ĐỨC TIN LÀ MỘT ÂN BAN CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
Chúa Nhật 2 Phục Sinh – B
(Cv 4, 32-35; 1 Ga 5, 1-6; Ga 20, 19-31)
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
Người Công Giáo Việt Nam chúng ta thường hay nhận xét một biến cố hay một nhân vật nào đó, ít có mấy người để ý đến điều đang tiềm ẩn đằng sau những mặt nổi hay chiều sâu bên trong nơi những con người mà ta nhận xét. Vì thế, nhiều khi chúng ta khá chủ quan để kết luận một vấn đề, nên dễ dẫn đến chuyện đóng khung sự kiện hay đối tượng mà ta đánh giá trong một khoảng tham chiếu rất phiến diện dựa trên chuẩn mực mà chính ta đưa ra….
Với thánh Tôma mà hôm nay Tin Mừng nhắc đến, ngài cũng chịu sự nhận xét khá tiêu cực của nhiều người trong chúng ta, qua cái nhìn và lối suy diễn rất hiện sinh: “Tôma, vị Tông đồ cứng lòng tin”.
Tuy nhiên, dưới ánh sáng Lời Chúa và ân sủng do lòng thương xót của Người, chúng ta nhận thấy một điều quan trọng nơi câu chuyện Tin Mừng ngang qua nhân vật và cách biểu cảm của thánh Tôma.
- Tiến trình căn bản của đức tin
Đức Tin là một ân ban của lòng thương xót Chúa cho ai thì người đó được. Điều này đã được Đức Giêsu dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Cha khi nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21). Quả thật, không phải ai muốn mà được, nhưng còn phải được chính Thiên Chúa là người dẫn lần ta đến với đức tin như chính thánh Phaolô đã viết: “Những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người” (Rm 8,29).
Tuy nhiên, đức tin ấy không thể trưởng thành mà không có môi trường, không có cộng đoàn. Vì thế, khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được lãnh nhận hồng ân đức tin ấy trong tương quan và ngang qua cộng đoàn.
Thế nhưng, nếu chỉ dừng lại ở một bầu khí đức tin cộng đoàn thì chưa đủ, mà nó lại phải trở về với mối tương quan cá vị giữa ta với Chúa, để đức tin của chúng ta mang tính cá biệt với Thiên Chúa, rồi sau đó trở về hòa nhập với cộng đoàn để được lớn mạnh.
Đây cũng là tiến trình đức tin của Tôma mà Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta.
Niềm tin của thánh nhân vào Đức Giêsu, Đấng Phục sinh được khai mào từ lời chứng của cộng đoàn: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” (Ga 20,25). Đây là lời klhẳng định của các Tông đồ khi Tôma vắng mặt trong biến cố Đức Giêsu hiện ra với các ông vào ngày thứ nhất trong tuần sau khi sống lại từ cõi chết.
Với Tôma, một người hiện sinh về việc tìm tòi cốt lõi của vấn đề, thì lời chứng của cộng đoàn chỉ đóng một vai trò dẫn đường để đưa ngài tới chỗ chính mình phải là người chủ động cảm nghiệm trực tiếp vấn đề mang tính cá vị: “Nếu tôi không thấy tôi không tin” (x. Ga 20, 25). Qua câu nói này của thánh Tôma, chúng ta nhận thấy ngài là một con người ngay thẳng, chân tình và rất thực tế.
Chính vì điều này mà Đức Giêsu, Đấng hiện thân của lòng thương xót đã mặc khải trực tiếp khi tỏ tình thương đối với vị Tông đồ này cách đặc biệt sau 8 ngày.
Quả thế, khi hiện ra với các Tông đồ lần này, Đức Giêsu đã nhắm thẳng vào Tôma, nên Ngài đã lên tiếng: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy” (Ga 20, 27). Đứng trước lòng thương xót của Đấng mà thánh nhân đang đi tìm, ngài đã không dám thực hành điều đã nói với các Tông đồ là: sỏ tay vào vết đinh, thọc tay vào cạnh sườn…, mà ngay lập tức, ông đã quỳ mọp xuống và tuyên xưng niềm tin của mình các mạnh mẽ mang tính cá vị và tuyệt đối: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” (Ga 20, 28) . Đây là đỉnh cao của lời tuyên tín Phục Sinh nơi Tôma.
Nhờ vào lòng thương xót của Đức Giêsu cách đặc biệt, nên cũng từ đây, Tôma nhận ra một chân lý rằng: tin rồi mới thấy cách trọn vẹn. Thấy Đấng Phục Sinh thì cũng thấy Đấng là Thầy của mình trước đó. Thấy Đấng Phục Sinh cũng là thấy Thiên Chúa của mình. Điều này đã đem lại một sự mãn nguyện mang tính tuyệt hảo và hạnh phúc viên mãn của Tôma.
