diỄn tỪ vỀ nhỮng biẾn cỐ cuỐi cùng
(Luca 21,5-19 – CN XXXIII – C)
1.- Ngữ cảnh
Đức Giêsu tiếp tục giáo huấn tại Đền Thờ. Tác giả Lc đã ghi lại một diễn từ dài bàn về số phận của Giêrusalem và Đền Thờ (21,8-36). Bản văn được kết cấu theo cấu trúc đồng tâm như sau:
A. Cảnh báo mở đầu (8-9)
B. Các tai họa vũ trụ (10-11)
C. Những gì phải xảy ra trước:
a) Các cuộc bách hại người Kitô hữu (12-19),
b) Hình phạt cho Giêrusalem (20-24).
B’. Các tai họa vũ trụ vào lúc tận thế (25-33)
A’. Cảnh báo kết thúc (34-36).
Bản văn này thường được gọi là “Diễn từ cánh chung” của Đức Giêsu bởi vì bài đề cập đến các eschata, “các sự sau cùng”, của Giêrusalem cũng như thế giới. Ở trong Tin Mừng Nhất Lãm, bản văn này cũng thường được gọi là “Diễn từ khải huyền”, bởi vì bài trình bày các eschata này bằng giọng điệu khải huyền. Có thể tạm hiểu “cánh chung học” là một khối giáo huấn về các eschata (ở đây là eschata của Giêrusalem và thế giới); còn “khải huyền” là một dạng văn chương hoặc một kiểu suy nghĩ.
Bản văn đọc trong Phụng vụ hôm nay là nửa đầu của bài Diễn từ trên. Phần này được dẫn nhập bằng một câu hỏi các thính giả đặt ra cho Đức Giêsu; câu hỏi này đến sau khi họ nghe Đức Giêsu tiên báo về số phận của Đền Thờ và các vật trang hoàng.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần:
1) Dẫn nhập vào Diễn từ cánh chung (21,5-7);
2) Diễn từ cánh chung (nửa bài) (21,8-19):
a) Cảnh báo mở đầu (cc. 8-9),
b) Các tai họa vũ trụ (cc. 10-11),
c) Những gì phải xảy ra trước: Các cuộc bách hại người Kitô hữu (cc. 12-19).
3.- Vài điểm chú giải
– Đền thờ (5): Sau khi dân Do Thái từ Babylon hồi hương, họ xây dựng Đền Thờ thứ hai theo sự hướng dẫn của Dơrúpbaven, để thay cho Đền Thờ vua Salômôn đã bị vua Nabucôđônoso phá hủy vào năm 586 tCN. Công trình kiến trúc mới này được xây trên vị trí cũ và được hoàn tất vào khoảng năm 515 tCN (Kg 1,4-15). Đền Thờ mới này không được trang hoàng đẹp bằng Đền Thờ của vua Salômôn, nên vua Hêrôđê Cả đã tô điểm lại Đền Thờ vào năm 15 triều đại ông (20-19 tCN). Vào dịp Đức Giêsu thanh tẩy Đền Thờ, Tin Mừng Gioan cho biết là công việc tái thiết đã đến năm thứ bốn mươi sáu (2,20). Thật ra công việc trùng tu còn kéo dài cho đến khoảng năm 63, tức chỉ còn bảy năm nữa là bị tàn phá.
– bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra (7): “Các sự việc đó” chính là cuộc tàn phá Đền Thờ, chứ không phải là “những sự cuối cùng” (như câu hỏi trong Mc 13,4b). Câu hỏi này trở thành điểm đưa tới Bài diễn từ cánh chung.
– bị lừa gạt (8): Động từ planan có nghĩa là “đưa đi xa sự thật hoặc sự trung thành”.
– Chính ta đây (8): Có những kẻ đến mạo danh Đức Giêsu, bởi vì Người vắng mặt: Có những đoạn văn gợi ý như thế (x. 12,35-48; 19,11-27).
– Thời kỳ đã đến gần (8): Đọc hết bài Diễn từ cánh chung, với cc. 28 và 31, có thể nói “thời kỳ” đây chính là sự sai lạc Lc đã lưu ý ở 19,11: “Đức Giêsu lại kể thêm một dụ ngôn, vì Người đang ở gần Giêrusalem và vì họ tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi”.
