LỄ ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ VUA VŨ TRỤ
Vương quyền của Vua Giê-su Ki-tô
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Đn 7:13-14; Kh 1:5-8; Ga 18:33b-37)
Trong khi Phụng vụ Lời Chúa của Năm A và C nói nhiều về những việc làm của Đức Giê-su Ki-tô với tư cách Vua vũ trụ thì Lời Chúa năm B lại nhấn mạnh đến vương quyền của Người. Thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en coi vương quyền của Đức Ki-tô là quyền thống trị vĩnh cửu (bài đọc 1). Thị kiến của thánh Gio-an tông đồ thì cho chúng ta hình ảnh Chúa Giê-su là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian, Đấng đã làm cho nhân loại trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa (bài đọc 2). Cuối cùng, bài Tin Mừng ghi lại cuộc đàm thoại ngắn giữa Chúa Giê-su và tổng trấn Phi-la-tô về vương quyền của Chúa. Người khẳng định bản chất vương quyền của Người là làm chứng cho sự thật. Mừng lễ trọng Đức Giê-su Ki-tô Vua vũ trụ hôm nay, chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa nói với chúng ta về vương quyền của Người thực sự là gì.
1. Vương quyền của Đức Ki-tô Vua là quyền thống trị vĩnh cửu. Nghe điều này là chúng ta nhận ra ngay sự khác biệt giữa vương quyền của các vua trần gian với vương quyền của Vua Giê-su Ki-tô, vì các ông vua trần gian sau khi họ chết thì vương quyền của họ cũng tan thành mây khói. Vậy ai cho chúng ta biết vương quyền của Vua Giê-su Ki-tô là quyền thống trị vĩnh cửu? Đó là ngôn sứ Đa-ni-en. Trong một thị kiến ban đêm, ngôn sứ đã nhìn thấy một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến và được dẫn tới trình diện Đấng Lão Thành để Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị muôn đời. Ở đây đối với Đa-ni-en, một Con Người hoặc đơn giản là một người ám chỉ dân Ít-ra-en, tôi tớ của Thiên Chúa có mặt trong chương trình của Người, còn Đấng Lão Thành chính là Thiên Chúa. Nhưng vì Chúa Giê-su đã áp dụng hình ảnh này cho mình (Mát-thêu 26:64), nên chúng ta hiểu Con Người chính là Đức Giê-su Ki-tô. Vậy Đấng Lão Thành, tức Thiên Chúa Cha, đã trao cho Chúa Giê-su quyền thống trị, vinh quang và vương vị. Đặc biệt quyền thống trị của Con Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một. Đây cũng là điều được thánh Phao-lô nói đến trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (2:9).
Đối với Đức Vua có quyền thống trị, vinh quang và vương vị, mọi người trong mọi thời và mọi nơi đều phải phụng sự Người. Nếu Thiên Chúa Cha đã siêu tôn Chúa Giê-su là Chúa (Dominus cũng mang ý nghĩa của Đức Vua), thì “muôn vật trên trời, dưới đất và trong nơi âm phủ” phải bái quỳ phụng sự Người cũng là điều dĩ nhiên mà thôi. Như thế, sấm ngôn của Đa-ni-en và việc Chúa Giê-su áp dụng sấm ngôn ấy cho minh, cùng với tư tưởng siêu tôn Đức Giê-su Ki-tô là Chúa trong thư Phi-líp-phê, tất cả đã nói lên tính tuyệt đối và vĩnh cửu của vương quyền Đức Ki-tô vậy.
2. Vương quyền của Chúa Giê-su đã làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa. Vương quyền của vua chúa trần gian thì “dùng uy mà thống trị dân” và “lấy quyền mà cai quản dân” (Mác-cô 10:42). Nhưng theo thị kiến của thánh Gio-an tông đồ, vương quyền của Chúa Giê-su thì ngược lại: đem tình yêu làm động lực để “lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người”. Vì thế vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời được kính dâng lên Người như Đức Vua vũ trụ. Rồi thánh Gio-an chỉ cho chúng ta thấy: “Kìa, Người ngự đến trong đám mây. Ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người”. Cuối cùng thánh tông đồ khẳng định rằng vương quyền của Chúa Giê-su là vương quyền vĩnh cửu, vì Người chính là “An-pha và Ô-mê-ga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến”.
Điều quý trọng nhất đối với chúng ta về vương quyền của Chúa Giê-su, đó là nhờ Chúa Giê-su là Vua mà chúng ta được trở thành vương quốc và hàng tư tế của Người để phụng sự Thiên Chúa. Đúng thế, Chúa Giê-su đã chết trên thập giá để làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa và được tham dự vào chức tư tế của Người mà phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người và của chúng ta. Như vậy, quả thực là một vinh dự và đặc ân lớn lao chưa từng thấy khi chúng ta từ thân phận tội lỗi được vương quyền Chúa Giê-su biến đổi thành tạo vật mới trong Nước Thiên Chúa tại trần gian và nên những kẻ chiến thắng trong Nước Thiên Đàng ở trên trời mai sau.