- Đức tin của mỗi chúng ta
Từ những trải nghiệm đức tin của thánh Tôma, Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta xem lại những xác tín và biểu hiện đức tin của mỗi người.
Thật vậy, chúng ta khám phá ra một chân lý rằng: Đức tin không chỉ một phía từ Thiên Chúa ban, cũng chẳng phải do sự cố gắng thuần túy cá vị, mà nó được kết hợp cả hai từ trên xuống dưới, tức là do lòng thương xót của Thiên Chúa ban nhưng không cũng như nghị lực rất cố gắng của mỗi người và được nuôi dưỡng bởi cộng đoàn.
Điều này lý giải cho chúng ta thấy rằng: nếu bất kể cái gì ta cũng thuần phục và gán cho ơn thánh thì sẽ rơi vào tình trạng: “Kính nhi viễn chi” hay không bao giờ dám bàn luận và cũng chẳng cần phải đào sâu hơn nữa, bởi lẽ “mọi chuyện đã rồi” nên chỉ tin mà thôi. Tin như thế, có thể rơi vào tình trạng cả tin rồi lại chẳng tin! Nó giống như số phận của những hạt giống bên bụi gai, vệ đường và đá sỏi.
Còn nếu dựa vào lý trí thuần túy, chúng ta có thể rơi vào trạng thái phỏng chiếu đức tin của mình trên những gì mắt thấy, tai nghe, hay cân đo đong đếm được và phải đáp ứng nhu cầu thỏa mãn sự hiếu tri. Nếu lấy điều này làm tiêu chuẩn, chúng ta rất có thể rơi vào sự kiêu ngạo, lạnh nhạt, vô cảm và bất tín giống như những Kinh sư và người Pharisêu.
Mặt khác, nếu chỉ dựa vào tập thể, tức là đức tin của tôi phụ thuộc vào cộng đoàn, thì đức tin mạnh mẽ hay là yếu ớt của cộng đoàn cũng là tâm thức của tôi. Tin như thế, không chừng chúng ta đang lấy cộng đoàn làm bình phong hay ngụy biện cho sự hời hợt, giả tạo và hình thức của mình. Điều này có nguy cơ rơi vào tình trạng: “Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì lìa nhau ra”. Rất giống như đám đông dân chúng trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta một kinh nghiệm được lấy từ mẫu thức của thánh Tôma.
Trước tiên, đừng cả tin mọi chuyện. Cần phải suy thấu dựa trên ánh sáng mạc khải của Thiên Chúa qua Kinh Thánh, Giáo Huấn của Giáo Hội. Lấy Lời Chúa làm nền tảng, Giáo Huấn của Giáo Hội làm điểm tựa cho niềm tin của mình.
Thứ hai, “đừng cứng lòng, nhưng hãy tin!” điều này soi sáng cho chúng ta: Không phải bất cứ cái gì cũng đo lường được bằng đơn vị định lượng của khoa học, nhưng nhiều khi nó còn được đo bằng từ ánh mắt đến trái tim, từ lòng với lòng. Bởi lẽ, nhận thức của con tim đôi khi khác hoàn toàn với nhận thức của lý trí.
Cần nắm vững điều căn cốt của đức tin chính là: vun đắp, cộng tác với ơn thánh của Thiên Chúa để đức tin do lòng thương xót của Người ban được lớn lên trong tâm hồn, đồng thời làm sao cho đức tin của mình được chung nhịp đập với đời sống đức tin của cộng đoàn.
Cuối cùng, đức tin của chúng ta phải được nuôi dưỡng trong mối tương quan cá vị từng người, để qua đó, ta mới có đủ cảm thức và nhạy bén thực sự với ơn Chúa và hòa nhập được với đời sống cộng đoàn. Có thế, chúng ta mới vươn tới một đức tin vừa mang tính khả giác, vừa mang chiều kích ân sủng và mầu nhiệm. Điều ta muốn thấy mà không thấy thì hãy bắt đầu bằng đức tin, để từ đó, đức tin sẽ dẫn ta đến điều ta không thấy và điều ta không thấy mà tin sẽ đem lại cho mình hạnh phúc trọn vẹn như lời Đức Giêsu đã nói: “Phúc cho ai không thấy mà tin”.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin tạ ơn Chúa đã tỏ lòng thương xót đến thánh Tôma. Xin Chúa cũng thương xót đến chúng con như Chúa đã thương xót đến thánh Tôma khi xưa. Tất cả những ước nguyện đó, con xin tín thác nơi lòng thương xót Chúa. Amen.