– loạn lạc (9): Tác giả TM III đã sửa cụm từ “tin đồn chiến tranh” của Mc (13,7a) thành “loạn lạc” (akatastasia, “cuộc nổi dậy; sự rối loạn”) rất có thể là để phản ánh cuộc nổi dậy của người Do Thái Paléttina để chống lại người Rôma (66-70 sau CN); cuộc nổi dậy này đã đưa tới chiến tranh thực thụ.
– Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia (10): x. 2 Sb 15,6.
– nước này chống nước nọ (10): x. 4 Er 13,31.
– Sẽ có những trận động đất lớn (11): xem Ed 38,19-22.
– nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền (12): “Nộp cho các hội đường và các nhà tù (phylakas)” hẳn là nhắm đến những bách hại do người Do Thái gây ra. “Điệu đến trước mặt các vua và các quan” hẳn là nhắm đến những bách hại do Dân ngoại gây ra. Tuy nhiên, về lý thuyết, “nhà tù” cũng có thể gợi đến cảnh giam giữ của Dân ngoại, cũng như “vua” có thể là những nhân vật như vua Hêrôđdê Ácríppa. Còn “quan [quyền]” (hêgemones) thì hầu chắc nhắm đến các thủ lãnh Dân ngoại, như Phêlích (x. Cv 23,24–24,27) và Pokiô Phéttô (Cv 24,27–26,32). Nếu như vậy, trong sách Cv, chúng ta có các minh họa là các cuộc bách hại Têphanô, Phêrô, Giacôbê và Phaolô.
– anh em đừng suy tính trước phải bào chữa cách nào (14): Động từ promeletan là một từ chuyên môn để nói về việc thực tập hoặc ghi nhớ một bài diễn từ trước; vì thế cách dịch của Lm Nguyễn Thế Thuấn rất gợi ý: “tập dọn [biện hộ]”.
– cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu (16): Cặp thứ nhất, “cha mẹ và anh em” được dùng ở 18,29. Nay tác giả tạo thêm cặp thứ hai, “bà con và bạn hữu”, như để tương ứng với hai cặp ở c. 12.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Dẫn nhập vào Diễn từ cánh chung (5-7)
Đền Thờ Giêrusalem do vua Hêrôđê xây dựng rất đẹp. Người ta thường nói: “Nếu bạn chưa thấy Đền Thờ Giêrusalem, bạn chua thấy được thứ tuyệt vời nhất trên thế giới”. Trong khi giảng dạy tại Đền Thờ, Đức Giêsu nghe được một vài thính giả bình phẩm về vẻ tráng lệ của Đền Thờ, với những vật dụng trang hoàng lộng lẫy. Người đã đáp lại: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (c. 6). Lời Người nói không phải là một lời lưu ý, nhưng là một lời tuyên bố mang tính ngôn sứ, một lời tiên báo đáng lo ngại: Sẽ đến lúc mọi sự bị phá tan tành. Lời Người nói quá rõ và đã được ứng nghiệm khi Đền Thờ bị đốt phá vào cuối tháng tám hoăc đầu tháng chín năm 70 (Chiến tranh Do Thái 6.4,5 § 250-284). Tuy nhiên, vào lúc này, lời Đức Giêsu khẳng định khiến những người đang nghe Người nói phải thắc mắc; họ đã hỏi: “Vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra?”. Câu hỏi này đã trở thành bàn đạp cho Đức Giêsu trình bày Bài diễn từ cánh chung: Các thính giả hỏi Người về một dấu hiệu báo trước cuộc tàn phá Giêrusalem, Đức Giêsu lại nêu ra một loạt các dấu hiệu không liên hệ đến cuộc tàn phá Giêrusalem, mà là đến sự cùng tận của thế giới.
* Diễn từ cánh chung (nửa bài) (8-19)
Bài diễn từ cánh chung bắt đầu từ c. 8. Đây là một bài độc thoại, vì không có một thính giả nào can thiệp để hỏi.
