Chúa Nhật XIII Thường Niên C
Hãy Theo Tôi
Lc 9:51-62: 51 Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem.52 Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến.53 Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem.54 Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không? “55 Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông.56 Rồi Thầy trò đi sang làng khác.
57 Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.”58 Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” 59 Đức Giê-su nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi! ” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.”60 Đức Giê-su bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.” 61 Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.”62 Đức Giê-su bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”
Đoạn 9:51-62 khởi đầu phần thứ hai của tin mừng Luca. Trước đây Chúa Giêsu chữa lành và rao giảng tại Galilêa. Người đã tỏ mình ra như là Đấng Cứu Thế, Đấng Kitô (9:18-24), Con Thiên Chúa. Bây giờ Người làm cuộc hành trình lên Giêrusalem, để thực hiện cuộc thương khó do vai trò cứu thế của Người đòi hỏi. Hành trình nầy bao gồm 10 chương (9:51-19:27). Ở câu 19:27-28, Luca ghi nhận là Chúa Giêsu đã đến Bêthphagê và Bêthania, cạnh núi Cây Dầu. Từ đó Nguời sai hai trong số các môn đệ đi đem về cho Người con lừa con, để Người vào thành Giêsuralem và thi hành sứ vụ cuối cùng của Người trong thành nầy (19:28-31:38). Hành trình lên Giêrusalem có thể chia làm ba giai đoạn, dựa trên ghi nhận “Người lên Giêrusalem” (9:51-13:21; 13:22-17:10; 17:11-19:27). Trong phần đầu của giai đoạn một, Luca nói đến việc tuyển chọn và sai đi các môn đệ (9:51-10:24). Đoạn 9:51-62 gồm hai đoạn kế tiếp nhau: – Câu chuyện khi đi ngang qua làng Samaritanô (9:51-56); – Những đòi hỏi nơi người theo Chúa (9:57-62).
Chúa Giêsu đã ở Galilêa để chữa bệnh và giảng dạy (x. 9:10b). Giai đoạn nầy đã hoàn tất. Sứ vụ của Người chuyển sang hướng khác là lên Giêrusalem (9:51-56). Để đánh dấu việc khởi đầu nầy, Luca dùng cách nói trọng thể: “khi đã đến ngày” (x. Cv 2:1), “hướng mặt đi lên Giêrusalem”. Động từ “đi lên” và “mặt Người” (cc. 51-53) được dùng kết hợp với nhau cho thấy hành vi có tính cách quyết liệt và nhắm đạt đến đích. Analēmpsis “đưa lên” vừa có nghĩa là “lên trời”, vừa là “ra đi”. Trong Kinh Thánh chữ nầy chỉ xuất hiện duy nhất ở đây. “Ngày của Chúa được đưa lên” có nghĩa không chỉ là ngày Người sẽ chịu chết trên thánh giá, mà còn là ngày Người được chỗi dậy và lên trời. Tất cả những sự việc nầy sẽ xảy ra cách liên kết với nhau.
Để đi lên Giêrusalem, họ phải đi ngang qua Samaria (9:51; x. Mt 19:1-2; Mc 10:1). Chỉ Luca ghi lại sự kiện xảy ra tại một làng nào đó ở Samaria: sự không hiếu khách và phản ứng của hai môn đệ Gioan và Giacôbê. Có nhiều lý do để đặt chú tâm vào hai môn đệ hơn là sự không hiếu khách: 1- câu chuyện nầy nằm trong văn mạch liên quan đến việc tuyển chọn và sai các môn đệ đi. Ngay sau đoạn nầy là những đòi hỏi dứt khoát nơi người môn đệ. Câu chuyện một người nào đó nhân danh Chúa Giêsu của họ mà trừ quỷ (x. 9:49-50) và câu chuyện nầy muốn nêu lên phần nào cá tính và khuyết điểm của họ, cũng như những người sẽ đến đi theo Chúa (x. 9:57-62). 2- Chúa Giêsu sẽ dùng những cơ hội nầy mà chỉ dạy và đòi hỏi họ thay đổi. 3- “Samaria” xuất hiện 2 lần trong tin mừng Luca với cái nhìn tích cực: hình ảnh người Samaritanô nhận hậu (10:33), người phong cùi biết ơn (17:16). Do đó, có thể nói Luca dùng sự kiện nầy như là khung cảnh mở đầu cho hành trình, và cũng là cơ hội cho việc bộc lộ cá tính của các môn đệ của Người. Người Samaria không hiếu khách vì họ biết mục đích hành trình của Chúa Giêsu (9:52).
Liên kết với đoạn trước, đoạn nầy cũng nằm trong bối cảnh Chúa Giêsu “trên đường đi” lên Giêrusalem (c.57a). “Trên đường đi” diễn tả cách tượng hình sự vận chuyển không ngừng tiến về phía trước. Hình ảnh nấy gắn liền với chủ đề “đi theo” của cả đoạn nầy (cc. 57.59.61). Đoạn nầy gồm ba cuộc gặp gỡ và đối thoại (9:57-62); trong khi Matthêô chỉ ghi lại hai (x. Mt 8:18-21). Chương 9 nầy nói nhiều lần nhất đến việc “đi theo” Chúa: dân chúng (9:11), những ai muốn (9:23), người không theo Chúa mà trừ quỷ (9:49), và ba người trong đoạn nầy (9:57.59.61). Hầu hết việc “đi theo” Chúa đều đặt ra những điều kiện và đòi hỏi. Đòi hỏi “vác thánh giá” (9:23) là đòi hỏi tổng quát và căn bản nhất. Ba đòi hỏi tiếp theo là cụ thể tùy theo từng cá nhân.
Trong cuộc đối thoại với người thứ nhất (9:57-58), Chúa Giêsu nói rõ là Người không có một chỗ ở nào cả. Hình ảnh cái hang của con cáo và tổ ấm của con chim, và nơi tựa đầu, chỉ một nơi cư ngụ. Nơi cư ngụ là đòi hỏi căn bản nhất không chỉ của con người, mà cả muôn loài trên mặt đất. Ai cũng lo lắng cho chuyện nầy trước tiên. Có được nó, chính là sự an toàn (x. 16:9). Cụm từ “Người Con của Nhân Loại” trong bối cảnh “đi lên Giêrusalem” ám chỉ đến cuộc thương khó. Người “không có nơi tựa đầu”, vì phải đi cho đến khi hoàn tất sứ mạng. Như thế, đi theo Người “trên đường” là tiến về phía trước vì sự cấp bách của sứ mạng, và bỏ lui đằng sau mọi sự an toàn. Chúa Giêsu sẽ chỉ dạy cho các môn đệ thái độ không dính bén khi vào nhà nào đó khi họ được sai đi: ở lại, ăn uống hay ra đi khỏi nhà đó (x. 10:1-12). Sứ mạng là quan trọng, chứ không phải nơi cư ngụ. Chúa Giêsu là nơi cư ngụ và sự an toàn của người môn đệ.
Cuộc đối thoại thứ hai gồm một lời mời gọi (c. 59a), một lời yêu cầu bị từ chối (cc. 59b-60a), và một lời sai đi (9:60b). So với Matthêô, Luca thêm câu “ra đi rao giảng Nước Thiên Chúa” (c. 60b), tạo nên sự song song với lời yêu cầu “ra đi chôn cất cha tôi”. Luca dùng đại danh xưng “tôi”(c. 59) và “anh” (c. 60) để nhấn mạnh là cả hai lời yêu cầu của người nầy lẫn lời sai đi của Chúa Giêsu đều quan trọng, mạnh mẽ và cấp bách; và người nầy phải chọn lựa. Chữ “trước” không chỉ có nghĩa về thời gian, mà còn có nghĩa “ưu tiên”, “trước mọi sự”, nhất là khi chữ nầy được dùng với “Nước Thiên Chúa” (x. Mt 6:33). Như thế, có thể hiểu là người nầy đặt tương quan gia đình ưu tiên hơn lời mời gọi của Chúa, “Hãy theo tôi” (c. 59).
Cần khẳng định là lời từ chối của Chúa Giêsu không nghịch với lề luật dạy thảo kính cha mẻ, nhất là đối với người chết (x. Tobia 1:17; 4:3; 6:15; Sirach 7:33; 22:11-12; 38:16-23). Không thể hiểu câu Chúa nói theo nghĩa đen, vì người chết không thể đi chôn kẻ khác. Khi nói với các môn đệ về sự chọn lựa tương quan giữa Chúa Giêsu và gia đình, Chúa Giêsu thường dùng cách nói phóng đại “Ai đến cùng Tôi mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả sự sống đời nầy, không thể là môn đệ của Tôi” (14:26). Điều nầy chỉ có nghĩa là phải yêu mến Người hơn tất cả (x. Ez 24:15-24). Cũng phải được hiểu tương tự như thế trong trường hợp nầy. Ra đi rao giảng Nước Thiên Chúa (x. 8:1; 9:2.11; 10:9) thì ưu tiên hơn ra đi chôn cất người chết, dù đó là cha mình.
Kết cấu của cuộc đối thoại thứ ba tương tự như cuộc đối thoại trước (9:60-61). Ở đây Luca đề cập đến tương quan gia đình rộng hơn, không chỉ là với “nơi cư ngụ” (c. 58), “cha” (c. 59), mà “những người trong nhà” (c. 61). Apotassomai có nghĩa là “giã từ”, và “bỏ đi”. Như người trước, người nầy đặt những tương quan nầy “trước” tương quan với “Nước Thiên Chúa”. Hậu cảnh của câu trả lời của Chúa Giêsu là câu chuyện Êlisêô đang cày với 12 đôi bò (1V 19:20). Ý nghĩa chính của lời khôn ngoan nầy: “Đã tra tay vào cày” là đã khởi đầu việc cày. “Nhìn lại đàng sau” theo nghĩa đen là nhìn những luống đất đã cày. Động từ “nhìn” ở thể phân từ hiện tại chỉ hành động đang diễn ra. Vì “đang nhìn” đàng sau, thì không thể tiến lên phía trước và cày ngay hàng thẳng lối. Do đó, chính việc “đang nhìn lui đàng sau” nầy cản trở cho mục đích của việc đi theo Chúa là loan báo Nước Trời. Euthetos, có nghĩa là “hữu dụng”, “thích hợp” như hình ảnh hạt muối (x. 14:35). Vậy, người không đặt ưu tiên cho việc đi theo Chúa thì không thích hợp cho việc rao giảng Nước Trời.
Tâm điểm của đoạn nầy là đặt ưu tiên tương quan của người môn đệ với Chúa Giêsu trên mọi sự.
Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến