Bài Giảng Của Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương
Chiều Thứ Sáu Tuần Thánh
Tưởng Niệm Cuộc Khổ Nạn Của Chúa
Để tỏ bày tâm tình hiệp thông với sự thương khó và sự chết của Chúa Giêsu, Giáo hội không cử hành Thánh Lễ trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Giáo hội mời gọi chúng ta cảm mến Đấng đã tự nguyện hy sinh để cứu chuộc chúng ta, nhất là ghi nhớ lời cảnh cáo của Chúa Giêsu: “Hỡi con thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23,28).
Bài đọc I trích đoạn lời sấm của Isaia, thường được gọi “Bài ca của Người tôi tớ đau khổ”. Isaia mô tả Đấng Cứu Thế qua hình ảnh một con người chịu đau khổ vì tội lỗi chúng ta, và nhờ đó, giao hòa chúng ta với Thiên Chúa và đưa chúng ta đến chiến thắng vinh quang với Người.
Bài đọc II trình bày Đức Kitô biết cảm thông với tất cả những ai gặp gian truân sầu khổ, vì chính Người đã đi qua con đường khổ giá. Người đã hoàn toàn vâng phục ý Cha, nên lời cầu bầu của Người rất hiệu lực.
Bài Thương khó theo Thánh Gioan đề cao tính cách tự nguyện của Chúa Giêsu trước cái chết: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy.” (Ga 10,18). Hơn nữa, cái chết tự nguyện của Chúa đem lại hiệu quả vô cùng quan trọng: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (12, 32). Đức Giêsu phải chết thay cho dân Israel, “và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (11, 52). Trong bài Thương khó, thánh Gioan cho chúng ta thấy Chúa không cư xử như một nạn nhân cố tìm cách thoát thân, nhưng như một vị tư tế đầy nghị lực và sáng suốt.
Những lời nguyện trọng thể cho thấy sự Thương khó và sự Chết của Chúa có giá trị cứu độ. 10 lời nguyện đều dâng lên Chúa Cha, Đấng đã chấp nhận hy lễ Thập giá của Chúa Con, và kết thúc qua Trung gian duy nhất là Đức Kitô. Hơn nữa, vì Chúa Kitô đã chết cho toàn thế giới và “muốn cho mọi người được cứu rỗi” (1 Tm 2, 4), cho nên những lời nguyện có chiều kích phổ quát: cầu cho toàn thể dân Chúa, cho dự tòng, cho người tin hay không tin, cho những người hữu trách trong Giáo hội và xã hội… Lời cầu xin của Giáo hội không chỉ giới hạn vào những nhu cầu và lợi ích thiêng liêng, mà còn quan tâm đến nhu cầu trần thế, đến nền hòa bình của các quốc gia dân tộc.
Việc thờ lạy Thánh giá là cao điểm của nghi lễ cử hành chiều Thứ Sáu Tuần Thánh. Thánh giá chúng ta thờ lạy hôm nay là dấu chỉ Đức Kitô. Chính Đức Kitô là đối tượng của việc thờ lạy qua dấu chỉ cuộc chiến đấu và chiến thắng của Người. Vì thế, việc hôn kính Thánh giá là một hành vi đức tin. Nếu không có đức tin, không ai dám bày tỏ lòng tôn kính thập giá là một dụng cụ cực hình khủng khiếp và nhục nhã nhất. Khi hôn kính Thánh giá, chúng ta vừa nhớ đến những khổ nhục Chúa đã tự nguyện đón nhận, vừa tỏ lòng kính phục và cảm tạ những hồng ân Chúa ban cho nhờ cây Thánh giá.
Việc hiệp lễ hôm nay cho thấy ý nghĩa việc chúng ta vẫn đọc hoặc hát trong Thánh Lễ: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến”. Hôm nay và ngày mai, Giáo hội không cử hành Thánh Lễ; Giáo hội ăn chay trong ngày Tân Lang bị cất đi (x. Mt 9,15); tuy nhiên, Tân Lang vẫn hiện diện qua bí tích Thánh Thể. Trong bầu khí tang chế, chúng ta vẫn ý thức rằng: Đức Kitô đã sống lại và đang sống giữa chúng ta, và Thánh Thể là Bánh ban sự sống.
Tôi đọc được một bài viết ngắn của một tác giả có tên là Hồ Minh Châu với đề tài: “Tìm hiểu thế giới của chúng ta (để thấy mình hạnh phúc)”, xin được chia sẻ:
Nếu ta ta thu nhỏ nhân loại thế giới thành một làng nhỏ có 100 người thì ta sẽ có:
* 57 người Châu Á, 21 người Châu Âu, 14 người Châu Mỹ và 8 người Châu Phi.
* Trong đó chia ra: 52 phụ nữ, 48 đàn ông, 70 người da màu, 30 người da trắng.
* Về tài sản có: 6 người sở hữu 59% tổng số tài sản của cả làng và cả 6 người đều là người Mỹ.
Trong số 100 người của làng sẽ như sau:
– 80 người không có nhà ở cho đúng nghĩa một căn nhà.
– 70 người mù chữ
– 60 người không được ăn no.
– 01 người chết trong đêm nay.
– 02 trẻ em được sinh ra trong ngày.
– Chỉ có 1 người có trình độ đại học trở lên.
– 01 người có máy tính.
– 09 người thất nghiệp
Nhìn thế giới cách cụ thể như thế, bạn sẽ thấy rằng bạn hạnh phúc hơn nhiều người, và chúng ta cần thông cảm, chia sẻ, thân ái vì loài người vẫn còn quá nhiều bất công, khoảng cách giữa giầu nghèo quá lớn, và thiếu thốn tri thức đến mức không thể tưởng tượng.
Nếu bạn có một căn nhà, trong tủ lạnh có thức ăn, bạn được ăn mặc tử tế…, bạn đã giàu có hơn 75% nhân loại.
Nếu bạn có tài khoản trong ngân hàng, có tiền trong túi…, bạn đã thuộc vào 8% những người đầy đủ trên thế giới.
Nếu bạn đã từng được đi học, đang đi học, bạn biết chữ, bạn thực sự may mắn hơn ít nhất 800 triệu người.
Nếu bạn có việc làm, bạn hạnh phúc hơn 600 triệu người đang thất nghiệp (hiện ở Mỹ có 14,6 triệu người).
Nếu bạn lành lặn, bạn đã may mắn hơn hàng chục triệu người bị thương tật, khuyết tật và khiếm thị.
Nếu sáng nay, bạn thức dậy khoẻ mạnh nghĩa là bạn đã sung sướng hơn hàng chục triệu người vừa chết đêm qua.
Nếu bạn chưa bao giờ trải qua chiến tranh, bạn chưa từng hấp hối vì đói khát, chưa từng bị mất tự do trong nhà tù, thưa bạn, bạn thật sự có thể tự hào bạn là người hạnh phúc và may mắn hơn 500 triệu người trên hành tinh còn nhiều đau thương tang tóc này.
Nếu bạn được đọc tài liệu này, đọc những dòng chữ này, bạn đã hạnh phúc thêm một lần nữa vì:
- Đã có một người bạn nào đó đã quan tâm đến bạn, đã tặng bạn tài liệu này để bạn có dịp… nhìn lại mình để bạn thấy được bạn là người may mắn, hạnh phúc hơn rất nhiều người !
- Bạn sẽ không còn than vãn, bạn khổ quá, bạn không được may mắn như người khác.
- Bạn sẽ không còn trách đời, trách cha mẹ, trách số phận, trách trời phật vv… đã đối xử không công bằng với bạn, vì bạn vẫn còn thiếu nhiều món chưa mua sắm được, bạn vẫn chưa bằng người lối xóm, người đồng nghiệp, hoặc người bà con của bạn.
- Và bạn hãy nhớ rằng, thế giới này, đất nước này và xung quanh bạn vẫn còn quá nhiều người thiếu thốn, nghèo khổ, đói rét, bệnh tật, khiếm thị, thương tật, và đang hấp hối ở đâu đó…
Và đã có hàng triệu người hy sinh trong thời kỳ dựng nước và giữ nước để cho các bạn cuộc sống tốt đẹp hôm nay.
(Hồ Minh Châu)
Tôi xin viết thêm:
Và hơn thế nữa, nếu bạn có đức tin vào Đức Giêsu Kitô đã chết và sống lại để giải thoát bạn khỏi tội lỗi và đem lại hạnh phúc vĩnh hằng cho bạn, bạn sẽ cảm nghiệm được rằng bạn được hạnh phúc hơn rất nhiều người. Xin bạn chia sẻ niềm tin này cho những người sống chung quanh bạn ! Xin bạn can đảm vác thập giá hàng ngày theo Chúa Giêsu để được thông phần Phục Sinh với Người !