“ĐÂY THÌ CÒN HƠN VUA SALOMON NỮA”
Thánh Thể như sự hiện diện thật của Chúa
Tôi đã bắt đầu những bài suy niệm này bằng cách suy tư về Thánh Thể trong lịch sử cứu độ; trong đó chúng ta thấy mầu nhiệm Thánh Thể hiện diện qua nhiều cách khác nhau trong suốt lịch sử cứu độ: như hình bóng trong Cựu Ước, như biến cố trong Tân Ước và như bí tích trong thời Giáo Hội. Tiếp đến, tôi dừng lại khá lâu về Thánh Thể-bí tích, để cho thấy Thánh Thể “làm nên” Giáo Hội như thế nào qua việc truyền phép, rước lễ, chiêm niệm và cuối cùng qua việc bắt chước. Trong hai bài suy niệm cuối cùng, tôi muốn lấy lại chủ đề đầu tiên: Thánh Thể trong lịch sử cứu độ, nhìn lại ngày hôm nay và ngày mai.
Mầu nhiệm Kitô giáo luôn có ba chiều kích: tưởng niệm quá khứ, hiện diện của ân sủng và chờ đợi thời gian viên mãn. Thánh Tôma Aquinô gọi Thánh Thể là “bữa tiệc thánh mà người ta lãnh nhận Đức Kitô: người ta cử hành việc tưởng niệm cuộc khổ nạn (quá khứ) của Ngài, linh hồn được tràn đầy ân sủng (hiện tại), và bảo chứng vinh quang tương lai được ban cho chúng ta” (Điệp ca O sacrum convivium).
Ngày hôm nay, chúng ta bàn về Thánh Thể như là sự hiện diện thật của Chúa trong Giáo Hội, dành bài cuối cùng để xem xét Thánh Thể như chờ đợi Chúa trở lại.
“Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại”
Một hôm, tôi được dịp cử hành Thánh Lễ trong khuôn viên một đan viện. Bài Phúc Âm hôm đó là đoạn Matthêu 12. Tôi sẽ không bao giờ quên cảm tưởng mà lời Đức Giêsu nói đem lại cho tôi: “Đây thì còn hơn ông Giona… hơn vua Salomon nữa”. Lúc này, tôi như thể lần đầu tiên nghe những lời đó. Tôi chợt hiểu ý nghĩa của những trạng từ “hiện nay”, “ở đây”: thật sự “hiện nay”, “ở đây”, vào lúc này và ở nơi xác định này, chứ không chỉ vào thời Đức Giêsu còn ở trần gian, cách nay bao nhiêu thế kỷ. Tôi đờ đẫn cả người. Có gì đó trước mắt tôi hơn cả Giona, Salomon, Abraham hay Môsê; có Con Thiên Chúa hằng sống và đích thực. Tôi đã hiểu điều mà những lời sau đây muốn nói: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày…” (Mt 28,20).
Từ ngày hè đó, tôi thích những lời ấy, giờ đây trở thành thân mật hơn nhiều đối với tôi; trong Thánh Lễ, vào lúc quỳ xuống và đứng dậy sau truyền phép, tôi thường hay tự nhủ: bây giờ ở đây còn hơn vua Salomon! Đôi khi tôi nói to lên những lời ấy. Đối với bài suy niệm này, khi tôi muốn suy tư về mầu nhiệm Thánh Thể, là sự hiện diện thật của Chúa Giêsu, tôi đã không tìm ra lời nào đẹp hơn làm khởi điểm, và có thể đi cùng với tôi trong suốt cuộc nghiên cứu này của tôi.
Nhưng trước khi đi sâu vào mầu nhiệm hiện diện này Chúa Giêsu trong Thánh Thể, chúng ta hãy dừng lại một chút ngoài cửa để xem xét từ bên ngoài, với tất cả Kinh Thánh làm hậu cảnh. Trong nhãn quan toàn bộ, sự hiện diện Thánh Thể được mạc khải cho chúng ta như một cách tiếp cận tự nhiên về mạc khải của Thiên Chúa trong Kinh Thánh, như nét vẽ cuối cùng mạc khải cho ta khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa. Thiên Chúa của Kinh Thánh là một Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, một Thiên Chúa hiện diện, không phải một Thiên Chúa “không dính dáng với những chuyện của con người”, không thể đạt tới, như Thiên Chúa của các triết gia. Vì vậy, Người tìm thấy trong Thánh Thể một nơi để vĩnh viễn tỏ mình; Thánh Thể là bụi gai cháy đích thực, nơi Thiên Chúa tỏ cho biết tên Người là Đức Chúa, nghĩa là, theo ý nghĩa xác thực của sách Xuất hành 3,14, “Đấng có đó, Đấng hiện diện”.
Theo đà ấy, Isaia bắt đầu nói về một con trẻ sẽ được gọi là Emmanuel: Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (x. Is 7,14). Cuối cùng là sự kiện thực hiện lời hứa: Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14). Sự hiện diện của Thiên Chúa trước đây tỏ hiện trong đám mây hay trong vinh quang – nhưng là một vinh quang gián đoạn và không thể nắm bắt – từ đây được bầy tỏ trong xác thịt của chúng ta, một xác thịt thấy được, sờ được, ở giữa chúng ta: điều chúng tôi đã nghe, đã thấy tận mắt, đã chiêm ngưỡng, tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời Sự Sống (1Ga 1,1).
Bản liệt kê ấn tượng về các động từ trên chưa đầy đủ, còn thiếu động từ “ăn”. Và việc lập phép Thánh Thể cho phép bước cuối cùng này: “Hãy cầm lấy mà ăn”, “Ai ăn thịt tôi sẽ được sống đời đời”. Sự hiện diện của Thiên Chúa, một cách tổng quát và bên ngoài, nếu nói được như vậy, trở thành cá nhân và bên trong con người, không chỉ là một cách cố ý thoát khỏi vật chất (điều xẩy ra trong việc nhìn, nghe, chiêm ngưỡng và đức tin), nhưng thật sự, cách cụ thể, thích ứng với điều kiện của chúng ta là những hữu thể nhập thể. Thánh Thể là giai đoạn cuối cùng trong suốt cuộc hành trình “hạ cố” của Thiên Chúa: sáng tạo, mạc khải, nhập thể, Thánh Thể. Thật chính đáng khi phụng vụ lễ “Mình Máu Đức Kitô”, lễ Thánh Thể, áp dụng cho Thánh Thể lời của Môsê: “Có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta?” (Đnl 4,7). Trước nhà tạm, chúng ta có thể thật sự lặp lại những lời của sách Khải huyền: Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại (Kh 21,3). Phải, Thánh Thể liên quan đến mầu nhiệm Vượt Qua, nhưng cũng có liên quan cốt tử đến mầu nhiệm Nhập Thể; tưởng niệm một biến cố – cuộc Vượt Qua – nhưng cũng là sự hiện diện của một ngôi vị: Ngôi Lời mặc lấy xác phàm. Dây liên hệ sâu xa này được làm sáng tỏ trong Phúc Âm Gioan, khi chúng ta từ chương 1 bước qua chương 6: Ngôi Lời mặc lấy xác phàm (Nhập Thể), và xác phàm này trở thành “của ăn thật” (Thánh Thể). Sự sống vĩnh cửu trở nên hữu hình cho chúng ta trong Nhập Thể (x. 1Ga 1,2) từ đây trở thành của ăn cho chúng ta, trở thành “lương thực đem lại sự sống đời đời”. Thánh Thể có được sức mạnh vô tận thần hóa chúng ta, vì cho chúng ta tiếp xúc với xác thịt của Con Người-Thiên Chúa.
“Điều gì tốt thì giữ”
Giờ đây chúng ta bước qua cửa đã giữ chúng ta dừng chân cho tới lúc này, để đi vào trong đám mây sáng chói, ở bên kia bức màn, trong nơi cực thánh, đối diện với chính mầu nhiệm hiện diện thật của Đức Giêsu trong Thánh Thể. Làm thế nào đối diện với một mầu nhiệm cao vời, vô phương đạt thấu ấy? Chúng ta nghĩ ngay đến con số không kể xiết các lý thuyết và các cuộc tranh luận về đề tài này, những khác biệt giữa người Công giáo và Thệ phản, giữa bên La tinh và Chính thống giáo, có đầy sách vở về chuyện đó khi chúng ta học thần học. Ngày nay, chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng không thể thêm bất cứ điều gì khác vào mầu nhiệm này để có thể làm gia tăng đức tin của chúng ta và sưởi ấm tâm hồn chúng ta, mà không thể không rơi vào cuộc bút chiến giữa các hệ phái Kitô khác nhau.
Nhưng đó lại chính là công trình kỳ diệu mà Chúa Thánh Thần đang thực hiện ngày nay giữa mọi người Kitô hữu. Người buộc chúng ta phải thừa nhận rằng, trong những cuộc tranh luận của chúng ta về Thánh Thể, có biết bao nhiêu tự phụ của con người tưởng có thể nhốt mầu nhiệm trong một lý thuyết hay thậm chí trong một lời, cũng như muốn thắng địch thủ. Thần Khí thúc đẩy chúng ta thống hối, vì chúng ta đã biến bảo chứng tối cao của tình yêu và sự hiệp nhất mà Chúa đã để lại cho chúng ta thành đối tượng ưu đãi để chúng ta tranh cãi.
Phương tiện giúp chúng ta đi trên con đường đại kết này về Thánh Thể, con đường bác ái Kitô giáo, là cùng nhau thừa nhận việc chia sẻ cho nhau. Không phải là vượt quá những khác biệt thật sự hay vì bất cứ lý do gì mà không còn giữ giáo lý công giáo chính thực. Đúng hơn đây là để chung những khía cạnh tích cực và những giá trị xác thực có trong mỗi truyền thống, để xây dựng “toàn bộ” những chân lý chung cho chúng ta và bắt đầu lôi kéo chúng ta tới hiệp nhất. Thật đáng kinh ngạc khi một số quan điểm Công giáo, Chính thống và Tin lành, liên quan đến sự hiện diện thật, cho thấy là khác biệt và phá hoại, trong trường hợp người ta đặt chúng tương phản với nhau và xem xét chúng thay thế nhau thay vì hội tụ với nhau cách tuyệt vời, miễn là giữ cho chúng được cân bằng. Chúng ta phải bắt đầu làm một cuộc tổng hợp: sàng lọc những truyền thống lớn Kitô giáo để giữ lại nơi mỗi truyền thống “điều gì tốt” (x. Tx 5,21), theo lời khuyên của thánh Tông Đồ. Khi để chung như vậy, những gì thuộc Thiên Chúa thì tích lũy lại, và những gì thuộc con người thì bị đào thải.
Một sự hiện diện thật, nhưng ẩn giấu: truyền thống La tinh
Trong tinh thần này, chúng ta hãy để chút thời giờ nhìn kỹ hơn những truyền thống Thánh Thể chính: La tinh, Chính thống giáo và Tin lành, để kích thích chúng ta xây dựng trên những sự phong phú của mỗi truyền thống và kết hợp tất cả những phong phú đó trong kho tàng chung của Giáo Hội. Ý tưởng mà cuối cùng chúng ta có được về mầu nhiệm hiện diện thật sẽ phong phú và sống động hơn.
Theo thần học La tinh, trọng tâm không cần bàn cãi của hành động Thánh Thể từ đó phát xuất sự hiện diện thật của Đức Kitô, là lúc truyền phép. Chính đó là lúc mà Đức Giêsu hành động và nói ở ngôi thứ nhất. Thần học La tinh nối kết với tất cả trào lưu truyền thống Giáo phụ; hãy xem những gì thánh Ambrôsiô viết: “Bánh này thuộc về bánh trước khi được truyền phép; nhưng sau khi truyền phép, bánh trở thành mình Đức Kitô. Việc truyền phép được thực hiện bằng những lời nào? Những lời ấy là của ai? Của Đức Giêsu! Tất cả những lời cầu nguyện trước lúc này, đều là những lời của linh mục đọc lên ca tụng Thiên Chúa, cầu nguyện cho dân, cho những người lãnh đạo và những người khác. Nhưng đến lúc Thánh Thể được thực hiện, thì linh mục không dùng lời của mình nữa, mà dùng lời của Đức Kitô. Vậy chính lời làm nên (conficit) bí tích… Bạn có thấy lời của Đức Kitô hữu hiệu (operatorius) biết bao không? Trước lúc truyền phép, đã không có mình Đức Kitô, nhưng sau truyền phép, tôi nói với bạn từ đây đó là mình Đức Kitô. Chính Ngài đã nói và điều đó đã xẩy ra; Ngài đã truyền lệnh và điều đó liền có (x. Tv 33,9)” (De sacr. IV, 14-16).
Theo nhãn quan La tinh, chúng ta có thể nói về một tính hiện thực Kitô học: “Kitô học”, vì sự chú ý hoàn toàn hướng về Đức Kitô, được xét đến cả trong cuộc sống lịch sử và nhập thể lẫn với tư cách Đấng Phục Sinh. Đức Kitô vừa là đối tượng vừa là chủ thể của Thánh Thể: Đấng được thực hiện trong Thánh Thể và Đấng thực hiện Thánh Thể; “tính hiện thực”, vì người ta không chỉ thấy Đức Giêsu hiện diện trên bàn thờ trong một dấu chỉ và biểu tượng (chống lại Bérenger de Tours), nhưng trong sự thật và với thực tại riêng của mình. Để cho thấy ví dụ về một sự hiện thực như thế, chúng ta hãy lấy bài ca Ave verum đã được Đức Giáo hoàng Innocentê IV sáng tác cho lúc dâng lễ: “Kính chào thân xác đích thực, sinh bởi lòng Đức Trinh Nữ Maria, Ngài đã thật sự chịu đau khổ và đã chịt sát tế trên thập giá vì con người, từ cạnh sườn Ngài máu và nước đã chảy ra…”.
Tiếp theo, Công đồng Trentô đã đem lại nhiều chi tiết chính xác về cách quan niệm sự hiện diện thật, qua những trạng từ: vere, realiter, substantialiter; Đức Giêsu hiện diện thật, không chỉ bằng hình ảnh hay hình bóng; Ngài thực sự hiện diện, chứ không chỉ cách chủ quan, vì đức tin của người tín hữu; Ngài hiện diện theo bản thể, tức theo thực tại sâu sắc mà giác quan không thấy, chứ không chỉ vẻ bên ngoài vẫn còn là bánh và rượu.
Đúng là có thể có thể có nguy cơ rơi vào một thứ thực tiễn “sống sượng”, hoặc quá đáng như trong công thức chống lại lạc thuyết của Béranger, theo kiểu: mình và máu Đức Kitô chỉ hiện diện trên bàn thờ “cách khả giác và đúng là được tay của linh mục chạm đến và bẻ ra, và được nhai bởi răng của các tín hữu” (x. Dz. 690). Nhưng nguy cơ này có được phương dược trong chính truyền thống. Thánh Augustinô đã làm sáng tỏ sự việc một lần vĩnh viễn: sự hiện diện của Đức Giêsu trong Thánh Thể đến “in sacramento” (trong bí tích), nói khác đi, không phải là sự hiện diện thể lý, nhưng hiện diện cách bí tích, qua trung gian các dấu chỉ bánh và rượu. Tuy nhiên trong trường hợp này, dấu chỉ không khai trừ thực tại, nhưng làm cho thực tại hiện diện trong một cách thức độc nhất, nghĩa là một thực tại thiêng liêng – là thân xác của Đức Kitô phục sinh – có thể trở thành hiện tại cho ta, bao lâu chúng ta còn sống trong cuộc đời này.
Ở Tây phương, thánh Tôma Aquinô – một bậc thầy khác về linh đạo Thánh Thể – cũng như thánh Augustinô, có cùng một kiểu diễn đạt, khi ngài nói về sự hiện diện của Đức Kitô “theo bản thể” dưới các hình bánh và rượu (x. Somme théologique IIIa, q.75, a.4). Quả thực, nói rằng Đức Kitô hiện diện, với bản thể của Ngài, trong Thánh Thể, cũng là nói Ngài hiện diện trong thực tại chân thật và sâu xa của Ngài mà người ta chỉ có thể đạt tới nhờ đức tin: “Thị giác, xúc giác, vị giác, tất cả đều thất bại; chỉ còn đức tin vào lời của Ngài”, thánh Tôma đã ca lên như thế trong bài “Adoro Te devote”. Khởi đầu bài ca này, thánh nhân đã lấy lại và khai triển với nét độc đáo riêng nhãn quan bí tích của Augustinô, khi viết rằng Đức Kitô trong Thánh Thể hiện diện trong các hình thái hay hình: “Lậy Thiên Chúa ẩn mình, con sốt sắng thờ lậy Chúa đang thực sự ẩn mình dưới những hình này”. Kiểu nói la tinh “vere latitas” rất dồi dào ý nghĩa; muốn nói rằng: Chúa ẩn mình, nhưng thật sự đang ở đây (nhấn mạnh trên vere, trên thực tại hiện diện), và cũng muốn nói: Chúa thật sự đang ở đây, nhưng ẩn mình (nhấn mạnh trên latitas, trên đặc tính bí tích của sự hiện diện này).
Một lối cắt nghĩa như thế tránh được nguy cơ về một thực tế “sống sượng”. Trong một thánh thi khác tôn vinh Thánh Thể, thánh Tôma còn nói: “Đức Kitô không bị người ăn bẻ nát, Ngài không bị bẻ nát, cũng không bị phân chia, nhưng được lãnh nhận hết” (Lauda Sion).
Thế nên Đức Giêsu hiện diện trong Thánh Thể theo một cách thức độc nhất, không thấy nơi đâu khác. Không một tính từ nào, chỉ mình nó, là đủ để nói lên phẩm chất của sự hiện diện này, ngay cả tính từ “thực sự”: thực sự là do res (sự việc) và có nghĩa: theo kiểu một sự việc hay một sự vật; nhưng Đức Giêsu không hiện diện trong Thánh Thể như một “sự việc” hay sự vật, mà là một con người. Nếu phải gọi tên cho sự hiện diện này, có lẽ tốt hơn chỉ thuần túy gọi là sự hiện “Thánh Thể”, vì nó chỉ được thực hiện trong Thánh Thể.
Hành động của Chúa Thánh Thần: truyền thống Chính thống giáo
Thần học La tinh cung cấp nhiều nét phong phú, nhưng không khai thác hết mầu nhiệm, cũng không thể làm điều đó. Điều còn thiếu cho thần học này, ít nhất trong quá khứ, là không cho thấy tầm quan trọng phải có của Chúa Thánh Thần, và là chủ yếu cho việc hiểu Kinh Thánh. Vậy cuối cùng chúng ta hướng về Đông phương với một tâm hồn được chuẩn bị hoàn toàn khác với trước đây: chúng ta không còn lo lắng về sự khác biệt, nhưng may mắn được nó bổ túc cho nhãn quan La tinh của chúng ta. Thực ra, truyền thống Chính thống giáo cho thấy rõ hành động của Chúa Thánh Thần trong cử hành Thánh Thể. Vả lại, những đối chiếu này đã mang lại kết quả kể từ Công đồng Vaticanô II; cho tới lúc đó, trong lễ quy Rôma, người ta chỉ đề cập Chúa Thánh Thần như một lời xen vào vinh tụng ca kết thúc: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người…trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần…”. Nhưng hiện nay, mọi Kinh Nguyện Thánh Thể mới đều có hai lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần: trên lễ vật trước lúc truyền phép, và trên Giáo Hội sau lúc truyền phép.
Các phụng vụ Đông phương luôn coi sự hiện diện thật của Đức Kitô trên bàn thờ là do sự can thiệp đặc biệt của Chúa Thánh Thần, đến độ coi lúc chính xác Đức Kitô hiện diện là khi đọc kinh epiclesis (kinh khẩn cầu Chúa Thánh Thần), chứ không phải lúc truyền phép (tuy nhiên giáo lý này xuất hiện muộn hơn, tiếp theo sau cuộc tranh cãi về việc đập phá ảnh tượng). Trong kinh thượng tiến (anaphore) của thánh Giacôbê, sử dụng nơi Giáo Hội Antiokia, Chúa Thánh Thần được khẩn cầu bằng những lời sau đây: “Lậy Chúa, xin sai xuống trên chúng con và trên những lễ vật dâng tiến Chúa đây Thần Khí thánh của Chúa, Đấng ban sự sống, ngự trị cùng với Chúa là Thiên Chúa và là Cha, và với Con độc nhất của Chúa. Người hiển trị, đồng bản thể, đồng vĩnh tồn; Người đã nói qua Lề Luật, các tiên tri và Tân Ước; dưới hình chim bồ câu, Người đã xuống trên Chúa chúng con là Đức Giêsu Kitô trong sông Giođan, và đã đậu trên Ngài; dưới hình lưỡi lửa, Người đã xuống trên các tông đồ ngày lễ Ngũ Tuần. Lậy Chúa, xin sai xuống trên chúng con và trên những lễ vật dâng tiến Chúa đây Thần Khí rất thánh của Chúa, để nhờ Người đến trong thánh thiện, tốt lành và vinh quang, Người thánh hóa bánh này và làm cho trở nên mình thánh Đức Kitô (Amen), để Người thánh hóa chén này và làm cho trở nên máu châu báu của Đức Kitô (Amen)”.
Ở đây, còn có gì hơn là chỉ thuần túy thêm vào lời kêu cầu Chúa Thánh Thần; có một cái nhìn rộng lớn đi sâu vào lịch sử cứu độ, cho phép ta khám phá ra một chiều hướng mới về mầu nhiệm Thánh Thể. Khởi đi từ những lời của Kinh Tin kính Nicêa-Constantinôpôli định nghĩa Chúa Thánh Thần là “Chúa” và là “Đấng ban sự sống”, “đã dùng các tiên tri mà phán dạy”, viễn tượng mở rộng tới chỗ vạch ra một “lịch sử” chân thực riêng cho Chúa Thánh Thần. Người luôn hoạt động khi ban sự sống. Lúc đầu, Ađam là một hình tượng bất động, lấy ra từ đất sét, nhưng được một “hơi thở của sự sống” thổi vào, và con người trở thành một sinh vật; khi đến lúc mời gọi Ađam Mới xuất hiện, lại cũng chính Chúa Thánh Thần can thiệp nơi Đức Maria, để ban sự sống cho Đấng Cứu Thế nơi Mẹ; còn ở nhà Tiệc ly, chúng ta thấy một nhúm người đang sợ hãi và bấp bênh, một loại thân thể bất động như con người đầu tiên, thì cũng chính hơi thở của Thần Khí đến và rồi Giáo Hội sống động xuất hiện. Mỗi lần như vậy, chính Chúa Thánh Thần gây ra một sự khác biệt về phẩm chất trong đời sống và lịch sử cứu độ.
Thánh Thể đưa một loạt những lần can thiệp kỳ diệu đến chỗ hoàn tất. Ngày Phục Sinh, khi ùa vào trong mồ, “sờ” vào thân xác bất động của Đức Giêsu, làm cho thân xác ấy sống lại, Chúa Thánh Thần lặp lại sự kỳ diệu này trong Thánh Thể: Người xuống trên bánh rượu là những yếu tố chết và ban cho chúng sự sống, Người biến chúng thành thịt máu Đấng Cứu Chuộc. Quả thật, như Đức Giêsu đã cho thấy điều đó khi nói về Thánh Thể, chính “Thần Khí mới làm cho sống” (Ga 6,63). Thêôđôrê Mopsueste, khi trình bày cách tuyệt vời truyền thống Thánh Thể của Đông phương, đã viết: “Nhờ hành dộng phụng vụ, Chúa chúng ta như đã sống lại từ trong kẻ chết và đổ tràn trên tất cả chúng ta ân sủng của Ngài, nhờ việc Chúa Thánh Thần đến. Khi vị tư tế tuyên bố bánh và rượu này là Mình và Máu Đức Kitô, ông xác nhận chúng trở thành như thế nhờ tiếp xúc với Chúa Thánh Thần. Đã xẩy ra như vậy với thân xác tự nhiên của Đức Kitô, khi Ngài lãnh nhận Chúa Thánh Thần và được Người xức dầu. Chúng ta tin rằng lúc Chúa Thánh Thần đến, bánh và rượu lãnh nhận một thứ xức dầu của ân sủng. Và từ đó chúng ta tin chúng là mình và máu Đức Kitô, bất tử, bất hoại, bất thụ và bất biến tự bản chất, như chính thân xác Đức Kitô trong sự Phục Sinh” (Homélies catéch. XVI, 11 tt).
Tuy nhiên, có một chi tiết cần phải để ý: Chúa Thánh Thần không hành động tách biệt với Đức Giêsu, nhưng trong lời của Đức Giêsu. Đức Giêsu nói về Người: “Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại…Người sẽ tôn vinh Thầy, vì người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,13-14). Vì vậy không được tách biệt và càng không được đối lập với nhau những lời của Đức Giêsu (“Này là Mình Thầy”) và những lời của kinh epiclesis (“Xin Chúa Thánh Thần làm cho bánh này trở thành mình Đức Kitô”). Lời mời gọi các anh em Công giáo và Chính thống giáo hiệp nhất phát sinh từ chính những sự sâu thẳm của mầu nhiệm Thánh Thể. Ngay cả khi, do sức mạnh của sự việc, việc tưởng niệm lập phép Thánh Thể và lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần xảy ra vào những thời điểm khác nhau (con người không thể diễn tả mầu nhiệm trong chỉ một lúc), tuy nhiên hành động của các Ngài liên kết với nhau. Chắc chắn hiệu quả là từ Thần Khí (không phải từ linh mục hay từ Giáo Hội), nhưng hiệu quả này là từ bên trong lời của Đức Kitô và qua lời Ngài. Do đó mà thánh Ambrôsiô đã kêu lên: “Bạn không thấy lời của Đức Kitô hữu hiệu dường nào sao?”. Từ đây chúng ta biết lời ấy hữu hiệu là do ai: do Chúa Thánh Thần! Đức Giêsu nói: “Này là mình Thầy”, nghĩa là: Thầy muốn bánh này là mình Thầy. Và mỗi lần như thế Chúa Thánh Thần thực hiện ý muốn này của Đức Giêsu. Và sự “cộng tác” tuyệt vời như tôi vừa nói, được thực hiện. Trong việc truyền phép, Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta Đức Giêsu, để lúc hiệp lễ Đức Giêsu có thể ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần.
Hiệu năng hiện tại hóa sự hiện diện của Đức Giêsu trên bàn thờ, như tôi đã nói, không đến từ Giáo Hội, nhưng, cần nói thêm, không xẩy ra mà không có Giáo Hội. Giáo Hội là dụng cụ sống động được Chúa Thánh Thần dùng làm máng chuyên cho một công trình chung. Việc Đức Giêsu xuống trên bàn thờ giống như lúc Ngài trở lại lần cuối trong vinh quang: Thần Khí và Tân Nương (Giáo Hội) nói với Đức Giêsu: Xin Ngài ngự đến! Và Ngài đến (x. Kh 22,17).
Tầm quan trọng của đức tin: linh đạo Tin lành
Truyền thống La tinh cho thấy rõ “ai” hiện diện trong Thánh Thể: Đức Kitô; truyền thống Chính thống giáo cho thấy rõ Ngài hiện diện là “bởi ai”: bởi Chúa Thánh Thần; thần học Tin lành cho thấy rõ sự hiện diện này tác động “trên ai”, nói khác đi, với những điều kiện nào mà bí tích thực tế thực hiện điều nó biểu thị nơi người lãnh nhận. Những điều kiện này khác nhau nhưng tóm lại trong một từ: đức tin.
Chúng ta không lần lữa ở những hệ quả tiêu cực mà vào một số thời kỳ người ta rút ra nguyên tắc của Tin lành chủ trương các bí tích chỉ là những “dấu chỉ đức tin”. Chúng ta hãy vượt qua những hiểu lầm và bút chiến, và chúng ta thấy lời nhắc mạnh mẽ này đến đức tin thực bổ ích để giải cứu bí tích và không biến nó (như đã xảy ra trong thời của Luthêrô và không chỉ thời đó) thành một trong những “việc lành” hoặc thành một điều gì đó hoạt động hơi máy móc và có tính ma thuật, hầu như không được con người biết đến. Chung quy, vấn đề là khám phá ra ý nghĩa sâu xa của lời tung hô phụng vụ sau lúc truyền phép; lời tung hô này, chúng ta nhớ ngày xưa đã được xen vào trong công thức truyền phép, như để nhấn mạnh rằng đức tin là phần chủ yếu của mầu nhiệm: “Mysterium fidei”, mầu nhiệm đức tin.
Đức tin không làm nên bí tích, nó chỉ làm cho người ta “lãnh nhận” bí tích; chỉ có lời của Đức Kitô, được Giáo Hội lấy lại và được Chúa Thánh Thần làm cho hữu hiệu, mới “làm nên” bí tích. Nhưng ích lợi của một bí tích sẽ như thế nào nếu bí tích không được “lãnh nhận”? Về việc Nhập Thể, những người như Origen, thánh Augustinô, thánh Bênađô đã nói: “Việc Đức Kitô được Đức Maria sinh ra ngày xưa ở Belem ích gì cho tôi, nếu Ngài không sinh ra trong tâm hồn tôi bằng đức tin?” Cũng phải nói như thế về Thánh Thể. Đức Kitô thật sự hiện diện trên bàn thờ thì có ích gì, nếu Ngài không hiện diện cho tôi. Một trạm truyền thanh phát sóng ở nơi nào đó chẳng ích gì, nếu không có trạm thu sóng của nó; âm nhạc không tồn tại nếu không có những lỗ tai để nghe. Lúc Đức Giêsu hiện diện trong thân xác ở trần gian, thì đức tin là cần thiết; nếu không – như chính Ngài thường hay lặp lại trong Phúc Âm – sự hiện diện của Ngài chẳng có ích gì, trừ ra để lên án người ta: “Khốn cho ngươi, hỡi Corozain, khốn cho ngươi, hỡi Capharnaum”.
Chiều kích chủ quan và hiện sinh này của sự hiện diện Thánh Thể không hủy bỏ sự hiện diện khách quan đi trước đức tin của con người, hơn nữa nó giả thiết và làm tăng giá trị đức tin ấy, vì thật sự chính Luthêrô, người đã rất đề cao vai trò của đức tin, đã có thể viết lời tuyên tín lạ lùng vào sự hiện diện thật như sau: “Tôi không thể hiểu những từ: ‘này là mình Thầy’ khác với những gì những từ ấy nói. Vậy những người khác phải chứng minh rằng khi có lời: ‘này là mình Thầy’, thì thân xác Đức Kitô không có ở đó. Tôi không muốn nghe những cách cắt nghĩa dựa trên lý trí. Trước những lời rõ ràng như vậy, tôi không chấp nhận thắc mắc; tôi gạt bỏ lương tri và lý trí lành mạnh của con người. Những chứng cứ vật chất, những luận chứng hình học, tôi gạt bỏ hết. Thiên Chúa ở trên tất cả mọi loại toán học. Chỉ cần rất đỗi ngạc nhiên mà thờ lậy lời Thiên Chúa” (Colloque de Marburg, 1529).
Chúng ta đã nhanh chóng lướt qua sự phong phú của những truyền thống Kitô giáo khác nhau, đủ để làm cho chúng ta thoáng thấy một quà tặng vô hạn được ban cho Giáo Hội, khi các hệ phái Kitô giáo khác nhau quyết định để làm của chung những thiện ích thiêng liêng của mình, theo cách các Kitô hữu đầu tiên “để mọi sự làm của chung” (Cv 2,44). Điều đang xẩy ra thì đã xẩy ra thời tiên tri Khácgai lúc tái thiết đền thờ: mọi ngươi dân Israel đang bận bịu tái thiết và làm đẹp nhà riêng của mình, thì Thiên Chúa đã dùng miệng tiên tri mà nói: “Bây giờ có phải là lúc để các ngươi ở trong các nhà có ghép gỗ đóng trần, còn Đền Thờ thì lại hoang tàn đổ nát không?” (Kg 1,4). Khi đó, dân bắt đầu đưa gỗ trên núi về để tái thiết đền thờ Thiên Chúa, và Thiên Chúa hài lòng về họ và tỏ hiện vinh quang của Ngài.
Ngày hôm nay, dường như tôi vẫn còn nghe tiếng than phiền này của Thiên Chúa đang nói với người Kitô hữu chúng ta: có phải dường như đây là lúc các ngươi được yên ổn, mỗi người hài lòng với “Giáo Hội” của mình, đang khi thân thể của Con Ta vẫn còn chia rẽ chăng? Thánh Phaolô thấy có hai lý do khiến cho cộng đồng Corintô kém cỏi: ăn uống “cách bất xứng” bữa tối của Chúa (vậy là do cách cư xử xấu của họ), và ăn uống “tách biệt” nhau (vậy là do họ chia rẽ nhau). Thực sự có những người trong số họ ăn bữa ăn riêng của mình, thích mang đến những đồ ăn phù hợp với mình, mà hoàn toàn không biết đến những người khác (x. 1Cr 11,20 tt). Chúng ta phải coi điều cảnh báo như thế là cho chúng ta, và phải học cách “chờ đợi” nhau trong Bữa Tiệc của Chúa và chia sẻ tất cả những sự phong phú của truyền thống chúng ta, không nghĩ rằng chúng ta nắm giữ mọi sự, không đánh giá thấp những truyền thống khác. Chính đó là agapè lớn nhất, có những chiều kích toàn thể Giáo Hội. Chúa đặt trong lòng ta ước muốn thấy bác ái đó, vì Cha chung của chúng ta được vui mừng và Giáo Hội của Người được củng cố.
Cảm thức về sự hiện diện
Sau cuộc hành hương Thánh Thể ngắn ngủi qua các hệ phái Kitô giáo khác nhau, chúng ta cũng đã thu lại vào giỏ những mẩu dư của việc hóa bánh ra nhiều lớn lao trong Giáo Hội. Nhưng chúng ta không thể hoàn tất ở đây việc suy niệm của chúng ta về mầu nhiệm hiện diện thật; điều đó có nghĩa là không ăn những mẩu bánh dư mà chúng ta đã thu lại. Đức tin vào sự hiện diện thật là một sự việc lớn lao, nhưng không đủ cho chúng ta; ít nhất đức tin được hiểu theo cách nào đó. Có một ý tưởng chính xác, sâu sắc, hoàn hảo về phương diện thần học về sự hiện diện thật của Đức Giêsu trong Thánh Thể là không đủ. Trong số các nhà thần học, có rất nhiều vị biết mọi sự về mầu nhiệm này: từ những cuộc tranh luận ở thời Béranger đến các cuộc bàn cãi xoay quanh sự biến thể và sự biến nghĩa, nhưng họ không biết đến sự hiện diện thật. Là vì, theo nghĩa Kinh thánh của hạn từ, người “biết” một sự vật là người có kinh nghiệm về sự vật đó. Thực sự biết lửa là người, ít ra một lần, đã bị ngọn lửa chạm phải, và đã phải mau chóng lùi lại để khỏi bị phỏng.
Thánh Grêgôriô Nyssê đã để lại cho chúng ta một kiểu nói rất hay để xác định mức độ cao nhất này của đức tin; ngài nói tới một “cảm thức về sự hiện diện” (aisthesis parousias) (In Cant. XI, 5, 2) khi một người nào đó bị sự hiện diện của Thiên Chúa bắt chộp; người đó có một tri giác nào đó (chứ không chỉ là một ý tưởng) về sự hiện diện của Ngài. Đây không phải là một tri giác tự nhiên, nhưng là kết quả của một ân sủng tác động như một sự đoạn giao về mức độ, một sự khác biệt lớn về phẩm chất. Có một loại suy lớn với những gì đã xẩy ra sau ngày Phục Sinh, khi Đức Giêsu để cho ai đó nhận ra mình. Đó là một điều bất ngờ đột nhiên làm thay đổi hoàn toàn cách xuất hiện của một con người. Sáng ngày Phục Sinh, Đức Giêsu hiện ra với Maria và nói với bà: “Này bà, sao bà khóc?” (Ga 20,15). Nhưng bà tưởng là người làm vườn. Chưa có chuyện gì xẩy ra cả; đó là cuộc đối thoại đơn thuần giữa hai người. Thì đây Đức Giêsu gọi tên bà: Maria! Ngay tức khắc, như thể một bức màn xé toang ra: “Rabbouni!” (Lậy Thầy) (Ga 20,16). Ít ngày sau, các tông đồ đi đánh cá ở hồ; xuất hiện một người đứng trên bờ, người đó hỏ từ xa: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không”. Nhưng một tia sáng lóe lên trong tâm hồn Gioan; ông kêu lên: “Chúa đó!” Khi ấy, mọi sự đều thay đổi, các ông vội vã chèo thuyền vào bờ (x. Ga 21,4). Các môn đệ Emmau cũng đã biết đến một biến cố tương tự, chắc hẳn theo một cách thức thầm lặng hơn; Đức Giêsu đi đường với họ, nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người; cuối cùng, khi Đức Giêsu làm cử chỉ bẻ bánh, lúc ấy “Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 24,31).
Thế đấy! chính xác đó là những gì xẩy ra vào ngày một người Kitô hữu đã bao lần lãnh nhận Đức Giêsu trong Thánh Thể, nhờ ân huệ của Ngài, cuối cùng “nhận ra” Ngài và hiểu biết chân lý của lời: “Đây thì còn hơn vua Salomon nữa”. Chính từ một kinh nghiệm tương tự mà cách đây ít lâu nẩy sinh Phong trào Canh tân đặc sủng trong Giáo Hội Công giáo. Một nhóm người trẻ Công giáo Hoa Kỳ, ngày cuối tuần, đã đi đến một nhà tiếp đón những người tĩnh tâm. Họ vừa gặp nhau trong nhà nguyện buổi tối trước Thánh Thể thì bỗng chốc xẩy ra một sự việc đặc biệt; sau đó, một người trong nhóm nói về sự việc như sau: “Chúng tôi bắt đầu kính sợ Chúa; một thứ kinh khiếp thánh không cho chúng tôi ngước mắt lên. Người ở đó, đích thân hiện diện, còn chúng tôi, chúng tôi đã sợ không cưỡng lại được tình yêu quá mức của Người. Chúng tôi tôn thờ Người mà lần đầu tiên khám phá ra tôn thờ nghĩa là gì. Chúng tôi trải qua một kinh nghiệm nóng bỏng về thực tại đáng sợ: sự hiện diện của Chúa. Kể từ đó, bằng một sự sáng sủa mới mẻ và không quanh co, chúng tôi đã hiểu những hình ảnh của Đức Chúa, Đấng mà trên núi Sinai, nói vang như sấm và bùng nổ bằng chính lửa từ bản thân Ngài, chúng tôi đã hiểu kinh nghiệm của Isaia và điều ông quả quyết: “Thiên Chúa chúng ta là ngọn lửa thiêu hủy”. Sự kính sợ này, một cách nào đó, không gì khác hơn là tình yêu, hoặc ít nhất chúng tôi đã nhận ra là như thế. Đó là một điều hết sức đáng yêu và đẹp đẽ, cho dù không ai trong chúng tôi thấy hình ảnh khả giác nhỏ nhất. Đó như thể là thực tại cá nhân của Thiên Chúa, chói lòa rực rỡ, đến xâm chiếm cả căn phòng lẫn chúng tôi bằng sự hiện diện của Ngài” (The Spirit and the Church, par R. Martin, New York, 1976, p. 16).
Sự đáp ứng của ta trước mầu nhiệm hiện diện thật
Từ đức tin của chúng ta và từ “cảm thức” về sự hiện diện thật phải phát sinh một lòng tôn kính bộc phát đối với Đức Giêsu trong Thánh Thể, và ngay cả từ sự âu yếm. Đó là một cảm thức quá tinh tế và cá nhân đến nỗi người ta có nguy cơ làm nó mất đi vẻ tươi tắn chỉ bằng cách nói về nó. Một lần nữa, chúng ta hãy nghe thánh Phanxicô Assisi, một bậc thày dạy chúng ta về sự sùng mộ Thánh Thể, một người có tâm hồn tràn đầy những tình cảm âu yếm kính tôn.
Trong lá thư “Gửi tất cả các giáo sĩ, về việc tôn kính Thân Thể Đức Kitô”, ngài đã buồn bã mà viết: “Chớ gì những ai phục vụ những mầu nhiệm trọng đại này, nhất là những ai làm điều đó mà thiếu lòng tôn kính phải có, hãy nhìn coi những chén thánh, khăn thánh và những khăn khác dùng để thánh hiến Thân Thể Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, đang trong tình trạng tồi tệ như thế nào. Nơi nhiều người, Mình Thánh được để vào những nơi bất xứng; thật đáng phải khóc lên khi thấy người ta mang đi, lãnh nhận mà không chuẩn bị, khi thấy Mình Thánh được ban mà không có lòng tôn kính. Chúng ta lại không nhiệt thành với việc phục vụ thánh này sao, khi mà chính Chúa phó mình trong tay chúng ta, chúng ta có Ngài và chịu lấy Ngài mỗi ngày? Chúng ta lại không biết rằng chúng ta phải rơi vào tay Ngài? Nào, từ những lộn xộn này, và cả những lộn xộn khác, chúng ta hãy lập tức cương quyết tạ lỗi”.
Phanxicô cảm thấy âu yếm trước Chúa Giêsu Thánh Thể như ngài đã cảm thấy trước Hài Nhi của Belem ở Greccio. Ngài thấy Hài Nhi bơ vơ trước con người, bất lực, nhất là khiêm nhường; đối với ngài, vẫn luôn là Đức Giêsu hằng sống và cụ thể, chứ không là một sự trừu tượng thần học. Ngài viết trong chúc thư: “Cha hành động như thế về Con Thiên Chúa Tối Cao, cha không thấy điều gì khác hơn trên thế gian này, trong hình hài có thân xác, ngoại trừ mình và máu rất thánh của Ngài”.
Thánh Thể là trách nhiệm lớn nhất của Giáo Hội trong lịch sử. Giáo Hội có trách nhiệm trong biết bao nhiêu lãnh vực: một giáo lý lành mạnh, con người, văn hóa, kho tàng nghệ thuật; nhưng tất cả những trách nhiệm đó không có tầm quan trọng nào so với trách nhiệm về Mình và Máu Đấng Cứu Thế là giá chuộc Giáo Hội.
Ngày xưa, ở những thế kỷ đầu của Kitô giáo, có một kỷ luật thịnh hành gọi là “luật bảo mật” (discipline de l’arcane): người ta không được nói về Thánh Thể quá dễ dàng, nhẹ dạ, và càng phải ít phơi bầy Thánh Thể ra cho mọi người; cũng vậy, đối với người trở lại, mầu nhiệm Thánh Thể chỉ được mạc khải đầy đủ trong tuần lễ sau khi họ chịu phép Rửa tội, tức cho người tân tòng chứ không cho người dự tòng. Đó là lúc người ta mong đợi nhất, vì mầu nhiệm bao quanh nó. Ngày nay chúng ta tự hỏi vì sao phải cẩn thận quá như vậy. Phải chăng chỉ vì sợ bị người ngoại chế diễu hay xúc phạm? Chắc chắn đã sợ như vậy, nhưng sâu xa hơn, đó là cách diễn tả một tình cảm tôn kính và sợ hãi tôn giáo trước việc Thiên Chúa quá gần gũi. Arcane (bảo mật) do “arca”, phát xuất từ động từ la tinh arcere có nghĩa là giữ ở ngoài xa, che giấu, không cho người phàm tục trông thấy. Chính vì vậy, trong các văn khắc hay tranh tường, người ta che giấu Thánh Thể không cho dân ngoại biết dưới hình thức các biểu tượng, chẳng hạn con cá. Có lẽ đã đến lúc tái lập luật bảo mật. Không phải trong hình thức, nhưng trong tinh thần. Ngày nay, không phải việc xúc phạm Thánh Thể (bất hạnh thay, điều này vẫn còn xẩy ra!) cho bằng nguy hiểm coi Thánh Thể là chuyện tầm thường; Thánh Thể chỉ còn là chuyện “bình thường”, mà người ta có thể coi nhẹ coi thường quá trớn. Chính các linh mục tiên vàn phải nhớ điều đó, vì chính họ mỗi ngày có quan hệ với Mình và Máu Đức Kitô, chính họ là những người “canh giữ”, nhiệm vụ mà Giáo Hội đã giao phó cho họ, cũng chính họ dễ bị quen quá hóa nhàm, dễ quên đây là về Thiên Chúa và phải thờ lậy Thiên Chúa. Khi là về Thiên Chúa, sự thân mật luôn phải đi đôi với sự kính trọng.
Huấn giáo đầu tiên về Thánh Thể, mà một cha sở đã dạy cho dân của ngài, là cách thức hiện diện trước bàn thờ và đi lại trước Thánh Thể. Có một cách bái gối trước nhà tạm có thể có giá trị như một bài giảng về sự hiện diện thật. Có biết bao nhiêu dấu chỉ nhỏ bé cho phép chúng ta hiểu Đức Giêsu được người ta cảm thấy đang hiện diện trong một cộng đồng Kitô giáo đến mức nào: khăn bàn thờ luôn sạch sẽ, một bình hoa, chỉ cần một bình, nhưng là hoa tươi, đèn nhà chầu luôn sáng… Đừng khinh chê quá dễ dàng những dấu chỉ bên ngoài; nếu Con Thiên Chúa đã không coi thường việc bày tỏ tình yêu của Ngài đối với ta qua những dấu chỉ như dấu chỉ Thánh Thể, tại sao chúng ta lại sợ bày tỏ cho Ngài tình yêu của chúng ta qua các dấu chỉ? Chắc chắn Đức Giêsu không ngừng lại ở các cử chỉ của thân xác, nhưng ở những tình cảm thúc đẩy trái tim của Ngài; chính chúng ta cần những cử chỉ của thân xác để khơi dậy những tình cảm của tâm hồn và diễn tả chúng ra. Sự sốt sắng và tế nhị (chứ không phải sự mầu mè) đối với Thánh Thể trong nhà thờ cho thấy lòng tin và đạo đức của linh mục và của cộng đồng tụ họp nhau trước Thánh Thể.
“Nếu tôi có thể tin rằng trên bàn thờ thật sự có Thiên Chúa, tôi tưởng mình sẽ quỳ xuống và không thể đứng dậy nữa”. Đó là suy nghĩ của một người đã không tin vào sự hiện diện thật. Có lẽ đó không phải là điều Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta, vì cũng còn có những bổn phận bác ái và phục vụ anh em; Ngài không đòi chúng ta luôn quỳ gối về phương diện thể lý, nhưng chắc chắn Ngài đòi hỏi một cách thiêng liêng, trong tâm hồn ta. Có thể giữ tâm hồn mình trong trạng thái tôn thờ trước Thánh Thể, trong khi bàn tay chúng ta vẫn làm việc, tha tội, viết lách. Đời sống của mọi Kitô hữu, đặc biệt tu sĩ và linh mục, phải hướng về nhà tạm. Theo một truyền thống rất lâu đời, các nhà thờ luôn “hướng về”, tức hướng về phía Đông, vì Đức Kitô đã chịu chết và sống lại ở phía Đông, ở Giêrusalem. Đền thờ là tâm hồn chúng ta cũng phải hướng về phía Đông, về Mặt Trời Công Chính, từ Thánh Thể, rạng ngời trên Giáo Hội. Theo lời Đức Giêsu nói, kho tàng của chúng ta ở đâu thì lòng chúng ta cũng ở đó (x. Mt 6,21), nhưng kho tàng lớn nhất của chúng ta trên thế giới này (“kho tàng giấu trong thửa ruộng”), chính là Đức Giêsu Thánh Thể; vậy ước gì lòng chúng ta ở đó, ước gì lòng chúng ta trở lại đó sau giấc ngủ ban đêm và ước gì lòng chúng ta tìm chỗ chắc chắn trước nhà tạm. Phải, có thể quỳ lâu giờ trong tinh thần trước Thánh Thể, ngay cả trong lúc làm việc, hoặc khi du hành trong xe lửa…
Hồi tâm là chuyện quan trọng, hiện diện với Đấng đang hiện diện. Như chúng ta đã thấy, hiện diện đòi người khác cũng phải hiện diện, nhưng rất nhiều khi chúng ta lại vắng mặt. Nếu Thiên Chúa là “Đấng đang có mặt ở đây” thì con người lại “không có mặt ở đây”, sống ở ngoài, vong thân, “ở miền xa”. Khi nghĩ lại giai đoạn trước ngày hoán cải, thánh Augustinô đã buồn bã mà kêu lên: “Chúa đã ở với con, mà con lại không ở với Chúa” (Conf. X, 27). Để gặp Đức Giêsu trong Thánh Thể, phải trở lại vào bên trong chính mình.
Khi các môn đệ Emmau “nhận ra” Chúa lúc Ngài bẻ bánh, ngay lập tức, không cần biết là “trời đã muộn”, họ chạy đi báo tin cho các môn đệ khác ở Giêrusalem. Người đã thực sự nhận ra Chúa trong Thánh Thể tức khắc trở thành tông đồ của sự hiện diện thật. Đức tin kéo theo kinh nghiệm và kinh nghiệm kéo theo chứng từ. Gioan Tẩy Giả là khuôn mẫu vô song của cách rao giảng mầu nhiệm hiện diện thật: không phải bằng nhiều lời, như tôi đã làm trong bài suy niệm này, nhưng chỉ “bằng quyền năng của Thần Khí”, khi ông kêu lên: “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,26). Gioan là người chỉ đường, là người giơ ngón tay, mạnh mẽ chỉ cho thấy hướng chính xác; ông nói: Đây Chiên Thiên Chúa! Tất cả môn đệ của ông nhìn về hướng đó, và bỏ ông để theo Con Chiên (x. Ga 1,35).
Chúng ta đã suy niệm về sự hiện diện thật của Đức Giêsu ở giữa chúng ta. Cuối cùng chúng ta nhớ rằng sự hiện diện ấy không chỉ là một ân huệ, mà còn là một trách nhiệm. Ngày đó, Đức Giêsu nói: “Nữ hoàng phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salomon; mà đây thì còn hơn vua Salomon nữa” (Mt 12,42).
(R. Cantalamessa, L’Eucharistie, notre sanctification, ed. Centurion 1989, ch. VI)
Lm Micae Trần Đình Quảng