BẾ MẠC NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
Liên Khương, 9/1/2016
(Bài giảng của ĐC Antôn, Giám Mục GP Đalạt)
Hôm nay các tu sĩ nam nữ liên giáo hạt Đức Trọng, Đơn Dương và Di Linh hiệp dâng Thánh Lễ Tạ Ơn bế mạc Năm Đời sống Thánh hiến. Tạ ơn về ơn gọi sống đời thánh hiến. Tạ ơn về một năm Giáo hội đã quan tâm đặc biệt đến chúng ta. Tạ ơn vì những thành quả mà những người sống đời thánh hiến đã đem lại cho Giáo hội và cho thế giới, cách riêng cho bà con lương giáo trong giáo phận Đà Lạt.
Trong năm qua, chắc hẳn mỗi người chúng ta đã được Chúa ban nhiều ơn lành, trong đó có thể là ơn “được sạch” như 10 người phong cùi được chữa lành trong bài Tin Mừng Luca vừa nghe đọc. Hôm nay không phải chỉ có một người nhưng là 254 người đăng ký đến đây để cùng tạ ơn Chúa.
Nhưng theo Sách Huấn Ca (50,22-24) và Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô (1 Cr 1,3-9) vừa nghe đọc, chúng ta được mời gọi chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa về điều căn bản nào ?
Sách Huấn Ca viết: “Giờ đây hãy chúc tụng Thiên Chúa muôn loài, Đấng đã làm những điều vĩ đại ở khắp nơi, Đấng đã làm cho đời sống chúng ta nên cao quý ngay từ thuở ta còn trong lòng mẹ, và đối xử với chúng ta theo lòng lân tuất của Người”.
Chúng ta “nên cao quý” nhờ ân huệ nào ? Thánh Phaolô viết: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu. Quả vậy, trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người.
Mầu nhiệm nào được Thánh Phaolô coi là căn bản nhất ? Trong thư gửi tín hữu Êphêsô, Thánh Phaolô khẳng định: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô… Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người”.
Có lẽ anh chị em đã nghe biết câu chuyện về công chúa Louise, con gái vua Louis XV nước Pháp. Một hôm cô nữ tỳ đang lau nhà đã vô ý làm dơ chiếc áo đẹp của công chúa. Công chúa quát mắng: “Mày có biết tao là công chúa của vua nước Pháp vĩ đại không?”. Cô nữ tỳ đáp: “Thưa công Chúa, em biết. Nhưng công chúa có biết em là ai không ? Em là công chúa của Vua Nước Trời mà công chúa tôn thờ”. Đêm hôm đó công chúa Louise không ngủ được vì suy nghĩ về câu nói của cô nữ tỳ. Sau đó công chúa đã quyết định xin Vua Cha và Hoàng hậu cho phép được dâng mình cho Chúa trong Đan viện Thánh Denis để sống mầu nhiệm làm công chúa của Vua Nước Trời. Cô đã tuyên khấn ngày 12/9/1771.
Như thế, ơn được làm nghĩa tử của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô là ơn cao quý nhất mà chúng ta hằng cảm tạ Thiên Chúa. Những người sống đời thánh hiến chẳng những đã được thánh hiến trở thành con Thiên Chúa qua bí tích Thánh Tẩy, mà còn được thánh hiến một lần nữa khi tuyên khấn trọn đời, đáp lại tình yêu của Hoàng tử Giêsu muốn chọn làm bạn trăm năm.
Chúng ta có xứng đáng được ơn cao quý đó không ? Chắc hẳn là không ! Khi đọc chương đầu Sách Hôsê, chúng ta thấy một chàng trai trẻ cưới một cô gái bất xứng với anh ta. Anh lấy một người đàn bà chẳng có tư cách gì hết, một cô gái điếm. Kinh Thánh dùng hình ảnh này để diễn tả tình yêu cứu độ của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Ở đây chúng ta thấy Israen quá bất xứng với tình yêu của Đức Chúa, vậy mà Ngài vẫn đổ tràn tình yêu trên họ. Hình ảnh Thiên Chúa đối xử với Israen ngày xưa thì Ngài cũng làm như vậy đối với mỗi người sống đời thánh hiến. Giống như Hôsê lấy một người vợ bất trung là Gôme, Thiên Chúa cũng kết hôn với một Israen bất trung. Kinh Thánh thường dùng hình ảnh hôn nhân để ám chỉ tương quan của Ngài với Israen: “Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 62,5). Thiên Chúa nói với Israen, và hôm nay nói với từng người chúng ta: “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu” (2,21). Anh chị em là những người cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho mình và đã đáp lại tình yêu đó.
Chúng ta tiếp tục dâng Thánh Lễ với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa về ơn gọi đời sống thánh hiến, một ân huệ Thiên Chúa không những ban cho cá nhân tu sĩ mà còn cho Giáo hội và cho thế giới. Chúng ta cầu nguyện cho nhau biết đáp lại tình yêu của Chúa một cách nồng nhiệt hơn nữa, nhất là biết thể hiện tình yêu đó với lòng “thương xót như Chúa Cha”. Amen.