3. Vua Ki-tô tuyên bố: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật”. Bình thường chúng ta thấy một ông vua hay tổng thống nói về sứ mệnh của mình là đem lại hạnh phúc cho dân chúng và làm cho dân giàu nước mạnh. Còn Vua Ki-tô của chúng ta lại khác. Người tuyên bố mục đích cuộc đời và sứ mệnh của Người là làm chứng cho sự thật! Có lẽ lời tuyên bố này thật khó hiểu. Làm chứng cho sự thật. Vậy sự thật này là gì và Vua Ki-tô sẽ làm chứng như thế nào? Trước hết chúng ta hãy loại bỏ quan niệm sai lầm của Phi-la-tô và dân Ít-ra-en về vương quyền của Chúa Giê-su. Trong mắt Phi-la-tô, Chúa Giê-su là một người nguy hiểm cho đế quốc Rô-ma và mối đe dọa cho địa vị tổng trấn của ông. Vì thế trước khi kết án, ông phải hạch hỏi Người: “Ông đã làm gì?” Lập tức Chúa Giê-su trả lời ông khi Người minh xác rằng: “Nước tôi không thuộc về thế gian này”. Rồi Người lập luận đanh thép: Nếu nước tôi cũng giống như một quốc gia trần thế thì thuộc hạ của tôi sẽ chiến đấu để bảo vệ tôi. Đúng thế, “thuộc hạ” của Chúa Giê-su không phải là binh lính mang vũ khí, nhưng là những đám đông dân chúng lũ lượt đi theo Người để được nghe lời giảng Tin Mừng và được chữa lành mọi thứ bệnh tật. Chúa Giê-su không “huấn luyện” họ lấy vũ lực mà chiến đấu với quân địch, nhưng Người dạy dỗ họ và kêu gọi họ sám hối, chiến đấu với tội lỗi vô hình và tin vào Tin Mừng để được cứu độ. Lời giải thích của Chúa đã quá rõ ràng, nhưng vẫn không làm cho Phi-la-tô thay đổi được suy nghĩ vì ông ta quá lo lắng cho địa vị của mình. Ông ta hỏi lại Chúa một lần nữa: “Vậy ông là vua sao?” Đến đây Chúa Giê-su không muốn tranh luận với Phi-la-tô nữa, mặc kệ cho ông ta lẩn quẩn với tư tưởng cho rằng Người là vua. Tuy nhiên Chúa Giê-su thấy cần phải khẳng định lần cuối cùng về mục đích của sứ mệnh “vua” của Người, đó là làm chứng cho sự thật.
Giống như Phi-la-tô, chúng ta cũng đều thắc mắc: “Sự thật là gì?” Sự thật mà Chúa Giê-su nói đến ở đây đã được thánh sử Gio-an gói ghém trong một câu: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Gio-an 3:16). Đó là sự thật, nhưng nhân loại không muốn nhìn nhận sự thật ấy. Tuy nhiên Chúa Giê-su luôn ý thức sứ mệnh cao cả của Người là làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Người đã làm chứng bằng lời giảng và các phép lạ, bằng cách bênh vực những người cô thân cô thế và bị loại ra lề xã hội, bằng cách đến với những người tội lỗi để đưa họ về đường ngay nẻo chính. Tất cả những gì Người nói và làm đều là để cho người ta thấy rõ sự thật “Thiên Chúa yêu thế gian” như thế nào. Nhưng để làm chứng rằng không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại, Chúa Giê-su đã “sẵn sàng thí mạng sống mình” vì chúng ta và chịu chết trên thập giá! Lấy cái chết để minh chứng cho tình yêu thì chỉ có Chúa Giê-su Ki-tô mới làm nổi mà thôi.
Sống sứ điệp Lời Chúa
“Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Đó là những lời cuối cùng Chúa Giê-su nói với Phi-la-tô. Nhưng đó cũng là lời hiệu triệu của Vua Giê-su Ki-tô muốn nói với tất cả chúng ta là thần dân của Người. Qua lời kêu gọi này, trước hểt Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta hãy ý thức về căn tính hoặc “quốc tịch” của chúng ta. Chúng ta đã được Người chuộc về để làm “con Thiên Chúa” và không còn là thù địch của Thiên Chúa nữa. Nói khác đi, chúng ta là công dân của vương quốc Đức Ki-tô, là binh sĩ dưới quyền thống lãnh của Vua Giê-su để chiến đấu chống lại tội lỗi và ma quỷ. Vậy bổn phận của chúng ta là hãy làm công dân tốt bằng cách nghe lời Chúa và đem ra thực hành và hãy làm “người lính giỏi của Đức Ki-tô” (miles Christi, xem 2 Ti-mô-thê 2:3) để cùng với Người chiến đấu trong trận chiến cuối cùng cho Nước Cha trị đến. Bước theo lý tưởng của Vua Giê-su Ki-tô, chúng ta hãy làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa bằng đời sống đầy yêu thương của chúng ta: yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết dạ và yêu thương anh chị em như chính mình.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi