CUNG HIẾN NHÀ THỜ
GIÁO HỌ VINH SƠN LIÊM
GIÁO XỨ TÂN HÀ
16/02/2016
Giáo họ Vinh Sơn Liêm thuộc Giáo xứ Tân Hà được hình thành từ năm 1977 khi chính quyền huyện Bảo Lộc cho thiết lập “khu giãn dân”, thường được gọi là “Làng Mới Tân Hà”. Từ đó đến nay, làng mới này đã đón nhận nhiều người di dân từ khắp nơi đến lập nghiệp, trong đó đa phần là đồng bào Công giáo.
Năm 1982, dưới thời Cha Quản xứ Giuse Vũ Đình Tân, “Làng Mới” này trở thành giáo họ thứ 7 của Giáo xứ Tân Hà với tên gọi Giáo họ Vinh Sơn Liêm. Với 37 năm hình thành và phát triển, nay số giáo dân Giáo họ Vinh Sơn Liêm đã lên tới 2.138 người. Vì cách xa nhà thờ của giáo xứ, nên Cha Quản xứ Phaolô Vũ Đức Vượng cũng như bà con giáo dân ước muốn xây dựng một ngôi nhà thờ mới tại nơi đây.
Hôm nay là ngày cử hành Thánh Lễ Cung hiến Nhà thờ mới này cho Thiên Chúa với tước hiệu Thánh Vinh Sơn Liêm. Chúng ta thấy có “tước hiệu” của nhà thờ hay của một Dòng tu, chứ không có tước hiệu của giáo xứ hay giáo họ. Trái lại, “Bổn mạng” là Bổn mạng của giáo xứ, giáo họ, chứ không có Bổn mạng của nhà thờ. Tuy nhiên, có khi “tước hiệu” và “bổn mạng” là một.
Bài đọc II (x. Ep 2, 19-22) trong Thánh Lễ hôm nay nhắc nhớ rằng: các tín hữu “đã được xây dựng trên nền tảng các Tông đồ và các Tiên tri, có chính Đức Giêsu Kitô làm Đá góc tường. Trong Người, tất cả tòa nhà được xây dựng cao lên thành đền thánh trong Chúa”; hơn nữa tất cả mọi người “cũng được xây dựng làm một với nhau”. Bài Tin Mừng theo Thánh Luca (x. Lc 19,1-10) ghi nhận lời Chúa Giêsu khẳng định rằng: ơn cứu độ đã đến trong nhà của ông Giakêu là vì sau khi tin vào Chúa Giêsu, ông đã bố thí nửa phần của cải cho kẻ nghèo khó và đền gấp bốn cho những ai mà ông đã làm thiệt hại.
Như thế, điều quan trọng là sống đức tin và đức ái. Thánh Vinh Sơn Liêm là một mẫu gương đã dùng cái chết để làm chứng đức tin vào Đức Kitô và đã sống bác ái theo giới răn quan trọng nhất.
Có một đoạn thơ viết về Thánh Vinh Sơn Liêm như sau:
Ngọn đuốc quang minh sáng tuyệt vời
Vì trung với Chúa mặc đầu rơi,
Đức tin kiều diễm luôn gìn giữ.
Đức ái ngàn trùng tát chẳng vơi.
Vinh sơn Phạm Hiếu Liêm chào đời năm 1732 tại Thôn Đông, làng Trà Lũ, Phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam Hạ, nay thuộc tỉnh Nam Định, giáo phận Bùi Chu. Thân phụ cậu là một thân hào trong thôn. Thân mẫu cậu là một người mẹ đạo đức, hết mình với việc giáo dục con cái. Năm 12 tuổi, cậu Liêm vào tu trong nhà Đức Chúa Trời ở Lục Thủy. Qua 6 năm học tập, cậu đã tỏ ra là người thông minh đạo đức, nên được các cha Dòng Đaminh thời đó để ý. Cha Chính (Tổng Đại diện) giáo phận Đông Đàng Ngoài lúc đó là cha Espinnoza Huy đã chọn cậu vào số các thanh niên hưởng học bổng của Tây Ban Nha, gửi đi du học tại Manila (Phi Luật Tân).
Sau 3 năm học xuất sắc, thày Liêm xin gia nhập dòng Đaminh và lãnh tu phục ngày 09/09/1753. Năm sau, thày tuyên khấn trọng thể cùng với 3 tu sĩ đồng hương và lấy biệt hiệu là VINH SƠN HÒA BÌNH (Vincente de la Paz). Tiếp đó, thày Vinh Sơn học thêm 4 năm thần học và được thụ phong linh mục năm 1758.
Thụ phong linh mục rồi, cha Liêm trở về phục vụ quê hương. Về đến Trung Linh ngày 20/01/1759, cha đã không cầm nổi nước mắt, vì được gặp lại Cha Chính Huy ra đón tận bến đò, được tái ngộ cùng thân quyến và bà con lương giáo.
Về Việt Nam, cha Vinh Sơn Liêm được bổ nhiệm làm giáo sư chủng viện Trung Linh. Cha đã đem hết tài trí và nhiệt thành truyền đạt cho các chủng sinh những kiến thức cha đã thu thập được. Nhưng nguyện vọng của Cha là loan báo Tin Mừng bình an cho anh em. Chẳng bao lâu, cha rời chủng viện dấn thân vào cánh đồng truyền giáo. Cha lần lượt quản nhiệm nhiều giáo xứ. Đặc biệt, hoạt động tông đồ của Cha mở rộng đến các làng ngoại giáo, bất chấp những khó khăn nguy hiểm của thời cấm cách. Tại bất cứ nơi nào, Cha cũng luôn nhiệt tình yêu thương, giúp đỡ mọi người.
Tháng 10 năm 1773, đang khi cha Vinh Sơn Liêm đi giảng cho giáo họ Lương Đống, chuẩn bị mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, các quan nghe tin, liền cho người đem quân vây bắt cha tại nhà ông Nhiêu Nhuệ. Sau một trận đòn chí tử, họ trói cha và hai cậu giúp lễ, rồi đem nộp cho Chánh tổng Xích Bích. Viên Chánh tổng giam cha 12 ngày không thấy các tín hữu đưa tiền chuộc, nên đã giải lên Phố Hiến nộp cho quan trấn. Ở đây cha Liêm gặp cha Castaneda Gia, một linh mục cùng dòng Đaminh, đã bị giam ở đó.
Ngày 20/10 quan trấn bắt hai cha mang gông có ghi bốn chữ “Hoa Lang Đạo Sư” (Thầy dạy Đạo của Người châu Âu), rồi trao cho quan phủ Thần Khê giải hai cha và hai chú giúp lễ về kinh đô Thăng Long. Lúc đó, có một quan lớn mà mẹ là người đạo Công giáo, nhiều lần khuyên con tòng giáo. Quan lớn liền nảy ra sáng kiến triệu tập đại diện bốn tôn giáo để trình bày về đạo của mình, nên gọi là “Hội đồng Tứ giáo”. Quan nói: “Lòng ta chuộng sự thật muốn biết đạo nào là đạo chính để thờ phượng”. Cuộc trao đổi kéo dài ba ngày, mỗi ngày một vấn đề về nguồn gốc con người, mục đích đời này và đời sau của mỗi người. Cha Liêm và cha Gia đại diện đạo Công giáo đã khéo léo trình bày đến nỗi quan lớn phải trầm trồ khen ngợi. Nhưng vì biết Phủ Chúa vẫn cấm đạo, nên quan vẫn ngần ngại chưa theo. Vả lại, mẹ của Chúa Trịnh Sâm đã bất bình với lý luận của 2 cha, nên ngày 04/11 Tĩnh Đô Vương đã lên án trảm quyết hai cha ; còn hai chú giúp lễ bị kết án lưu đầy, đến khi nộp 100 quan tiền chuộc thì được trả tự do.
Ngày 07/11/1773, hai cha bị đem đi xử, dân chúng đi xem rất đông. Khi đoàn người dừng trước hoàng cung, một viên quan đọc bản án. Theo phong tục thời đó, lúc này vua có thể ân xá cho tội nhân. Một viên quan khác lớn tiếng nói: “Hoa Lang Đạo đã bị nghiêm cấm, nhưng cho đến nay, chưa người dân Việt nào bị xử tử vì đạo này nên vua đại xá cho tên Liêm”. Nghe thế cha Liêm vội lên tiếng thưa rằng: “Cha Gia bị án trảm quyết vì lẽ gì thì cũng phải lên án trảm quyết cho tôi vì lẽ đó. Cha Gia là đạo trưởng, tôi cũng là đạo trưởng. Nếu luật nước không kết án tôi thì cũng không được kết án cha Gia. Vì tôi là công dân nước Việt, tôi phải giữ luật nước hơn Cha Gia là người nước ngoài. Nếu giết cha Gia, còn tôi lại tha, thì án của vua không công bằng. Yêu cầu tha thì tha cả hai, giết thì giết cả hai”.
Dầu sao thì bản án vẫn không thay đổi. Hai vị anh hùng đức tin đã vui mừng đọc kinh Tin Kính và hát kinh Lạy Nữ Vương trên đường ra pháp trường Đông Mơ. Hai Cha đã bị chém đầu, làm chứng đức tin vào Đức Kitô. Thi hài các ngài được mang về an táng tại Trung Linh., Cha Vinh Sơn Liêm là linh mục Việt Nam đầu tiên chịu tử đạo, đã được Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II tuyên thánh trong tổng số 117 vị Tử đạo Việt Nam ngày 19/06/1988.
Thánh Vinh Sơn Liêm đã làm chứng đức tin và đức ái bằng cái chết vì đạo như đúc kết cả cuộc sống đức tin vào Thiên Chúa và bác ái với mọi người.
Lạy Thánh vinh Sơn Liêm, xin cầu cho chúng con !