LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ
Những dấu hiệu nói lên người hạnh phúc
Lắng nghe và sống sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu 5:1-12)
Người Trung Hoa và nhất là trẻ em hay đeo vòng cẩm thạch. Người ta giải thích rằng ngày xưa đất nước thường loạn lạc, nhiều gia đình bị phân tán, lạc mất nhau, nên vòng cẩm thạch là một dấu hiệu để người ta nhận ra nhau, bởi những vòng được cưa từ cùng một khối đá có những đường vân giống nhau và ăn khớp với nhau. Như vậy hai anh em hoặc chị em lỡ có bị lạc nhau trong thời ly loạn, sau nhiều năm xa cách, nếu cơ duyên gặp lại nhau họ có thể đem chiếc vòng đọ với nhau sẽ biết được đây là người thân của mình. Hôm nay, qua bài Tin Mừng, Chúa Giê-su để lại cho chúng ta những dấu hiệu chắc chắn để chúng ta có thể nhận biết mình là những anh chị em có phúc thuộc về cùng một gia đình của Thiên Chúa. Những dấu hiệu ấy phát xuất từ cùng một nguồn gốc là Chúa Giê-su, Đấng mặc khải cho chúng ta Tám mối Phúc.
Bài Tin Mừng Mát-thêu trong lễ Các thánh nam nữ trình bày Tám mối Phúc như những dấu hiệu giúp chúng ta nhận ra những người đã được Thiên Chúa chúc phúc và đang hưởng nhan thánh Người trên thiên đàng. Trong bài giảng trên núi, khi giảng về tám đặc nét nói lên căn tính của những ai muốn theo làm môn đệ Người, Chúa Giê-su đã đầy tràn hy vọng sẽ nhìn thấy “một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi” (Khải Huyền 7:9), những người khi còn ở đời này đã sống theo tinh thần của các mối Phúc đó. Đoàn người ấy là các thánh nam nữ, họ thật đông, nhưng “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”, vì mỗi người nổi bật với một mối Phúc được thể hiện trong cuộc đời họ.
Có những người có tâm hồn nghèo khó, vì đối với họ chỉ khi nào có Chúa mới là có tất cả. Trước mặt Chúa, họ là những người chỉ biết nương tựa vào một mình Chúa mà thôi. Không gì thay thế được Thiên Chúa, nên họ sẵn sàng bỏ mọi sự, từ bỏ chính mình mà theo Chúa. Như thế, Nước Trời hay Chúa đã là “của họ” ngay từ đời này rồi! Thánh Phanxicô Átxixi hay Phanxicô khó khăn là thí dụ điển hình. Mối Phúc thứ hai là tinh thần hiền lành. Hiền từ là một đặc nét của Thiên Chúa. Lòng nhân lành của Thiên Chúa là đề tài được lập đi lập lại trong Kinh Thánh, nhất là trong các Thánh Vịnh. Đôi khi Chúa thịnh nộ, nhưng chỉ là cơn giận của người cha giơ cao đánh sẽ, của người mẹ đánh con xong rồi ngồi khóc ròng! Chúa luôn kiên nhẫn với chúng ta là những đứa con thường hay lỗi phạm. Còn ai hiền lành hơn thánh Phanxicô Salêsiô! Mối Phúc thứ ba: sầu khổ. Tại sao sầu khổ lại được gọi là mối Phúc? Vế tiếp theo chính là câu trả lời: vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an! Sống trên đời chẳng ai thoát được sầu khổ. Nhưng khi gặp sầu khổ, người ta đi tìm ủi an ở đâu mới là điều quan trọng. Nhiều người tìm ở rượu chè, thú vui… mà sầu khổ vẫn hoàn sầu khổ. Chỉ có Chúa mới là nguồn ủi an đích thực. Mối Phúc thứ tư: đói khát. Lại thêm một điều tréo cẳng ngỗng nữa! Nhưng chúng ta hãy đọc hết mối Phúc đã! Phải là đói khát trở nên người công chính. Và Thiên Chúa sẽ cho họ được no thỏa. Thánh Augustinô đã mô tả cơn đói Thiên Chúa như trạng thái tâm hồn không được nghỉ ngơi, và tâm hồn chúng ta chỉ được nghỉ ngơi khi nào ở trong Chúa mà thôi. Bản thân thánh nhân đã tìm được sự no thỏa sau khi trở về với Chúa. Mối Phúc thứ năm: có lòng xót thương. Đây quả thực là nét gây ấn tượng nhất của Thiên Chúa. Thánh Phao-lô gọi Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót (Ê-phê-xô 2:4). Chúng ta sắp bước vào năm thánh đặc biệt kính lòng thương xót của Thiên Chúa. Biểu lộ lòng thương xót với anh chị em là bắt chước Cha chúng ta ở trên trời vậy. Mối Phúc thứ sáu: tâm hồn trong sạch. Sở dĩ chúng ta không “nhìn thấy” Thiên Chúa là vì mắt tâm hồn chúng ta bị che chắn do những dục vọng, ham muốn, tư tưởng xấu xa. Phá bỏ được những chướng ngại ấy, chẳng những chúng ta thấy được Chúa là Đấng nào, mà còn nhìn thấy Chúa trong anh chị em và mọi tạo vật nữa. Mối Phúc thứ bảy: xây dựng hòa bình. Thiên Chúa luôn tìm sự hòa giải. Người muốn nhân loại được hòa giải với Người, nên Người đã thực hiện kế hoạch cứu độ. Chúng ta cũng được mời gọi xây dựng hòa bình, hòa bình với Chúa qua bí tích Hòa giải và với tha nhân qua sự tha thứ vô điều kiện. Mối Phúc thứ tám: bị bách hại vì sống công chính. Đây là mối Phúc hay gặp nhất trong cuộc sống. Nó luôn kêu gọi chúng ta đánh đổi hy sinh và thiệt hại để sống công chính như Cha trên trời.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi