Chúa Nhật XXXIII Thường Niên C
Không Còn Đá Nào Trên Đá Nào
Lc 21:5-19: 5 Có ít người nói đến Ðền thờ là được đá xinh đẹp và đồ lễ tạ trau giồi, thì Ngài nói: 6 “Về những điều các ngươi ngắm đó, sẽ đến những ngày: “Sẽ không để đá còn trên đá, bất cứ gì cũng bị phá tan tành”.
7 Họ mới hỏi Ngài rằng: “Lạy Thầy, vậy bao giờ các điều ấy sẽ xảy ra, và sự gì sẽ làm điều báo mọi sự ấy sắp đến?”
8 Nhưng Ngài nói: “Các ngươi hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt. Vì sẽ có nhiều kẻ đội danh Ta đến nói rằng: – Chính là Ta; và: – Thời buổi đã gần bên; các ngươi chớ đi theo họ!” 9 “Khi các ngươi nghe có giặc giã, và loạn lạc, các ngươi chớ hoảng hốt: vì các sự ấy phải xảy đến trước, nhưng vẫn chưa phải là cùng tận ngay đâu”.
10 Bấy giờ Ngài nói với họ: “Dân này sẽ dấy lên chống dân kia, nước này chống nước nọ. 11 Sẽ có động đất lớn, và đó đây có ôn dịch và đói kém; sẽ có những điều kinh khủng và những điềm cả thể tự trời đến.”
12 “Nhưng trước mọi điều ấy, người ta sẽ tra tay trên các ngươi và bắt bớ, nộp các ngươi cho hội đường, và tống ngục, điệu các ngươi đến các vua chúa quan quyền vì danh Ta. 13 Một cơ hội để các ngươi làm chứng! 14 Vậy các ngươi hãy ghi kỹ trong lòng là đừng tập dọn biện hộ! 15 Vì Ta sẽ cho các ngươi miệng lưỡi cùng khôn ngoan, làm hết thảy những kẻ chống đối các ngươi đều vô phương cự lại hay kháng lý”. 16 “Các ngươi sẽ bị nộp do cả cha mẹ, anh em bà con, bạn hữu; và họ sẽ giết nhiều người trong các ngươi. 17 Và các ngươi sẽ bị mọi người ghét vì danh Ta. 18 Nhưng dù một sợi tóc cũng không rơi mất khỏi đầu các ngươi. 19 Chính bởi kiên nhẫn mà các ngươi giữ được mạng sống các ngươi”.
Đoạn nầy nằm trong văn mạch lời giảng dạy của Chúa Giêsu trong Đền thờ (19:47-21:38); diễn từ nầy chia làm hai ở câu 21:4. Phần thứ hai 21:5-36 bàn về số phận của Giêrusalem và Đền thờ (x. Mc 13:5-37; Mt 24:1-36), và có thể chia làm ba phần: Bối cảnh của lời tiên báo (21:5-7); Lời tiên báo (21:8-28); Khuyến dụ tỉnh thức và dụ ngôn cây vả (21:29-36). Đoạn về nội dung của lời tiên báo (21:7-28) nói đến những biến động: Kitô giả (cc. 8-9), chiến tranh (cc. 10-11), bắt bớ (cc.12-19); Đền thờ sụp đổ (cc. 20-24); Những dấu hiệu của việc Người Con Nhân Loại trở lại (cc. 25-28).
Trong tin mừng Luca, nhiều lần Chúa Giêsu nói đến ngày Người đến. Trong 12:35-48, Người khuyến dụ mọi người phải tỉnh thức, trung tín và sẵn sàng. Trong 17:20-37, Người nhấn mạnh điều nầy là không ai có thể biết được khi nào Người Con của Nhân Loại đến. Liên quan đến đền thờ Giêrusalem, Người đã khóc cho nó vì sẽ đến ngày bị bỏ hoang phế (13:34-35). Trong diễn từ nầy, Luca đặt việc tàn phá Giêrusalem (21:6.20-24) trong tương quan chặt chẽ với ngày Con Người sẽ đến (21:25-28). Luca đã ghi nhận trước điều nầy là khi thấy Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, người ta nghĩ là Nước Thiên Chúa đã đến (19:11). Vậy đền thờ Giêrusalem và những biến cố chung quanh việc tàn phá nầy liên quan rất trực tiếp với Chúa Giêsu và việc Người sẽ đến.
