C. Các Chúa Nhật III, IV và V Mùa Chay
69. Về ba Chúa nhật tiếp sau, cho năm A được sử dụng các bài Tin Mừng theo truyền thống nói về khai tâm Kitô giáo: Người phụ nữ Samari, người mù từ lúc mới sinh và ông Ladarô sống lại. Vì các bài Tin Mừng này có tầm quan trọng, nên cũng có thể được sử dụng cho các năm B và C, nhất là tại những nơi có anh chị em tân tòng. Tuy vậy, các bài đọc khác cũng được đề nghị : cho năm B, các bài Tin Mừng theo thánh Gioan loan báo việc tôn vinh Đức Kitô nhờ Thập Giá và Phục Sinh, và cho năm C, các bài về việc sám hối… Các bài đọc về người phụ nữ Samari, người mù từ lúc mới sinh và ông Ladarô sống lại, từ nay được đọc trong ngày Chúa nhật, nhưng chỉ buộc đọc một trong ba năm (năm A), còn trong các năm khác, có thể chọn đọc các bài này trong tuần nhờ ba “thánh lễ tuỳ nghi” mà người ta sẽ tự do sử dụng vào một ngày thích hợp trong tuần (OLM 97 và 98). Sự nhấn mạnh đến giáo lý là nét đặc thù của Mùa Chay được bày tỏ rõ ràng trong các bài đọc và lời cầu nguyện của năm A. Mối liên hệ giữa một bên là các chủ đề về nước, ánh sáng và sự sống, và một bên là phép thanh tẩy, thật rõ nét. Qua các bài đọc Thánh Kinh và lời nguyện Phụng Vụ, Giáo Hội hướng dẫn các anh chị em tân tòng đến việc khai tâm bí tích, điều sẽ được hoàn trọn trong lễ Phục Sinh. Giai đoạn cuối cùng này trong việc chuẩn bị có tầm quan trọng nền tảng, như có thể nhận thấy trong các lời nguyện được đọc vào dịp cử hành bỏ phiếu.
Còn các tín hữu khác thì sao ? Thật là hữu ích khi vị giảng thuyết có thể mời thính giả coi Mùa Chay như một khoảng thời gian để củng cố bí tích Thanh Tẩy của họ và thanh luyện đức tin. Tiến trình này có thể được giải thích dưới ánh sáng về quan niệm mà dân Ítraen đã thủ đắc từ kinh nghiệm của cuộc Xuất Hành. Đây là một biến cố mấu chốt để huấn luyện Ítraen thành Dân Thiên Chúa, tức là để khám phá ra những giới hạn và bất trung của họ, nhưng cũng để nhận ra tình yêu trung tín và vững bền Thiên Chúa dành cho họ. Tiếp đến, biến cố này còn được sử dụng như hình mẫu giải thích sự tiến bước với Thiên Chúa, trong suốt dòng lịch sử Ítraen. Như vậy, đối với chúng ta : Mùa Chay là thời gian, mà trong sa mạc là cuộc sống nơi trần thế, với những khó khăn, những sợ hãi và bất trung, chúng ta khám phá ra sự thân cận của Thiên Chúa, bất kể mọi thứ có thể gây cản trở, Người vẫn đưa dẫn chúng ta về Đất Hứa. Khoảnh khắc nền tảng cho đời sống đức tin của chúng ta tạo nên một thách đố. Các ân sủng đã lãnh nhận trong bí tích Thanh Tẩy, khi chúng ta được sinh ra, không thể bị lãng quên, cho dù tội lỗi chất chồng và những sai lầm của con người có thể che mờ những ân sủng đó. Sa mạc là nơi mà đức tin chúng ta bị thử thách, nhưng cũng tại đó, đức tin của chúng ta có thể được thanh tẩy và củng cố nếu chúng ta biết đặt đời sống của mình vào Thiên Chúa, mặc dù có những kinh nghiệm trái ngược. Ba Chúa nhật này đều có chủ đề chính là cách thức mà đức tin có thể được tăng cường liên tục, bất chấp tội lỗi (người phụ nữ Samari), sự ngu dốt (người mù từ thuở mới sinh) và cái chết (ông Ladarô). Đó là những “sa mạc” mà chúng ta được mời gọi vượt qua trong hành trình đời sống, và cũng là nơi chúng ta nhận ra mình không đơn độc, vì có Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
70. Mối liên hệ giữa những người chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy và các tín hữu làm cho Mùa Chay thêm sinh động, vì vậy, vị giảng thuyết cần phải cố gắng tạo nên mối liên kết giữa toàn bộ cộng đoàn và tiến trình chuẩn bị cho những người sắp được thanh tẩy. Khi cử hành các cuộc bỏ phiếu, rất nên đọc công thức liên quan đến người đỡ đầu, được ghi trong Kinh Nguyện Thánh Thể ; điều này có thể giúp mỗi người trong cộng đoàn nhớ lại rằng họ có vai trò chủ động phải thực thi là “người trợ giúp” cho người sắp chịu thanh tẩy, đồng thời họ có bổn phận dẫn đưa những người khác về với Đức Kitô. Chúng ta là các tín hữu, như người phụ nữ Samari, chúng ta được mời gọi chia sẻ đức tin của mình với người khác. Chính nhờ vậy, vào lễ Phục Sinh, những người tân tòng có thể thông báo với toàn thể cộng đoàn rằng : “Không còn phải vì lời các bạn kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng ta đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng Cứu Độ trần gian”.
71. Chúa nhật III Mùa Chay một lần nữa đưa chúng ta vào sa mạc, cùng với Đức Giêsu, và trước Người, cùng với dân Ítraen. Dân Ítraen đã lâm cảnh khát nước và sự việc này đã làm họ nghi ngờ nền tảng vững chắc của hành trình họ đang thực hiện theo lời mời gọi của Thiên Chúa : Tình trạng có vẻ như tuyệt vọng, cho đến lúc một sự trợ giúp hoàn toàn bất ngờ : Ông Môsê đã lấy gậy đập vào tảng đá cứng, và nước đã vọt ra ! Tuy nhiên, vẫn còn một thứ rất cứng và không thể lay chuyển, đó là tâm hồn con người. Thánh vịnh đáp ca đưa ra lời kêu mời mạnh mẽ với tất cả những ai hát hay nghe : “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa ! Người phán : các người chớ cứng lòng”. Trong bài đọc II, thánh Phaolô tuyên bố rằng niềm tự hào duy nhất của chúng ta là đức tin, nhờ Đức Kitô, đức tin làm cho ta đạt được ân sủng của Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch hy vọng. Niềm hy vọng này không phai nhạt bởi vì Thiên Chúa đã đổ tràn tình yêu vào lòng chúng ta, và như thế làm cho tâm hồn chúng ta có thể yêu mến. Thiên Chúa thông ban tình yêu cho chúng ta, không phải để thưởng công, vì Người đã thông ban ngay khi chúng ta còn là tội nhân, và vì Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Trong những câu này, thánh Tông Đồ mời gọi chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm Ba Ngôi chí thánh cũng như các nhân đức hướng thần là tin, cậy, mến.
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari diễn ra trong bối cảnh này, qua một cuộc đối thoại thân thiết gợi lên những thực tại nền tảng liên quan đến sự sống đời đời, và việc thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực. Đây là một cuộc đối thoại đầy ánh sáng, vì nó phản ánh việc huấn luyện đức tin. Khởi đầu cuộc gặp gỡ, cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và người phụ nữ diễn ra ở những mức độ khác nhau. Do tính khí thực dụng và cụ thể, người phụ nữ chú tâm vào nước và cái giếng. Đức Giêsu phớt lờ mối quan tâm cụ thể này, và Người nhấn mạnh đến nước ban sự sống là ân sủng… cho đến khi những mục tiêu rất khác biệt gặp nhau và hai người gặp gỡ nhau. Sau đó, Đức Giêsu đề cập đến câu chuyện đau thương nhất trong cuộc đời người phụ nữ, tình trạng hôn nhân bất hợp pháp của chị. Điều này làm cho chị nhận ra sự mỏng giòn của chị và ngay tức khắc, mở tâm trí của chị trước mầu nhiệm Thiên Chúa ; như chị cho thấy qua việc nêu lên những câu hỏi về việc thờ phượng phải có đối với Thiên Chúa : Vào lúc chị đón nhận lời mời tin Đức Giêsu là Đấng Mêsia, chị được tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa, và chị đã chạy về gặp những người trong thành để chia sẻ cho họ điều chị vừa được biết.
Khi đức tin của chúng ta được nuôi dưỡng bởi lời Thiên Chúa, bí tích Thánh Thể và việc chu toàn thánh ý Chúa Cha, đức tin ấy sẽ giúp chúng ta mở ra trước mầu nhiệm Thiên Chúa, được minh hoạ qua hình ảnh “nước hằng sống”. Ông Môsê đã đập vào tảng đá và nước đã vọt ra ; người lính đã đâm vào cạnh sườn Đức Kitô, và máu cùng nước đã chảy ra. Và đó là điều mà Giáo Hội kính nhớ khi đặt trên môi miệng những người đang tiến lên rước lễ: “Chúa nói : “Ai uống nước tôi cho, thì nơi người ấy, nước đó sẽ thành một mạch nước chảy vọt, mang lại sự sống đời đời”.
72. Không chỉ có chúng ta là những người khát nước. Lời tiền tụng của ngày lễ này đọc như sau : “Khi xin người phụ nữ Samari nước uống, Người đã ban cho bà ơn đức tin. Vì Người tha thiết ước mong bà tin vững mạnh, nên đã đốt lên trong lòng bà ngọn lửa yêu mến Thiên Chúa”. Đức Giêsu đã ngồi bên bờ giếng vì mỏi mệt và khát nước. (Thật vậy, vị giảng thuyết có thể nêu rõ sự kiện là các bài Tin Mừng của ba Chúa nhật Mùa Chay này cho thấy bản tính nhân loại của Đức Giêsu : sự mỏi mệt Người trải qua khi ngồi bên bờ giếng, cử chỉ Người lấy bùn trộn với nước miếng để chữa lành người mù từ thuở mới sinh, nước mắt Người chảy ra khi đứng trước mộ ông Ladarô). Cơn khát của Đức Giêsu đạt tới cao điểm vào những giây phút cuối đời khi Người kêu lên lúc đang bị treo trên thập giá : “Tôi khát !”. Điều này có nghĩa là Đức Giêsu muốn hoàn thành thánh ý của Đấng đã sai Người và hoàn tất công trình cứu độ. Rồi sự sống vĩnh cửu vọt ra từ cạnh sườn bị đâm thủng của Người, và sự sống ấy được thông ban cho chúng ta qua các bí tích. Khi chúng ta thờ phượng trong thần khí và sự thật, thì lúc đó chúng ta lãnh nhận lương thực cần thiết để tiếp tục tiến bước trên hành trình của mình.
73. Chúa nhật IV Mùa Chay tràn ngập ánh sáng; điều này được nêu rõ trong Chúa nhật “Laetare” này qua màu sắc tươi sáng của phẩm phục Phụng Vụ và hoa được được trang trí trong nhà thờ. Mối liên hệ giữa mầu nhiệm Phục Sinh, bí tích Thanh Tẩy và ánh sáng được diễn tả ngắn gọn qua câu văn sau đây của bài đọc II: “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào ! Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi”. Mối liên hệ này gợi lại và đưa đến một soạn thảo sau này trong lời tiền tụng: “Nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, Người dẫn đưa nhân loại đang lần bước trong u tối đến nguồn ánh sáng đức tin. Nhờ phép Rửa mang lại đời sống mới, Người giải thoát những kẻ sinh ra đã mắc tội truyền, và nâng lên hàng nghĩa tử của Thiên Chúa”. Một sự soi sáng như thế, mà nguồn mạch là phép Rửa, sẽ được củng cố mỗi lần khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể. Thời điểm này được nhấn mạnh qua lời của người mù từ thuở mới sinh, và được trích lại trong ca hiệp lễ: “Chúa xức bùn vào mắt tôi: tôi đi, tôi rửa, tôi thấy, và tôi tin Thiên Chúa”.
74. Tuy vậy, vào Chúa nhật IV Mùa Chay này, chúng ta không chiêm ngắm bầu trời không có bóng mây: Thật thế, tiến trình cho chúng ta, cuối cùng, “nhìn thấy” thì trong thực tế phức tạp hơn nhiều so với điều được mô tả ngắn gọn trong trình thuật chữa lành người mù từ thuở mới sinh. Bài đọc một cho chúng ta nhận định rằng: “Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó… người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng”. Đây là một lời cảnh báo bổ ích cho những người sắp lãnh nhận phép Rửa, mà sự chờ đợi tăng dần theo thời gian khi lễ Phục Sinh đã gần kề, cũng như cho toàn thể cộng đoàn. Lời nguyện hiệp lễ khẳng định rằng Thiên Chúa soi chiếu tất cả những ai đến từ thế giới này: tuy nhiên, thách đố phát xuất từ chúng ta tiến gần nhiều hay ít với ánh sáng, hay từ điều mà chúng ta xa cách. Như vậy vị giảng thuyết có thể mời thính giả lưu tâm rằng người mù từ thuở mới sinh đã được nhìn thấy lại cách từ từ, trong khi các địch thủ của Đức Giêsu lại bị tác động từ sự mù loà như thế lại không ngừng tăng lên. Người vừa được chữa lành bắt đầu gọi người chữa lành cho mình là “Người tên là Giêsu”; rồi sau đó, anh xác định Người là một vị ngôn sứ; và sau cùng, anh tuyên bố: “Thưa Ngài, tôi tin”, rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người và thờ lạy Người. Về phần mình, những người Pharisêu lại càng lúc trở nên mù quáng hơn: thoạt đầu, họ chấp nhận đã có phép lạ xảy ra, và sau đó họ từ chối coi đây là một phép lạ, và sau cùng họ trục xuất người vừa được chữa lành ra khỏi hội đường. Trong suốt câu chuyện này, những người Pharisêu hoàn toàn tin chắc vào điều họ đã biết, trong khi người mù từ thuở mới sinh nhìn nhận sự ngu dốt của mình. Đoạn văn Tin Mừng kết thúc với lời cảnh báo của Đức Giêsu: Sự xuất hiện của Người tạo nên một “khủng hoảng”, theo nghĩa đen của từ ngữ, tức là một cuộc phán xét: Người đem lại ánh sáng cho người mù, còn những kẻ vốn nhìn thấy lại trở nên đui mù. Trước sự chống đối của người Pharisêu, Đức Giêsu trả lời: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘chúng tôi thấy’, nên tội các ông vẫn còn”. Sự soi sáng được tiếp nhận trong phép Rửa phải được trải dài trên những khoảng sáng và khoảng tối trong cuộc lữ hành của chúng ta; chính vì vậy chúng ta cầu xin trong lời nguyện nhập lễ: “Lạy Chúa là ánh sáng muôn đời… xin rộng ban ân sủng làm cho tâm hồn chúng con được bừng sáng huy hoàng, để chúng con hằng biết suy tưởng những điều đẹp lòng Chúa, và chân thành yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn.”
75. “Ladarô, bạn của chúng ta, đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây”. Chúa nhật trước, cộng đoàn Phụng Vụ đã được nghe lời khích lệ của thánh Phaolô về việc đánh thức người đang ngủ, trong Chúa nhật này, lời ấy được bày tỏ cách đầy khâm phục trong dấu lạ cuối cùng, cũng là một trong những “dấu lạ” lớn nhất do Đức Giêsu thực hiện và được Tin Mừng thứ IV thuật lại, đó là việc làm cho ông Ladarô sống lại. Tính cách quyết định của sự chết, được củng cố qua sự kiện ông Ladarô đã chết được bốn ngày, dường như vẫn còn là trở ngại lớn hơn việc làm cho nước vọt ra từ tảng đá, hay đem lại ánh sáng cho người mù từ thuở mới sinh. Tuy nhiên, trước tình cảnh này, cô Mátta cũng đưa ra một lời tuyên xưng đức tin giống như của ông Phêrô: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”. Niềm tin của cô không chỉ dựa trên điều Thiên Chúa có thể thực hiện trong tương lai, nhưng trên điều Thiên Chúa đang thực hiện ở đây và lúc này: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống”. Thành ngữ “Tôi là”, điều xuyên suốt trong toàn bộ trình thuật Gioan, là một ám chỉ rõ ràng về mặc khải chính Thiên Chúa đã tỏ cho ông Môsê; ta thấy thành ngữ này xuất hiện trong tất cả các bài Tin Mừng của các Chúa nhật này. Thật vậy, khi người phụ nữ Samari nói về Đấng Mêsia, Đức Giêsu trả lời: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây”. Trong trình thuật chữa lành người mù từ thuở mới sinh, Đức Giêsu nói: “Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian…” Còn hôm nay, Người nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống”. Điều quan trọng cần có để lãnh nhận sự sống này là đức tin: “Chị có tin thế không?” Mặc dù rất nhiệt thành tuyên xưng niềm tin, nhưng cô Mátta vẫn lưỡng lự: Khi Đức Giêsu bảo hãy dỡ bỏ phiến đá đậy ngôi mộ, cô phản đối vì sợ mùi hôi bốc ra. Như vậy, chúng ta được nhắc nhở lần nữa rằng theo Chúa Giêsu là một sự dấn thân suốt cả đời. Dù chúng ta đã chuẩn bị lãnh các bí tích Khai Tâm trong hai tuần nữa, hay dù chúng ta là những Kitô hữu lâu năm, tất cả chúng ta đều phải liên tục dấn mình vào một cuộc chiến đấu thiêng liêng, với mục đích là tăng cường và đào sâu niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô.
76. Việc làm cho ông Ladarô sống lại là hoàn thành lời Thiên Chúa hứa được công bố qua miệng ngôn sứ Êdêkien trong bài đọc I: Ta sẽ mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt. Trọng tâm của mầu nhiệm Phục Sinh hệ tại việc Đức Kitô đến để chịu chết và sống lại, và để hoàn thành nơi chúng ta điều Người đã làm cho ông Ladarô: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi”. Người giải thoát chúng ta không chỉ khỏi cái chết thể lý, nhưng còn khỏi bao nhiêu cái chết khác vẫn đang hành hạ và làm chúng ta đui mù: tội lỗi, thất bại, đổ vỡ. Vì vậy, đối với chúng ta là những Kitô hữu, điều thiết yếu là phải luôn dìm mình trong mầu nhiệm Phục Sinh. Điều này được công bố trong Lời Tiền Tụng của Chúa nhật này: “Là người thật, Đức Kitô đã khóc Ladarô, bạn hữu Người; là Thiên Chúa hằng sống, Người đã truyền cho Ladarô sống lại ra khỏi mồ. Ngày nay, cũng vì thương xót nhân loại, Người đã đưa chúng con vào đời sống mới, nhờ các bí tích nhiệm mầu”. Cuộc gặp gỡ hằng tuần của chúng ta với Chúa Giêsu chịu đóng đinh và sống lại diễn tả niềm tin của chúng ta vào Đấng đang là, ở đây và lúc này, sự sống lại và sự sống của chúng ta. Chính xác tín này làm cho chúng ta có thể, vào Chúa nhật tuần tới, cùng với Người tiến vào thành Giêrusalem, nhắc lại lời của thánh Tôma tông đồ: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy”.
D. Chúa nhật Lễ Lá và Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu
77. “Vào Chúa nhật lễ Lá cuộc khổ nạn của Chúa, khi đi rước lá, người ta chọn các bản văn trong ba Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại việc Đức Giêsu long trọng tiến vào thành Giêrusalem, còn trong Thánh Lễ, người ta đọc trình thuật cuộc khổ nạn của Chúa” (OLM 97). Hai truyền thống cổ xưa đánh dấu cử hành Phụng Vụ này, cùng một thể loại: tại Giêrusalem, người ta có thói quen tổ chức rước kiệu, và tại Rôma, người ta có thói quen đọc trình thuật cuộc khổ nạn. Niềm hân hoan chung quanh việc Đức Kitô Vua tiến vào thành thánh mau chóng nhường chỗ cho một trong hai bài ca về Người Tôi Tớ đau khổ và việc long trọng công bố cuộc khổ nạn của Chúa. Phụng Vụ này diễn ra vào Chúa nhật, mà từ xưa đến nay, luôn đi liền với cuộc Phục Sinh của Đức Kitô. Làm thế nào vị chủ tế có thể trình bày toàn bộ những yếu tố thần học rất đặc trưng của ngày này, trong khi vẫn để ý đến những nhận xét mang tính mục vụ, khi mà ngài được khuyên là giảng vắn tắt? Câu trả lời được tìm thấy trong bài đọc II, tương hợp với bài ca rất hay trong thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Philípphê: Bài đọc này trình bày bản tóm tắt tuyệt vời về toàn bộ mầu nhiệm Phục Sinh. Vì thế, vị giảng thuyết có thể đưa ra nhận định vắn tắt rằng, trong ngày mà Giáo Hội bước vào Tuần Thánh, chúng ta được mời gọi trải nghiệm Mầu Nhiệm này trong chính cuộc đời và tâm hồn của mình. Thật thế, vẫn có những thực hành và truyền thống địa phương thôi thúc dân chúng chú tâm vào những biến cố đã xảy ra trong những ngày cuối cùng của Đức Giêsu; tuy nhiên, khát khao tha thiết của Giáo Hội không chỉ là chúng ta cảm động, nhưng là thôi thúc chúng ta đào sâu đức tin. Trong các cử hành phụng vụ Tuần Thánh, khởi đầu là Chúa nhật lễ Lá, chúng ta không chỉ giới hạn vào việc nhớ lại điều Đức Giêsu đã làm, nhưng trên hết, chúng ta muốn dìm mình trong mầu nhiệm Phục Sinh để được chết và sống lại với Đức Kitô.