GIÁO XỨ TÂN HÓA
60 NĂM THÀNH LẬP GIÁO XỨ (1955-2015)
15 NĂM CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG (2000-2015)
- Lược sử giáo xứ Tân Hóa
Giáo xứ Tân Hóa được khai sinh vào ngày Lễ Đức Mẹ Xác Hồn Lên Trời, 15/8/1955, ngày Cha Cố Phaolô Đỗ Ngọc Bảo đưa nhóm giáo dân đầu tiên khoảng 500 người đến đây lập nghiệp. Đa số là giáo dân từ giáo phận Thanh Hóa vào Nam năm 1954. Một số ít từ giáo phận Phát Diệm, Bùi Chu, Thái Bình.
Chỉ vài ngày sau, trên đỉnh đồi, nơi tọa lạc thánh đường ngày nay, đã dựng một lều tạm làm nơi thờ tự. Thánh Lễ đầu tiên được cử hành vào ngày 22/8/1955, ngày lễ Trái Tim Vô nhiễm Đức Mẹ. Ngày 1/5/1956, giáo xứ đã khởi công xây dựng nhà thờ, khánh thành vào ngày 22/8/1962, ngày lễ Bổn mạng Giáo xứ (từ năm 1969, Lễ Trái Tim Đức Mẹ được cử hành ngay sau ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu). Năm 1988, Cha Cố Phaolô lâm bệnh và qua đời ngày 11/6/1996, hưởng thọ 83 tuổi. Với 36 năm làm quản xứ, Cha Cố Phaolô đã có công lớn lao trong việc hình thành và phát triển giáo xứ Tân Hóa về mọi mặt.
Từ tháng 11 năm 1991, Cha Phó Alphongsô Trần Khánh Thành làm Quyền Quản xứ, đến tháng 7 năm 1992 đi du học. Từ tháng 7 năm 1992 đến tháng 9 năm 1993, Cha Phaolô Dương Công Hồ về giúp Giáo xứ.
Ngày 30/9/1993, Cha Đa Minh Nguyễn Chu Truyền được bổ nhiệm làm Quản xứ cho đến ngày 6/8/2014. Trong 20 năm làm quản xứ, Cha Đa Minh đã giúp giáo xứ Tân Hóa có những bước chuyển mình đáng kể. Song song với việc xây dựng đời sống tâm linh, Cha Đa Minh đã lo xây dựng ngôi thánh đường mới, được cung hiến vào ngày 22/8/2000, đến ngày mai là được tròn 15 năm. Cha Đa Minh còn chăm lo cho các giáo họ, trong đó có những giáo họ đã được nâng lên giáo xứ.
– Ngày 8/8/2014, Cha Giuse Phạm Văn Thống nhận chức quản xứ giáo xứ Tân Hóa.
Trong lịch sử hình thành và phát triển, cùng cộng tác với Cha Xứ, có nhiều linh mục đã được bổ nhiệm làm Cha Phó giáo xứ Tân Hóa và nhiều chủng sinh, tu sĩ được sai đến giúp xứ.
Trong 60 năm qua, song song với việc xây dựng trung tâm thờ tự của xứ, giáo dân cũng đồng tâm nỗ lực vừa kiến thiết khu vực giáo xứ vừa dần dần ổn định cuộc sống của mình. Tuy xuất thân từ nhiều địa phương khác nhau, đa số đều thuộc thành phần nông dân và ai nấy đều cần cù kiên nhẫn trong việc khai phá một miền đất hoang vu rậm rạp. Nhờ tinh thần hăng say lao động, chỉ sau một thời gian ngắn, những quả đồi dốc dác và những khu rừng thông cằn cỗi đã biến thành những vườn trà, vườn cà phê xanh tươi. Ðồng thời, nhờ tinh thần đoàn kết và quan tâm đến việc chung, con đường chính dẫn đến nhà thờ và các ngã đường dẫn vào các họ cũng được trải đá tráng nhựa sạch sẽ. Giáo xứ Tân Hóa có nhiều hội đoàn sinh hoạt, ban hành giáo năng động, đặc biệt có nhiều ơn gọi linh mục, tu sĩ. Hiện nay giáo xứ đã đạt tới con số giáo dân khoảng 9000 người.
- Phúc Âm hóa Giáo xứ
Mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo xứ trong Năm Phúc Âm hóa Giáo xứ, ước gì chúng ta nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng Giáo xứ để trở thành một cộng đoàn đức tin, phụng tự và bác ái, nhằm trở thành một cộng đoàn truyền giáo, tức là một cộng đoàn biết Phúc Âm hóa theo mẫu gương của các tín hữu được ghi trong sách Công vụ Tông đồ: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng… Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau… Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2, 42-27).
Cộng đoàn tín hữu đầu tiên đã sống được như thế là nhờ tác động của Chúa Thánh Thần nơi mọi thành phần dân Chúa. Mọi người chúng ta, giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân, tất cả đều cần luôn cậy dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần hơn là dựa vào tài sức riêng của con người.
Chúng ta cầu nguyện với Đức Maria, bổn mạng của Giáo xứ, bầu cử cùng Chúa Thánh Thần ban nhiều ơn lành xuống cho mọi người và từng người chúng ta luôn biết noi gương Đức Mẹ sống theo Thánh Thần, nhằm đạt được những hoa quả của Thánh Thần mà thánh Phaolô đã viết trong thư gửi tín hữu Galata: “Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt… Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa. Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ… Những ai thuộc về Đức Ki-tô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5, 16-24).
Ước gì được như vậy – Amen.