“Ngươi hãy nhớ ngày sabát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sabát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào”(Xh 20,8-10)
“Ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát. Bởi đó, con người làm chủ luôn cả ngày sabát” (Mc 2,27-28)
Điều răn thứ ba dạy ta phải thánh hóa ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc khác bằng việc tham dự Thánh lễ, tránh mọi hoạt động làm ngăn trở việc thờ phượng Chúa, cũng như việc nghỉ ngơi cần thiết cho tinh thần và thể xác.
I. NGÀY SABÁT
“Trong sáu ngày, người ta sẽ làm việc, nhưng ngày thứ bảy là ngày sabát, một ngày nghỉ hoàn toàn dâng Đức Chúa”(Xh 31,15). Đối với dân Israel, ngày sabát là ngày thánh hiến cho Thiên Chúa. Ngày đó nhắc lại công trình sáng tạo của Thiên Chúa (x.Xh 20,11) và tưởng nhớ công cuộc giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập (x. Đnl 5,15). Như vậy, dân được chọn phải tuân giữ ngày sabát như dấu chỉ của giao ước vững bền. Ngày sabát không những dành để ca tụng công trình sáng tạo và giải phóng mà còn là ngày nghỉ ngơi của dân Chúa theo mẫu gương của chính Thiên Chúa, “vì trong sáu ngày Đức Chúa đã dựng nên trời đất, nhưng ngày thứ bảy, Ngài đã ngưng các việc và nghỉ ngơi” (Xh 31,17). Đức Giêsu đã nhiều lần giải thích ý nghĩa đúng đắn của ngày sabát, cũng như việc tuân giữ ngày đó theo ý định của Thiên Chúa (x.Mc 2,27-28;3,4).
II. NGÀY CHÚA NHẬT
Người Kitô hữu thay thế ngày sabát bằng ngày Chúa nhật vì ngày Chúa nhật là ngày phục sinh của Đức Kitô. Là “ngày thứ nhất trong tuần” (Mc 16,2) ngày Chúa nhật gợi lại cuộc sáng tạo lần thứ nhất; là “ngày thứ tám” tiếp sau ngày sabát, ngày Chúa nhật biểu trưng một cuộc sáng tạo mới được khởi đầu bằng cuộc phục sinh của Đức Kitô. Như thế, đối với các Kitô hữu, ngày Chúa nhật trở thành ngày thứ nhất của mọi ngày và của tất cả mọi ngày lễ: ngày của Chúa; trong ngày này, nhờ cuộc Vượt qua, Đức Kitô hoàn tất ý nghĩa thiêng liêng ngày sabát của người Do thái và loan báo sự an nghỉ đời đời của con người trong Thiên Chúa. “Những người sống trong trật tự cũ của vạn vật, đã đi tới một niềm hy vọng mới: họ không giữ ngày sabát nữa, nhưng họ giữ ngày Chúa nhật, là ngày mà cuộc đời của chúng ta được chúc phúc bởi Chúa và bởi sự chết của Người” (Thánh Inhaxiô Antiôkia).
III. THÁNH LỄ CHÚA NHẬT
Ngay từ thời các Tông Đồ, Chúa nhật là ngày tập họp các tín hữu để cử hành Thánh Thể. “Chúa nhật là ngày mà theo Truyền thống Tông Đồ, mầu nhiệm Phục sinh vẫn được cử hành, sẽ phải giữ trong toàn thể Hội Thánh, như ngày lễ buộc chính yếu” (GL 1246). Tất cả các tín hữu trong cộng đoàn Giáo xứ họp nhau cử hành Thánh Lễ Chúa nhật chung quanh linh mục được Đức Giám Mục ủy quyền. Chính tại cộng đoàn Giáo xứ mà sinh hoạt Phụng vụ, việc dạy Giáo lý và các công tác từ thiện được hình thành và phát triển.
IV. THÁNH HÓA NGÀY CHÚA NHẬT
1. Tham dự Thánh Lễ: “Các tín hữu buộc phải tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc khác” (GL 1247), vì toàn bộ đời sống người Kitô hữu được đặt nền tảng trên sự chết và sự sống lại của Chúa. Khi dự Thánh lễ Chúa nhật, người tín hữu:
* Biểu lộ sự gắn bó và lòng trung thành của mình với Đức Kitô và Hội Thánh.
* Bày tỏ sự hiệp thông đức tin và đức mến đối với Chúa và với nhau.
* Làm chứng cho sự thánh thiện của Thiên Chúa và niềm hy vọng của mình vào ơn cứu độ.
* Làm cho nhau nên vững mạnh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Ngoài ngày Chúa nhật, người tín hữu còn phải giữ những ngày Lễ trọng sau: Lễ Chúa Giáng sinh, lễ Hiển linh, Lễ Chúa Lên trời, Lễ Mình Máu Chúa, lễ Mẹ Thiên Chúa, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, lễ Đức Mẹ Lên trời, lễ Thánh Giuse, lễ Thánh Phêrô và Phaolô, lễ Các Thánh (GL 1246).
2. Nghỉ việc xác: Ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc khác, các tín hữu còn phải kiêng làm việc xác và những công việc gây trở ngại cho việc thờ phượng Thiên Chúa, cho niềm vui riêng trong ngày của Chúa, cũng như việc nghỉ ngơi cần thiết cho tinh thần và thể xác.
Tuy nhiên, trong ngày Chúa nhật, các Kitô hữu có thể làm những việc liên quan đến nhu cầu của gia đình hay lợi ích lớn lao của xã hội, với điều kiện những hoạt động này không tạo thành những thói quen có hại cho việc thánh hóa ngày Chúa nhật, cho cuộc sống gia đình hay cho sức khỏe.
Người tín hữu phải nêu gương công khai về cầu nguyện, thờ phượng và sống vui tươi trong ngày của Chúa và bảo vệ truyền thống nghỉ ngơi ngày Chúa nhật, lễ trọng như một đóng góp quý báu cho đời sống tinh thần của nhân loại.