh Giuse, xin cầu cho mỗi gia đình chúng con !
Lạy Thánh Giuse, xin cầu cho mỗi gia đình giáo xứ và gia đình giáo phận chúng con !
Lạy Thánh Giuse, xin cầu cho Giáo hội tại Việt Nam và Giáo hội trên toàn thế giới!
Amen.