Bài Giảng Lễ Tro 2014 Của Đức Cha Antôn
Giám Mục Giáo Phận Đàlạt
Tại sao Mùa Chay khởi đầu vào Thứ Tư ? Lịch Phụng Vụ Công Giáo căn cứ vào gốc chính là Lễ Phục Sinh, từ đó tiến về phía trước 6 tuần là 42 ngày (6x7 = 42), không kể 6 Chúa Nhật (dành để tôn vinh Chúa Giêsu sống lại) còn lại 36 ngày, lấy thêm 4 ngày từ Thứ Tư đến Thứ Bảy là 40 ngày Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro. Lễ này luôn luôn vào Thứ Tư, nhưng ngày tháng thay đổi mỗi năm vì Thứ Tư Lễ Tro liên hệ trực tiếp với Lễ Phục Sinh, nên Lễ Tro đến sớm nhất vào ngày 4 tháng 2, hoặc chậm nhất vào 10 tháng 3.
Gọi là Lễ Tro vì có “xức tro”, một nghi thức có truyền thống từ thời Cựu Ước như dấu chỉ đền tội. Trong Tân Ước, khi nói về sám hối, Thánh Matthêu nhắc lại việc dân thành Tia và Xiđôn rắc tro lên đầu: “Họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối” (Mt 11: 21).
Mọi người đã hiệp thông với chủ tế dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa là “Đấng hay tha thứ cho kẻ khiêm nhường và nguôi giận khi họ sám hối, xin thương ban ơn phúc cho các tôi tớ Chúa được xức tro để họ xứng đáng mừng mầu nhiệm vượt qua của Con Chúa. Xin chúc phúc cho tro mà chúng tôi sẽ xức trên đầu để nhận biết mình là tro bụi và sẽ trở về bụi đất. Nhờ lòng sốt sắng giữ Mùa Chay, chúng tôi được ơn tha tội và canh tân đời sống.”
Xức tro nhắc nhớ chúng ta “là bụi tro và sẽ trở về bụi tro” (St 3,19). Tro xức trên đầu chỉ người Kitô-hữu muốn tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu chuộc, đồng thời muốn bày tỏ lòng “thống hối và tin vào Phúc Âm” (Mc 1,15).
Trong bài Tin Mừng Thứ Tư Lễ Tro, Đức Giêsu nói đến ba việc đạo đức quan trọng của người Do Thái: cầu nguyện, bố thí, ăn chay. Không phải cứ đợi đến Mùa Chay chúng ta mới làm ba việc đó. Nhưng Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng ta chú ý hơn.
Cầu nguyện là làm mới lại tương quan với Thiên Chúa, giúp ta từ bỏ mọi tội lỗi quen phạm. Bố thí là chia sẻ của cải cho những người nghèo hơn. Chay tịnh là làm cho thân xác, tâm hồn mình trở nên nhẹ nhàng, thoát khỏi những cám dỗ sống hưởng thụ, ích kỷ. Cả ba việc này có tương quan chặt chẽ với nhau. Khi làm tốt một việc, sẽ dễ làm hai việc còn lại.
Giáo hội đã bắt đầu cuộc hành trình 40 ngày Mùa Chay. Không phải chỉ là ăn chay, mà là sống chay. Chay tịnh là một thái độ thấm vào cuộc sống. Khi bớt nuông chiều những đòi hỏi của thân xác, chúng ta sẽ thắng được những cám dỗ của thèm muốn vô độ.
Vị Chủ chăn của Giáo hội Công giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Thông điệp Mùa Chay đầu tiên của Ngài, đã chọn chủ đề “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8,9).
Trước tiên, Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa của việc Con Thiên Chúa “trở nên nghèo khó”: “Những lời ấy nói với chúng ta đâu là đường lối của Thiên Chúa… Chúa Kitô, Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, đồng hàng với Chúa Cha về quyền năng và vinh quang, đã trở nên nghèo; Ngài đã xuống giữa chúng ta, trở nên gần gũi với mỗi người chúng ta… Chính tình yêu của Thiên Chúa là nguyên nhân mầu nhiệm ấy … Tình yêu làm cho trở nên giống nhau, kiến tạo sự bình đẳng, phá đổ các bức tường và những ngăn cách.”
Kế đến, Đức Thánh Cha giải thích mục đích Con Thiên Chúa “trở nên nghèo khó” là để “làm cho chúng ta được giàu sang”: “Cái nghèo của Chúa Kitô … chính là sự kiện làm người, gánh lấy những yếu đuối của chúng ta, tội lỗi của chúng ta, thông truyền cho chúng ta lượng từ bi vô biên của Thiên Chúa. Chính cái nghèo của Chúa Kitô là sự giàu sang lớn nhất: giàu lòng tín thác vô biên nơi Thiên Chúa Cha, tín thác nơi Cha trong mọi lúc, luôn luôn và chỉ tìm kiếm thánh ý và vinh danh Thiên Chúa.”
Sau đó, Đức Thánh Cha áp dụng cho đời sống Kitô hữu: “Noi gương Thầy Chí Thánh, các Kitô hữu chúng ta được kêu gọi hãy nhìn đến tình cảnh lầm than của anh chị em chúng ta, động chạm đến, gánh lấy và hoạt động cụ thể để thoa dịu những lầm than ấy”. Đức Thánh Cha phân biệt 3 loại lầm than: lầm than vật chất, lầm than luân lý và lầm than tinh thần. Lầm than vật chất đè nặng trên những người sống trong hoàn cảnh không xứng đáng với con người: … thiếu các quyền cơ bản và nhu yếu phẩm như lương thực, nước, điều kiện vệ sinh, công ăn việc làm, khả năng phát triển và tăng trưởng về văn hóa. Đứng trước lầm than này, Giáo Hội đi gặp gỡ những người túng thiếu và chữa lành nhưng vết thương làm xấu xí khuôn mặt của nhân loại… Lầm than luân lý là khi làm nô lệ cho những tật xấu và tội lỗi. Bao nhiêu gia đình lo âu vì có một trong những phần tử của mình… nghiện rượu, ma túy, cờ bạc và dâm ô! Lầm than tinh thần khi chúng ta xa lìa Thiên Chúa và từ khước tình thương của Ngài… Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể cứu vớt và giải thoát chúng ta thực sự. Tin Mừng là thuốc giải độc đích thực chống lại lầm than tinh thần: Kitô hữu được mời gọi mang vào mọi môi trường lời loan báo giải thoát, theo đó có sự tha thứ tội lỗi đã phạm.
Kết thúc thông điệp, Đức Thánh Cha kêu gọi: “Ước gì Mùa chay này thấy được toàn thể Giáo Hội sẵn sàng và mau mắn làm chứng cho những người đang sống trong tình trạng lầm than vật chất, luân lý và tinh thần: làm chứng về sứ điệp Tin Mừng, được tóm tắt trong việc loan báo tình thương của Chúa Cha từ bi, sẵn sàng ôm lấy mỗi người trong Chúa Kitô”.
Chúng ta tiếp tục dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho mỗi gia đình biết loan báo tình thương của Chúa Cha từ bi, đặc biệt trong “Năm Phúc-Âm-hóa Đời sống Gia đình”.