ĐÀO TẠO LINH MỤC
Lễ khai giảng ĐCV Minh Hòa
06/09/2018
Linh mục Amadeo Cincim, một nhà đào tạo rất được ưa thích ở Ý, đã viết về việc đào tạo linh mục tu sĩ như một hành trình năng động, tiệm tiến và sư phạm, được diễn tả qua ba khái niệm: giáo dục, huấn luyện và đồng hành. Tham khảo tài liệu này và một số tài liệu tương tự, chúng ta có thể tóm lược như sau:
- GIÁO DỤC (EDUCATION)
Giáo dục tiếng Latinh là E-DUCERE, có nghĩa là “dẫn ra”, “lôi ra”, là giúp một người nhận ra chính mình, ý thức về sự thật của mình, khám phá những tiềm năng và nhược điểm, đồng thời giúp người thụ huấn phát huy các tiềm năng con người một cách tối đa và tự thể hiện mình một cách đầy đủ.
Như thế, giáo dục phải đụng chạm tới toàn bộ con người thụ huấn. Giáo dục không chỉ nhấn mạnh hay chỉ tập trung vào việc huấn luyện các kỹ năng và cung cấp kiến thức, hoặc chỉ chú trọng bên ngoài con người thụ huấn, mà phải mang lại sự biến đổi bên trong.
Do đó, giáo dục phải là một tiến trình giúp người thụ huấn biến đổi toàn bộ con người mình. Theo tiến trình này, giáo dục là giúp người thụ huấn khám phá và nhận thức một cách chính xác các hành vi, cử chỉ, lời nói, sở thích, tập quán, thói quen, thái độ sống, lối phản ứng trước một hoàn cảnh, trước một sự kiện. Những hành vi và thái độ sống này có phù hợp với các giá trị và lý tưởng tu trì không?
Hơn nữa, giáo dục không chỉ hài lòng với những gì thay đổi bên ngoài, mà phải được giáo dục từ bên trong, nghĩa là giúp người thụ huấn nhận ra những tình cảm “hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục” có phù hợp với đời tu không? Từ đó giúp họ thay đổi, trưởng thành về tình cảm và cảm xúc của mình.
Sâu hơn nữa, người thụ huấn cũng phải được giáo dục cả về động lực thúc đẩy. Việc giáo dục không dừng ở chỗ hướng dẫn họ “làm gì” mà còn phải giáo dục họ nhận thức được “tại sao tôi làm”, “động lực nào thúc đẩy tôi hành động?” Từ việc nhận biết các động lực thúc đẩy, người thụ huấn nhận ra những khuynh hướng đang lèo lái đời sống của họ.
Tóm lại, trước tiên giáo dục là lôi ra ánh sáng những gì không phù hợp, những gì là “ấu trĩ” và thiếu trưởng thành của người thụ huấn.
Đây là một quá trình trở về với chính bản thân, nhận biết mình, khám phá bản thân, chấp nhận chính mình và thay đổi chính mình. Theo nghĩa này, công cuộc đào tạo là một hành trình đầy gian khó như hành trình của Đức Giêsu đi về Giêrusalem. Giáo dục phải đi qua kinh nghiệm của ngày Thứ Sáu để tới ngày Chúa Nhật phục sinh. Chấp nhận thay đổi con người, động lực, tình cảm, lối suy nghĩ và cách hành động của mình để có thể được huấn luyện.
- HUẤN LUYỆN (FORMATION)
Huấn luyện là gì? Trong tiếng Latinh, động từ FORMARE có một ý nghĩa đặc biệt: “đưa ra một khuôn mẫu, tạo nên một mô hình”. Theo đó, việc huấn luyện là đưa ra một gương mẫu rõ ràng mà người thụ huấn được mời gọi phải hướng tới và cưu mang trong lòng. Đó là một lối sống mới mà họ chưa có, nhưng họ phải dần dần đạt tới, và đó cũng là yếu tố làm nên căn tính mới nơi họ. Theo nghĩa này, huấn luyện không dừng lại ở việc biết mình, mà còn phải hướng tới việc khám phá và hình thành cái tôi lý tưởng mới mẻ và đích thật của mình.
Chính vì thế, trong các tài liệu về đào tạo linh mục, Giáo Hội chọn mô hình CHÚA CON làm khung quy chiếu cho dự phóng huấn luyện. Theo đó, ĐỨC GIÊSU KITÔ là khuôn mẫu lý tưởng mà người thụ huấn luôn được mời gọi để trở nên môn đệ rồi trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Ratio 2016 gọi giai đoạn Triết học là giai đoạn huấn luyện trở nên môn đệ Chúa Kitô; giai đoạn Thần học được gọi là giai đoạn huấn luyện trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Mục tử.
Trở lại việc huấn luyện: huấn luyện là một tiến trình xây dựng con người mới trong Đức Kitô, hình thành nơi người thụ huấn cách sống mới, thái độ mới, lối suy nghĩ mới, tâm tình và ước muốn của chính Đức Kitô. Vì thế, việc huấn luyện không phải là bắt chước bên ngoài, nhưng là trở nên giống từ bên trong, là “mặc lấy những tâm tình của Chúa Kitô”. Nếu nói quá trình giáo dục là chết đi con người cũ, thì quá trình huấn luyện là phục sinh con người mới trong Đức Kitô. Trong quá trình giáo dục và huấn luyện, có vai trò của người đồng hành.
- ĐỒNG HÀNH (ACCOMPAGNEMENT)
Đồng hành tiếng Latinh là CUM-PANIO, có nghĩa là “chung một tấm bánh”. Tự bản chất, đồng hành có nghĩa là chia sẻ. Vì thế, việc đồng hành với người thụ huấn không chỉ là hướng dẫn họ, dạy dỗ họ, càng không phải là áp đặt họ, nhưng là cùng nhau cử hành và chia sẻ kinh nghiệm đức tin. Đồng hành là cùng nhau bước đi trên đường, cùng nhau chia sẻ “của ăn đàng” là đức tin, kinh nghiệm về Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Thánh Thần.
Lối đồng hành này là cách mà Chúa Giêsu đã thực hiện trên đường Emmaus. Chúa Giêsu gặp gỡ, cùng bước đi với họ, trò chuyện với họ, nói cho họ nghe những chuyện xảy ra và giải thích cho họ hiểu các sự kiện dưới ánh sáng Lời Chúa. Rồi sau đó, cùng với họ Ngài “bẻ bánh”, họ nhận ra Ngài, lòng họ bừng lên, mắt họ sáng ra và tự ý họ quay trở về Giêrusalem để loan báo cho mọi người biết Chúa đã sống lại (x. Lc 24, 13-35).
Người đồng hành không phải là người quyết định ơn gọi của người thụ huấn. Người đồng hành đóng vài trò của Gioan Tẩy Giả, người đưa môn đệ mình tới gặp Chúa, giới thiệu họ với Chúa, rồi từ từ rút vào bóng tối, để Chúa lớn lên, còn mình nhỏ lại (x. Ga, 3,30).
Tuy nhiên, việc đồng hành tiên vàn là phương thức hành động của Chúa Thánh Thần, là người bạn đường thần linh và là nhà điêu khắc nội tâm, Đấng uốn nắn mỗi người theo hình ảnh Chúa Kitô một cách sáng tạo và độc đáo.
Do đó, điều cơ bản là người thụ huấn phải cảm nhận Chúa Thánh Thần như là bạn trung tín, như là Đấng sẽ giúp họ am hiểu toàn vẹn và sự khôn ngoan của trái tim, như một người dẫn đường nhìn về Chúa Giêsu, để làm cho họ trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu.
Một khi người thụ huấn nhận biết và cảm nghiệm Chúa Thánh Thần như là “bạn đường”, họ sẵn sàng đón nhận những người đồng hành mà không đòi hỏi người đồng hành phải hoàn hảo; họ dễ dàng đón nhận những phương tiện, điều kiện và cả những giới hạn nhân loại của người đồng hành. Hễ ai tin cậy Chúa Thánh Thần thì cũng tin cậy những trung gian của Người; hễ ai biết phó mình trong tay Chúa Thánh Thần thì không lo sợ khi chia sẻ lịch sử đời mình với người đồng hành trong sự cởi mở, tin tưởng và phó thác. Khi người thụ huấn mất niềm tin vào người đồng hành vì họ không được tôn trọng như một tác phẩm của Chúa Thánh Thần, thì công cuộc đào tạo kể như thất bại. Thật vậy, trong công cuộc đào tạo linh mục tu sĩ, vai trò số một là Chúa Thánh Thần, vai trò số hai là ứng sinh, vai trò thứ ba là người đồng hành. Nếu đảo lộn trật tự này, nhất là coi thường vai trò số một và số hai, người thụ huấn sẽ “nín thở qua cầu” và vô cùng bất hạnh.
Như thế, khi suy nghĩ về quá trình giáo dục, huấn luyện và đồng hành, chúng ta có thể nói rằng: công trình đào tạo là công trình của Ba Ngôi: Chúa Cha giáo dục, Chúa Con huấn luyện và Chúa Thánh Thần đồng hành. Công việc này được thực hiện trong, qua và nhờ Giáo Hội.
Kết luận:
Trong công việc đào tạo linh mục của Giáo Hội, chúng ta được cảnh báo về hiện tượng “nín thở qua sông” của ứng sinh. Cần phải có những nỗ lực canh tân để chương trình và phương thức giáo dục và huấn luyện giúp các ứng sinh thực sự được biến đổi toàn vẹn, trở thành những con người tốt, kitô hữu trưởng thành và những linh mục tu sĩ thánh thiện cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Tắt một lời, điều quan trọng trong việc đào tạo linh mục là trông cậy vào Chúa Thánh Thần và nỗ lực canh tân của mỗi người trong việc giáo dục, huấn luyện và đồng hành.