Trong lời cảnh báo mở đầu (cc. 8-9), Đức Giêsu lưu ý đề phòng các ngôn sứ giả, tức là những kẻ mượn danh Người mà nói về chiến tranh và loạn lạc, tức là nói về cuộc tàn phá Đền Thờ trong tương lai gần. Đức Giêsu dùng ngôn ngữ khải huyền tương tự Đn (x. Đn 2,28) mà nhấn mạnh rằng “những việc đó phải xảy ra trước”, “nhưng không phải là tận cùng ngay đâu” (c. 9c). Còn khi nói về “các dân nổi lên chống lẫn nhau, những thiên tai địa họa” (cc. 10-11), Người gợi đến Is 19,2 và 2 Sb 15,6, cũng như Ed 38,19-22. Tất cả những điều này được nêu lên từ câu hỏi về tàn phá Đền Thờ, nhưng Đức Giêsu lại muốn cảnh báo về một mối nguy khác liên hệ đến “thời kỳ” (kairos). Đây không chỉ là thời điểm tàn phá Đền Thờ, mà chính là thời điểm Nước Thiên Chúa xuất hiện trong vinh quang, Con Thiên Chúa tỏ mình ra trên mây trời. Lc đã lưu ý như thế ở 19,11. Trong Mc (13,8), tác giả cho thấy là chiến tranh và những tin đồn về loạn lạc là “khởi đầu các cơn đau đớn”; còn với Lc, chiến tranh và loạn lạc cũng chẳng phải là dấu hiệu báo trước nữa: chúng không liên hệ gì đến cùng tận, chúng phải xảy ra trước cùng tận, nhưng không phải là lời loan báo cùng tận. Vì đối với Lc, cùng tận chưa đến ngay, nên ngài không kể lể dài dòng về các dấu hiệu báo trước (cc. 10-11). Các dấu hiệu này khá mơ hồ, nên đúng với mọi thời; điều này là để cho hiểu rằng “không phải là tận cùng ngay đâu”.
Bây giờ tác giả mới nhấn mạnh đến thái độ các tín hữu phải có trong khoảng thời gian cách biệt họ với tận thế. Vì tận thế bị đẩy vào một tương lai xa vơi, vô định, các Kitô hữu phải biết sống trong thời gian, đương đầu với lịch sử, biết kiên vững qua dòng thời gian; đặc biệt họ phải can đảm đương đầu với các cuộc bách hại (cc. 12-19). Phần thứ hai của tác phẩm Lc (= sách Cv) đã cho thấy rõ điều này: vào thời Họi Thánh sơ khai, các Kitô hữu đã bị bách hại (Cv 4,16-18; 8,1b-3; 12,1-5). Đức Giêsu cho thấy rằng các bách hại này phát xuất từ các “nguồn” Do Thái và Dân ngoại, từ các hội đường và nhà tù, từ các vua và các quan. Tất cả mọi chuyện này sẽ xảy đến vì “Danh Người”. Những bách hại đó sẽ thách đố các môn đệ “làm chứng” rằng họ là “Kitô hữu” (x. Cv 11,26). Đức Giêsu khuyên các môn đệ đừng lo lắng phải tự biện hộ như thế nào, vì chính Đức Giêsu – chứ không là Thánh Thần như trong Mc (13,11) – sẽ giúp họ ăn nói và có sự khôn ngoan để làm cho những kẻ bách hại họ phải lúng túng.
Nhưng Đức Giêsu cũng lưu ý rằng cuộc bách hại này không chỉ đến từ người ngoài (Do Thái và Dân ngoại), nhưng còn đến từ bà con thân thuộc mình. Hơn nữa, họ không chỉ bị bắt hay bị bỏ tù, mà con bị giết chết nữa. Lý do luôn luôn là: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét” (c. 17).
Tuy nhiên, các cảnh báo này chẳng mấy chốc đã được chuyển thành một lời hứa đạt được chiến thắng. Nếu các môn đệ bền chí, họ sẽ “giành được mạng sống”. Khi viết như thế, Lc đã bỏ lời nói của Mc về tận thế: “kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mc 13,13). Bởi vì dưới cái nhìn của tác giả Lc, các cuộc bách hại không được kết nối với thời cuối cùng mà chỉ là đặc điểm của thân phận người Kitô hữu trong trần gian. Như thế, sự bền chí chính là điều kiện cần có để có thể đương đầu với những tình cảnh khó khăn nhất cũng như với nếp sống nhàm chán hằng ngày.
+ Kết luận
Với bài diễn từ này, Đức Giêsu xác định lối sống các môn đệ Người phải theo trong thời gian giữa cuộc Phục Sinh của Người và việc Người trở lại vĩnh viễn. Đức Giêsu không còn ở với các môn đệ cách hữu hình nữa. Các ông phải tiến đi trong cuộc lữ thứ trần gian trong sự hiểu biết khái quát về bản chất của các thực tại trần thế và xác tín vững chắc vào chiến thắng cuối cùng của Thầy các ông. Người không hứa giữ cho các môn đệ khỏi nguy hiểm hay bách hại. Người đảm bảo cho các ông rằng, dù có thế nào, Nước Thiên Chúa sẽ tiếp tục tiến tới. Đây là thời gian của Họi Thánh. Các tín hữu cần phải biết sống đức tin diễn tả ra bằng sự bền chí trong mọi tình huống của cuộc sống.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Dòng lưu chuyển của thế giới vẫn cứ tiếp diễn như lâu nay, với những tai họa thiên nhiên và những tai họa gây ra do hận thù và sự điên rồ của loài người. Lịch sử nói chung sẽ mang dấu ấn là các cuộc chiến tranh, những mối hận thù giữa các dân tộc, các trận động đất, các nạn đói. Sự kiện Đức Giêsu đã đến cũng như công trình của Người, và cả cuộc Phục Sinh, không đưa con người đi vào một vườn địa đàng trên mặt đất này. Trái đất vẫn là thế như lâu nay: một thung lũng nước mắt và đau thương. Trong cuộc sống trần thế này, không có gì tồn tãi mãi. Người tín hữu phải biết đâu là điểm tựa của đời mình.
2. Người ta thích tìm ra các dấu hiệu, các “điềm”, để được an tâm về cuộc sống tương lai. Đức Giêsu không cung cấp một dấu hiệu để trấn an, khiến người ta có thể ỷ y vào đó mà sống thiếu trách nhiệm. Người giúp các thính giả bình thản đón tiếp các biến cố và sống niềm tin trong các biến cố đó mà làm chứng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát; điều chính yếu là cuộc sống và lời nói của họ phải đưa niềm hy vọng Kitô giáo vào trong thế giới, là giúp sống niềm tin.
3. Các môn đệ của Đức Giêsu phải biết rằng tư cách môn đệ của họ, sự kết hiệp với Đức Giêsu, tất cả những điều này không là một đảm bảo về vinh dự, về sự bình an và được nhìn nhận. Lại phải nói là chính vì họ thuộc về Người, mà họ sẽ phải chia sẻ thân phận của Người: bị bách hại bởi những thế lực bên ngoài, bị chống đối bởi chính những người thân trong gia đình, bị mọi người ghét bỏ và khước từ. Nhưng điều quan trọng là Tin Mừng được loan báo cho muôn dân.
4. Đức Giêsu không muốn nói rằng lịch sử của nhân loại chỉ gồm toàn những thiên tai địa họa, còn lịch sử đời các môn đệ chỉ gồm toàn những bách hại. Nhưng cũng đúng là thiên tai địa họa cũng như các cuộc bách hại là những đặc điểm của lịch sử trần thế này, nên các môn đệ của Đức Giêsu phải được chuẩn bị cho những điều ấy. Đức Giêsu không muốn cho các môn đệ Người có những ý tưởng sai lạc về tương lai. Họ phải tin tương vững vàng vào lời nói của Người.
5. Có những người tưởng rằng phải có những thử thách lớn lao thì mới chứng tỏ được bản lãnh của mình, và họ chờ đợi những biến cố “kinh thiên động địa” để chứng tỏ bản thân. Thật ra, bản lãnh của con người còn được chứng tỏ qua việc kiên trì sống cuộc sống đều đều nhàm chán hằng ngày với tất cả ý thức và tình yêu. Và cũng đúng là chỉ người nào có khả năng đứng vững trong cuộc sống hằng ngày thì mới đứng vững trong những cơn gian nan thử thách.
Lm FX Vũ Phan Long, ofm