CUNG HIẾN NHÀ THỜ LÁN TRANH
1/9/2015
(Bài giảng của ĐC Antôn)
1. Lược sử giáo xứ Lán Tranh
Giáo xứ Lán Tranh được chính thức thành lập năm 2012. Hiện nay số giáo dân khoảng 10.000 người.
Năm 1980, một nhóm 80 gia đình Công giáo, rời bỏ quê hương miền Bắc đi xây dựng vùng Kinh Tế Mới tại đây. Để có thể lãnh các Bí tích, giáo dân đi bộ 12 km đến nhà thờ Kim Phát.
Tháng 6 năm 1989, Cha xứ Kim Phát Giuse Đinh Lập Liễm thành lập Ban Hành Giáo cho giáo họ Lán Tranh. Ngày 15/4/1990, dịp lễ Phục Sinh, Cha xứ Kim Phát đã đến dâng thánh lễ đầu tiên tại thôn Phúc Thọ 1.
Ngày 15/8/1990, đúng vào ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời, Cha xứ Phú Sơn Giuse Nguyễn Hưng Lợi chính thức phụ trách giáo họ Lán Tranh. Ngày 15/4/1993, Cha Giuse dâng thánh lễ đầu tiên tại khu đất mới mà ngày nay là đất nhà thờ Lán Tranh. Từ đó, mỗi Chúa Nhật đều có Thánh Lễ. Ngày 22/4/1995, Lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên xây dựng nhà thờ, và 8 tháng sau, khánh thành vào ngày 14/12/1995.
Từ năm 1995, Thầy Phó tế Bartôlômêô Nguyễn Văn Gioan giúp giáo họ Lán Tranh, cuối năm 1998 được truyền chức linh mục và làm phó xứ tại đây cho đến năm 2007.
Năm 2007 Cha Giuse Nguyễn Công Danh về làm phó xứ. Đến năm 2012 giáo xứ Lán Tranh được thành lập và Cha Giuse Nguyễn Công Danh được bổ nhiệm làm quản xứ.
Với số giáo dân tăng nhanh, ngôi nhà thờ nhỏ đã xuống cấp, nên Giáo xứ Lán Tranh đã quyết định xây nhà thờ mới. Lễ khởi công ngày 27/2/2014 và hôm nay 1/9/2015 là ngày cung hiến Nhà thờ mới với tước hiệu Thánh Giuse Thợ.
2. Xây dựng Giáo xứ
Trong lễ Cung hiến Nhà thờ, các bài đọc Thánh Kinh mời gọi chúng ta xây dựng bản thân mỗi người thành đền thờ sống động của Thiên Chúa, xây dựng Giáo xứ thành một cộng đoàn theo mẫu gương của các tín hữu thời các Tông đồ. Sách Công vụ Tông đồ viết: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng… Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau… Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2, 42-27).
Theo mô hình lý tưởng này, trước hết, giáo xứ phải là cộng đoàn “siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng”, nghĩa là tham dự Thánh Lễ và cử hành Phụng vụ. Ước gì chúng ta tham dự những cử hành này cách ý thức và sống động hơn, không những để chu toàn lề luật mà còn để gặp gỡ Chúa và để Chúa biến đổi đời sống chúng ta, và để chúng ta đem tinh thần Phúc Âm vào môi trường sống trong giáo hội cũng như ngoài xã hội.
– Kế đến, giáo xứ phải là cộng đoàn “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy”. Ngày nay các linh mục trong các giáo xứ, những cộng sự viên của hàng giám mục, đang tiếp nối công việc của các Tông đồ. Về điểm này, Thư Mục vụ viết: “Chúng tôi tha thiết xin anh em linh mục cố gắng chu toàn thừa tác vụ cao quý này cách tốt nhất, bằng việc lắng nghe tiếng Chúa qua cầu nguyện, chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng, nội tâm hóa Lời Chúa, đồng thời biết lắng nghe tâm tư nỗi niềm của người dân trong đời sống thường ngày của họ. Nhờ đó lời giảng của chúng ta sẽ là lời phát xuất từ trái tim và có hy vọng chạm đến trái tim người nghe” (x. Niềm Vui Tin Mừng, số 142-154).
Liên quan đến lãnh vực này, chúng ta cũng cần quan tâm đến việc dạy giáo lý cho mọi tín hữu, cách riêng cho thiếu nhi và giới trẻ… Nhiều giáo lý viên giáo dân tích cực tham gia dạy giáo lý với tinh thần trách nhiệm cao. Thư Mục vụ viết: “Ước mong anh chị em cộng tác tích cực hơn nữa với các linh mục, đồng thời các linh mục nên tạo điều kiện học hỏi thêm cho giáo lý viên, để tất cả chúng ta thi hành sứ vụ cách mới mẻ, bằng nhiệt tình mới, năng lực mới và phương pháp mới”.
– Ngoài ra, giáo xứ còn là cộng đoàn “luôn luôn hiệp thông với nhau”, giữa linh mục và giáo dân cũng như giữa giáo dân với nhau. Sự hiệp thông trong cộng đoàn được thể hiện qua sự tôn trọng, cộng tác và chia sẻ… để cùng xây dựng ngôi nhà chung là giáo xứ và thi hành sứ mạng chung là loan báo Tin Mừng. Các thành viên Hội đồng Giáo xứ là những cộng sự viên gần gũi của các linh mục trong việc điều hành giáo xứ, vì thế các vị cần hiểu biết về trách nhiệm và quyền hạn của mình, và cộng tác với các linh mục trong tinh thần phục vụ để mang lại kết quả tốt đẹp nhất cho giáo xứ.
Tình hiệp thông đó còn được mở rộng ra bên ngoài qua việc cộng tác với mọi người thiện chí để thực hiện những việc đem lại phúc lợi chung, như thăm viếng nhau trong cộng đồng, cùng xây dựng một mái nhà tình thương. Những việc tưởng chừng nhỏ bé này chính là những hạt giống âm thầm của Tin Mừng vĩ đại (x. Mc 4,30).
Nhà thờ Lán Tranh với tước hiệu Thánh Giuse Thợ nhắc nhớ mọi người trong Giáo xứ noi gương Thánh Giuse, bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria, cha nuôi Đức Giêsu. Thánh Gia là mẫu gương cho mọi gia đình và cộng đoàn. Thánh Giuse Thợ là mẫu gương lao động cần cù. Lao động làm cho con người tìm được niềm vui và ý nghĩa cho cuộc sống.
Có một tín hữu nọ muốn thực hiện một cuộc hành hương. Sau vài ngày đi bộ, người đó bị lạc vào trong một khu rừng vắng. Tuy là khu rừng vắng nhưng hai bên đường, người ta cũng thấy có những người thợ đá đang cố gắng đục đẽo và vác trên vai từng tảng đá lớn đem về. Vị khách hành hương mon men đến gần một người thợ, mồ hôi đang chảy ra nhễ nhãi và muốn gợi chuyện, nhưng người thợ đập đá ấy chỉ trả lời một cách nhát gừng: “Ông không thấy tôi đang lao động một cách vất vả sao mà cứ hỏi hoài vậy ?”
Vị khách hành hương tìm đến người thứ hai, người này còn có dáng vẻ nặng nhọc hơn. Được hỏi đang tham gia vào công trình xây dựng nào, người thợ này chỉ trả lời: “Người ta thuê tôi làm việc, tôi chỉ biết rằng từ sáng đến chiều, tôi đổ mồ hôi xôi con mắt để kiếm cơm cho vợ con tôi thôi, còn xây dựng gì thì tôi không cần biết”.
Trong thinh lặng, vị khách hành hương lại tiếp tục cuộc hành trình. Lên đến đỉnh đồi ông lại gặp một người thợ đập đá khác. Người này cũng có dáng vẻ mệt nhọc tiều tụy không kém hai người trước, nhưng nhìn kỹ trong ánh mắt của người thợ đập đá này, vị khách hành hương thấy toát lên một sự thanh thản và nhẫn nhục lạ thường. Được hỏi đang làm gì đó, người đàn ông mỉm cười vui vẻ đáp: “Ông không biết à, tôi đang góp công xây dựng một ngôi nhà thờ”. Người thợ đập đá đưa tay chỉ xuống một thung lũng, nơi đó, vị khách nhận ra một ngọn tháp cao và từng viên đá được xếp lại để làm nên một ngôi nhà thờ.
Cùng một công việc nhưng người ta đã không có được một cái nhìn giống nhau về ý nghĩa mục đích của lao động. Lao động là cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng vũ trụ này, là làm cho trái đất ngày càng tốt đẹp hơn.
Hôm nay cũng“Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên”, ngày 1/9, ngày ĐTC Phanxicô quyết định hằng năm là ngày gây ý thức cho các tín hữu tái khẳng định ơn gọi của người Kitô hữu là quản lý thiên nhiên mà Chúa đã tạo dựng, để tỏ lòng biết ơn về thiên nhiên là những món quà Chúa đã ban tặng, để cầu nguyện cho việc bảo vệ môi trường và để xin ơn tha thứ vì tội đã hủy hoại môi trường.
Giờ đây chúng ta dâng lên Chúa một lời cầu nguyện cho chúng ta biết nhận ra Chúa trong cuộc sống đời thường:
Lạy Chúa Giêsu, dân làng Nazareth đã không tin Chúa vì Chúa chỉ là con ông thợ mộc Giuse.
Các môn đệ đã không tin Chúa khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa chỉ vì Chúa sống như một con người.
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa hiện diện dưới hình bánh mong manh, nơi một linh mục yếu đuối, trong một Giáo Hội còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình nơi những gì thế gian chê bỏ, để chúng con tập nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con để khiêm tốn thấy Ngài tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
Lạy Thánh Giuse Thợ, xin cầu cho chúng con. Amen.