Bối cảnh của lời tiên báo về số phận của đền thờ Giêrusalem (21:5-7). Chúa Giêsu ở trong Đền thờ và giảng dạy (x. 19:47; 20:1; 21:37-38). Đền thờ đang được nói đến là đền thờ thứ hai, sau đền thờ do Salômon xây, và bị tàn phá bởi người
Nội dung của lời tiên báo (21:8-19). Mở đầu phần nầy là câu hỏi về thời điểm và những dấu lạ đi trước biến cố ấy (c. 7). Để trả lời, Chúa Giêsu nói đến ba điều: liên quan đến những người lấy danh Chúa đến và kêu gọi người ta đi theo họ (21:8-9); liên quan đến chiến tranh giữa các nước, những thiên tại và đói kém trên mặt đất (21:10-11); liên quan đến việc bắt bớ các môn đệ của Chúa Giêsu (21:12-19).
Về việc những người lấy danh Chúa mà đến và kêu gọi môn đệ (21:8-9). Mệnh lệnh Chúa Giêsu đưa ra trước: “Hãy coi chừng đừng để bị lừa gạt” (c. 8). Động từ “planaō” có nghĩa là “dẫn lạc đường”; động từ nầy chỉ xuất hiện một lần ở đây trong Luca. Trong Marcô, động từ nầy liên hệ đến sự hiểu biết Thiên Chúa. Nếu không biết Sách Thánh viết về Người, sẽ bị rơi vào lầm lạc; Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống, chứ không phải của kẻ chết (Mc 12:24.27; Mt 22:29). Vậy, mệnh lệnh nầy kêu gọi các môn đệ của Chúa Giêsu phải lắng nghe Chúa Giêsu để khỏi bị dẫn đi sai đường. Cách dùng chữ “Những người đến lấy danh của tôi” tương tự lời tung hô của dân chúng khi Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem “Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến” (19:38). Lấy danh của ai là đại diện và hiện thân của người đó. Thành ngữ “đến nhân danh Chúa” ám chỉ Đấng Messia của Thiên Chúa. Đã có những người lấy danh của Người mà trừ quỷ (9:49). Những người ấy sẽ lập lại những lời nói của Chúa Giêsu: “Tôi đây” cách nói Chúa Giêsu thường dùng (22:70; 24:39; đặc biệt trong tin mừng Gioan 4:26; 6:20; 6:35; 6:41…); “Thời buổi đã gần bên” chính Chúa Giêsu đã rao giảng (10:9.11; Mc 1:15). Như thế, ở đây không ám chỉ Đấng Messia, mà “Kitô” giả (x. Mt 24:5). Họ muốn thay thế Chúa Kitô và kêu gọi các môn đệ đi theo họ; thành ngữ “đi theo sau” chỉ việc trở thành môn đệ (x. 9:23; 14:27).
Chúa Giêsu dùng ngôn ngữ khải huyền khi nói về những chuyện sẽ xảy ra trước khi Đền thờ bị tàn phá. Về chiến tranh (c. 9) Người nói cách mơ hồ, và ám chỉ Đaniel 7:22tt. Những sự kiện nầy phải xảy ra trước khi kết thúc với Đền thờ bị tàn phá (Đaniel 2:28tt. 45). Về các thiên tai (cc. 10-11), cũng bằng ngôn ngữ khải huyền (x. Is 19:2; 2 Sử biên 15:6; Ezk 38:19-22).
Về việc bắt bớ các môn đệ Chúa Giêsu (cc. 12-16). Chúa Giêsu báo trước những bắt bớ các môn đệ của Người phải chịu, hoặc do người do thái, vua chúa và quan quyền (c. 12; 12:11), hoặc do gia đình, bạn bè và thân nhân (c. 16). Tất cả đều lấy “danh của Người” mà làm đều ấy. Người muốn các môn đệ dùng cơ hội nầy mà “làm chứng cho Người (c. 13). Phần Người, Người bảo đảm cho họ sự khích lệ (c. 14) và nâng đỡ (c. 15); đồng thời bảo đảm cho họ sự sống đời đời nếu họ kiên trì trong sự bắt bớ nầy (cc. 17-18). Về việc bắt bớ bởi người do thái, Luca ghi nhận những sự kiện trong Công vụ tông đồ 4:16-18; 9:1b; 12:1-5; 12:1-11; 25:13:26:32. Liên quan đến “hội đuờng”, thời Chúa Giêsu những ai tin vào Người, sẽ bị trục xuất ra khỏi hội đường (x. Gio 12:42). Bị bắt bớ bởi vua chúa và quan quyền: Felix (Cv 23:24-24:27), Porcius Festus (Cv 24:27-26:32). Các tông đồ bị bắt, giết chết: Stêphanô (Cv 6:8-7:60), Phêrô (Cv 12:3), Giacôbê (Cv 12:2), Phaolô (Cv 23:12.14.18; 24:27).
Kết luận (c. 19). Hypomonē, do chữ hypo-menō có nghĩa là “ở bên dưới”, chỉ sự kiên trì, bền bỉ trong mọi tình huống, nhất là biết thời gian thử thách hiện tại sẽ qua đi. Luca hình tượng hoá điều nầy bằng hình ảnh hạt giống. Nó kiên trì chịu mục nát, biến đổi để trở thành mùa màng trĩu hạt (x. 8:15). Vậy, bắt bớ sẽ qua đi. Cần kiên trì chịu thử thách ấy, sẽ được nhận ơn cứu độ.
Cần đọc trọn vẹn diễn từ mới hy vọng hiểu rõ ý nghĩa và mục đích của những điều được tiên báo. Xin gợi ý một vài điều để suy nghĩ thêm. Giêrusalem và đền thờ là điểm trung tâm diễn từ nầy nhắm đến. Đền thờ được ca ngợi bởi những trang hoàng đẹp đẽ của nó (c. 5). Tuy nhiên, Chúa Giêsu tiên báo nó sẽ bị sụp đổ (c. 6). Cùng với đền thờ bị tàn phá, thành Giêrusalem sẽ bị vây hãm, chiếm đóng và dân trong thành bị đi đày (x. 21:20.24). Những ngày đầu tiên Chúa Giêsu đến Giêrusalem và giảng dạy trong đền thờ, Người đã bị các thượng tế và kinh sư mưu đồ giết hại Người (x. 19:47). Trong lời tiên báo về Đền thờ, Người nói đến việc các môn đệ của Người sẽ bị bắt và dẫn đến hội đường. Họ chung một số phận với Người. Người kêu gọi họ kiên trì để được cứu độ. Sau khi đền thờ bị phá hủy và thành Giêrusalem bị tàn phá, Người nói đến việc Người Con Nhân Loại đến (21: 25-28), và Người tuyên bố “ơn cứu độ đã đến gần” (21:28).
Diễn từ nầy đặt trước trình thuật về cuộc thương khó (22:1-23:56) ngụ ý rằng cuộc thương khó là thời kỳ đi trước sự phá hủy Đền thờ. Trong thời kỳ nầy, Người sẽ chịu bắt bớ, và những biến cố trời đất cũng sẽ xảy ra như lời tiên báo (x. 23:44-46). Thời kỳ nầy sẽ diễn ra lâu dài hơn trong lịch sử của các môn đệ Người. Người sẽ bị giết, cũng như một số người trong các môn đệ Người sẽ bị giết (21:16). “Màn Đền thờ bị xé ra” (23:45) chính là lúc Đền thờ cũ bị hủy bỏ và thay thế bằng Đền thờ mới là Chúa Giêsu (x. Mc 14:58). Vậy, trong khi tiên báo sự sụp đổ của đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu tiên báo ngày Người đến. Muôn thiên hạ sẽ thấy Người trong quyền năng và vinh quang, thay thế cho vẻ đẹp huy hoàng của đền thờ Giêrusalem.
Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến