CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN
ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ
Lc 23, 35-43
ĐỨC GIÊSU KITÔ, VUA TRÊN THẬP GIÁ
Hôm nay, Giáo Hội hân hoan mừng lễ Chúa Giêsu Kitô vua, một lễ đánh dấu giai đoạn cuối của năm phụng vụ. Hội Thánh muốn công bố sự vinh quang của Đức Giêsu Kitô trước thời cánh chung khi Chúa trở lại trong uy quyền tuyệt đối. Lễ Chúa Giêsu Kitô vua có ý nghĩa gì và chủ đích lễ Chúa Giêsu Kitô đối với mỗi người ?
ĐAVÍT, HÌNH ẢNH BÁO TRƯỚC VỀ CHÚA GIÊSU KITÔ VUA:
Bài sách cựu ước 2Sm 5, 1-3 cho ta biết về nguồn gốc của Đavít được chọn làm vua và hình ảnh của Đavít tiên báo về Chúa Giêsu Kitô mà dân cựu ước mong đợi. Đavít được Thiên Chúa tuyển chọn thay nhà Saulê. Ông được Thiên Chúa xức dầu, chọn lựa và tôn phong làm vua nhà Israen. Do đó, Đavít được toàn thể dân Israen công nhận là vua lãnh đạo họ vì ông hội đủ điều kiện như là cốt nhục với Israen. Đavít đã vào sinh ra tử để bảo vệ Israen khi ông còn ở triều đình vua Saulê chống quân Philitinh. Đavít đã được xức dầu làm chứng Thiên Chúa đã chọn ông và ông đã nhận được thần trí của Thiên Chúa. Đavít đã ký với các đầu mục, tức những nhà lãnh đạo dân Israen một giao ước trước mặt Thiên Chúa. Vì thế, các đầu mục đã công nhận Đavít là vua, công nhận ân sủng đã có nơi Đavít. Hình ảnh này cũng là hình ảnh của Đức Kitô. Đức Giêsu cũng đã phải ngang qua khổ nạn mới tới được vinh quang của Cha Người. Đavít luôn bảo vệ, xuất chinh để bảo tồn dân tộc Israen. Nên, dân Israen đã nhìn nhận Đavít như là vua duy nhất của họ. Điều này cũng biểu lộ ý nghĩa quan trọng của vương quyền Chúa Kitô.
Bài sách Samuen cho ta thấy trường hợp làm vua đặc biệt của Đavít, nó cũng giúp ta nhiều yếu tố hiểu được việc làm vua của Chúa Kitô. Vị vua mục tử Đavít hiền lành, khiêm nhu là hình ảnh của Vua Kitô, Thiên sai sẽ đến trong Tân ước để giải thoát dân khỏi tội lỗi và xây dựng hạnh phúc cho dân Chúa. Cả hai vị vua đều phải vào sinh ra tử để cho dân được ấm no và an bình. Kiểu trị vì của vương quyền các Ngài không phải là kiểu ngự trị của uy danh trần thế, mà vương quyền ấy là làm cho dân được an bình và hạnh phúc. Vương quyền của các Ngài là sự liên hệ giữa người với người, một sự liên hệ mật thiết, chúng ta chỉ có thể hiểu được nơi tình cha con và mẹ con. Chính vì thế, uy quyền hay nói cách khác triều đại của Đavít hay của Chúa Giêsu chỉ là thể hiện tình thương hơn là thể chế cai trị như mọi vì vua chúa nơi trần gian.
ĐỨC GIÊSU KITÔ, VUA TRÊN THÁNH GIÁ:
Suốt cuộc đời của Chúa Giêsu, chúng ta không thấy Ngài tỏ mình là vua, là người cai trị, là người cầm đầu dân theo kiểu thế gian. Chúa Giêsu luôn từ chối mỗi khi có người muốn phong Ngài lên làm vua. Tuy nhiên, thái độ ấy thay đổi, lần Ngài vào Giêrusalem. Ngài ung dung cỡi trên lừa và để cho dân chúng trải lá, tung hô Ngài là vua( Mc 10, 9-10 ). Được tung hô là vua, Ngài cũng không tỏ vẻ gì là hoàng đế cả. Ngài âm thầm theo ý định của Cha Ngài. Thế rồi, biến cố cứu chuộc đến, Chúa Giêsu bị bắt, bị nộp và bị đóng đinh trên cây thập giá giữa hai tên trộm cướp(Mc 14, 46; 15, 24 và 27; Lc 23, 33 ). Thánh Luca ở đây cho chúng ta thấy rõ dụng ý của Ngài. Ý nghĩa là vua trong đoạn Tin Mừng này đối chọi với sự mù quáng của các đầu mục, của những người đi qua đường xỉ báng Chúa Giêsu rằng:” Ông đã cứu được người khác, sao không tự cứu lấy mình để họ tin”( Lc 23, 35 ). Những lời mai mỉa ấy có tính cách rất thâm độc và mù tối. Đức Giêsu không tỏ thái độ, nhưng khiêm tốn thưa với Chúa cha:” Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”( Lc 23, 34 ). Lời cầu nguyện ấy, nói lên sự công chính của Chúa Giêsu và chỉ mình Chúa Giêsu mới có quyền xin Cha tha thứ cho cả nhân loại, cho cả loài người tội lỗi, lầm lạc. Dân chúng, đầu mục, lính tráng và tên trộm dữ đã không hiểu được ơn cứu rỗi. Người trộm lành đã xin” Chúa tha thứ” và xin Ngài đưa anh vào Nước Trời( Lc 23, 42), nói lên tâm hồn của một con người biết phục thiện, cần ơn giải thoát. Đức Giêsu nói:” Hôm nay, ngươi sẽ ở trên Thiên Đàng với Ta”( Lc 23, 43 ).
Đức Giêsu thật là vua, là vua theo nghĩa đích thực của danh từ vua. Ai tin sẽ được cứu độ. Người trộm lành như bao người thành tâm thiện chí khác đã nhìn Đức Giêsu là duy nhất, đệ nhất vô song như thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côlôsê đã ca ngợi địa vị của Chúa, nên anh trộm lành và bao nhiêu linh hồn đã nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giêsu Kitô là vua vũ trụ. Tất cả đều được viên thành, hoàn tất trong Ngài.
Chúng ta và mọi người thành tâm thiện chí sẽ được ơn cứu rỗi, khi chúng ta chấp nhận của lễ hy sinh trên thập giá nơi Đức Kitô và hy lễ này được tái diễn hằng ngày nơi bàn tiệc Thánh Thể. Chúng ta hãy có lòng ăn năn sám hối như người trộm lành để được Chúa thứ tha và ban ơn cứu độ. Xin Chúa Giêsu Kitô và Mẹ Maria gìn giữ, bảo hộ ta để ta noi gương Giêsu Kitô vua luôn hiền từ, khiêm tốn và kiên trì.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:
Bạn hiểu thế nào về Chúa Giêsu Kitô vua vũ trụ ?
Chúa Giêsu xưng vua khi nào ?
Philatô có hiểu Chúa là vua không ?
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT