CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH HỒN
02/11/2017 tại nghĩa trang Lộc Phát
(bài giảng của Đức Cha Antôn)
Dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho các linh hồn là dịp để chúng ta ôn lại Giáo lý Công giáo về việc cầu nguyện cho những người đã qua đời.
Nền tảng Thánh Kinh, Thánh Truyền và Giáo huấn của Hội Thánh:
Sách 2 Macabê kể lại việc “Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền và gửi về Giêrusalem để xin dâng hy tế tạ tội ; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quí này vì cho rằng người chết sẽ sống lại…Đó là lý do khiến ông xin dâng hy tế đền tội cho những người đã chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (x. 2 Mcb 12, 43-46). Đây là nguồn gốc trong Kinh Thánh Cựu Ước về việc cầu nguyện cho người quá cố dựa trên niềm tin vào sự sống lại của kẻ chết.
Niềm tin này đã được củng cố vững vàng hơn với biến cố lịch sử về cuộc tử nạn và phục sinh của chính Chúa Kitô Giêsu như Kinh Thánh Tân Ước đã tường thuật tỉ mỉ (x. Mt.27-28; Mc 15-15, Lc 23-24; Ga 19-20).
Sách Giáo Lý mới của Giáo Hội đã khuyến khích việc cầu nguyện cho kẻ chết dựa vào niềm tin vào sự sống lại và vào lời dạy của Thánh Gioan Kim Khẩu sau đây: “Chúng ta hãy cứu giúp và tuởng nhớ đến những người đã qua đời. Nếu con cái ông Job được thanh luyện nhờ sự hy sinh của ông, thì tại sao chúng ta lại nghi ngờ rằng những việc hiến dâng của chúng ta sẽ đem lại an ủi cho các linh hồn ấy? Vậy chúng ta đừng ngần ngại cứu giúp những người đã qua đời và cầu nguyện cho họ” (x. John Chrysostom,Hom. In 1 Cor.41,5:PG 61,361).
Luyện tội và hình phạt hữu hạn
Theo Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo thì tất cả những ai chết trong ơn nghĩa Chúa đều được bảo đảm phần rỗi đời đời trên Thiên đàng; ngược lại là hỏa ngục. Nhưng nếu chưa được thanh sạch hoàn toàn sau khi chết thì phải được thanh luyện lần cuối cùng trong Luyện ngục trước khi được vào hưởng niềm vui Thiên Đàng (x. Sách Giáo Lý Công Giáo số 1030).
Thực ra, Thiên đàng, hỏa ngục, luyện ngục không phải là một nơi chốn, nhưng là một tình trạng. Một ví dụ có thể giúp ta dễ hiểu: một người ra tòa để được xét xử, nếu vô tội thì được tha bổng; hoặc nếu có tội nặng thì phải tù chung thân; hoặc nếu có tội nhẹ thì ngồi tù 10 năm chẳng hạn với hy vọng có ngày được tha bổng, thậm chí có thể được mãn hạn tù sớm hơn nếu cải tạo tốt hoặc có người can thiệp.
Đây là lý do vì sao Giáo Hội khuyến khích việc cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục để giúp họ được mau vào vui hưởng Thánh Nhan Chúa.
Tội trọng và tội nhẹ đều có thể được tha thứ qua bí tích hoà giải – trừ tội phạm đến CTT, tức là cố tình chối bỏ Thiên Chúa – (x. Mt 12,31).
Sau khi đã được hoà giải với Chúa và với Giáo Hội, hối nhân phải làm việc “đền tội” cho mọi tội trọng và nhẹ đã được tha qua bí tích hoà giải. Đây là hình phạt hữu hạn mà hối nhân phải thi hành để “sửa lại những xáo trộn mà tội đã gây nên” theo lời dạy của Công Đồng Trentô (x. CĐ Trentô DS 1712).
Việc “đền tội” này, nếu không được làm đầy đủ khi còn sống, thì phải được thanh luyện trong Luyện ngục sau khi chết. Ở đây các linh hồn có thể trông cậy vào sự cứu giúp của Đức Mẹ, của các Thánh và của các tín hữu còn sống đang hiệp thông trong Giáo Hội lữ hành. Các linh hồn cũng có thể cầu bầu cho các tín hữu còn sống nhưng không thể tự giúp mình được vì thời giờ làm việc lành phúc đức đã hết.
Các Thánh trên Thiên Đàng có thể nguyện giúp cầu thay cho các linh hồn trong luyện tội và cho các tín hữu còn sống nhưng không cần ai trợ giúp nữa vì đã được hưởng trọn vẹn Nhan Thánh Chúa rồi.
Đây là ý nghĩa về Tín điều các Thánh thông công trong Giáo Hội Công Giáo.
Trong Thánh Lễ được gọi là Hy tế Tạ Ơn, chúng ta hiệp ý tạ ơn Thiên Chúa vì những người thân của chúng ta đang an nghỉ nơi đây là những người đã hoàn tất cuộc sống ở trần thế này.
Theo Sách Khôn ngoan, điều quan trọng không phải là “hưởng thọ” hay “hưởng dương” nhưng là “hoàn tất” cuộc sống của mình. Sách Khôn ngoan viết: “Còn xuân xanh mà đã nên hoàn thiện là lời kết án người cao tuổi mà sống bất lương” (Kn 4, 16). Sách Khôn ngoan còn viết: “Tuổi thọ đáng kính không phải bởi sống lâu, cũng không do số tuổi. Đối với con người, sự khôn ngoan còn quý hơn tóc bạc, sống không tì ố đã là sống thọ” (Kn 4, 8-10).
Chúa Giêsu hoàn tất cuộc sống ở trần thế khi mới 33 tuổi, nhưng khi Người tắt thở thì “bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa” (Lc 23,45), tức là Chúa Giêsu đã khai thông con đường đến với Thiên Chúa cho hết mọi người, đã mở ra một cuộc sống mới cho mọi người nhờ sự Phục Sinh: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi” (Lc 24, 5-6). Thật vậy, Đức Giêsu đã “lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17).
Biến cố Vượt Qua, là sự chết và sự PS của Chúa Giêsu, được cử hành trong Thánh Lễ, nhưng là một thực tại mà mọi Kitô hữu phải sống: đó là cùng chết với Đức Kitô, tức là từ bỏ tội lỗi, để được cùng sống lại với Đấng PS.
Như thế, việc cầu nguyện cho những người đã qua đời là dịp để chúng ta tưởng nhớ ngày được “sinh ra” trong Nước Trời sau khi hoàn tất cuộc sống ở trần thế này. Thời gian sống không quan trọng bằng chất lượng cuộc sống, tức là sống xứng đáng với ân sủng được làm con cái Thiên Chúa và làm anh em của mọi người theo gương Đức Giêsu.
Chúng ta tiếp tục dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho cho các linh hồn và cầu nguyện với các linh hồn bầu cử cùng Chúa cho chúng ta là “con cháu Evà ở chốn khách này” biết sống Mầu Nhiệm Vượt Qua trong suốt trong hành trình cuộc đời đang tiến về “Giêrusalem trên trời”. Amen.